Chuyện thế gian/Quyển thứ nhất/Một người lạ mặt/I

MỘT NGƯỜI LẠ MẶT

E. T. A. Hoffmann soạn

Nam-Hương, BÙI-HUY-CƯỜNG

Dịch thuật

I

Về mùa thu năm 182... tại vùng Bia-mông, chưa từng thấy bao giờ lắm người vãn-cảnh như thế. Cái số người phú-gia ở ngoại-quốc tới đó cứ mỗi ngày mỗi tăng lên; ấy cũng vì thế mà các hạng người lý-tài kéo đến đấy rất đông. Ở đó, những người thần riêng của các sòng bạc, đánh bạc cũng không phải là vắng mặt kém người, họ bầy la-liệt từng đống vàng ở trên cái thảm xanh, chỉ để quyến-rũ những người ngù-ngờ chưa thấy hơi vàng đã choáng mắt mơ-mộng, cũng ví như người đi săn dùng mồi để bẫy một con vật khờ-dại vậy.

Còn lạ gì, trong những cái mùa tắm ấy, trong những lúc hội-họp vui chơi ấy, ai là người không bỏ hết những thói quen mà mình từng có xưa nay, rồi tự giúng thân vào sự nhàn-rỗi, làm cho cuộc đánh bạc thành ra một cuộc khoái-lạc tối cần, không ai lánh khỏi được. Trông thấy những người xưa nay chưa từng mó đến quân bài bao giờ, mà rồi ham-mê đến nỗi không bỏ cái bàn xanh một chút nào, đến nỗi tự hủy-hoại cái thân mình ở trong cuộc may, rủi, đỏ, đen, cũng không phải là ít. Ấy cũng chỉ vì mỗi đêm thua không là mấy mà nhiều đêm mới gây nên cái vạ say mê.

Cái sự đánh bạc là một luật chung ở vùng đó, thế mà chỉ trừ có một viên Nam-tước thiếu-niên, người Đức, là không dự vào cuộc ấy thôi. Viên Nam-tước đó, ta gọi tên là Xĩ-Phiên. Khi mọi người cùng chạy đến bàn bạc cả, Xĩ-Phiên không còn với ai trò truyện cho vui-vẻ nữa, bèn trở về phòng riêng đọc sách, hay là đi ra cánh đồng vãn-cảnh; vì ở xứ ấy, phong-cảnh thật là tuyệt đẹp.

Xĩ-phiên là người trẻ trai, tự-do, giầu-có, có vẻ sang-trọng, nét mặt dịu-dàng, thực là một người dễ nên yêu. Hình như hắn ta có vị phúc-tinh soi sáng; làm việc gì thành việc ấy. Người ta thường kể những chuyện rất rắc-rối, rất nguy-hiểm gian-truân, thế mà hắn ta gỡ ra như bỡn; câu chuyện cái đồng-hồ thì thật là một chuyện có thể làm chứng rằng hắn ta bao giờ cũng may-mắn phúc-phận.

Chuyện ấy như sau này:

Xĩ-phiên khi còn ít tuổi, nhân lúc đi xa, hết sạch tiền chi-dụng, đến nỗi phải bán cả cái đồng-hồ quýt nạm vô-số kim-cương đi. Cái vật quý-báu như thế mà hắn định hễ ai trả dẻ bao nhiêu cũng bán, nhưng khi tới một tiệm cơm kia, có một ông hoàng-tử đang cần tìm mua một thứ đồng-hồ quít cũng rứa như của hắn, hắn liền lấy ra bán, lại có lãi nữa. Cách đó một năm, khi Xĩ-phiên đã đến tuổi thành-niên, đã được quyền tự-chủ sản-nghiệp, thì hắn xem yết-thị thấy có kẻ đánh số một cái đồng-hồ quýt. Hắn mua một số, giá chẳng bao nhiêu, thế nào lại trúng ngay số được. Thành ra đồng-hồ trước bán đi, nay lại trở về tay hắn. Lại một ít lâu nữa, hắn đổi đồng-hồ ấy lấy một chiếc vòng kim-cương. Rồi về sau này, khi hắn làm quen với một ông Hoàng-tử, Hoàng-tử thấy hắn chăm-chỉ, thưởng cho hắn cái đồng-hồ ấy và một cái giây đeo rất quý-báu nữa.

Sự tình-cờ vừa kể ra đây, đủ chứng-kiến rằng lúc nào cái hạnh-phúc cũng cười nụ vớ Xĩ-phiên, thế mà Xĩ-phiên không hề mó tay đến một con bài; ai thấy vậy mà chẳng cho hắn là bướng-bỉnh, mà chẳng đồng lòng hảo nhau rằng hắn là người keo-kiết, bao nhiêu những tính tốt của hắn đều bị tiếng biển-lận che mờ hết cả. Nhưng nào ai có biết đâu rằng: Nam-tước vốn là người rất ghét sự biển-lận, rất sợ người ngoài ngờ mình là biển-lận. Chẳng bao lâu mà tiếng Nam-tước keo-cú đồn lầm khắp mọi nơi, đồn xa một cách chóng quá, đến nỗi Nam-tước không còn thể nào rũ sạch được cái tiếng nhơ ấy đi nữa.

