Các tu chính án Hiến pháp Hoa Kỳ

Các tu chính án Hiến pháp Hoa Kỳ
của Chính phủ Hoa Kỳ, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Dưới đây là các tu chính án Hiến pháp Hoa Kỳ được phê chuẩn từ năm 1791 đến năm 1992. Mười tu chính án đầu tiên được gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ được thông qua ngày 15 tháng 12 năm 1791, tu chính án thứ 26 được phê chuẩn ngày 5 tháng 7 năm 1971. Thực tế thì Tuyên ngôn Nhân quyền có tổng cộng 12 điều trong đó chỉ các điều từ 3 đến 12 được thông qua năm 1791, điều 2 được thông qua năm 1992 còn điều 1 chưa bao giờ được thông qua. Do đó chỉ các điều từ 2 đến 12 là các tu chính án Hiến pháp Hoa Kỳ. — Trích dẫn từ Danh sách các tu chính án Hiến pháp Hoa Kỳ của Wikipedia, bách khoa toàn thư mở.

Tuyên ngôn Độc lập | Các điều khoản Hợp bang | Hiến pháp | Tuyên ngôn Nhân quyền


Tu chính án I[ghi chú] sửa

(Các tu chính án từ I đến X được đề xuất ngày 25 tháng 9 năm 1789, phê chuẩn ngày 15 tháng 12 năm 1791)

Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.

Tu chính án II[ghi chú] sửa

Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.

Tu chính án III[ghi chú] sửa

Không một quân nhân nào trong thời bình được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào nếu không được sự đồng ý của chủ nhà, và ngay trong thời chiến cũng chỉ theo qui định của luật pháp.

Tu chính án IV[ghi chú] sửa

Quyền của con người được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và bắt giam, quyền này sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ.

Tu chính án V[ghi chú] sửa

Không một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội xấu xa khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến hoặc trong tình trạng xã hội gặp hiểm nguy. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.

Tu chính án VI[ghi chú] sửa

Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng của bang hoặc khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước; bị cáo phải được thông báo về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.

Tu chính án VII[ghi chú] sửa

Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đô-la, thì quyền được xét xử bởi Bồi thẩm đoàn sẽ được tôn trọng và không một vụ việc nào đã được Bồi thẩm đoàn xét xử lại phải xem xét lại lần nữa ở bất cứ tòa án nào của Hoa Kỳ, mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.

Tu chính án VIII[ghi chú] sửa

Không đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.

Tu chính án IX[ghi chú] sửa

Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.

Tu chính án X[ghi chú] sửa

Những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc nhân dân.

Tu chính án XI sửa

(đề xuất ngày 4 tháng 3 năm 1794, phê chuẩn ngày 7 tháng 2 năm 1795)

Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ không được giải thích với mục đích mở rộng ra các vụ tố tụng về luật pháp hay công lý mà công dân của một bang khác hoặc công dân và đối tượng của một nước khác dựa vào đó để khởi kiện hoặc truy tố một bang của Hoa Kỳ.

Tu chính án XII sửa

(Đề xuất ngày 9 tháng 12 năm 1803, phê chuẩn ngày 15 tháng 6 năm 1804)

