Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta đến ngày nay/Cuốn 3

NHỮNG TRẬN ĐỔ MÁU HỒI NGƯỜI
Pháp mới sang ta đến ngày nay

Ông Hoàng-Diệu Tổng-đốc Hà-nội (và Ninh-Bình)

Có đủ hình vua Hàm-nghi hồi mới lên ngôi, và bây giờ, vua Đồng-khánh, Thành-thái, Duy-tân, và vua Bảo-đại cùng các yếu-nhân Pháp, Nam như: Tôn-thất-Thuyết; Nguyễn-văn-Tường, Hoàng-Diệu, Phan-thanh-Giản, Nguyễn-tri-Phương vân vân

NHẬT-NAM THƯ-QUÁN
102 Hàng Gai Hanoi, xuất-bản giữ bản-quyền

Cuốn 3
Giá 3 Xu
NGÔ-TẤT-TỐ SOẠN

Quân nào vậy?

Độc-giả chắc cũng biết rằng vẫn quân nước Pháp.

Phải! chính toán quân Pháp ở Đà-nẵng kéo vào!

Sau khi Đà-nẵng thất-thủ, hải-quân trung-tướng Régault de Genouilly cũng định đánh tuốt vào Huế, chiếm luôn kinh-đô của nước An-nam. Nhưng từ khi thấy Nguyễn-tri-Phương xây đồn, đắp thành, giữ-gìn rất kiên-cố, lại nghe đồn rằng ở Huế sẽ có hơn 1000 quân kéo ra, Régault de Génouilly biết rằng không thể đánh được, mới trách cố-đạo Pellerin là đánh lừa mình. Vì rằng khi ở bên Pháp, chỉ vì Pellerin khuyên-nài, Rigaul de Genouilly mới đem quân sang đây.

Lúc ấy khí trời nóng-nực, quân Pháp ở Đà-nẵng không quen thủy-thổ, chết về tật-dịch rất nhiều. Régault de Genouilly lại càng chán-nản. Pellerin cũng lấy làm buồn, bèn bầu Régault de Genouilly ra đánh Bắc-kỳ. Nói rằng ở Bắc có đảng nhà Lê vẫn không phục theo nhà Nguyễn, và có hơn 40 vạn dân đạo cũng oán nhà Nguyễ, nếu quân Pháp ra đó, thì những người đó sẽ cùng giúp sức và làm nội-ứng.

Régault de Genouilly không nghe.

Bực mình, Pellerin mới bỏ xứ này sang một nhà tu Ấn-độ dạy đạo.

Ở cũng dở, về cũng dở, Régault de Genouilly bèn sai người vào Nam-kỳ dò-thám tình-hình, thấy nói Nam-kỳ dễ đánh hơn Bắc-kỳ, và lại ruộng nhiều đất tốt, có lắm lúa-gạo, Régault de Genouilly bèn quyết kế vào đánh mặt ấy, Ông ta để cho trung-tá Toyon ở lại giữ các Đồn Đà-nẵng, tự mình đem đại-quân tiến vào cửa biển Cần-giờ.

Chiếm được Cần-giờ, giết được quan Tổng-đốc Vũ-duy-Ninh, Régault de Genouilly đem quân Pháp và quân Y-pha-nho vào thành Gia-định lấy được vừa tiền vừa bạc đáng giá 18 vạn đồng Phật-lăng, súng đại-bác độ 200 khẩu, thuốc súng 8 vạn rưởi Kilos, còn thóc-gạo và binh khí khác thì không biết bao nhiêu mà kể.

Tuy đã lấy được Gia-định, nhưng ở Biên-hòa toán quân của Tôn-thất-Hợp còn đông, vẫn định kéo sang khôi-phục Gia-định, Régault de Genouilly bèn chia một đạo quân giao cho Trung-tá Jauréguiberry đóng lại Gia-định chống nhau với Tôn-thất-Hợp. Rồi mình lại trở về Đà-nẵng.

hình Cột-cờ của thành Hà-nội ngày xưa (collection V. T.)