Đến sau, tiếng đó đồn tới tai Nam-tước; Nam-tước vốn người rộng-rãi phóng-túng, nay thấy vậy, trong lòng dù khinh bỉ sự đánh bạc đến đâu, cũng nhất-định vất đi một, vài trăm đồng tiền vàng cho họ khỏi ngờ mình là người biển-lận nữa. Nam-tước liền đến buồng chứa bạc, rắt theo đi một món tiền khá lớn, nhất-định đánh vờ, đánh vẫn cho thua hết sạch. Nhưng sự phúc-phận, dù hắn đi đâu mặc lòng, cũng không hề xa một bước nào, thành ra quân bài nào đã mó tay đến thì được đỏ ối những vàng cùng bạc. Những tay cờ bạc lão-luyện đã có tiếng, hết sức xoay-xở Nam-tước mà vẫn chịu thua Nam-tước. Nam-tước đã cố-trí thay đổi con bài mà đánh cho thật bậy-bạ nhảm-nhí, thế mà càng bậy-bạ lại càng thấy được to hơn. Nam-tước quả là một người đánh bạc có một, vì Nam-tước trái hẳn với những tay chơi khác, là Nam-tước thấy mình đỏ mãi, được mãi thì thất-vọng; Nam-tước thất-vọng đến nỗi rõ-rệt ra nét mặt, mọi người ngồi quanh phải lấy làm lạ, coi Nam-tước như một ngươi vô tư-tưởng, là vì thấy Nam-tước cứ tự-nhiên phóng con bài đỏ mãi mãi như thế, mà cứ càng đỏ bao nhiêu lại làm bứt-rứt khó chịu bấy nhiêu như thế.

Bởi Nam-tước được tiền nhiều quá, thành ra cứ phải chơi đến kỳ-cùng cho hết sạch đi; song nào có hết sạch cho, Nam-tước lại càng được nhiều hơn mãi; ngôi phúc-tinh không hề xa Nam-tước một bước chân nào vậy. Nam-tước cứ được mãi thế, rồi sau hóa không tưởng gì đến sự được ấy nữa, tự thấy mình vui tay đánh rền. Sự ấy cũng không lạ, là vì cách đánh bài này tuy rất rản-dị, mà thường khiến cho người ta may rủi một cách rất kỳ-diệu.

Nam-tước dần dần không thấy đánh bạc đỏ mà đem lòng giận-dỗi nữa, sự đánh bạc đã chiếm hết thân-thế Nam-tước rồi, không thấy đêm nào là đêm Nam-tước không ngồi lên đánh bạc cả. Nam-tước không phải vì được mà ham-mê, Nam-tước chỉ là ham-mê về sự đánh bạc. Bạn của Nam-tước thường nói với Nam-tước rằng: « Sự đánh bạc có một cái thú riêng » Nam-tước không hiểu cái thú ấy là cái thú gì; nay Nam-tước cũng bị mắc trong vòng cái thú ấy.

Có một đêm, khi nhà cái đang đếm tiền, Nam-tước nhân đó ngẩng mặt lên coi, bất-đồ thấy một người có tuổi, ngồi ngay trước mặt Nam-tước, giương đôi con mắt nghiêm-trang và buồn-rầu, tròng-trọc nhìn Nam-tước không hề rời bỏ một lúc nào. Mỗi lần Nam-tuớc đánh xong một ván, ngẩng mặt lại nhìn thấy người kia quằm-quặm con mắt nhìn mình, sự nhìn kỳ-quặc ấy sinh một mối cảm-giác ở trong lòng Nam-tước mà Nam-tước không thể gạt bỏ đi được. Đến khi cuộc bạc đã tan, người lạ mặt nọ lại đi đâu mất. Đêm hôm sau, người ấy lại đứng ở trước mặt Nam-tước, lại giương đôi con mắt ma mà nhìn Nam-tước một cách hệt như hôm trước. Nam-tước vẫn nhịn không nói, nhưng tối đêm sau nữa, người kia lại gần thì Nam-tước quát lên rằng:

— Thưa ông, tôi xin ông tìm chỗ khác mà đứng, vì ông cản-trở cuộc chơi của tôi lắm.

Người nọ mỉn cười một cách đau-đớn, sẽ cúi đầu xuống, không nói nửa tiếng, rồi lủi-thủi bước ra ngoài phòng bạc.

