Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta đến ngày nay/Cuốn 5

NGÔ-TẤT-TỐ SOẠN

NHỮNG TRẬN ĐỔ MÁU HỒI NGƯỜI
Pháp mới sang ta đến ngày nay

Ông Võ-trọng-Bình tổng-đốc Nam-định

Có đủ hình vua Hàm-nghi hồi mới lên ngôi, và bây giờ, vua Đồng-khánh, Thành-thái, Duy-tân vua Bảo đại cùng các yếu-nhân Pháp, Nam như: Tôn-thất thuyết; Nguyễn-văn-tường Hoàng-diệu, Phan-thanh-Giản, Nguyễn tri-Phương vân vân

nhat-nam thu-quan
102 Hàng Gai Hanoi, xuất-bản giữ bản quyền
cuốn 5 thất-thủ thành Nam-định GIÁ 3 XU
CÓ ĐỦ CÁC HÌNH ẢNH VỀ CUỘC ẤY

IV. — Quân Pháp lại đánh thành Nam-Định

Được tin Hà-nội thất-thủ lần nữa, vua quan trong Huế đều lo-sợ và đều lấy làm ngạc-nhiên.

Thông-thương tự-do rồi, truyền-giáo tự-do rồi, hòa-ước ký rồi, sáu tỉnh Nam-kỳ nhường rồi. Những khoản mà người Phú-lãng-xa yêu-cầu từ trước đến nay. An-nam đã vâng chịu cả rồi. Vậy mà người ta vẫn còn hầm-hè gây cuộc binh-đao, không để cho mình được yên. Thế thì ý họ ra sao? Bởi vậy, Vua và các quan đều không giám tin người Pháp.

Qua mấy buổi đình-thần bàn đi bàn lại, vua Tự-đức một mặt sai người ra Bắc-tế Hoàng diệu, một mặt giáng-chỉ cho quan Kinh-lược chánh-sứ Nguyễn-chính, Kinh-lược phó-sứ Bùi-ân-niên (Bùi-dỵ) phải lập tức rút quân về mạn Mỹ-đức, hiệp sức với quan tổng-thống quân-vụ Hoàng-kế-Viên chống giữ quân Phú-lãng-sa. Chờ khi tiện dịp, sẽ cùng kéo lên lấy lại thành Hà-nội.

Dò biết việc đó, quan Khâm-sứ Rheinart tức thì vào triều điều-đình. Nói rằng cái việc phá thành Hà-nội là một sự đừng chẳng được mà phải làm, chủ ý nước Phú-lãng-sa không hề muốn thế. Nhà Vua cứ sai quan ra đó nhận lấy, nước Pháp sẽ trao lại liền.

Triều-đình lúc ấy cũng sợ việc dùng binh, bèn cử Trần-đình-túc làm chức Hà-Ninh Tổng-đốc, kiêm xung Khâm-sai đại-thần, Tĩnh-biên phó-sứ Nguyễn-hữu-độ làm phó khâm-sai, cùng ra Bắc-hà thay mặt nhà vua thương-thuyết với Henri-Rivière.

Quả nhiên Henri Rivière bằng lòng trả quyền cai-trị tỉnh Hà-nội cho quan ta. Nhưng đại-đội quân Pháp vẫn đóng lại thành-cung, cái chỗ mọi khi chỉ để riêng cho vua ở!

Bản ý của Henri-Rivière cốt dùng binh lực ấy để đòi 4 khoản sau này:

1Nước Nam phải nhận nước Pháp bảo-hộ

2Nước Nam phải nhượng cho nước Pháp tất cả thành-phố Hà nội.

3Nước Nam phải để cho nước Pháp đặt sở quan-thuế ở Bắc kỳ.

4Nước Nam phải sửa lại điều-lệ quan-thuế các nơi và giao quyền quan-thuế cho người Pháp cai-quản.

Trần-đình-Túc và Nguyễn-hữu-độ không giám tự-quyết, xin đem lời yêu-cầu ấy, tâu về trong triều.