Người Pháp đánh Hà-nội

Trận đánh cửa Đông thành Hà-nội, ông Phó-bảng Long cầm đại-đao lăn sả vào lửa đạn

II. Quan Tổng-đốc Hà-Ninh chết với thành Hà-nội[1]

Những lúc trời hôm bảng-lảng, ngọn cây man-mác bóng tà-dương, hay những khi sương sớm chưa tan, hơi khói còn mập-mờ trong mấy trồi cổ-thụ, qua ấp Thái-hà, tới gò Đống-đa, trông lên miếu Trung-liệt, nghĩ bài ca chính-khí của Ba-giai, ngẫm lại đoạn lịch-sử cuối đời Tự-đức, bạn đọc cuốn chuyện này, chắc không thể không nhớ đến ông Hoàng-Diệu!


Thành cửa Bắc Hà-nội bị 2 phát trái-phá
(Bây giờ không còn cầu mang-cá và hào sâu thế nữa) (Collection V. T.

Những lúc gió thổi hiu-hiu, cờ Ba-sắc phất-phơ trên cột gạch, hay những khi nhà binh rước hội, tiếng kèn đồng dồn-dập trong cửa thành, qua đường Giẫy-nhãn, lên phố Cửa-bắc, trông cái mảnh thành cao ngứt, nghĩ đến cuộc gió tanh, mưa máu ngày xưa, bạn đọc cuốn chuyện này chắc không thể không nhớ đến ông Hoàng-Diệu!

Hoàng-diệu!

Hai chữ rất quan-hệ trong quốc-sử hồi gần đây, chẳng những người Nam kính-trọng mà người Pháp cũng vẫn kính-trọng.

Núi Tản chưa mòn. Giòng nước Nhị-hà chưa cạn, cái tên Hoàng-diệu chắc còn sống với nòi-giống An-nam.

« Này thành quách, này nước-non, trăm trận phong-trần còn thước đất ».

« Làm nhật-tinh, làm sông-núi, mười năm tâm-sự có ông trời... »

Đó là lời dịch hai câu chữ Hán đề ở cửa miếu Trung-liệt.

Đọc mấy câu đó, ai đã biết làm văn chữ Hán, đều phải nhận rằng nó thật xứng-đáng với chỗ thờ quan Hà-ninh Tổng-đốc họ Hoàng.

Ông là người làng Diễn-phúc tỉnh Quảng-nam, thi đậu Phó-bảng, đầu đời Tự-đức đã làm Tri-phủ Tĩnh-Gia, rồi bị cách chức.

Năm Tự-đức thứ 17, vua Tự-đức vì thấy thế nước hiểm-nghèo, người tài ít-ỏi, mới dụ các quan từ tam, tứ phẩm trở lên, biết ai là kẻ có thể dùng được thì phải cử lên, chờ khi nhà nước dùng đến. Bấy giờ Tuần-phủ Quảng-nam, là Đặng-huy-Trứ mới cử ông này và mấy người nữa. Tờ sớ tâu vua của Đặng-huy-trứ đại-khái nói rằng:

« Hoàng-Diệu đã từng qua mấy phủ, huyện, thật là một người mẫn-cán, trị dân không hề quấy-nhiễu. Tuy rằng bị ngã chưa dậy được, mà đi đến đâu sĩ-dân cũng đều tin yêu, sau khi đi rồi, người ta vẫn còn mong nhớ. Hạng người như vậy, ngày nay dễ kiếm được bao! Nếu như Hoàng-diệu được nhà vua bỏ cái vết cũ, ghi hắn vào sổ mà dùng, thì hắn ở một huyện sẽ là viên Lệnh-doãn hiền, ở một phủ sẽ là viên Thái-thú tốt, ở một tỉnh sẽ là viên đại-lại được việc.... » Vua Tự-đức vốn tin Đặng-huy-trứ, lại gặp Triều-đình đương lúc cần người, xem tờ sớ ấy, ngài liền phê cho Hoàng-diệu được khai-phục hàm Điểu-bạ và được bổ ngay chức tri-huyện.

Hơn mười năm rong-ruổi trên hoạn-trường, qua hết vòng tri-phủ, án-sát, bố-chính, Tuần-phủ, Hoàng-Diệu mới làm đến chức Tham-tri.

Vào khoảng cuối đời Tự-đức, tỉnh Hà-nội khuyết chức Tổng-đốc, nhân có quan Lại-bộ Thượng-thư Nguyễn-tư-Giản tiến-cử, viên quan « dạ sắt gan vàng » đó được bổ làm chức Tổng-đốc Hà-ninh, coi cả hai tỉnh Hà-nội-Ninh-bình.