Đến đêm sau nữa người ấy lại hiện đến, đứng sừng-sững trước mặt Nam-tước mà nhìn Nam-tước một cách ủ-rũ dữ-dội.

Xĩ-phiên điên ruột lên, không thể nén đi được, đứng phắt dậy mà rằng:

— Thưa ông, nếu ông lấy sự coi tôi làm thú, thì xin ông chọn cái giờ khác, tìm một chỗ khác mà coi tôi, chớ như bây giờ..,

Rồi Nam-tước ra hiệu bàn tay, chỉ hiệu ngón tay ra cổng; những cái ra hiệu ấy tức thay cho những lời cục-cằn mà Nam-tước cố nhịn không nỡ nói ra miệng vậy. Nhưng người nọ, cũng như đêm trước, cười nụ một cách đau-đớn, sẽ cúi đầu xuống, rồi lủi-thủi bước ra.

Nam-tước vừa vẩn-vơ về canh bạc đen đỏ, vừa khắc-khoải về chén rượu say nồng, vừa khó chịu về nỗi người lạ mặt kia đến trêu-trọc mình, thành ra suốt đêm không ngủ. Đến mãi sáng hôm sau mà nét mặt người nọ vẫn chưa dời hai con mắt của Nam-tước đi. Nam-tước còn trông thấy cái nét mặt có nghĩa-lý kia, mày râu rõ-rệt mà hình như có vẻ sầu-bi trang-điểm, đôi con mắt đa-sầu, hõm xuống, không từng dời xa Nam-tước lúc nào, mà ở dưới cái bộ quần áo khốn-nạn kia, vẫn còn vẻ bệ-vệ của một con người giòng-giõi quý-phái. — Mà lại lúc người ấy khổ tâm chịu-nhịn, lùi ra ngoài phòng bạc nữa. — Xĩ-phiên vẩn-vơ nghĩ thế, thốt-nhiên kêu lên rằng:

— Không, ta có lỗi, ta có lỗi to lắm rồi. Phải. Cái bản-tính của ta bao giờ lại mắng mỏ, lại cưỡng-bách một người họ không hề làm cho ta phải phàn-nàn hối-hận, như một đứa học-trò mất dậy đâu!

Sau Nam-tước chắc rằng người nọ trông mình như thế, ấy là vì thấy tình-cảnh mình khác tình-cảnh hắn mà sinh ra một mối cảm-tình đau-đớn.

Phải! Hắn thì nghèo-nàn thảm-hại như thế, mà ta thì hoài phí tiền bạc ở trên con bài nhường này.

Nam-tước định đến hôm sau tìm tới người nọ để xin lỗi mình đã chót nhỡ mấy buổi đêm qua.

Sự giời run-rủi khéo đâu, Nam-tước vừa bước chân đi rong chơi ở quanh chốn ấy, con người ma Nam-tước bắt gặp trước nhất, ấy chính là con người lạ mặt nọ vậy.

Nam-tước đến gần, xin tha lỗi buổi trước. Nam-tước xin lỗi một cách thật là nồng-nàn khúm-núm. Người kia đáp rằng Nam-tước không có điều gì là đáng tha-thứ cả, vì rằng những người say-sưa trong đám bạc, đang khi hăng-hái úp-mở thì tất phải không coi thấu đến nhiều sự khác. Người ấy lại nhận rằng chính lỗi người ấy đứng mãi một chỗ để bận lòng cho nam-tước, để tự hứng lấy những lời Nam-tước nói nặng, chớ có phải lỗi tại Nam-tước đâu!

Nam-tước lại nói dài giòng lôi-thôi rằng: Ở đời thường có lắm lúc mà những kẻ anh-hùng hào-kiệt cũng thấy mình ở trong cảnh quẫn-bách. Nam-tước lại tỏ ý rằng ngài sẽ sẵn lòng lấy một phần tiền được bạc ra mà giúp cho người nọ đỡ khốn-cùng. Nhưng người nọ đáp:

— Thưa ngài, ngài tưởng tôi là người đang cần tiền hẳn? Không. Tôi không cần tiền làm chi hết; tôi thì chẳng giầu với ai thật, song cái cách tôi chi-dụng để mà sinh-tồn, quả không hề có thiếu-thốn. Thế mà ngài định lấy một ít tiền để chuộc lại cái tấm lòng giận-dữ của tôi (vì ngài tưởng lầm như thế), cái cách chuộc lòng của ngài ấy thật tôi không thể nào kham nhận được...........

Nam-tước đáp:

— Thôi, tôi hiểu ý ông nói rồi. Vậy chớ ông muốn gì, tôi sẽ sẵn lòng đối-đáp cùng ông?

