Luật Phòng thủ dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023/Chương VI

Luật Phòng thủ dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023
Chương VI. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Chương VI
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Điều 42. Nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự

1. Nội dung quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự bao gồm:

a) Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự;

b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng thủ dân sự;

c) Tổ chức đào tạo, huấn luyện, diễn tập, xây dựng lực lượng, công trình và bảo đảm trang thiết bị phòng thủ dân sự;

d) Hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự;

đ) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về phòng thủ dân sự.

2. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự được quy định như sau:

a) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước;

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự thuộc phạm vi lĩnh vực được phân công trong phạm vi cả nước;

c) Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự tại địa phương.

Điều 43. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

Bộ Quốc phòng là đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự; chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý;

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các vấn đề liên ngành về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật;

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia; hướng dẫn Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch, bảo đảm trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực được phân công trong phạm vi cả nước;

4. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trên lĩnh vực được phân công;

5. Hướng dẫn xây dựng các công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng gắn với thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ;

6. Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và hiện đại về phòng thủ dân sự;

7. Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự;

8. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về phòng thủ dân sự thuộc phạm vi quản lý.

Điều 44. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực xảy ra sự cố, thảm họa.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cấp quốc gia ứng phó sự cố cháy lớn; ứng phó sự cố an ninh mạng.

4. Xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự trong Công an nhân dân; phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn theo quy định.

5. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.

6. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương đấu tranh với hoạt động lợi dụng sự cố, thảm họa để gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều 45. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả sự cố, thảm họa do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch cấp quốc gia ứng phó sự cố vỡ đê, hồ, đập; sự cố cháy rừng; bão, áp thấp, lũ, lụt; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các loại thiên tai khác.

4. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.

Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án về sử dụng hạ tầng giao thông, các trang thiết bị trong phạm vi quản lý để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Khi xảy ra sự cố, thảm họa, chỉ đạo, điều hành các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức lực lượng, phương tiện sơ tán người dân, tìm kiếm, cứu nạn theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ, ngành trung ương có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cấp quốc gia ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển, ứng phó tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng và ứng phó tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Triển khai kế hoạch, phương án sử dụng lực lượng, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; điều hành các đội tìm kiếm, cứu nạn thuộc ngành giao thông vận tải; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức các đội vận tải để sơ tán người dân, phương tiện đến khu vực an toàn, tiếp tế hậu cần, chuyển thương khi xảy ra sự cố, thảm họa.

4. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong việc cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện tìm kiếm, cứu nạn khi xảy ra sự cố, thảm họa.

5. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.

Điều 47. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán chi thường xuyên hằng năm để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Tổ chức điều hành thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp kịp thời, đầy đủ hàng dự trữ quốc gia phục vụ công tác phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 48. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Công bố, thông tin về tình hình dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng và biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

3. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.

4. Phối hợp với Bộ Quốc phòng quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân dân y ở khu vực biên giới, biển, hải đảo; tăng cường năng lực hệ thống y tế cho hoạt động phòng thủ dân sự.

Điều 49. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Chỉ đạo và điều phối việc tổ chức kiểm tra, xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn liên tỉnh, liên quốc gia, hướng dẫn việc xác định thiệt hại và việc tổ chức khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương có liên quan xây dựng trung tâm nghiên cứu, hệ thống dự báo, cảnh báo sự cố, thảm họa do thiên nhiên, môi trường liên quan đến phòng thủ dân sự.

4. Tổ chức thực hiện các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát thu thập thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tai biến địa chất.

5. Chỉ đạo thực hiện dự báo, cảnh báo, cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai liên quan đến địa chất, khí tượng, thủy văn, hải văn cho Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương và cơ quan thông tin đại chúng theo quy định.

6. Chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.

7. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.

Điều 50. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc phạm vi quản lý.

2. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, khai thác điện nguyên tử, khoáng sản, hóa chất độc hại, vật liệu nổ công nghiệp để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa trong lĩnh vực công nghiệp; quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, xuất khẩu các loại hóa chất độc, hóa chất nguy hiểm.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ có liên quan chỉ đạo và hướng dẫn việc xử lý các vụ nổ, sập hầm lò ở các cơ sở sản xuất, khai thác điện nguyên tử, than, xăng, dầu mỏ, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương có liên quan xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, hóa chất độc, khí, sự cố sập đổ hầm lò khai thác khoáng sản; hướng dẫn các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lực lượng, phương tiện thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất độc theo quy định.

5. Phối hợp với Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn năng lượng để duy trì các hoạt động quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và phục vụ nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

6. Ổn định giá cả thị trường, bảo đảm các mặt hàng thiết yếu cho người dân tại khu vực xảy ra sự cố, thảm họa.

7. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.

Điều 51. Trách nhiệm của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự và có trách nhiệm sau đây:

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý;

2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự; tổ chức lực lượng, phương tiện của mình làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

Điều 52. Trách nhiệm của chính quyền địa phương

1. Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Quyết định chủ trương, biện pháp xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự, ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật;

b) Giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về phòng thủ dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự tại địa phương có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành văn bản để tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và các nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao về phòng thủ dân sự tại địa phương;

b) Chỉ đạo xây dựng, thực hiện kế hoạch phòng thủ dân sự; triển khai xây dựng, huấn luyện, huy động lực lượng thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự; bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương;

c) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về bảo đảm ngân sách cho hoạt động phòng thủ dân sự tại địa phương;

d) Chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về phòng thủ dân sự tại địa phương.

Điều 53. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng thủ dân sự; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng thủ dân sự.