Đường kách mệnh/Kách mệnh Pháp

1. Vì sao Pháp có phong triều cách mệnh?

Hồi thế kỷ thứ 18, vua thì kiêu xa dâm dật, quý tộc và bọn cố đạo thì hoành hành; thuế nặng dịch phiền, dân tình khốn khổ.

Phần thì Canađa và Ấn Độ, nguyên là thuộc địa Pháp, nay bị Anh vơ mất.

Phần thì những người học thức như ông Môngtexkiơ (1755), Vônte và Rútxô (1778) tuyên truyền chủ nghĩa tự do bình đẳng.

Phần thì phong triều kách mệnh Anh (ông Krômven chém vua Anh và lập Cộng hoà Chính phủ năm 1653) còn mới, và phong triều dân chủ Mỹ (1776) vừa qua.

Nhất là vì tư bản mới bị tụi phong kiến ngăn trở, dân thì bị vua, quý tộc và cố đạo áp bức. Vậy nên tư bản mới liên hiệp với học trò, dân cày và người thợ để phá phong kiến.

2. Kách mệnh Pháp khởi từ bao giờ?

Vua thấy dân chộn rộn, thì bắt bớ những người tuyên truyền và tổ chức. Dân thấy vậy thì tức quá, đến ngày 14 tháng 7 năm 1789 kéo nhau đến phá khám lớn (Baxti). Vua đem lính về giữ kinh đô; dân lại tổ chức kách mệnh đội để phòng chống lại. Vua lui ra ở tại tỉnh Vécxây.

Ngày 5 tháng 10 năm ấy, thợ thuyền đàn bà con gái Pari kéo nhau đến Vécxây bắt vua về khai hội, và ký tờ tuyên ngôn:

1. Là bỏ chế độ phong kiến, giải phóng nông nô.

2. Là đem của các nhà thờ đạo làm của Nhà nước.

3. Là cho dân tự do làm báo, tổ chức, vân vân.

4. Là lập hiến pháp, nghĩa là vua không được chuyên quyền.

1792, vì vua cầu cứu với ngoại quốc và thông với bọn phản cách mệnh, dân mới bỏ vua mà lập ra cộng hoà.

1793, ngày 21 tháng 1 làm án vua và vợ con vua là phản quốc tặc, rồi đem ra chém.

3. Các nước Âu châu đối với kách mệnh Pháp thế nào?

Dân các nước thì đều mừng thầm và tán thành. Nhưng vua và quý tộc các nước thì sợ dân mình bắt chước dân Pháp, cho nên bên ngoài chúng nó liên binh đánh kách mệnh mà bên trong thì giúp cho tụi phản cách mệnh.

Dân Pháp tuy lương thực ít, súng ống thiếu, nhưng chỉ nhờ gan kách mệnh mà trong dẹp nội loạn, ngoài phá cường quyền. Hồi ấy lính kách mệnh gọi là "lính không quần", người không có nón, kẻ không có giày, áo rách quần tua, mặt gầy bụng đói. Thế mà lính ấy đến đâu, thì lính ngoại quốc thua đấy, vì họ gan liều hy sinh quá, không ai chống nổi.

Thế thì biết: một người kách mệnh có gan, hơn một ngàn người vô chí.

4. Pháp kách mệnh đến mấy lần?

Năm 1792 đến 1804 Cộng hoà lần thứ 1. Năm 1804 Napôlêông phản kách mệnh lên làm hoàng đế.

Năm 1814 các nước đánh Napôlêông thua rồi đem dòng vua cũ lên ngôi đến 1848.

Năm 1848 lại kách mệnh lần thứ 2.

Năm 1852 cháu Napôlêông lại phản kách mệnh lên làm vua.

Năm 1870 nhân thua Đức, Napôlêông thứ 3 bỏ chạy, Pháp lại lập lên Cộng hoà lần thứ 3.

5. Pari Công xã (Commune de Paris) là gì?

Năm 1871 vua Pháp thua chạy rồi, lính Đức tới vây kinh đô Pháp là Pari. Tư bản Pháp cắt 2 tỉnh cúng cho Đức để cầu hoà. Vì giặc giã mà chết nhiều người, hại nhiều của. Dân không bánh ăn, thợ không công làm. Ngày 18 tháng 3, thợ thuyền Pari nổi lên làm kách mệnh cộng sản (Công xã).

Vì thợ thuyền còn non nớt, tổ chức không khéo, vả lại Đức giúp cho tư bản Pháp đánh lại thợ thuyền, nên cuối tháng 5 thì kách mệnh thất bại.

6. Mục đích Công xã ấy thế nào?

Khi vừa lấy được Pari rồi, thì Công xã lập lên Chính phủ dân và tuyên bố rằng Công xã sẽ thực hành những việc này:

1. Bao nhiêu cơ quan sinh sản riêng đều đem làm của công.

2. Tất cả trẻ con trong nước, bất kỳ con trai con gái, đều phải đi học. Học phí Nhà nước phải cho.

3. Dân có quyền tự do tổ chức, làm báo, khai hội, xuất dương, v.v..

4. Bất kỳ đàn ông đàn bà, ai cũng được quyền chính trị, tuyển cử và ứng cử.

5. Chính phủ tự dân cử lên, và dân có quyền thay đổi Chính phủ.

7. Kết quả Công xã ra thế nào?

Tư bản Pháp khi ấy như nhà cháy 2 bên, bên thì Đức bắt chịu đầu, bên thì kách mệnh nổi trước mắt. Tư bản Pháp thề chịu nhục với Đức, chứ không chịu hoà với cách mệnh. Đức thấy kách mệnh cũng sợ, cho nên hết lòng giúp tư bản Pháp đánh lại cách mệnh. Lúc Pháp vừa hàng, thì Đức bắt bỏ hết lính, chỉ cho 40.000 culít mà thôi. Khi kách mệnh nổi lên, Đức lại cho phép tư bản Pháp thêm lên 100.000 lính để dẹp cách mệnh.

Xem vậy thì hiểu rằng: "Tư bản không có Tổ quốc".

Dẹp được kách mệnh rồi thì tư bản ra sức báo thù. Nó giết hết 30.000 người cả đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con. Nó đày 28.000 người. Nó bắt giam 650 đứa trẻ con, 850 người đàn bà, 37.000 người đàn ông.

8. Kách mệnh Pháp đối với kách mệnh An Nam thế nào?

a) Trong 3 lần cách mệnh, 1789, 1848, 1870, đều vì dân can đảm nhiều, nhưng trí thức ít, cho nên để tư bản nó lợi dụng.

b) Pari Công xã vì tổ chức không khéo và vì không liên lạc với dân cày, đến nỗi thất bại.

c) Tư bản nó dùng chữ Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến. Khi dân đánh đổ phong kiến rồi, thì nó lại thay phong kiến mà áp bức dân.

d) Kách mệnh Pháp cũng như kách mệnh Mỹ, nghĩa là kách mệnh tư bản, kách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Kách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu kách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Kách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy.

9. Kách mệnh Pháp làm gương cho chúng ta về những việc gì?

Kách mệnh Pháp dạy cho chúng ta:

1. Dân chúng công nông là gốc cách mệnh, tư bản là hoạt đầu, khi nó không lợi dụng được dân chúng nữa, thì nó phản cách mệnh.

2. Kách mệnh thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công.

3. Đàn bà trẻ con cũng giúp làm việc kách mệnh được nhiều.

4. Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại.

5. Kách mệnh Pháp hy sinh rất nhiều người mà không sợ; ta muốn làm kách mệnh thì cũng không nên sợ phải hy sinh.