Hồi đó ở Âu-châu, cuộc Phổ-Pháp chiến-tranh đã yên, Chính-phủ dân-chủ ở Ba-lê đã dựng lại rồi, người Pháp lại bắt đầu tiến-hành công-việc đánh chiếm thuộc-địa.

Lúc ấy ở ta, 6 tỉnh Nam-kỳ mất cả, Chính phủ Pháp đã lập súy-phủ, ở Saigon, đặt Khâm-sứ ở Trung-kỳ, và đương dự-bị lấy nốt Bắc-kỳ, làm xứ Bảo-hộ ».

Giải đất Bắc-kỳ sau khi ông Nguyễn-tri-Phương đã chết, cũng như trứng để đầu-đẳng, lúc nào cũng ở vào tình-thế hiểm-nghèo, giữ được ngày nào hay ngày ấy.

Hòa-ước 1874 tuy đã ký rồi, nhưng mà đối với cái nước đã « chịu ếp một bề » dưới những phát trái-phá dữ-dội, thì mấy giòng chữ đó, không phải là vật che-chở cho mấy mảnh đất tàn, trái lại, nó là cái ngòi khiến cho người khác vin vào mà sinh sự.

Trong năm Tân-tỵ, chừng như Vua quan trong Huế cũng biết cái học khoa-cử không thể chen-chọi với người ngoài, Triều-đình đã kén được 12 đứa trẻ linh-lợi, giao quan Lệ-bộ thị-lang Phạm-Bính đem sang Hương-cảng, cho vào học trong một trường của nước Anh.

Nghe biết việc ấy, Chính-phủ nhắn trách nước ta đã làm việc trái với hòa-ước. Vì theo hòa-ước, nước Nam không được giao-thiệp với một nước nào mà không có lời ưng-thuận của nước Pháp.

Đến cuối năm ấy, hai người Pháp ở Bắc-kỳ là Courtin và Villeroi được giấy thông-hành đi từ Bắc-kỳ lên Vân-nam, có ý muốn dò xét tình-hình bên ấy, nhưng đến Laokay thì bị quân Khách ngăn-trở, không thể đi khỏi cương-giới nước ta, họ bèn gửi thư báo cho Súy-phủ Saigon được biết. Tiếp được thư ấy, Thống-đốc Nam-kỳ M. Le Myre de Vilers tức thì viết thư ra Huế hỏi vặn bên ta.

Thư ấy đại-khái có hai khoản: một khoản chỉ-trích nước ta về việc thất-lễ với quan Khâm-sứ Rheinart, một người thay mặt nước Pháp, hiện đóng ở Huế. Khoản nữa thì nói Vua ta không đủ sức mà trị dân, ở ngoài Bắc-kỳ giặc-giã nhiều lắm, pháp-luật của nhà Vua đặt ra, cũng không ai theo, thậm-trí người Pháp có giấy thông-hành của quan nước Nam cấp cho để đi sang Tầu, cũng bị quân giặc ngăn-cản, không thể đi được. Như vậy, nước Nam thật không thể tin cậy, nước Pháp cần phải dùng cách mà bênh-vực quyền-lợi của người Pháp.

Trước khi viết bức thư đó, Thống-đốc Le Myre de Vilers đã gửi thư về Pháp xin dùng võ-lực mà đánh đất Bắc-kỳ. Trong khi viết bức thư đó, hải-quân đại-tá Henri-Rivière đã theo lệnh súy-phủ sắp-sửa binh thuyền kéo ra Hà-nội.

Ngoài thì địch-quốc ròm-nom, trong thì nhân-dân không chịu hết lòng với nhà Vua, ở vào giữa tình-hình treo-leo như vậy, Hà-nội là nơi trọng-yếu của Bắc-kỳ, tất-nhiên phải chịu trước những sự nguy-biến sẽ xẩy ra ở trong xứ ấy. Thế thì cái chức Hà-ninh tổng-đốc, càng to-lớn, lại càng khó-khăn, nó đã dồn cho người ta vào chỗ « không chịu nhục thì phải chết »! Từ khi từ biệt triều-đình trở ra đất Bắc, Hoàng-diệu, cũng biết như vậy, nhưng mà vẫn coi như không. bởi vì theo ý ông, trong cơn nhà-nước nguy-nan, sỹ-phu có lương tâm, không nên nghĩ đến sự sống-thác.