Bấy giờ vua quan nước ta đã biết người Pháp chỉ cốt chiếm lấy nước mình một cách từ-từ, nếu mình bằng lòng chịu những khoản này, rồi nữa họ lại đòi thêm khoản khác, bao giờ lấy hết nước mình, bấy giờ họ mới chịu thôi. Huống chi những khoản yêu-cầu quá-đáng thế kia, mình chịu làm

Tầu chiến của Pháp bắn tan các mảng gỗ

sao cho được! Mà nếu không chịu, tất nhiên phải đánh nhau, sức mình không thể địch lại với họ, thì làm thế nào.

Tính đi, tính lại, chỉ còn nhờ vào nước Tàu may ra gỡ được nạn này.

Các quan trong triều đồng-ý như vậy.

Sau khi đã đem việc đó tâu với Từ-dụ Thái-hậu, và được Thái hậu ưng ý, vua Tự-đức liền sai Phạm-thận-duật sang Tàu cầu-cứu, một mặt giáng-chỉ cho các quan văn-võ ngoài Bắc phải hết sức phòng-bị quân Phú-lãng-sa. Còn việc yêu-cầu của Henri-Rivière thì Triều-đình lờ đi không trả lời.

Henri-Rivière cũng đoán trước rằng: Muốn cho nước Nam thuận-chịu mấy khoản yêu-cầu ấy, chắc là còn phải dùng đến võ-lực, cho nên sau khi trả lại thành Hà-nội cho quan ta, viên Đại-tá ấy đã gửi thư vào Nam-kỳ, xin « điện » về Pháp cho thêm quân sang...

Cuối năm Nhâm-ngọ (1882), ở Pháp phái sang Bắc-kỳ một toán 750 tên lính, giao cho Henri-Rivière. Hợp với toán quân hiện đóng ở thành Hà-nội, đạo quân của Henri-Rivière có hơn nghìn người.

Chờ mãi không được thư trả lời của triều-đình Huế, Henri-Rivière quyết lấy võ-lực ra oai.

Đầu năm Quí-mùi (1883), viên Đại-tá ấy để lại cho Đại-úy Berthe de Villers 400 tên lính đóng giữ thành Hà-nội, còn bao nhiêu thì mình đem đi xuống đánh Nam-định.

Tổng-đốc Nam-định hồi ấy là Võ-trọng-Bình, một viên quan « nhà nho » rất được Vua Tự-đức tin yêu! Ngài đã nói rằng: « Tỉnh Nam không có Bình thì không Chính, tỉnh Nghệ không có Chính thì không Bình ». chữ Bình chỉ về ông này, mà chữ Chính thì là chỉ vào Nguyễn-Chính, hiện sung chức Kinh-lược. Coi một câu đó đủ thấy hai ông Bình, Chính được vua tín dụng là dường nào!

Nói cho phải, Nguyễn-trọng-Bình thực là viên quan rất thanh-liêm. Bao nhiêu năm bể-hoạn nổi-chìm, qua hết chức này chức khác, mà lên đến ghế Tổng-đốc tỉnh Nam. Nếu là người khác thì đã giầu có ức-vạn, nhà năm, bẩy rẫy, ruộng mấy trăm khu rồi, song Võ-trọng-Bình thì vẫn nghèo xác, nghèo xơ, vợ và nàng-hầu vẫn phải thắt lưng bó que, xắn váy quai-cồng, làm nghề xay lúa giã gạo, lay ăn. Quanh năm chí tối, viên quan « nhà nho » đó, không hề ăn lễ của dân một đồng kẽm nào.

Những người vợ ngài vẫn thường than rằng: « chồng mình ơn vua lộc nước, làm đến chúa-tể một tỉnh, mà vợ

Ông Nguyễn-công-Bình con trai cả cụ Nguyễn-hữu-Bổn
(cậu ruột M. Lương quý-Phùng chủ hiệu Nhật-Nam)

và con không được nhờ gì »!

Vả lại, ngài cũng là người biết trọng khí-tiết. Trong khi Hà-nội thất-thủ, Hoàng-diệu tử-tiết, viên quan thanh-liêm ấy nghe tin vỗ tay xuống án mà rằng:

Chết phải! trong lúc nước nhà nguy-biến, Sỹ-phu chẳng chết thì sống làm gì!

Lại ở bài thơ khóc viếng Hoàng-Diệu, viên quan « cao-thượng » ấy cũng tỏ ý bất-mãn về sự quan Tổng-đốc này đã chết trước mình!

Vua Tự-đức tin yêu ông ta, có lẽ cũng vì những nết thanh-liêm khí-khái ấy.

Thế nhưng, về cách dụng binh thì Võ-trọng-bình thực vụng-về. Từ khi Hà-nội bị phá, các tỉnh Bắc-kỳ đều lo nơm-nớp, chưa biết quân Phú-lãng-sa đến đánh lúc nào. Vì vậy, tỉnh nào, tỉnh ấy đều phải hết sức phòng-bị.

Tại tỉnh Nam-định, ngoài số lính-trú-phòng của bản tỉnh ra, lại thêm hai thứ quân nữa.

Một là toán « Thanh-giõng » do hàn tỉnh xuất tiền mộ những người Tầu ở đây, xung vào quân đội, đứng đầu là một người Khách tên gọi « Phùng-phát ». Toán quân ấy ước chừng 500 người.

Hai là toán nghĩa-binh do Bát-phẩm Nguyễn-bổn (tức viên bổn) con cả[1] quan án Kiến đứng lên mộ những dân trai khỏe mạnh trong tỉnh, lập thành độ quân, giúp quan tổng-đốc giữ tỉnh. Toán quân này cũng 500 người trở ra.

Gập hồi ấy, Nam-định có quan Đề-đốc Lê-văn-điếm rất giỏi võ-nghệ, ngày ngày cùng Nguyễn-bổn, Phùng-phát, ra công luyện-tập quân-sĩ, chẳng bao lâu toán Thanh-giõng và toán Nghĩa-binh đều trở nên những đội quân mạnh-mẽ và có kỷ-luật, hơn hẳn quân lính của các tỉnh khác!

Thấy vậy, Võ-trọng-bình cũng lấy làm mừng.

Cuối năm Nhâm-ngọ. nghe tin Henri-Rivière-yêu cầu bốn khoản, Triều-đình đều không cho. Võ trọng-bình đoán rằng thế nào quân Phú-lãng-xa cũng đánh tỉnh thành Nam-định. Vì trong các tỉnh Bắc-kỳ, ngoài Hà-nội ra Nam-định là nơi trọng-yếu hơn cả. Hà-nội đã phá rồi, lẽ tất-nhiên họ phải tính đến Nam-định.

Chững như viên quan « đặc nhà nho » đã có đọc qua Tam-quốc-chí, muốn bắt chước cái kiểu Tôn-hiệu nước Ngô giàng sích sắt ở sông Trường-giang để ngăn quân Tấu, cho nên ngài mới định dùng « Xích gỗ » để chặn chiến thuyền của quân Phú-lãng-xa.

Tháng 12 năm ấy, Võ-trọng-bình hạ lệnh cho các quan Phủ, Huyện phải bắt dân-phu chặt nhiều cây gạo to lớn, đóng bè hoặc khiêng lên nộp tại tỉnh, rồi Võ-trọng-bình sai thợ đem những cây ấy cưa làm từng đoạn dài độ một trượng, lăn cả xuống xông Vị-hoàng, dùng mây và song đánh néo khúc nọ với khúc kia, kết thành một cái bè dài, giăng suốt bờ sông bên kia, sang bờ sông bên nọ.

Trong một khúc sông ngay chỗ bến Ngự, Võ-trọng-bình định làm mười chiếc bè như thế.

Thợ thuyền và dân phu hùy-hục từ tháng chạp năm trước, mãi đến tháng hai năm sau mới song.

Võ-trọng-bình tin rằng thuyền quân Phú-lãng-sa dù có tài-giỏi bực nào, cũng không thể vượt qua mấy hàng bè đó, tỉnh thành Nam-định vững-trãi không ngại gì!

Duy có Lê-văn-Điếm và Nguyễn-hữu-bổn vẫn lấy làm lo. Hai ông đó biết rằng những hàng bè ấy chưa chắc đủ sức ngăn được quân thuyền của người Phú-lãng-sa. Vả lại, nếu có ngăn được đi nữa, họ nghẽn đường thủy, sẽ đổ cả lên đường bộ, mà kéo vào thành, sức súng của mình không thể địch nổi sức súng của họ, thì thành Nam-định khó mà giữ nổi!

Nhiều lần nói với Võ-trọng-Bình như vậy, nhưng Võ-trọng-bình một mực không cho là phải. Lê-văn-Điếm, và Nguyễn-hữu-Bổn mới xin bắt nhiều dân-phu theo giải Bến-ngự, từ đồn Lèo-lá đến đền Cây-Quế, đắp nhiều ụ đất làm chỗ cho quân nấp bắn.

18 tháng 2, năm Quí-mùi, chiến thuyền của Henri-Rivière theo giòng sông Luộc, kéo lên gần đến bến Ngự.

Án-sát Hồ-bá-ôn, Bố-chính Trương-văn-chi và Lê-văn-Điếm, Nguyễn-hữu-Bổn cùng vào yết-kiến quan Tổng-đốc, xin phải lập-tức định cách chống-cự.

Võ-trọng-Bình đương cùng mấy ông Cử, Tú trong tỉnh chọi nhau nước cao, thấp của quân tổ-tôm! Thấy các quan vào, Võ-trọng-bình liền hỏi:

Có phải các ngài đến đây báo cho tôi biết cái tin quân Phú-lãng-sa kéo xuống đó chăng?

Hồ-bá-ôn đáp:

— Bẩm phải, xin cụ lớn liệu cách đối-phó với họ.

Vừa cười, Võ-trọng-bình vừa nói:

— Các ngài thật nhát gan quá, phỏng chừng thuyền họ có thể bay qua được những hàng bè hay sao!

Lê-văn-Điếm khảng-khái tiếp lời:

— Đường thủy bị chắn, thì họ kéo lên đường bộ, có thiếu chi đường!

Quân Pháp đánh thành Nam-định

Nấp trên các mái nhà bắn vào thanh.

— Quan lớn thật quá lo. Tôi đã nhiều lần nói với các ngài rằng: Quân Phú-lãng-sa chỉ giỏi đánh thủy, không biết đánh bộ! Xem như những trận đánh nhau ở Nam-Kỳ và Trung-Kỳ thì biết, hễ mà lên bộ, ấy là họ phải thua mình. Các quan cứ vững dạ, tôi quyết họ không làm gì được thành Nam-định!

Dứt lời, Võ-Trọng-Bình lại quay vào bàn tổ-tôm, lên bài như thường!

Lê-văn-Điếm, Nguyễn-hữu-Bổn và Hồ-bá-Ôn ngơ-ngác trông nhau.

Ngoài mạn Bến-Ngự sịch thấy còi hét dữ-dội, rồi thì súng nổ đùng-đùng!

Quan tổng-đốc vẫn điềm-nhiên xoay-xoả những quân ăn giọc ăn ngang, như không nghe thấy chi hết!

Cửa dinh chợt thấy tên lính tất-tả chạy vào, vừa thở vừa bẩm:

« Quân Phú-lãng-sa hiện đương bắn trái-phá xuống bè gỗ gạo. »

Võ-Trọng-Bình gắt:

— Mặc kệ họ, họ muốn bắn gì thì bắn! không được làm lao lòng quân.

Tên lính ấy khúm-núm lui ra.

Một lát, viên chánh-lĩnh-binh hốt-hoảng đi vào, nói rằng: Quân Phú-lãng-sa đã bắn được tan hai hàng bè gỗ thứ nhất và thứ hai, có lẽ trong mấy khắc nữa thì những hàng kia cũng bị phá hết.

