Ông già với mấy đứa con
Ông già kia khi gần qua đời nói với con rằng: “Ớ các con rất yêu dấu, bây bẻ bó giáo nầy coi thử được không, rồi tao giải nghĩa cho bây nghe, cái mối nó buộc những giáo ấy lại với nhau.” Người trưởng nam lấy bẻ hết sức không được, thì trả lời mà rằng: “Tôi nhường cho kẻ mạnh hơn.” Người thứ hai lãnh lấy, chuyển thần lực mà cũng chẳng ra chi. Người thứ ba cũng làm thử coi có được chăng. Hết thảy cả ba đều thất công vô ích. Bó giáo ấy còn nguyên hiện, chẳng cây nào gãy hết. Ông già mới nói: “Đồ yếu ớt ở đâu! Tao phải làm cho bây biết sức tao còn làm được việc như vậy”. Mấy người con tưởng nói chơi, nên chuốm chiếm cười, ai dè bẻ được: ông ấy mở bó giáo ra, thủng thẳng bẻ từ cây gãy ráo. Bẻ rồi mới nói cùng các con rằng: “Bây thấy sự hiệp giụm với nhau mạnh vậy chăng; ớ các con, hãy ở chung lại với nhau, phải thương nhau cùng ăn ở cho thuận hòa với nhau.”
Từ khi ông già ấy thọ bịnh nằm xuống, thì một lấy lời nầy mà nói cùng các con mà thôi. Đến khi ông ấy biết mình gần chết, thì nói rằng: “Ớ các con rất yêu dấu, từ giã các con, cha đi về quê kiểng tiên nhân ta; hãy hứa với cha một đều là anh em hòa thuận thương yêu nhau; phải chi cha được các con hứa lời ấy trước khi nhắm mắt.” Cả ba con trai ông già ấy, mỗi người và khóc và quyết chắc với cha đều ấy hết. Ông ấy nắm tay ba con mà chết.
Ba anh em hưởng một cái gia tài lớn lắm, mà rối việc quá: kẻ chủ nợ tịch ký, người láng diềng đi kiện. Đầu hết thì ba anh em gở xong việc. Anh em ở tử tế rất lạ, song không được bền: tình cốt nhục buộc nhau lại, sự tư lợi nó phân rẻ nhau ra. Người đốc vô, kẻ nói ra, anh em liền tương phân gia tài. Người giành cái kia, kẻ đòi chia món nọ, kẻ nhiều người ít, rày rà sanh ra kiện cáo; quan kia khi lấy cớ kia xử người anh thất, khi bắt tì nọ xử người em thất. Kẻ chủ nợ, người hàng xóm, thấy anh em bất bình, họ đầu vãi đơn vào, người kiện chuyện kia, kẻ thưa việc nọ. Ba anh em rẽ nhau, anh trái em, em nghịch anh, không ai theo ý ai: người muốn thuận, kẻ lại không. Gia tài sự nghiệp anh em nầy chẳng bao lâu, đều tan hoang hết.
Khi đó thoạt nhớ sự bó giáo hiệp lại rẽ ra, mới biết khôn thì đã dại rồi.