Sau khi ra tới Hà-nội, Hoàng-diệu bên ngoài vẫn giao-thiệp với người Pháp bằng cách ôn-hòa, bên trong thì cứ xửa-đắp thành-trì, dự-bị khí-giới, và mộ thêm quân lính.

Chừng độ vài tháng, trong thành Hà-nội đã có hơn ba nghìn quân, và hơn ba trăm dũng-sĩ, Hoàng-diệu giao cho một viên Phó-bảng võ tên là Long cùng mấy viên cử-nhân võ, luyện-tập binh-pháp và các võ-nghệ. Chỉ trong mấy tháng, ba nghìn quân đó đã thành những đội tinh-binh, ba trăm dũng-sỹ đều trở lên những lính cảm-tử, binh-uy Hà-nội phấn-khởi hơn trước nhiều lắm.

Tuy vậy, Hoàng-diệu không lấy làm mừng, vì ông chắc rằng: người Pháp không khi nào chịu để cho Bắc-kỳ ở ngoài vòng quyền-thế của họ. Thế mà binh-khí của mình còn thua binh-khí của họ, thì cái giải đất phía trong cửa biển Hải-phòng, lẽ tất nhiên không giữ được toàn.

Quả-nhiên như vậy.

Năm Nhâm-ngọ (1882), tháng 3, ngày mồng 2, cửa biển Hải-phòng đương im lặng, bỗng thấy còi hét dữ-dội, sóng biển nổi lên ầm-ầm, hai chiếc tầu binh xăm xăm tiến vào. Đại-tá Henri-Rivière theo lệnh Súy-phủ Sài-gòn, đem quân tới đó.

Bấy giờ vua quan nước ta làm một việc gì cũng sợ trái với hòa-ước, hoặc lại sinh sự lôi-thôi, cho nên khi đã biết là thuyền quân của nước Pháp, thì cứ mặc ý để cho người ta tự-do đi đâu thì đi, không giám hỏi đi có việc gì.

Đậu ở Hải-phòng vài ngày cho người lên bộ dò xét tình-hình các nơi, tới bữa mồng 6 tháng ấy, Henri-Rivière truyền lệnh mở máy theo giòng Nhị-hà chạy lên Hà-nội.

Chiều hôm ấy, tầu đến Hà-nội, Henri Rivière đóng quân ở đồn Thủy, rồi sai người báo vào trong thành.

Được tin Henri-Rivière đem quân ra đó, Hoàng-diệu biết là có biến đến nơi, liền mời các quan trong thành đến nhà hội-đồng bàn cách đối-phó.

Một lát, trên hai rẫy ghế trong nhà hội-đồng, người ta thấy đủ mặt các viên quan lớn, Hoàng-diệu ngồi ở chiếc ghế chính giữa tuần-phủ, Trần-bình-Tri, Bố-chính Hoàng-hữu-xứng, Án-sát Tôn-thất-bá, và Đề-đốc Lê-trinh ngồi hai rẫy ghế hai bên, rồi đến Phó-bảng Long và mấy viên cử-nhân võ.

Rụt-rè, Lê-trinh hỏi Hoàng-diệu:

— Cụ lớn cho gọi chúng tôi đến đây, chắc có việc gì quan-hệ?

Hoàng-diệu cau mặt mà rằng:

— Quan lớn không biết là việc gì sao? Chiến-thuyền của người Phú-lãng-sa hiện đã đóng ở đồn Thủy, tôi chắc nay mai thế nào họ cũng đánh vào thành này, vì họ muốn lấy Bắc-kỳ đã lâu, Hà-nội là nơi trọng-yếu của xứ Bắc-hà, tất-nhiên họ phải đánh trước. Vậy các quan có phương-kế gì đối-phó với họ hay không?

Trần-bình-tri nói:

— Tôi tưởng việc này hãy nên phi-tấu về triều xem ý đức Hoàng-thượng ra sao.

