Chữ nhàn
của Nguyễn Công Trứ

Thị tại môn tiền náo 市 在 門 前 閙
Nguyệt lai môn hạ nhàn 月 來 門 下 閒[1]
So lao tâm lao lực[2] cũng một đoàn,
Người trần thế muốn nhàn sao được.
5Nên phải lấy chữ "Nhàn" làm trước,
Trời tiếc du, ta cũng xin nài.
Cuộc nhân sinh   bảy, tám, chín mười mươi,
Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể
Thọat sinh ra, thì đà khóc chóe,
10Trần có vui, sao chẳng cười khì?
Khi hỉ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi[3],
Chứa chi lắm một bầu nhân dục[4]?
Tri túc, tiện túc; đãi túc, hà thời túc?
知 足 便 足 待 足 何 時 足
Tri nhàn, tiện nhàn; đãi nhàn, hà thời nhàn?[5]
知 閒 便 閒 待 閒 何 時 閒
15Cầm, kỳ, thi, tửu với giang san,
Dễ mấy kẻ xuất trần, xuất thế[6]?
Ngã kim nhật tại tọa chi địa,
我 今 日 在 坐 之 地
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi.[7]
古 之 人 曽 先 我 坐 之
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,
20Ai hay hát, mà ai hay nghe hát?
Sông Xích Bích, buông thuyền năm Nhâm Tuất,
Để ông Tô[8] riêng một thú thanh tao.
Chữ "Nhàn" là chữ làm sao?

   




Chú thích

  1. Chợ ở trước cửa thì huyên náo, trăng lại trước cửa thì thanh nhàn. Hai câu này do cách ghép chữ mà đặt ra: cùng một chữ môn 門, nếu để chữ thị 市 vào trong thì thành ra chữ náo 閙; nếu để chữ nguyệt 月 vào thì thành ra chữ nhàn 閒.
  2. Lao tâm, lao lực 勞心勞力: lao tâm là nhọc lòng, tức là làm việc bằng trí não; lao lực là nhọc sức tức là làm việc bằng chân tay.
  3. Hỉ 喜: mừng; lạc 樂: vui; ái 愛: yêu; 惡: ghét; sầu 愁: buồn; bi 悲: thương.
  4. Nhân dục 人欲: lòng ham muốn của người ta.
  5. Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn
  6. Xuất trần xuất thế 出塵出世 (xuất: ra; trần: bụi; thế: đời): ra ngoài cõi đời bụi bậm.
  7. Hai câu này ở bài tựa truyện Tây sương ký của Vương Thực Phủ đời Nguyên; ý nói: chỗ ta đang ngồi hôm nay thì người xưa đã từng ngồi trước rồi. Ý nói: ở đời này không có cái gì là mới cả.
  8. Ông Tô: tức là ông Tô Thức hay Tô Đông Pha đời nhà Tống, một trong bát đại gia của văn chương Trung Quốc, thường hay cùng bạn thả thuyền chơi trên sông Xích Bích. Ông là tác giả của hai bài phú nổi tiếng Tiền và Hậu Xích Bích phú