Võ-Trọng-Bình lúc ấy mới chịu quăng nắm quân bài đứng giậy, cùng các quan đi lên vọng lâu, coi thử tình-hình bên ngoài ra sao.

Trái-phá của thuyền quân Phú-lãng-sa vẫn đoành-đoành nổ trên mặt sóng!

Mỗi một viên đạn rơi xuống, nước sông tung lên hàng hai, ba trượng, những khúc gỗ gạo tan thành từng mảnh. theo sóng rạt ra hai bên ven sông!

Võ-trọng-Bình lúc ấy luống-cuống lo-sợ, vội-vàng hạ lệnh cho Lê-văn-điếm, Nguyễn-hữu-Bổn, Phùng-phát lập-tức đem quân ra mạn bờ sông. chĩa súng bắn xuống thuyền quân Phú-lãng.

Tức thì ba người dẫn ba toán quân kéo ra cửa Đông, Phùng-phát hăng-hái đốc quân lính bắn.

Mấy trăm Thanh-giõng hy-hoay nhồi thuốc nạp đạn, vừa mới nổ được mấy phát, thì ở dưới sông, súng của quân Phú-lãng-sa cũng bắn lên bờ vèo-vèo. Bị một viên đạn trúng ngay giữa ngực, Phùng-phát ngã gục xuống đất, Thanh-giõng bị thương rất nhiều, chúng đều tán-loạn chạy trốn. Quân Phú-lãng-sa cười-reo ầm-ầm.

Lúc ấy, Lê-văn-điếm và Nguyễn-hữu-Bổn vẫn hăng-hái chỉ-huy, đến lúc trời vừa sầm tối. Lê-văn-điếm, Nguyễn-hữu-Bổn đều phải rút quân vào giữ cửa thành.

Khi đó mười mấy hàng « xích gỗ » đều bị trái-phá phá tan!

Thuyền quân Phú-lãng-sa chạy thẳng đến sát Bến-ngự. Henri-Rivière truyền lệnh quân lính tạm nghỉ.

Được tin Phùng-Phát chết trận, quân Phú-lãng-sa phá hết các giẫy bè gạo. Võ-Trọng-Bình bối-rối sợ lập-tức sai mời các quan vào dinh bàn việc.

Trời tối như mực! Ngoài sông tiếng súng và tiếng trái-phá đã im. Các quan lục-tục đốt đuốc đến dinh tổng-đốc.

Một lát, mọi người đã đến đông-đủ. Võ-trọng-Bình ra bộ băn-khoăn mà rằng:

— Tôi không ngờ trái-phá của người Tây-dương mạnh tợn đến vậy. Bây giờ bao nhiêu bè gỗ đều bị họ phá hết cả, chắc ngày mai họ sẽ đánh vào trong thành. Còn có cách gì chống-giữ với họ được, các quan hãy nghĩ giúp tôi?

Lê-văn-Điếm gắt-gỏng nói:

— Tôi đã biết trước như vậy... mấy lần bẩm với cụ lớn, mà cụ lớn một mực không nghe...

Nguyễn-hữu-Bổn ngắt lời:

— Việc đã trót rồi, nói lại cũng vô ích. Bây giờ các quan chỉ nên mau mau tính cách chống-cự với họ là hơn. Nếu chậm thì không kịp nữa.

Võ-trọng-Bình nói:

— Lúc này tôi đã rối ruột, không biết định-liệu ra sao, công việc giao mặc các ngài tất cả!

Trương-văn-Chi nói:

— Nhưng cụ lớn cũng phải ra lệnh cho chúng tôi mới được chớ.

Võ-trọng-Bình bèn cắt Trương-văn-Chi đem 500 cơ-binh đóng mặt cửa Tây, Hồ-bá-ôn đem 500 cơ-binh đóng mặt cửa Bắc, Lê-văn-Điếm đem 500 cơ-binh đóng mặt cửa Nam, Nguyễn-hữu-Bổn và một viên chánh lĩnh-binh đem 500 nghĩa-binh và những quân Thanh-giõng của Phùng-phát còn lại đóng mặt cửa Đông.

Riêng ba đạo quân ở ba nơi cửa Bắc, cửa Đông và cửa Nam, mỗi đạo phải cắt một toán nấp ở các ụ ngoài vòng thành đất từ Lèo-lá đến đền Cây-Quế, hễ hấy quân địch đến gần bờ sông thì phải ra sức mà bắn không cho họ kéo lên bờ. Còn mình thì tự đem hơn 300 cơ-binh cùng một viên phó lĩnh-binh đi lại trong thành, tiếp-ứng các mặt.

Cắt đặt đâu đấy, ai nấy kéo về bản bộ của mình, đốc-thúc quân-lính.

Vào khoảng canh hai, các đạo quân đều đóng yên sở.

Trên bốn mặt thành, tám cây đình-liệu nhất tề đốt lên, lửa sáng rực trời.

Trong thành, ngoài thành, tiếng trống ngũ-liên kèm với tiếng tù-và « rúc hồi », luôn luôn không lúc nào dứt.

Ở các trại lính, tiếng người hò-reo ầm-ầm.

Ngoài sông vẫn không thấy động.

Cuối giờ Dần, trời còn tờ-mờ, bỗng có mấy tiếng còi hét, kế đến một hồi kèn trận, rồi thì máy chạy sình-sịch, tầu quân của Henri-Rivière chạy đến khúc sông thẳng cửa Đông ra, quay đầu trầu vào trong bờ.

Một sạp súng nổ, các toán quân ta nấp trong ụ đất từ Lèo-lá đến đền Cây-quế, đồng thời bắn xuống.

Dưới sông, quân địch chĩa xúng bắn lên.

Trên mặt sông và trên bờ sông, đạn bay vù-vù, khói tỏa mù-mịt.

Trên mặt thành, các súng thần-công ở cửa Đông và cửa Nam đều nhằm tầu chiến của quân địch mà bắn.

Đầu giờ mão, quân lính trên thành hò-reo rầm-rĩ, thì ra một viên đạn thần-công đã bắn trúng vào tầu chiến bên địch, phá gẫy một chiếc ống khói!

Chiếc tầu chiến ấy chòng-chành mấy cái, rồi lại đứng yên như thường.

Đoành một tiếng nữa, lại một viên đạn thần-công bắn gẫy một chiếc chân-vịt của tầu quân bên địch. Quân lính lại reo ầm ầm!

Chiếc tầu ấy lui ra một quãng khá sa, người ta thay cái chân vịt khác. Máy chạy sình-sịch, chiếc tầu bị thương kia lại tiến vào đến chỗ cũ.

Súng vẫn nổ, khói vẫn bốc, đạn vẫn chạy đi vùn vụt. Lê-văn-Điếm vẫn tay mộc tay gươm, hăng-hái đốc thúc quân lính.

Cuối giờ thìn, quân địch bắn lên càng dữ, Lê-văn-Điếm bị một viên đạn xuyên qua cạnh hầu, máu chảy tung-tóe. Viên Đề-đốc can-đảm ấy lập tức tháo chiếc giải lưng quấn chặt lấy cổ, rồi chạy về phía Năng-tĩnh, mấy tên thủ-hạ tâm-phúc tất-tả chạy theo.

Mặt trận quân ta bối rối, Hồ-Bá-Ôn và Nguyễn-hữu-Bổn Phải rút quân vào thành, rồi kéo quân lên cả mặt thành.

Quân địch đổ hết lên bộ, xông vào chân thành, định dùng thang da leo lên.

Hồ-Bá-Ôn, Nguyễn-hữu-Bổn và các lĩnh-binh đốc quân bắn chém rất dữ. Quân địch bổ vậy khắp bốn mặt, súng bắn lên thành ầm-ầm, quân ta vẫn giữ được vững.

Henri-Rivière sai quân xông vào những nhà có gác ở gần thành, chĩa súng bắn sang mặt thành.

Cái phút ghê-gớm, quân ta chết la chết liệt, xác người lăn xuống chân thành từng đống!

Cuối giờ ngọ Nguyễn-hữu-Bổn bị một viên trái-phá bắn vào ngực và làm đổ cả cửa thành, thế là cả người lẫn thành cùng chết! Hồ-Bá-Ôn cũng bị thương nặng, nằm phục-vị trong đám xác chết!

Những người sống xót, luống-cuống bỏ thành chạy chốn, Đầu giờ mùi, mấy tên quân địch leo được lên thành, nhẩy xuống cửa đông, mở toang cửa thành cho các toán ở ngoài kéo vào.

Trong thành khói bốc ngùn-ngụt, lửa cháy đùng-đùng. Các kho thuốc, các trại quân đều bị quân địch đốt phá, Henri-Rivière hạ lệnh lùng bắt các quan An-nam, Trong đống xác người chồng chất, người ta kiếm được quan Án Hồ-Bá-Ôn quanh mình đầm-đìa những máu, sườn bên tả bị một viên đạn xuyên qua, khiêng đi một quãng thì chết!

Henri-Rivière chia quân làm hai, một toán đóng dưới bến Ngự, một toán nữa đóng tại hành-cung trong thành.

Sáng ngày 20, lửa tắt khói im, nhân-dân ngoài phố bị bắt vào thành hiệp sức với lính Tây chôn những xác chết. Khi ấy một người con rể[2] Nguyễn-h-bổn và một người con trai quan Tam-nguyên Trần-bình-San xin nhận thi-thể Nguyễn-h-bổn đem về an-táng, còn thi-thể Hồ-bá-ôn và thi-thể Phùng phát đều do dân phố khâm-liệm mai táng ở ngay cửa đông. Vẫn thiếu ba viên Tổng-đốc, Bố-chính và và Đề-đốc không thấy ở đâu. Dân phu hết sức tìm kiếm. Thì ra Lê-văn-điếm chạy đến Năng-tĩnh là chết, vì ông có sức vóc to lớn, không có quan-tài nào vừa, bọn lính thủ-hạ mới tháo ngay bộ cánh cửa ở một ngôi đều gần đó, đóng làm quan-tài. Họ đã an-táng quan Đề-đốc can-đảm ở miền Năng-tĩnh!

Duy có hai quan Tổng-đốc Bố-chính kiếm mãi vẫn không ra. Về sau mới biết trong khi thành vỡ Võ-trọng-Bình đã ăn-bận như người thường dân lẻn ra cửa Tây trốn thoát, Trương văn-chi cũng bỏ cửa thành mà chạy ngay lúc bấy giờ.

Hạ được thành-trì Nam-định, Henri-Rivière nghe đồn những toán quân tàn rút cả về miền thôn-quê, tức thì viên Đại-tá ấy phái lính đi càn. Những nhà có chứa binh-khí như gươm, giáo, mộc, mác đều bị đốt cả. Cửa nhà Nguyễn-hữu-bổn cũng ở số đó.—(Hiện còn lại cái cột nhà thờ cháy, Cứ đến ngày giỗ ông Nguyễn-Hữu-Bổn (19 tháng hai ta) con cháu nhìn cột mà thở dài!....

M. Francis Garnier
Cuốn 6, 7, 8, 9 sẽ chép chuyện:
Vua Hàm-nghi chạy trốn
với việc « THẤT-THỦ KINH-ĐÔ HUẾ » rất hay
Chuyện rất cảm-động, rất bi-tráng, rất ly-kỳ.

Có các hình vua Hàm-nghi (mới lên ngôi và ngày nay) Tôn-thất-thuyết, với Nguyễn-văn-Tường v. v. các hình-ảnh thành Huế, lăng-tẩm cùng nhiều tranh đẹp. (Có in thêm 6 trang để đóng thành sách riêng (giầy 70 trang). Bìa đẹp, hình rõ, giấy tốt giá 0p20)


Imp. Nhật-nam
  1. Là Cả nhưng con bà thứ (ông cả Cương đẻ ra vợ Ba-Quyến và M. Ba Liệu là con bà Án Cả)
  2. Thân-phụ M. Lương-quý-Phùng chủ hiệu Nhật-Nam.