Phó-bảng Long gạt đi:

— Ngài bàn như vậy rất phải. Nhưng hiện nay quân Phú-lãng-xa đã đóng ở cạnh nách mình, chờ được thánh chỉ tới nơi, tất phải lỡ việc. Theo ý tôi, họ đem binh-thuyền ra đây, không phải là vô-cố đi chơi, mình không đánh họ, thì họ cũng đánh mình. Bây giờ trong thành-đã có ba nghìn tinh-binh, ba trăm võ-sĩ, đủ sức mà chống với họ. Bất-nhược, nhân khi quân họ mới đến, mình cứ đem cả đại-binh kéo ra mà đánh...

Hoàng-diệu nói tiếp:

— Phải! tôi cũng biết vậy, mình không đánh họ thì họ cũng kiếm cớ mà đánh mình.

Nhưng cái phận-sự của mình phải để cho họ đánh trước. Vì từ khi đã ký hòa ước, Hàng-thượng vẫn ân-cần răn-bảo các quan: « hễ gập người Phú-lãng-sa thì phải hết sức giữ lấy ôn-hòa, không được xung-đột, lỡ hoặc gây mối chiến-tranh » Như vậy, nếu mình mà đánh họ trước, dù có được họ đi nữa, cũng không tránh khỏi tội « vi quân-mệnh ». Hoàng-hữu-xứng hỏi:

— Thế thì ý cụ lớn định ra làm sao!

Hoàng-Diệu chưa kịp trả lời, nhác trông hàng ghế bên hữu, thấy Tôn-thất-Bá đương ngồi gật-gù, thì ra quan án ngủ gật!

Dận quá! Hoàng-Diệu hắt đổ cái yên trước mặt, rồi đứng giậy nói:

— Thế này thì còn bàn-bạc làm đếch gì nữa.

Tôn-thất-bá giật mình tỉnh giậy, thấy quan Tổng-đốc nổi cơn lôi-đình, viên quan « máu-lạnh » đó cũng có vẻ sợ. Chỉ mặt Tôn-thất-Bá, Hoàng-Diệu lại gắt:

Quan lớn là đứng Quốc-tộc, lĩnh chức Án-sát trong một tỉnh lớn, đương lúc nước nhà có việc, ngài nên nằm gai nếm mật, đêm ngày lo cho xã-tắc chẳng vẻ thay. Vậy mà trong khi các quan bàn việc cơ-mật, ngài lại nhắm mắt mà ngủ. Tôi không hiểu bụng dạ quan-lớn ra sao! Thôi, xin các quan giải-tán, không phải bàn-bạc gì nữa...

Tôn-thất-bá khúm-núm xin lỗi.

Phó-bảng-Long cũng can Hoàng-Diệu:

— Ngày nay đương lúc nguy-cấp, vận-mệnh thành này chỉ còn bằng một sợi tóc. Cụ-lớn không nên vì sự vô-ý của một người mà bỏ việc lớn của nhà nước.

Hoàng-Diệu nghe ra, lại ngồi xuống ghế, vẻ mặt hãy còn hầm hầm.

Hoàng-hữu-xứng nhắc lại câu hỏi lúc nẫy:

— Đối với tình-thế ngày nay, cụ-lớn định-liệu ra sao?

Họ mới đến đây, chưa hề sinh-sự với mình, thế là họ vẫn là khách, chưa phải là thù. Theo ý tôi, bây giờ hãy cứ cử người xuống thẳng Đồn-thủy tiếp họ, cho hợp với lễ bang-giao, một mặt thì cứ sắm-sửa khí-giới, binh-lính, dự-bị ra trận.

Các quan đều khen là phải.

Hoàng-diệu liền sai Lê-Trinh lập tức ra trại điểm-kiểm binh-lính, sắp đặt cơ nào, đội ấy cho chỉnh-tề, và cắt Hoàng-hữu-xứng đi chào Henri-Rivière, các quan trong thành từ Bố-chính, Án-sát trở xuống, đều phải mỗi người mỗi việc, theo như mệnh-lệnh mà làm

Hội-đồng giải-tán, Hoàng-diệu cưỡi ngựa đi khắp quanh thành, thôi-đốc mọi việc.

