"Trở vỏ lửa ra" Phan Khôi hay là: Trả Phan Khôi lại cho địa hạt của Phan Khôi
Người đời xưa bảo “không nên lấy tứ hại ý”. Ông Phan Khôi không nghe lời. Trong toàn quyển “Trở vỏ lửa ra”, ông Phan Khôi viết bằng một lối văn giống hệt của ông Ngô Tất Tố dùng viết “Tắt đèn”, của ông Hồ Biểu Chánh dùng viết “Nợ đời”, “Cười gượng”…
Ông Phan Khôi viết tiểu thuyết theo hồi tiểu thuyết chưa tiến bộ. Thử xem một đoạn văn của ông:
“Người đọc truyện nên nhận thấy chỗ này trước nhất: Hết thảy cái lịch sử của cô thiếu nữ bạc mạng ấy được chép lại đây cho bà con xem, chỉ bởi cô là một người con gái mà lại quyết lòng cầu học. Giá Nghi cứ làm như một người thường, như hàng triệu cô thiếu nữ khác, nghe lời cửu Thưởng mà thôi học đi, lấy chồng đi, thì có lẽ ngày nay chẳng những cô còn sống mà lại gia đình sầm uất, con cái sum sê, trở nên một bà nhà giàu sang trọng, chứ có đâu đến nỗi công bất thành, danh bất toại, rút cục chỉ một mảnh hồn thơ phiêu bạc ở đất người? Nhưng mà nếu thế, thì lại đã không có truyện rồi!” (trang 103)
Tất cả cái ngây ngô, cái non nớt trong nghệ thuật viết tiểu thuyết của ông Phan Khôi đều đủ cho ta thấy rõ trong mỗi một đoạn trên đây.
Đoạn trên đây là đoạn “rao” của ông Phan Khôi theo kiểu nhà tiểu thuyết Lê Văn Trương, mà không bì được Lê Văn Trương!
Hãy xin dẫn lấy một đoạn diễn tả tâm lý ái tình của ông Phan Khôi:
“Ái tình? Một người biết mình sẽ chết mà còn có ái tình được sao? Ôi! Duy có thế, mới là ái tình! Duy có thế, ái tình mới là thần thánh. Cũng duy có thế, cái thần thánh ấy mới chỉ là cái bình thường! Yêu trước khi gần chết thì cũng như ăn uống trước khi gần chết chứ có gì lạ! Người ta đã không vì có biết mình tuần sau chết mà tuần này bỏ ăn uống, thì có lẽ nào vì cớ biết mình năm sau chết mà năm nay bỏ yêu?”
Nghe cũng có lý mà trơ trẽn làm sao!
Mời bạn đọc đoạn diễn tả tâm lý ái tình này của thi sĩ Xuân Diệu mà so sánh:
“Sự rung động của nàng, Phi cũng biết đó là ái tình. Nhưng nàng yêu chính vì lòng nàng thích trong bầu không khí mới này, cũng gần đồng loại với cái thích dưới một sáng trăng. Nàng có tình một cách vô tình, như trẻ con như đàn bà. Nàng không viển vông, không nghĩ ngợi, nhất là không biết đến cái triết lý hứng khởi của tình yêu. Yêu là dễ, yêu là thường: một cách ăn cơm, một sự xô đây của trời đất”
Phan Khôi cố giải phẫu tình yêu cho dễ hiểu mà thành ra buồn cười. Xuân Diệu dửng dưng nói chuyện tình yêu mà thành ra sâu sắc.
Một già, một trẻ … một vấn đề.
Và kịch sĩ cổ điển Pierre Corneille lại nói: “La valeur n’ attend point le nombre des années”
(Giá trị không hề biết đợi niên kỷ)
Nhưng hãy trả lại Phan Khôi cái gì của Phan Khôi (Không Phan Khôi kêu ầm lên cho mà coi).