Người nọ kêu rằng:

— Trời ôi! Hai ta mà đánh nhau thì không sứng-đáng biết là ngần nào! Tôi dám chắc rằng ngài cũng như tôi, ngài cũng không coi sự đấu-kiếm là một trò đùa của con trẻ, mà ngài cũng như tôi, cũng biết rằng: Hoặc một vài giọt máu, hoặc một chỗ sướt da cũng không thể lấy lại được cái danh-dự bị kẻ khác bôi nhọ, tôi dám chắc như thế đó. Cũng có lúc hai người thù hằn nhau, một người ở ngọn núi Cô-cai, một người ở bờ sông Típ, nhưng hãy còn nghĩ-ngợi tới nhau thì cũng không tài nào cùng nhau đội trời chung được. Trong những lúc ấy, sự đấu-võ là sự tối-cần, tối-trọng, vì rằng trong hai người ấy phải có người từ trần để nhường chỗ cho người kia sống ở trên mặt đất. Chớ như hai ta đây, sự đấu-võ quả không có chút chi sứng-đáng, tôi chẳng đã nói với ngài rồi đó ư? Vì cái đời tôi không thể sánh với đời ngài được. Tôi mà giết được ngài ru? Ấy là tôi giết hết cái hi-vọng ở trên đời đó. Ngài mà giết được tôi ru? Ấy là ngài trừ-bỏ được một cái đời ghê-gớm, một cái đời người đã bỏ đi rồi, một cái đời người đầy ràn-rụa những sự thê-thảm chua-sót đó. Nhưng cái cốt câu chuyện tôi nói cùng ngài, là tôi không lấy tôi làm bị ngài khinh-bỉ đâu! Ngài bảo tôi đi, thì tôi đi ra ngay đó thôi mà...

Người ấy nói mấy tiếng sau này cảm-động quá, thành ra sự bồi-hồi trong tâm lộ cả ra ngoài miệng. Nam-tước cũng vì thấy thế mà lại xin lỗi người kia một lần nữa và nói rằng không hiểu vì tại làm sao mà trong sự trông của người ấy có một cái sức khiến cho Nam-tước không tài nào chịu nổi.

Người lạ đáp:

— Phải, vì rằng tôi có thể trông được vào trong ruột ngài mà giãi tỏ cho ngài biết cái tai-nạn ngài sắp bị mắc đó. Ngài cứ vui-vẻ và cứ dại-dột như đứa trẻ con mà tiến lại miệng một cái hầm sâu, chỉ lỡ một bước nữa là ngài ngã xuống, không còn tài nào trở lên được. Ấy là ngài đã sắp trở nên một con bạc ham-mê đó.

Nam-tước quyết rằng người nọ tưởng lầm thế, nên ngài bầy giãi cho người ấy biết rằng tại làm sao mà ngài đánh bạc. Ngài lại nói: Nếu ngài đánh thua hết được một vài đồng tiền vàng thì ngài sẽ chừa hẳn. Nhưng hiện đến bây giờ, ngài đánh canh bạc nào cũng chỉ được mãi thôi, rõ chán quá!

Người lạ nói:

— Chao ôi! Ấy chính cái được ấy nó sẽ từ-từ rắt ngài đến nơi âm-ty địa-ngục đó, nó chính là cái mồi gớm-ghê rử ta vào trong lưới thảm-thương đó. Nam-tước ơi! Cái thú mà ngài đánh bạc ấy, cái cách mà ngài bắt đầu chơi vào nghề ấy, cái nết mà ngái ăn-ở cứ mỗi ngày một biến, trong những khi ngài ngồi trong bàn bạc ấy, tất cả những cái ấy khiến cho tôi nhớ lại một kẻ khốn-nạn kia, cũng hạnh-kiểm như ngài, cũng chơi bời có mục-đích tốt đẹp như ngài, mà rồi sau cũng lụn-bại không biết đến đâu mà nói nữa. Bởi thế nên tôi không thể dời con mắt không trông ngài được, mà con mắt tôi trông ngài tỏ ra những ý tôi vừa kể trên kia đó. Trông thấy con yêu-quái giương móng sắc ra mà để quắp ngài xuống đáy vực thẳm, lẽ nào tôi lại nén tâm nổi mà chẳng kêu gọi ngài lại. Ý tôi muốn làm quen với ngài, vậy nay tôi đã được biết ngài rồi đây. Ngài nên biết chuyện cái kẻ khốn-nạn kia, nếu ngài biết chuyện hắn, chắc ngài cũng phải chịu rằng sự nguy-hiểm mà tôi bảo trước cho ngài đó, không phải là một sự mơ-màng tự chí tôi tưởng-tượng ra vậy.

Người nọ ngồi xuống tấm ghế dài, ra hiệu cho Nam-tước cùng ngồi, rồi bắt-đầu kể chuyện: