Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ ba/Đời thuộc về Tây Hán

ĐỜI THUỘC VỀ TÂY HÁN

Tân-Vỵ, — năm đầu hiệu Nguyên-Phong bên Hán, (110 tr. T. L.) — Nước Việt ta đã thuộc về Hán, Hán lấy Thạch-Đái làm Thái-Thú chín quận.[1] — Phép đời Hán lấy châu coi quận. Trừ Châu-nhai, Đam-Nhĩ đều ở trong biển, còn bẩy quận thuộc Giao-châu Đái làm Thái-Thú cả châu. Dinh coi việc của Thái-Thú đời Tây-Hán ở Long-Uyên, tức là Long-Biên; đời Đông-Hán ở My-Linh, tức là Yên-Lãng.[2] Kịp khi Đại mất, Hán Chiêu-Đế cho Chu-Chương sang thay. Đến cuối đời Vương-Mãng, viên Mục Giao-châu là Đặng-Nhượng cùng các quận đóng bờ cõi tự giữ mình. Tướng Hán là Sầm-Bành vốn quen thân với Nhượng, viết thư cho Nhượng, bầy tỏ oai đức nhà Hán. Vì thế Nhượng đem Thái-Thú Giao-Chỉ là Tích-Quang cùng Thái-Thú các quận là bọn Đỗ-Mục, sai sứ dâng cống sang Hán. Hán đều phong làm Chư-hầu. Khi ấy là năm Kỷ-Sửu, năm thứ 5 đời Hán-Quang-Vũ. Tích-Quang quê ở Hán-Trung, ở Giao-Chỉ, đem lễ nghĩa dậy dân. Lại lấy Nhâm-Diên làm Thái-Thú quận Cửu-Chân[3]. Diên quê ở Uyên. Tục dân Cửu-chân lấy đánh cá, săn bắn làm nghề, không làm việc cầy cấy. Diên bèn dậy dân vỡ ruộng, hàng năm cầy cấy, trăm họ được no đủ. Dân nghèo không tiền làm lễ cưới... Diên sai các quan đầu huyện trở xuống bớt bổng lộc để giúp đỡ cho. Đồng thời lấy được vợ tới hai nghìn người. Coi việc bốn năm triệu về. Người Cửu-Chân lập đền thờ ông; đẻ con ra đều đặt tên là Nhâm. Văn-phong ở Lĩnh-Nam bắt đầu tự hai quan Thái-Thú ấy.

Kỷ-Hợi, năm thứ 15 hiệu Kiến-Vũ đời Hán Quang-Vũ Lưu Tú (39 sau T. L.) — Thái-Thú Giao-Chỉ là Tô Định[4] làm việc tham lam, tàn bạo. Trưng Nữ-vương dấy quân đánh nó.

Trở lên thuộc Hán từ Tân Vị đến Kỷ-Hợi gồm 149 năm.