Các đại cử tri sẽ họp lại trong từng bang của họ và bằng lá phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Ít nhất một trong hai người này sẽ không phải là cư dân cùng một bang với họ. Họ sẽ ghi vào lá phiếu tên người được bầu là Tổng thống và trên lá phiếu khác tên người được bầu làm Phó Tổng thống. Và họ sẽ lập ra các bản danh sách khác nhau những người bầu cho Tổng thống, những người bầu cho Phó Tổng thống và cả số phiếu bầu cho mỗi người. Họ sẽ ký xác nhận vào những danh sách này, niêm phong và chuyển lên Chính phủ Hoa Kỳ, trình lên Chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch Thượng viện trước sự hiện diện của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các hồ sơ đã được chứng nhận và các phiếu bầu sẽ được đem ra đếm. Người có số phiếu nhiều nhất trong cuộc bầu cử cho Tổng thống sẽ đắc cử Tổng thống nếu con số này là đa số trong tổng số đại cử tri được chỉ định; nếu không ai đạt số phiếu như vậy thì Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu bầu Tổng thống trong những người có số phiếu bầu cao nhất, nhưng không quá 3 người. Nhưng trong việc bầu Tổng thống này, việc bỏ phiếu sẽ được tính theo các bang, đại diện của mỗi bang có một phiếu bầu. Số đại biểu qui định để tiến hành việc này gồm một hoặc các thành viên của hai phần ba các bang và phải có đa số các bang. Nếu Hạ viện đã được trao quyền bầu cử mà không bầu ra Tổng thống trước ngày thứ 4 của tháng 3 tiếp theo, thì Phó Tổng thống sẽ là quyền Tổng thống, cũng giống như trường hợp Tổng thống qua đời hoặc không đủ năng lực như Hiến pháp quy định. Người có số phiếu bầu nhiều nhất cho Phó Tổng thống sẽ đắc cử Phó Tổng thống nếu số phiếu này là đa số phiếu của tổng số đại cử tri được chỉ định; nếu không có ai được đa số phiếu, thì Thượng viện sẽ căn cứ vào hai người có số phiếu cao nhất trong danh sách để bầu ra Phó Tổng thống. Số đại biểu cần thiết cho mục đích này gồm hai phần ba trong tổng số thượng nghị sĩ và đa số trong tổng số là tiêu chuẩn cần thiết để chọn lựa. Người nào không đủ tiêu chuẩn hợp hiến để đảm nhận chức vụ Tổng thống thì cũng không đủ tiêu chuẩn để được chọn làm Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

Tu chính án XIII sửa

(Đề xuất ngày 31 tháng 1 năm 1865, phê chuẩn ngày 6 tháng 12 năm 1865)

Khoản 1 sửa

Không một chế độ nô lệ hoặc lao dịch cưỡng bức nào có thể tồn tại ở Hoa Kỳ hoặc ở một nơi nào thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ, trừ trường hợp trừng phạt thích đáng đối với tội phạm hình sự mà đương sự phạm phải.

Khoản 2 sửa

Quốc hội sẽ có quyền thực thi điều này bằng quyền lập pháp tương ứng.

Tu chính án XIV sửa

(Đề xuất ngày 13 tháng 6 năm 1866, phê chuẩn ngày 9 tháng 7 năm 1868)

Khoản 1 sửa

Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc được nhập quốc tịch ở Hoa Kỳ và thuộc thẩm quyền tài phán ở đó, đều là công dân của Hoa Kỳ và của bang mà họ sinh sống. Không một bang nào được ban hành hoặc thực thi bất cứ đạo luật nào nhằm hạn chế đặc quyền hoặc quyền bất khả xâm phạm của công dân Hoa Kỳ. Cũng không một bang nào có thể tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của một cá nhân mà không theo một quy trình do luật định. Cũng không thể phủ nhận quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng của một cá nhân trong phạm vi thẩm quyền tài phán của bang đó.

Khoản 2 sửa

Số Hạ nghị sĩ được phân chia theo tổng số nhân khẩu của các tiểu bang, ngoại trừ những người da đỏ không phải nộp thuế. Nhưng trong bất cứ một cuộc bầu cử đại cử tri (để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ), bầu cử các Hạ nghị sĩ trong Quốc hội, các quan chức hành pháp và tư pháp của bang hoặc các thành viên của cơ quan lập pháp nơi đó, nếu quyền bầu cử của nam công dân tuổi 21 và là công dân Hoa Kỳ bị phủ nhận hoặc hoặc bị tước bỏ vì lý do nào đó (không kể trường hợp những người tham gia phiến loạn hoặc phạm các tội khác), thì số đại cử tri ở đó sẽ bị giảm bớt theo tỷ lệ giữa tổng số nam công dân và số nam công dân ở độ tuổi 21 tại bang đó.

Khoản 3 sửa

Những ai với tư cách là thành viên của Quốc hội, hoặc một quan chức của Hoa Kỳ, hoặc một thành viên của một cơ quan lập pháp của bang, hoặc quan chức hành chính hay tư pháp của bất cứ một bang nào đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp của Hoa Kỳ nhưng lại tham gia các cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến pháp hoặc trợ giúp hay úy lạo kẻ thù, thì không thể là thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ trong Quốc hội, hoặc đại cử tri để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc phụ trách một cơ quan dân sự hay quân sự nào của Hoa Kỳ hay của một bang nào đó. Nhưng Quốc hội có thể với 2/3 số phiếu của hai phần ba thành viên mỗi Viện để bác bỏ sự nghiêm cấm nói trên.

Khoản 4 sửa

Giá trị của những khoản nợ công cộng của Hoa Kỳ, được luật pháp đảm bảo, kể cả những khoản nợ để trả cho các khoản phụ cấp và tiền thưởng cho công việc phục vụ trấn áp các cuộc nổi dậy và phiến loạn, không bị chất vấn. Tuy nhiên Hoa Kỳ và bất cứ bang nào đều không thừa nhận hoặc thanh toán các khoản nợ hay trái vụ liên quan tới sự hỗ trợ các cuộc nổi dậy và phiến loạn chống lại Hoa Kỳ, hoặc đối với những yêu cầu bồi thường cho tình trạng mất mát nô lệ hoặc giải phóng nô lệ. Những khoản tiền, nghĩa vụ và yêu cầu loại này phải bị coi là phi pháp và không có giá trị.

Khoản 5 sửa

Bằng luật lệ thích hợp, Quốc hội có quyền triển khai xem xét điều khoản này.

Tu chính án XV sửa

(Đề xuất ngày 26 tháng 2 năm 1869, phê chuẩn ngày 3 tháng 2 năm 1870)

Khoản 1 sửa

Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế, dựa vào lý do chủng tộc, màu da hay tình trạng nô lệ trước đây.

Khoản 2 sửa

Quốc hội sẽ có quyền triển khai điều khoản này bằng luật lệ thích hợp.

Tu chính án XVI sửa

(Đề xuất ngày 12 tháng 7 năm 1909, phê chuẩn ngày 3 tháng 2 năm 1913)

Quốc hội sẽ có quyền ban hành và thu các khoản thuế thu nhập có từ bất cứ nguồn nào mà không phân bổ tỷ lệ giữa các bang và không dựa vào bất cứ sự thống kê và điều tra dân số nào.

Tu chính án XVII sửa

(Đề xuất ngày 13 tháng 5 năm 1912, phê chuẩn ngày 8 tháng 4 năm 1913)

Thượng viện của Hoa Kỳ sẽ gồm có hai thượng nghị sĩ của mỗi bang do dân chúng ở đó bầu ra với nhiệm kỳ 6 năm và mỗi thượng nghị sĩ sẽ có một lá phiếu biểu quyết. Đại cử tri ở mỗi bang phải có đủ phẩm chất cần thiết như là phẩm chất của đại cử tri ở bang có cơ quan lập pháp đông đảo nhất.

Khi có chỗ trống trong số đại diện của tiểu bang trong Thượng viện, cơ quan hành pháp của bang đó sẽ ban hành lệnh bầu cử để bổ sung vào chỗ trống, với điều kiện là cơ quan lập pháp của bang đó trao quyền tạm thời cho cơ quan hành pháp cho đến khi nhân dân bầu chọn được người bổ sung vào những chỗ trống theo luật lệ sẵn có.

Điều khoản này sẽ không được giải thích làm ảnh hưởng đến việc bầu cử hoặc nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ được bầu ra, cho đến khi nó có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp.

