Đêm trăng chơi Hồ Tây

Đêm trăng chơi Hồ Tây
của Phan Kế Bính

Bài đăng trên Đông Dương tạp chí.

Trời tháng tám nhân buổi đêm trăng, giắt một vài anh em bơi một chiếc thuyền[1] nhỏ dong chơi trong hồ.

Hồ về thu, nước trong vắt, bốn mặt mênh mông. Trăng tỏa ánh sáng, dọi vào các gợn sóng lăn-tăn, tựa hồ hàng muôn hàng ngàn con rắn vàng bò trên mặt nước. Thuyền ra khỏi bờ độ ba con sào, thì có hây-hẩy gió động sóng vỗ rập-rình.

Một lát, thuyền đẩy về phía tây-bắc, vào gần một đám sen, bấy giờ sen tuy đã hồ tàn, nhưng vẫn còn lơ thơ mấy đóa hoa nở muộn, mà lá vẫn còn tươi tốt. Mùi hương đưa theo chiều gió ngào-ngạt trong thuyền, khiến cho lòng người càng thêm bát-ngát. Trong khi thừa hứng mà lại thêm có mùi hương thì cảnh khoái lạc biết là dường nào?

Đêm gần khuya, trăng đã xế ngang đầu, anh em cũng đã cạn hứng, muốn về nghỉ. Tôi tiếc cái thú đêm trăng đó, bảo buông lái cho thuyền tự ý đi vung một lúc rồi hãy về.

Thuyền theo gió, từ từ mà đi, ra tới giữa khoảng mênh-mông, tôi đứng trên đầu thuyền, ngó quanh tả hữu. Đêm thanh cảnh vắng, bốn bề lặng ngắt như tờ. Chỉ còn nghe mấy tiếng cá « tắc tắc » ở dưới đám rong, mấy tiếng chim nước kêu « oác oác » ở trong bụi niễng, cùng là văng-vẳng tiếng chó xủa, tiếng gà gáy ở mấy nơi chòm xóm quanh hồ mà thôi. Trông về đông-nam: kìa đền Quan-Thánh[2], đó chùa Trấn-Quốc[3]; trông về tây-bắc: đây đình Võng-thị, nọ văn-chỉ Tây-hồ; cây cối vài đám um-tùm, lâu-đài mấy tòa ẩn hiện; mặt nước phẳng lì tứ phía, da trời xanh ngắt một mầu; xem phong cảnh đó, có khác gì bức tranh sơn-thủy của Tạo-hóa treo ở trước mắt ta không? Tôi ngắm đi ngắm lại, lấy làm thích chí, song cũng vì cảnh tĩnh-mịch mà lại sinh ra ý ngại-ngùng, lòng ngao-ngán, và nỗi buồn tanh.

Hỡi ơi! Cái hồ này tương truyền ngày xưa là một trái núi đá nhỏ, về sau nước soáy thành hồ[4], chuyện đó đã bao lâu, hư hay là thực? Nào thuyền rồng vua Lê, nào hành-cung chúa Trịnh, cảnh thế nào, mà nay chỉ thấy một dòng nước biếc, mấy đám cỏ xanh? — Lại nhớ đến đời thượng cổ: có phải chỗ sương mù nghi ngút kia, là chỗ Trưng-vương đóng quân để chống nhau với Mã-Viện[5] đó chăng? — Lại nghĩ đến câu tục truyền: có phải chỗ nước sâu thăm-thẳm kia, là chỗ trâu vàng[6] ẩn-tích đó không? — Dù có dù không, dù còn dù hết, chẳng lấy gì làm quan-tâm cho lắm, song nghĩ đến các cảnh tượng đó thì không sao mà nguôi được tấm lòng thổn thức về cuộc tang-thương[7]!

Đang khi bồi-hồi ngơ-ngẩn thì trời ào ào như sắp đổ cơn mưa, vội vàng đẩy thuyền về nghỉ. Về đến nhà, cởi áo đi ngủ, suốt đêm mơ-mơ màng-màng, như vẫn còn linh-đinh trên mặt hồ!

   




Chú thích

  1. Ghe.
  2. Đền Trấn-võ thường gọi là đền Quan-Thánh, thờ ông Huyền-thiên-trấn-Vũ, ở cạnh hồ Tây thành-phố Hà-Nội.
  3. Chùa Trấn-quốc ở cạnh Tây-hồ, phong cảnh cũng đẹp, xưa vua Lê chúa Trịnh thường ngự ra chơi.
  4. Tục truyền hồ Tây xưa là một trái núi đá có con yêu cáo trắng ở, sau vua Thủy-tế dưng nước lên bắt cáo thì núi ấy xụt xuống thành đầm.
  5. Truyền rằng bà Trưng đánh nhau với Mã-Viện ở hồ Lãng-bạc (tên cũ của hồ Tây).
  6. Tục truyền khi ông Khổng-Lồ đúc một quả chuông lớn tại núi Phao-sơn về tỉnh Bắc-ninh đánh thử ba tiếng, có con trâu vàng tự bên Tàu tưởng là tiếng mẹ gọi (kêu) chạy sang vùng-vẫy hóa vực sâu.
  7. Tang thương: dâu, bể; đương bể xanh mà hóa ra nương dâu, cũng là cuộc biến đổi không thường.


 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


 
Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.