Phụ chú

  1. « Xét ra phép đời Hán, châu thì đặt Thứ sử, quận thì đặt Thái Thú. Sử cũ chép: « Thạch-Đái làm Thái Thú chín quận, há có lẽ một người coi cả việc chín quận? Nay theo sử Ngô Thì Sĩ cải chính lại. (Chép là: « Hán lấy Thạch Đái làm Thứ-sử bộ Giao-Chỉ ») (K. Đ. V. S.)
  2. « Hán đặt bộ Giao-Chỉ, trị sở ở Liên-Thụ. Năm thứ 5 hiệu Nguyên-Phong, dời sang huyện Quảng Tín ở Thương-Ngô. Đến năm thứ 15 hiệu Kiến-An, dời sang huyện Phiên-Ngu. Đời Ngô lại dời sang Long-Biên mà đặt ra Quảng-Châu ở Phiên-Ngu. Coi đó thì Tây-Hán chưa từng đóng ở Long-Uyên; Đông Hán chưa từng đóng ở My-Linh. Sử cũ sợ có lầm. — Liên-Thụ, tên huyện, thuộc Giao Chỉ, nay xã Lũng-Khê, huyện Siêu-Loại, tỉnh Bắc Ninh, còn có nền thành cũ. Long-Uyên, tức Long Biên, tên huyện đời Hán, thuộc Giao-Chỉ, dinh quận đời Đông-Hán đóng ở đấy. Theo Thủy-kinh chú: « Năm thứ 13 đời Kiến-An nhà Hán, khi mới lập thành, có giao long (thuồng luồng) quấn quít ở hai bến Nam, Bắc trên sông, bèn đổi tên là Long Uyên ». Nhà Lý đóng đô ở đấy, đồi tên là Thăng-Long. Trần, Lê theo tên ấy. Nay là tỉnh thành Hà Nội. My-Linh, theo Dư-Địa chí của Nguyễn-Trãi, thì là Phúc-Thọ; theo Vân-đài loại-ngữ của Lê Quý Đôn thì là Phong-Châu; theo Đường Địa-lý-chí thì ở đất hai hạt Phúc-Lộc, Đường Lâm; theo Văn-Hiến thông-khảo thì Gia Ninh, Thừa Hóa, Tân Xương đầu là đất huyện My-Linh đời Hán. Lại theo Đường-Thư thì Phong Châu gồm 5 huyện là Gia Ninh, Thừa hóa, Tân Xương, Cao-Thượng, Lục-châu. Vậy thì My-linh tức là Phong châu.— Quảng tín, theo Phương-Dư kỷ yếu thì thuộc ​về Thương Ngô, tức Ngô-châu ngày nay. (K. Đ. V. S. cuốn II)
  3. « Hậu-Hán-thư: Năm đầu hiệu Kiến-Vũ, Nhâm-Diên được triệu cho làm Thái-Thú Cửu-Chân. Tục Cửu-Chân không biết cầy cấy..., thường đong thóc ở Giao-Chỉ và thường bị túng thiếu. Diên bèn sai đúc các đồ làm ruộng, dậy cho khai khẩn. Mỗi năm ruộng mở thêm rộng, trăm họ được no đủ. Lại dân Lạc-Việt không có lễ giá-thú! Diên bèn sức các thuộc-huyện, cho trai từ 20 đến 50 tuổi, từ 15 đến 40 tuổi, đều sóng tuổi mà lấy nhau. Kẻ nào nghèo không đủ lễ cưới, thì bắt các quan đầu huyện trở xuống, đều bớt bổng lộc để giúp... Năm ấy gió, mưa phải thời, mùa màng được lớn. Kẻ sinh con từ đó mới biết có họ, đều nói: « Làm cho chúng ta có đứa con này chính là ông Nhâm. » Phần nhiều đặt tên con là Nhâm... Người Cửu Chân lập đền thờ sống ông, khi ông bị triệu về. Lại về đời Hán Bình đế, Tích Quang làm Thái Thú Giao Chỉ, đem lễ-nghĩa dậy dân. Năm đầu hiệu Kiến-Vũ được phong làm Diêm-Thủy-hầu. Dân Lĩnh-Nam theo phong-tục Trung-Hoa, bắt đầu từ hai người ấy ». Lời phê của vua Tự-Đức: « Triệu Đà vốn người Tầu, trị nước, truyền đời đã ngót trăm năm. Xem bức thư Đà trả lời Văn Đế thì là người vốn có học-thức. Có lẽ nào lại chưa biết dậy dân cầy cấy, cưới xin, ​mà phải đợi đến hai quan Thú? Huống chi lại nói: « Đồng thời cưới gả đến hơn hai nghìn! » Đủ thấy ghi chép mất thực, không đủ cho người tin. » (K. Đ. V. S. cuốn II) Theo ý kẻ dịch thì lời bàn của Nhà-vua cũng không đủ lẽ. Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngu, cách Cửu-Chân rất xa. Cho nên việc cai trị hạt ấy giao vào tay một viên Điển-sứ. Như vậy, rất có thể chưa từng đem văn hóa Tầu mà deo rắc vào đất ấy. Hãy xem như các dân Thổ, Mán trong nước ta, trải bao nhiêu đời chịu quyền cơ-my của các triều vua ta, mà ngày nay sinh-hoạt và phong-tục họ, còn xa với người Kinh chúng ta bao nhiêu?...
  4. Theo K. Đ. V. S. thì Tô-Định sang nhận chức từ năm Giáp-Ngọ (34 sau T. L.)