“Trở vỏ lửa ra” là truyện một cô gái, từ bé đến lớn đến chết, một lòng cầu học, để mong được bình quyền với đàn ông. Sau khi đậu bằng thành chung ở Sài Gòn, Nghi (tên cô gái) trở về Phan Thiết thăm dì và cám ơn bà giáo. Bà giáo hỏi Nghi định đi học nữa hay thôi, Nghi nói còn muốn học để đi thi tú tài. Nàng phô bày ý kiến với bà giáo:
“Con thường đọc báo, thấy có tờ báo cổ động nữ quyền. Họ làm vậy là hữu tâm với phụ nữ chúng ta lắm, nhưng đàn bà con gái không học, hay là học mà chỉ học đến ấu học tiểu học thì còn mong bình quyền với ai? Bởi vậy con muốn học lên nữa, sức theo được tới đâu thì theo tới đó”.
Mỹ ý đối với phụ nữ, ông Phan Khôi không phải chỉ mới có với tiểu thuyết “Trở vỏ lửa ra”, mà đã có trước kia trên mặt tờ “Phụ nữ tân văn” của ông Nguyễn Đức Nhuận, do ông chủ trương rồi. Hay nói khác: “Trở vỏ lửa ra” sở dĩ có, là nhờ cái mỹ ý trước kia ấy còn sót lại…
“Trở vỏ lửa ra” có hai nhân vật chính: 1/ Nghi: được ta thương hại, vì quá ham học, đến chịu kham khổ mà ho lao chết. 2/ Cửu Thưởng: anh họ của Nghi mà ta bắt ghét, ghét đến dòng cuối của quyển truyện, nó là bức thư này của va trả lời cho Hà Văn Hải, sinh viên trường thuốc, tình nhơn của Nghi đã viết cho va:
“Quy Nhơn, ngày 20 Janvier 1930, Kính quan lớn,
Tôi có được tin quan lớn cho biết rằng con Nghi, em gái tôi, đau nặng lắm, không thể qua được: bảo tôi như có ra cho kịp thấy mặt em thì ra ngay mới kịp.
Cảm ơn quan lớn.
Nhưng mà em tôi nào có phải như em người ta? Nó đã đứng đơn kiện tôi; và còn, từ nhỏ đến lớn, nó đều phản đối tôi trong mọi việc. Tôi còn anh em gì với nó.
Chẳng những thế, nó làm thân con gái, chưa có chồng, mà nó đi luôn, đi Nam rồi Bắc; ngày ông ngày bà, cho đến ngày cha mẹ banh da nẻ thịt đẻ nó ra nữa nó cũng không về. Ngày nay nếu nó đến nỗi chết đường chết sá như thế là có lẽ bởi vong linh tiên nhân nhà tôi bắt nó, vì nó đắc tội nhiều lắm!
Quan lớn có rộng ơn cho nó vài nhát cuốc là quý lắm rồi, tôi có ra làm gì!
Viết hộ được bức thư cho Cửu Thưởng, Phan Khôi đã nắm được chìa khóa của Nguyễn Công Hoan thời xưa (chớ bây giờ, Nguyễn quân đã là anh “kép Tư Bền” hết thời rồi!) lấy lòng yêu của độc giả.
Đã lấy của Phan Khôi cái dở, là trả Phan Khôi cái hay, giờ xin kết luận:
“Trở vỏ lửa ra”, quyển truyện đầu tay (theo lời Phan Khôi tuyên bố) của Phan Khôi, quyết phải là quyển truyện chót của Phan Khôi vậy!
Ông Phan Khôi nên dành để nghệ thuật quý báu của mình (nghệ thuật khảo cứu) mà phụng sự những điều mình sở đắc.
Tiểu thuyết không phải địa hạt của Phan tiên sanh.
Chúng tôi thành kính quy tiên sanh về địa hạt của tiên sanh: khảo cứu đề tài tư liệu.
Chúng tôi thành thật: Với tiểu thuyết “Trở vỏ lửa ra” tiên sanh;
Với khảo cứu, đề tài tư liệu. “Trở vỏ lửa ra” vào tiên sanh.
Và mong tiên sanh đừng để nhà xuất bản Tân Dân lợi dụng tên “Phan Khôi” của tiên sanh mà bán “Phổ thông bán nguyệt san” cho chạy.
Một tấm lòng…
Mong tiên sanh biết bao!