Gần trưa hôm ấy, Hoàng-hữu-xứng sắm sửa mũ-áo, đem vài tên hầu đi xuống đồn Thủy, cậy một cố-đạo làm thông-ngôn, xin vào yết-kiến Henri Rivière.

Trong khi gập nhau, Hoàng-hữu-xứng dùng quốc-lễ chào-hỏi một cách ân-cần và cung-kính.

Trước hết Henri-Rivière giở việc hai người Pháp có giấy thông-hành mà không qua được biên-giới ra nói, để trách các quan An-nam không đủ sức giẹp yên giặc-giã, rồi ngỏ lời cho Hoàng-hữu-xứng biết rằng: « đến 2 giờ chiều mình sẽ vào thành xem xét quang-cảnh trong thành.

Hoàng-hữu xứng xin hãy tạm thư cho mình về thành nói với quan Tổng-đốc, xem rằng ý quan Tổng đốc thế nào.

Henri-Rivière không nghe, nói rằng ý mình đã định như thế, thì phải nhất-định như thế, dù quan Tổng-đốc không bằng lòng cũng mặc!

Hoàng-hữu-xứng biết Henri-Rivière cố ý gây chuyện, dù có điều-đình cũng vô-ích, nói vài câu chuyện tào-lao, rồi xin cáo-từ.

Về đến thành, Hoàng-hữu-xứng liền đem ý-của Henri-Rivière nói với Hoàng-diệu.

Hoàng-diệu thản-nhiên mà rằng:

— Tôi cũng biết họ sẽ kiếm-cách gây việc với mình. Nhưng thôi, mình cũng không nên cự-tuyệt, e rằng trái với mệnh-lệnh triều-đình, họ đã cố-ý vào thành, mình hãy cứ để họ vào, và phải nghênh-tiếp một cách tử-tế. Nhưng không để cho họ trông thấy binh-tình của mình.

Rồi đó, Hoàng-diệu giao cho ông Hoàng-hữu-xứng sức đốc cờ-quạt chiêng-chống dự-bị đón Henri-Rivière, còn mình thì đi khắp các dinh trại dặn-dò công-việc.

Đầu giờ mùi, quả nhiên Henri Rivière đem 20 tên lính Tây đeo súng đi hầu, đến trước cửa Nam, bắn 3 phát súng chỉ thiên, rồi ngang-nhiên đi vào trong thành.

Bấy giờ quan ta sắp sửa cuộc nghênh-tiếp cực-kỳ, long-trọng, hai bên cổng thành cờ bay phấp-phới tàn vàng tán tía dương lên rợp trời. Hoàng-hữu-xứng ra tận cửa thành đón chào Henri-Rivière rồi mới vào nhà hội-đồng.

Bản-ý Henri Rivière cũng định đi khắp các nơi, coi thử tình-hình quân ta ra sao. Nhưng vì trong khi đi từ cổng thành đến nhà hội-đồng, ngó thấy quân lính của ta, ra bộ tất tả lật-đật, biết rằng bên ta đã có phòng-bị, sợ rằng cứ đi hoặc có xẩy ra sự gì, cho nên không giám đi nữa.

Trông đi trông lại trong nhà hội-đồng, không thấy Hoàng-Diệu, Henri Rivière liền hỏi quan Tổng-đốc đi đâu?

Hoàng-hữu-xứng đáp là bận đi kinh-lý trong hạt từ lúc non trưa, không biết quí-quan vào thành, cho nên không kịp đón-tiếp.

Henri-Rivière có ý không bằng lòng, nói vài câu chuyện, rồi hằm-hằm đứng giậy, ra về.

Hoàng-hữu-xứng tiễn ra khỏi cửa thành rồi mới trở lại.

Sau khi Henri-Rivière đi khỏi, Hoàng-Diệu biết rằng chỉ nội đêm nay hoặc sáng mai quân Phú-lãng-sa sẽ đánh vào thành, tức thì một mặt sai người tâm-phúc giả làm kẻ đi bán trứng gà, chuối tiêu hoặc là gà vịt, xuống Đồn-thủy dò-thám tình-hình địch-quân, một mặt cho mời các quan đến nhà hội-đồng tính việc cự-địch.

Độ nửa canh một, các quan lục-tục kéo đến đủ mặt.