Tu chính án XVIII sửa

(Đề xuất ngày 18 tháng 12 năm 1917, phê chuẩn ngày 16 tháng 1 năm 1919, bị bãi bỏ bởi Tu chính án XXI ngày 5 tháng 12 năm 1933)

Khoản 1 sửa

Một năm sau khi phê chuẩn điều khoản này của Hiến pháp, việc sản xuất, mua bán hoặc chuyên chở các loại rượu có cồn ở trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài, xuất khẩu từ Hoa Kỳ và các lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ đều bị cấm.

Khoản 2 sửa

Quốc hội và các bang có quyền lực như nhau khi triển khai điều khoản này của Hiến pháp.

Khoản 3 sửa

Điều khoản này sẽ không có hiệu lực trừ phi được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của các bang như một tu chính án của Hiến pháp trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển đến các bang như Hiến pháp quy định.

Tu chính án XIX sửa

(Đề xuất ngày 4 tháng 6 năm 1919, phê chuẩn ngày 18 tháng 8 năm 1920)

Khoản 1 sửa

Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Liên bang hoặc bất cứ bang nào với lý do giới tính.

Khoản 2 sửa

Quốc hội có quyền thực hiện điều khoản này bằng luật lệ thích hợp.

Tu chính án XX sửa

(Đề xuất ngày 2 tháng 3 năm 1932, phê chuẩn ngày 23 tháng 1 năm 1933)

Khoản 1 sửa

Nhiệm kỳ của Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ kết thúc vào đúng trưa ngày 20 tháng giêng, và nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ kết thúc vào đúng trưa của ngày 3 tháng giêng của năm mà những nhiệm kỳ trên sẽ kết thúc, nếu điều khoản này vẫn chưa được phê chuẩn và nhiệm kỳ của những người kế nhiệm họ sẽ bắt đầu từ thời điểm đó.

Khoản 2 sửa

Quốc hội sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần và kỳ họp sẽ bắt đầu vào giữa trưa ngày 3 tháng giêng, trừ trường hợp họ có thể căn cứ vào luật để xác định một ngày khác.

Khoản 3 sửa

Nếu vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ đã được ấn định mà Tổng thống đắc cử qua đời, thì Phó Tổng thống đắc cử sẽ trở thành Tổng thống. Nếu trước thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ đã được ấn định mà Tổng thống chưa đắc cử hoặc Tổng thống đã đắc cử nhưng không đủ tư cách, thì Phó Tổng thống đắc cử sẽ đảm đương cương vị Tổng thống cho đến khi Tổng thống được xác định là có đủ tư cách. Quốc hội có thể căn cứ vào luật để quyết định về trường hợp khi cả Tổng thống đắc cử và Phó Tổng thống đắc cử đều không đủ điều kiện, tuyên bố ai sẽ đứng ra đảm đương quyền Tổng thống hoặc xác định cách thức để chọn người đảm đương chức vụ Tổng thống cho đến khi Tổng thống hay Phó Tổng thống có đủ tư cách.

Khoản 4 sửa

Quốc hội có thể căn cứ vào luật để quy định trong trường hợp có sự qua đời của bất cứ cá nhân nào trong những người mà Hạ viện có thể chọn làm Tổng thống khi Hạ viện được trao quyền lựa chọn đó; và trong trường hợp có sự qua đời của bất cứ cá nhân nào trong những người mà Thượng viện có thể chọn làm Phó Tổng thống khi Thượng viện được trao quyền lựa chọn đó.

Khoản 5 sửa

Khoản 1 và khoản 2 sẽ có hiệu lực bắt đầu vào ngày 15 tháng 10 sau khi điều khoản này được phê chuẩn.

Khoản 6 sửa

Điều này của Hiến pháp sẽ không có hiệu lực trừ phi được phê chuẩn như những tu chính án của Hiến pháp bởi cơ quan lập pháp của ba phần tư các tiểu bang trong 7 năm kể từ ngày được đệ trình.

