Ít lời lạm bàn về chính sách của ông Pasquier, quan toàn quyền mới Đông Pháp
Từ ngày bổn báo đăng tin ông Pasquier được bổ sang làm toàn quyền Đông Pháp, đồng nhân chúng tôi dầu nguội lạnh đến đâu cũng vẫn có ý trông mong. Vì rằng một ông quan cai trị ở đất An Nam trải bao nhiêu năm, bây giờ lại trở qua trọng nhiệm chức thủ hiến xứ nầy, tất nhiên là có những chánh sách hay bởi sự kinh nghiệm hằng lâu của mình vậy.
Sự trong mong ấy có mãn nguyện được không, còn phải đợi đến khi quan Toàn quyền Pasquier tựu lỵ năm bảy tháng một năm rồi mới biết. Song hiện nay, nhơn ngài đã lấy lời nói mà phô bày chánh sách của ngài, thì chúng tôi đây, một nhà ngôn luận, há lại chẳng nên cũng lấy lời nói mà lạm bàn về chánh sách của ngài đôi chút hay sao? Sự bàn luận ấy nếu có bổ ích cho ngài chăng, chúng tôi không dám biết; chỉ biết chắc rằng chúng tôi nói đây là đủ tỏ ra cái ý kiến và lòng nguyện vọng của một bọn người An Nam mà thôi.
Vẫn biết cuộc chánh trị ở xứ nầy, rút lại cũng chỉ "nói" là cùng, nhưng có lẽ nào vì cớ ấy mà chúng tôi nỡ làm thinh cho đành.
Mới rồi, đọc một tờ báo tây ở đây, thấy có đăng tin rằng:
"Một hôm Thần báo ở Paris phái người đến yết kiến ông Pasquier, hỏi ngài chuyến này sang Đông Pháp sẽ thi thố làm sao, thì ngài đáp rằng mình sẽ noi theo chánh sách của hết thảy các quan tiền lỵ mà chánh sách ấy tức là của nước Pháp; ngài định ý thiệt hành cuộc liên lạc các phần tử lương thiện[1] ở bổn xứ với dân Lang Sa, chẳng hề dung thứ cho sự phiến động hoặc sự gì đụng chạm đến trật tự và trị an, là những điều cần cho cuộc tấn bộ của thuộc địa".
Chúng tôi muốn nói, là vì mấy lời tuyên ngôn của ngài đó.
Thoạt đọc câu đầu hết, chúng tôi bất giác phải kính phục ngài, coi ngài gần như là đức Khổng Tử của chúng tôi. Vì xưa kia đức Khổng gồm có các đức tốt của đấng thánh, như lời Mạnh Tử nói, "Khổng Tử tập quần thánh chi đại thành"; mà ngày nay, ngài, ông Pasquier, thì noi theo chánh sách của hết thảy các quan tiền lỵ. Theo chúng tôi thấy thì hết thảy các quan Toàn quyền tiền lỵ ở đây, mỗi ông có một chánh sách khác xa chẳng nói làm chi; hẵng nói gần đây, ông Van Vallanhoven khác, ông Roume khác, ông Sarraut khác, ông Merlin khác, cho đến ông Varenne cũng khác, mà ông Pasquier thì noi theo hết thảy, sự ấy há chẳng đáng cho chúng tôi lấy làm kỳ dị mà khâm phục lắm sao!
Song le, "Khổng Tử tập quần thánh chi đại thành" thì còn có thể hiểu được, còn "Pasquier tập các Toàn quyền chi đại thành" thì chúng tôi phải lấy làm khó lòng mà hiểu. Bởi vì đạo đức và chánh trị hai bên phải có quan niệm khác nhau: về đạo đức, có thể cho phép một người gồm đủ các cái hay; về chánh trị, lẽ nào đã theo lối thành thiệt của ông Van Vallanhoven lại còn theo lối tinh khôn của ông Sarraut; đã theo cách quả quyết của ông Merlin lại còn theo cách do dự của ông Varenne được?
May mà ngài, ông Pasquier, đã cắt nghĩa cho chúng tôi. Liền theo đó, ngài nói rằng ngài định ý thiệt hành cuộc liên lạc các phần tử lương thiện ở bổn xứ với dân Lang Sa; còn những kẻ phiến động, làm hại đến trật tự và trị an thì ngài quyết không dung thứ.
Chúng tôi hiểu rồi. Chúng tôi hiểu rằng các quan toàn quyền tiền lỵ cũng vậy, mà quan toàn quyền sẽ tựu lỵ đây cũng vậy, dầu chánh sách khác nhau mặc lòng, song có một điều giống nhau là quyết không dung thứ những kẻ phiến động, làm hại đến trật tự và trị an.
Thế thì quan toàn quyền Pasquier ngày nay rắp toan "tập đại thành" các quan toàn quyền thuở trước, nào có khó gì!
Thế nhưng chúng tôi còn muốn tỏ một vài cái ý kiến tầm thường cùng quan Toàn quyền mới. Ý kiến ấy không phải chính của chúng tôi, mà là của đức Khổng Tử, là người chúng tôi đã đem ra so sánh cùng ngài ban nãy.
Đức Khổng Tử nói rằng: "Dân chi sở háo, háo chi; dân chi sở ố, ố chi". Nghĩa là, chánh phủ phải ưa những điều dân ưa, phải ghét những điều dân ghét. Lại nói rằng: "Nhân chi bất nhân, tất chi dĩ thậm, loạn dã". Nghĩa là, những người mình cho là bất nhân mà mình ghét họ quá thể, thì sanh ra loạn.
Trước hết xin quan Toàn quyền ta phải xét dân An Nam ngày nay ưa những điều gì, ghét những điều gì. Vì làm sao lại có sự phiến động? Có phải tại Chánh phủ không thuận theo sự ưa ghét của dân mà ra chăng? Có phải tại dân không thỏa được lòng nguyện vọng mà ra chăng? Nếu phải vậy thì Chánh phủ phải đổi chánh sách lại cho hiệp lòng dân, chớ sao lại cứ một mực "quyết không dung thứ"?
Những kẻ mà ngài cho là phiến động, làm hại trật tự và trị an đó, tưởng nên dùng cách nào làm cho họ phục tình mà quy thuận với Chánh phủ mới phải. Còn như cứ một mực không dung thứ, tức là ghét họ quá thể, theo Khổng Tử nói, loạn có thể bởi đó mà sanh thêm.
Nói vậy thì nói, chứ riêng về phần ông Pasquier thì đã có cái dấu tỏ ra cho ta đáng trông mong vào ngài.
Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn
Song cái câu nói ấy chẳng qua là phỏng chừng mà thôi, chẳng có bằng cớ nào đủ tin.
Nói sơ vài cột báo là cùng, mà có nói mấy đi nữa cũng đến nói là cùng, xin quốc dân dung thứ cho tôi là kẻ viết bài nầy.
C.D.
Chú thích
- ▲ Vì muốn dịch đúng theo tiếng Pháp nên chúng tôi cực chẳng đã phải để chữ "các phần tử lương thiện" nầy cho đúng với nguyên văn là "des élements saints". Chữ nầy có ý chỉ về những người hiền lành, một mực theo Chánh phủ Pháp ở đây, chưa hề nhiễm phải cái tư tưởng phản đối hoặc là tư tổng khác trái với cuộc bảo hộ của nước Pháp (nguyên chú của Phan Khôi)