Hoàng-Diệu khảng khái mà rằng:

Cứ xem ý-tứ quân-địch, thì chỉ nay mai tất-nhiên có trận chiến-tranh, thành này sẽ nguy đến nơi. Chúng ta ăn cơm nhà vua, mặc áo nhà vua, vâng mệnh triều đình coi giữ thành-trì, chẳng may gập lúc nước nhà có biến, cũng nên nghĩ cách thế nào cho khỏi phụ ơn nhà vua!

Các quan đều hăng-hái nói:

— Phận-sự kẻ làm tôi phải đem tính-mệnh mà giữ lấy đất cát của nhà vua. Chúng tôi vui lòng sống thác với thành-trì này, thành còn thì còn, thành mất thì cũng mất. thề xin hết lòng trung-nghĩa đền ơn cơm-áo nhà vua.

Hoàng-Diệu tươi-cười:

— Phải, làm đứng trượng-phu cốt phải giữ trọn cương-thường, cho khỏi thẹn với trời đất, còn như cái sự sống thác thì có quản chi.

Các quan cùng bàn về phương-sách cự-địch. Sau khi bàn đi bàn lại kỹ-càng, Hoàng-diệu hạ-lệnh cho tuần-phủ Trần-bình-Tri cùng hai viên lĩnh-binh đem 600 quân và 60 võ-sĩ gi mặt cửa Bắc, Bố-chính Hoàng hữu-Xứng và Phó-Bảng-Long đem 500 quân và 50 võ-sĩ giữ mặt cửa Đông, Đề-Đốc Lê-Trinh và mấy viên cử-nhân võ, đem 500 quân và 50 võ-sĩ giữ mặt cửa Nam, Án-sát Tôn-thất-Bá đem 600 quân và 60 võ sĩ giữ mặt cửa Tây, Hoàng-Diệu tự đem 100 quân và 50 võ-sĩ đi lại thôi-đốc và tiếp-ứng các mặt, còn bao nhiêu quân lính thì phải canh gác kho-tàng dinh-trại. Các quan thảy đều vâng mệnh. Hoàng-Diệu lại truyền các trại, nửa đêm thì phải nấu cơm, đầu canh tư quân-lính đều ăn cơm cho no, đến nửa canh tư kéo hết lên thành, bao nhiêu súng đại-bác, súng thần-công, đều phải nhồi thuốc, nhồi đạn; bao nhiêu voi trận đều phải đưa ra chờ ở phía trong cửa thành; bao nhiêu pháo-binh đều phải dự-bị thuốc đạn nấp sẵn ở trên mặt thành. Những công việc đó, hạn cho đến đầu giờ dần đều phải đâu vào đấy hết.

Một mặt, Hoàng-Diệu truyền cho quan Chưởng-phòng-thành phải luôn luôn đem mấy toán lính kỵ đi diễu ngoài thành và trong các phố, nhất là ở giải bờ sông, hễ thấy xẩy ra sự gì lập-tức phi-báo cho trong thành biết.

Cắt đặt đã xong, các quan giải-tán, ai nấy về trại lo-lắng công-việc của mình.

Đêm ấy, Hoàng diệu và mọi người luật-quật đi lại, suốt đêm không lúc nào ngồi yên.

Sáng ngày mồng 8, khoảng cuối giờ Dần, từ quan Tuần-phủ trở xuống đều có mặt ở các cửa thành, Hoàng-diệu và một trăm võ-sĩ cưỡi ngựa đi trên mặt thành đốc-thúc quân lính. Trong thành, ngoài thành cơ nào đội ấy, trật-tự rất tề-chỉnh.(còn nữa)

Kỳ sau có hình M. Henri Rivière với Trận đánh nhau kịch-liệt và ông Hoàng-diệu tử tiết các hình ảnh ông Phó-bảng-Long, bệ rồng đá, các Cửa-ô gò Đống-đa, sảnh Văn-miếu, và tranh vẽ rất đẹp. v. v.


Imp. nhật-nam Hanoi

  1. Hồi này nguyên-văn ở đoạn dưới, nếu theo thứ-tự ngày tháng trước sau như lời trong bài tiểu-dẫn đã nói, thì còn cách mấy hồi nữa mới đến. Nhưng vì bạn đọc nhiều người muốn coi trước, nên phải theo lối chép chuyện Âu-châu.