Tu chính án XXI sửa

(Đề xuất ngày 20 tháng 2 năm 1933, phê chuẩn ngày 5 tháng 12 năm 1933)

Khoản 1 sửa

Kể từ nay, tu chính án số 18 của Hiến pháp bị bãi bỏ.

Khoản 2 sửa

Việc chuyên chở hay nhập khẩu nhằm cung cấp và sử dụng rượu có cồn ở bất cứ bang nào hoặc lãnh thổ và vùng thuộc sở hữu của Hoa Kỳ mà vi phạm luật ở những nơi đó sẽ bị nghiêm cấm.

Khoản 3 sửa

Điều này sẽ không có hiệu lực trừ phi nó được các đại hội của các bang phê chuẩn như một tu chính án của Hiến pháp, theo qui định của Hiến pháp, trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển đến các bang.

Tu chính án XXII sửa

(Đề xuất ngày 24 tháng 3 năm 1947, phê chuẩn ngày 27 tháng 2 năm 1951)

Khoản 1 sửa

Không người nào được bầu giữ chức vụ Tổng thống quá hai nhiệm kỳ và không người nào đã đảm đương chức vụ Tổng thống hoặc là quyền Tổng thống quá hai năm trong nhiệm kỳ mà người khác đã đắc cử Tổng thống sẽ được bầu vào chức vụ Tổng thống hơn một nhiệm kỳ. Nhưng điều khoản này không áp dụng đối với những người đang giữ chức Tổng thống khi điều khoản này được Quốc hội đề nghị và sẽ không ngăn cản bất cứ ai có thể giữ chức Tổng thống hoặc quyền Tổng thống trong thời gian điều khoản này có hiệu lực đúng vào nhiệm kỳ của họ, vì vậy họ sẽ tiếp tục cương vị Tổng thống hay quyền Tổng thống trong thời gian nhiệm kỳ còn lại.

Khoản 2 sửa

Điều này sẽ không có hiệu lực trừ phi nó sẽ được cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang phê chuẩn như một tu chính án vào Hiến pháp trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển tới các bang.

Tu chính án XXIII sửa

(Đề xuất ngày 16 tháng 6 năm 1960, phê chuẩn ngày 29 tháng 3 năm 1961)

Khoản 1 sửa

Các địa hạt cấu thành nên các khu vực bầu cử chính quyền của Hoa Kỳ sẽ được tổ chức theo thể thức mà Quốc hội quy định như sau:

Số đại cử tri bầu Tổng thống và Phó Tổng thống mà các địa hạt có được bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ trong Quốc hội, nếu đó là một bang, nhưng nếu số đại cử tri không nhiều hơn so với bang ít dân số nhất, thì họ sẽ được ghép vào số đại cử tri do các bang bổ nhiệm, nhưng xuất phát từ mục đích của cuộc bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, thì họ sẽ được coi là các đại cử tri do một bang bổ nhiệm, và họ sẽ họp với nhau ở khu vực bầu cử và hoàn thành trách nhiệm do điều 12 của Tu chính án Hiến pháp qui định.

Khoản 2 sửa

Quốc hội có quyền đem lại hiệu lực cho điều khoản này bằng luật lệ phù hợp.

Tu chính án XXIV sửa

(Đề xuất ngày 27 tháng 8 năm 1962, phê chuẩn ngày 23 tháng 1 năm 1964)

Khoản 1 sửa

Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ trong các vòng bầu cử sơ bộ, hoặc trong các cuộc bầu cử Tổng thống hay Phó Tổng thống, cuộc bầu đại cử tri để bầu Tổng thống, Phó Tổng thống, thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ trong Quốc hội, sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Hoa Kỳ hay một bang nào với lý do không có khả năng nộp thuế thân hoặc thuế khác.

Khoản 2 sửa

Quốc hội có quyền thực thi điều này bằng luật lệ phù hợp.

Tu chính án XXV sửa

(Đề xuất ngày 6 tháng 7 năm 1965, phê chuẩn ngày 10 tháng 2 năm 1967)

Khoản 1 sửa

Trong trường hợp Tổng thống bị phế truất, qua đời hoặc từ chức, Phó Tổng thống sẽ trở thành Tổng thống.

Khoản 2 sửa

Trong trường hợp vị trí Phó Tổng thống bị bỏ trống, Tổng thống sẽ chỉ định một người làm Phó Tổng thống, nhưng phải được đa số phiếu bầu của cả hai Viện trong Quốc hội.

Khoản 3 sửa

Trong trường hợp Tổng thống chuyển đến Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố rằng Tổng thống không thể thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình và cho đến khi Tổng thống chuyển đến họ một văn bản với nội dung ngược lại thì những quyền lực và trách nhiệm đó sẽ do Phó Tổng thống thực thi với tư cách quyền Tổng thống.

Khoản 4 sửa

Trong mọi trường hợp khi Phó Tổng thống và đa số các quan chức chủ yếu của cơ quan hành pháp hay cơ quan tương đương nào khác mà Quốc hội đã quy định bằng luật, chuyển lên Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản của họ tuyên bố rằng Tổng thống không thể thực thi những quyền lực và trách nhiệm của mình, thì Phó Tổng thống sẽ ngay lập tức nắm quyền lực và trách nhiệm đó với tư cách quyền Tổng thống.

Sau đó, khi Tổng thống chuyển lên quyền Chủ tịch của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về năng lực của mình, Tổng thống có thể tiếp tục thực thi quyền lực và nhiệm vụ với điều kiện trong vòng 4 ngày Phó Tổng thống và đa số các quan chức chủ yếu của cơ quan hành pháp hay cơ quan tương đương mà Quốc hội đã qui định chuyển đến Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về việc Tổng thống có đủ năng lực thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình.

Nếu không phải trong kỳ họp, trong vòng 48 tiếng đồng hồ Quốc hội sẽ phải họp để giải quyết vấn đề đó. Nếu Quốc hội trong vòng 21 ngày sau khi nhận được văn bản tuyên bố nói trên hoặc nếu vào thời điểm đó không phải là kỳ họp thì trong vòng 21 ngày, Quốc hội phải họp để với hai phần ba số phiếu của cả hai Viện quyết định về việc Tổng thống không thể thực thi các quyền và trách nhiệm của mình, và Phó Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi công việc đó với tư cách là quyền Tổng thống, trong trường hợp ngược lại, Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình.

Tu chính án XXVI sửa

(Đề xuất ngày 23 tháng 3 năm 1971, phê chuẩn ngày 1 tháng 7 năm 1971)

Khoản 1 sửa

Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ từ 18 tuổi trở lên sẽ không bị tước bỏ hoặc hạn chế bởi Liên bang hay bất cứ bang nào với lý do tuổi tác.

Khoản 2 sửa

Quốc hội có quyền thực hiện điều này bằng luật lệ thích hợp.

Tu chính án XXVII[ghi chú] sửa

(Đề xuất ngày 25 tháng 9 năm 1789, phê chuẩn ngày 7 tháng 5 năm 1992)

Trước cuộc bầu cử hạ nghị sĩ, không một điều luật nào nhằm thay đổi các khoản trợ cấp cho công việc của thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ có hiệu lực.

Chú thích sửa

  1. ^  [Tu chính án I] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ ba
  2. ^  [Tu chính án II] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ tư
  3. ^  [Tu chính án III] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ năm
  4. ^  [Tu chính án IV] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ sáu
  5. ^  [Tu chính án V] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ bảy
  6. ^  [Tu chính án VI] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ tám
  7. ^  [Tu chính án VII] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ chín
  8. ^  [Tu chính án VIII] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ mười
  9. ^  [Tu chính án IX] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ mười một
  10. ^  [Tu chính án X] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ mười hai
  11. ^  [Tu chính án XXVII] Xem Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, Điều thứ hai

   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 
 
Bản dịch: