Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2008

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2008  (2009) 
của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Báo cáo được công bố ngày 25/2/2009.

LỜI TỰA

Tiến bộ của con người phụ thuộc vào chính tinh thần con người. Trong thời đại ngày nay, sự thật không thể chối cãi này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, khi mà những thách thức của thế kỷ mới đòi hỏi chúng ta phải tập hợp mọi nhân tài để đưa dân tộc và thế giới của chúng ta tiến lên phía trước.

Bảo đảm quyền của nam giới, phụ nữ và trẻ em được tham gia đầy đủ trong xã hội và phát huy hết tiềm năng mà Chúa ban cho họ là một lý tưởng thúc đẩy đất nước ta từ khi mới ra đời. Việc bảo đảm quyền đó đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền và được khẳng định rõ trong bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Obama, khi Tổng thống nhắc nhở chúng ta rằng mọi thế hệ phải mang theo niềm tin rằng “mọi người đều bình đẳng và tự do, tất cả đều xứng đáng có cơ hội để mưu cầu hạnh phúc”.

Chính sách đối ngoại của chúng ta cũng phải thúc đẩy những giá trị vượt thời gian này, để người dân được quyền phát ngôn, tư duy, thờ cúng và tự do hội họp, định hướng công việc và cuộc sống gia đình bằng phẩm giá của mình và quyền được biết rằng giấc mơ của họ về một tương lai tươi sáng hơn ở trong tầm với.

Thúc đẩy nhân quyền là một nội dung cơ bản trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Chúng ta không chỉ theo đuổi thực hiện những lý tưởng của mình trên đất Mỹ mà còn thúc đẩy tôn trọng nhân quyền lớn hơn nữa khi hợp tác cùng nhân dân và các quốc gia khác trên thế giới. Một phần công việc của chúng ta sẽ được thực hiện trong khuôn khổ các hội nghị chính phủ và các đối thoại chính thức, vốn rất quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp này. Nhưng chúng ta không thể chỉ dựa vào biện pháp duy nhất để đối phó với sự độc tài và nô dịch hóa làm suy yếu tinh thần con người, hạn chế khả năng con người và hủy hoại những tiến bộ của con người.

Chúng ta sẽ biến nỗ lực này thành nỗ lực toàn cầu, không chỉ giới hạn ở cấp chính phủ. Chúng ta sẽ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo, các trường học và trường đại học, cá nhân công dân, vì tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế giới mà ở đó nhân quyền được chấp nhận, được tôn trọng và bảo vệ.

Những cam kết của chúng ta đối với nhân quyền được thúc đẩy bởi niềm tin vào các giá trị đạo đức của chúng ta và bởi nhận thức rằng chúng ta thúc đẩy chính an ninh, sự thịnh vượng và tiến bộ của mình khi nhân dân ở các vùng đất khác thoát khỏi bóng tối và xiềng xích để giành lấy cơ hội và các quyền chúng ta được hưởng và gìn giữ.

Với tinh thần đó, tôi trân trọng chuyển tới Quốc hội Báo cáo tình hình nhân quyền các nước trong năm 2008 của Bộ Ngoại giao.

Ngoại trưởng
Hillary Rodham Clinton

TỔNG QUAN VÀ CẢM ƠN

Vì sao báo cáo được soạn thảo

Báo cáo này được Bộ Ngoại giao trình lên Quốc hội theo khoản 116(d) và 502B(b) của Đạo luật Viện trợ Nước ngoài (FAA) năm 1961 đã được sửa đổi, bổ sung. Đạo luật này quy định vào ngày 25/2 hàng năm, Ngoại trưởng phải trình lên Chủ tịch Hạ viện và Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện “một báo cáo đầy đủ và chi tiết về tình hình nhân quyền được quốc tế công nhận theo quy định của tiểu mục (A): ở những quốc gia nhận viện trợ theo quy định tại mục này và tiểu mục (B): ở tất cả các quốc gia khác là thành viên Liên Hợp Quốc và không là đối tượng của báo cáo nhân quyền theo quy định của Đạo luật này”. Chúng tôi cũng bổ sung các báo cáo về một số quốc gia không thuộc các nhóm đã được liệt kê theo các quy định nêu trên và do vậy, các báo cáo này không nằm trong yêu cầu của Quốc hội.

Trách nhiệm của Hoa Kỳ là phải lên tiếng nhân danh những chuẩn mực nhân quyền quốc tế đã được chính thức hóa từ đầu những năm 1970. Năm 1976, Quốc hội ban hành đạo luật tạo ra chức Điều phối viên về Nhân quyền tại Bộ Ngoại giao - chức vụ sau này được nâng lên thành Trợ lý Ngoại trưởng. Năm 1994, Quốc hội tạo ra chức Cố vấn Cao cấp về Nữ quyền. Luật cũng quy định chính sách đối ngoại và thương mại của Hoa Kỳ phải tính tới tình hình nhân quyền và việc thực hiện quyền của người lao động ở các quốc gia và hàng năm phải trình lên Quốc hội báo cáo về tình hình này các quốc gia.

Các báo cáo được soạn thảo như thế nào

Năm 1993, Ngoại trưởng tăng cường hơn nữa công tác nhân quyền tại các sứ quán của chúng ta, yêu cầu tất cả các phòng, ban của mỗi sứ quán phải cung cấp thông tin và kiểm chứng các báo cáo về vi phạm nhân quyền. Những nỗ lực mới nhằm gắn kết việc xây dựng chương trình hoạt động với việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền cũng được thực hiện. Năm 1994, Bộ Ngoại giao đã tái cơ cấu Cục các vấn đề Nhân quyền và Nhân đạo và đổi tên thành Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, thể hiện cách tiếp cận rộng hơn và tập trung hơn các vấn đề có tác động qua lại lẫn nhau: nhân quyền, quyền của người lao động và dân chủ. Các báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền ở các nước là một phần trong những nỗ lực đó, đồng thời là minh chứng cho nỗ lực liên tục của cơ quan này trong việc thông tin về các vụ vi phạm nhân quyền. Các báo cáo phản ánh một năm làm việc cật lực của hàng trăm cán bộ Bộ Ngoại giao, nhân viên Chính phủ Hoa Kỳ ở Washington cũng như ở nước ngoài.

Các sứ quán của chúng ta - những đơn vị chuẩn bị các dự thảo báo cáo đầu tiên - thu thập thông tin trong cả năm từ nhiều nguồn khác nhau: từ các quan chức chính phủ, các luật gia, lực lượng vũ trang, các nhà báo, những người theo dõi tình hình nhân quyền, các học giả và các nhà hoạt động về quyền lao động. Việc thu thập thông tin như vậy có thể rất mạo hiểm. Các cán bộ ngoại giao Hoa Kỳ thường phải nỗ lực hết mình, đôi khi phải ở trong những hoàn cảnh rất nguy hiểm, để tiến hành điều tra báo cáo về vi phạm nhân quyền, giám sát bầu cử và hỗ trợ những người gặp nguy hiểm, chẳng hạn như những người bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền khi các quyền của họ bị chính chính phủ của họ đe dọa.

Sau khi các sứ quán hoàn tất dự thảo, văn bản được gửi tới Washington để Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động phối hợp với các vụ của Bộ Ngoại giao xem xét kỹ lưỡng. Trong khi thẩm tra, phân tích và biên tập báo cáo, nhân viên Bộ Ngoại giao cũng dựa trên những nguồn thông tin riêng, bao gồm báo cáo của các nhóm nhân quyền Hoa Kỳ, báo cáo của các quan chức chính phủ nước ngoài, đại diện các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực, các học giả và phương tiện truyền thông. Các nhân viên cũng tham khảo các chuyên gia về quyền của người lao động, các vấn đề tị nạn, các chủ đề về quân đội và cảnh sát, phụ nữ và các vấn đề pháp lý. Nguyên tắc chỉ đạo là phải đảm bảo mọi thông tin liên quan được đánh giá một cách khách quan, toàn diện và công bằng.

Các báo cáo lần này sẽ được sử dụng làm nguồn thông tin phục vụ việc hoạch định chính sách, triển khai công tác ngoại giao, cung cấp viện trợ, đào tạo và phân bổ nguồn lực. Các báo cáo này cũng là cơ sở để Chính phủ Hoa Kỳ hợp tác với các nhóm tư nhân nhằm thúc đẩy việc tôn trọng các quyền con người được quốc tế công nhận.

Báo cáo về tình hình nhân quyền ở các nước đề cập tới các quyền cá nhân, dân sự, chính trị và quyền của người lao động đã quy định trong Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền. Các quyền đó bao gồm quyền không bị tra tấn, không phải chịu các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn nhẫn, phi nhân tính hoặc hạ thấp danh dự, không bị bỏ tù mà chưa qua xét xử, không bị thủ tiêu hay giam giữ bí mật, không bị vi phạm trắng trợn quyền được sống, quyền tự do và an ninh của mỗi người.

Để đảm bảo nhân quyền trên toàn cầu đòi hỏi phải đưa sự tôn trọng nhân phẩm vào trong quá trình quản lý và thực thi pháp luật. Mọi người đều có quyền có quốc tịch, quyền bất khả xâm phạm được thay đổi chính phủ của họ bằng biện pháp hòa bình và được hưởng các quyền tự do cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, đi lại và quyền tự do tôn giáo mà không bị phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc hay giới tính. Quyền được tham gia công đoàn tự do là điều kiện cần thiết của một xã hội và một nền kinh tế tự do. Do đó, các báo cáo này đánh giá các quyền chủ yếu của người lao động đã được quốc tế công nhận, bao gồm quyền lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, cấm các hình thức lao động cưỡng bức, lạm dụng lao động trẻ em, độ tuổi tối thiểu của trẻ em khi tham gia lao động và các điều kiện làm việc có thể chấp nhận được.

Trong Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ban biên tập các báo cáo tình hình nhân quyền các nước gồm: Tổng biên tập Stephen Eisenbraun; Các giám đốc phòng ban: Bruce Connuck, Kay Mayfield và Michael Orona; Các biên tập viên cao cấp: Jonathan Bemis, Douglas B. Dearborn, Daniel Dolan, Jerome L. Hoganson, Patricia Meeks Schnell, Julie Turner và Rachel Waldstein; Các biên tập viên: Naim Ahmed, Sabrina Bahir, Joseph S. Barghout, Katherine Berglund, Sarah Beringer, Alisha Bhagat, Sarah Buckley, Laura Carey, Elise Carlson-Rainer, Ebenezer Concepcion, Sharon C. Cooke, Susan Corke, Stuart Crampton, Frank B. Crump, Mollie Davis, Cortney Dell, Morton Dworken, Jennifer Evans, Verinda Fike, Joan Garner, Karen Gilbride, Jeffrey Glassman, Edward Grulich, Cheryl Harris, Patrick Harvey, Matthew Hickey, Alexandra Hoey, Victor Huser, Stan Ifshin, Sami Jiries, Simone Joseph, Jennifer King, Jane Kim, Sidney Kwiram, Lawrence Lesser, Jessica Lieberman, Katie McLain, John McKane, Michael McKenna, Gregory Maggio, Jessica Megill, Nicole Morales, David Mikosz, Leonel Miranda, Stephen E. Moody, Jennie Munoz, Sandra Murphy, Daniel L. Nadel, Catherine Newling, Susan O’Sullivan, Meredith Pierce, Drue Preissman, Peter Sawchyn, Amy Schmisseur, Wendy Silverman, Erin Spitzer, Rachel Spring, Brian Stout, James Todd, Rachel Waldstein, Nicole Wilett, Mikel Wood và Isabelle Zsoldos; Cộng tác viên: Lynne Davidson; Trợ lý biên tập: Adrienne Bory, Karen Chen, Carol Finerty, Elizabeth Mokaba và Kimberly Jorgensen; và Trợ lý kỹ thuật Eunice Johnson.

GIỚI THIỆU

Đặc trưng của năm qua thể hiện trên ba xu hướng: đòi hỏi quyền tự do cá nhân và tự do chính trị gia tăng trên toàn thế giới; các chính phủ ra sức hạn chế những quyền tự do này; nhân quyền được phát huy mạnh mẽ nhất ở các nền dân chủ có sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội dân sự mạnh mẽ.

Các báo cáo mà Quốc hội yêu cầu mô tả việc các chính phủ trên toàn cầu thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền trong năm 2008. Chúng ta hy vọng rằng các báo cáo này sẽ thu hút sự tập trung đối với các vụ vi phạm nhân quyền và hành động để chấm dứt những vụ vi phạm đó. Đồng thời, chúng ta cũng hy vọng rằng những tiến bộ khó khăn lắm mới đạt được vì quyền tự do của con người được ghi nhận trong các báo cáo này sẽ cổ vũ những người vẫn đang đấu tranh cho các quyền của họ nhưng luôn gặp phải nhiều trở ngại lớn.

Các báo cáo này sẽ là nguồn thông tin giúp hoạch định chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ và là tài liệu tham khảo cho các chính phủ khác, các tổ chức liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, những người bảo vệ nhân quyền và các phóng viên. Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ không chỉ tập trung vào việc phòng vệ hiệu quả mà còn thúc đẩy một nền ngoại giao mạnh và tích cực ủng hộ phát triển kinh tế và chính trị. Một chính sách nhân quyền mạnh mẽ tái khẳng định các giá trị Mỹ và thúc đẩy lợi ích quốc gia của chúng ta. Như Tổng thống Obama khẳng định trong bài phát biểu nhậm chức “Hoa Kỳ là người bạn của mỗi quốc gia, mỗi con người và của mỗi em thơ, những người đang tìm kiếm một tương lai hòa bình và được tôn trọng phẩm giá…”, nhưng với “những kẻ bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng những tiếng nói bất đồng, nên nhớ rằng quý vị đang đi ngược lại lịch sử; nhưng chúng tôi sẽ chìa bàn tay nếu quý vị từ bỏ nắm đấm”.

Kể từ những ngày đầu lập quốc, chúng ta đã dốc sức thực hiện công lý và thúc đấy tôn trọng đầy đủ các quyền tự do cơ bản cho mọi công dân. Những nỗ lực này được thúc đẩy và duy trì bởi hệ thống quản lý dân chủ, có trách nhiệm, bởi pháp quyền, giới truyền thông tự do và quan trọng hơn cả là sự năng động của người dân chúng ta.

Khi xuất bản báo cáo này, Bộ Ngoại giao luôn ý thức được rằng thành tích nhân quyền của chúng ta cũng bị theo dõi cả trong nước lẫn trên trường quốc tế. Như Tổng thống Obama mới đây đã khẳng định rõ “chúng ta không chấp nhận việc phải lựa chọn giữa sự an toàn và những lý tưởng của chúng ta”. Chúng ta không coi việc các nước khác trong cộng đồng quốc tế chỉ trích thành tích nhân quyền của chúng ta là sự can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta - dù đó là lời chỉ trích của các chính phủ khác hoặc các chủ thể phi chính phủ - và các chính phủ khác cũng không nên coi sự chỉ trích đối với thành tích nhân quyền của họ cũng là sự can thiệp vào công việc nội bộ. Chúng ta và tất cả các quốc gia có chủ quyền khác có nghĩa vụ quốc tế phải tôn trọng các quyền con người phổ quát và các quyền tự do của công dân chúng ta. Các quốc gia khác có trách nhiệm lên tiếng khi họ thấy rằng những nghĩa vụ này không được thực hiện đầy đủ.

Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lắng nghe và đáp ứng ngay lập tức những quan ngại đối với tình hình nhân quyền của chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục đệ trình báo cáo lên các tổ chức quốc tế, phù hợp với nghĩa vụ của chúng ta trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà chúng ta là một bên tham gia. Luật pháp, các chính sách và thực tiễn Hoa Kỳ đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục còn thay đổi. Ví dụ, ngày 22/1/2009, Tổng thống Obama đã ký ba pháp lệnh đóng cửa các nhà tù tại Guantanamo và xem xét lại chính sách của Mỹ về việc giam giữ và thẩm vấn tù nhân.

Thông tin trong các báo cáo này được thu thập từ các chính phủ và các thể chế đa phương, các tổ chức chính phi chính phủ trong nước và quốc tế, các học giả, các luật sư, các nhóm tôn giáo và truyền thông. Các báo cáo đã phải trải qua quá trình lâu dài để kiểm tra số liệu, thông tin nhằm đảm bảo tính chính xác cao và khách quan. Báo cáo tình hình mỗi nước chỉ trình bày tình hình nước đó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể rút ra những nhận xét tổng thể.

Thứ nhất, trong năm 2008 phong trào đấu tranh đòi các quyền tự do cá nhân và tự do chính trị nhiều hơn tiếp tục bị đàn áp ở nhiều nước trên thế giới. Một số quốc gia đã ban hành các luật và quy định cản trở, hạn chế và rất hà khắc đối với các tổ chức phi chính phủ và truyền thông, kể cả Internet. Nhiều người bảo vệ nhân quyền dũng cảm đấu tranh một cách hòa bình để đòi các quyền của bản thân họ và của đồng bào họ đã bị sách nhiễu, đe dọa, bắt giam, bỏ tù, giết hại hoặc bị trả thù bằng những hành vi bạo lực.

Thứ hai, các vụ vi phạm nhân quyền vẫn là biểu hiện của tình trạng tê liệt trầm trọng hơn trong hệ thống chính trị. Những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất có xu hướng xảy ra ở những quốc gia mà những kẻ cai trị vô trách nhiệm nắm giữ quyền lực nhưng không bị kiểm soát hoặc ở những nơi chính phủ thất bại hoặc sụp đổ, thường do xung đột nội bộ hoặc mâu thuẫn bên ngoài.

Thứ ba, các hệ thống chính trị mạnh mẽ chắc chắc sẽ tôn trọng nhân quyền hơn. Các quốc gia ở đó nhân quyền được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ nhất là những quốc gia hội tụ được những yếu tố về bầu cử, thể chế và xã hội sau:

  • Các tiến trình bầu cử tự do và công bằng không chỉ bao gồm việc bỏ phiếu minh bạch và kiểm phiếu trung thực vào ngày bầu cử, mà quá trình chạy đua còn cho phép sự cạnh tranh thực sự và tôn trọng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, hội họp hòa bình và lập hội.
  • Các thể chế quản lý mang tính đại diện, có trách nhiệm, minh bạch và dân chủ, trong đó có các cơ quan tư pháp độc lập, tuân thủ pháp quyền để đảm bảo những nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ cũng quản lý một cách dân chủ và đáp ứng ý chí và nguyện vọng của người dân, và
  • Các tổ chức xã hội dân sự mạnh, trong đó có các tổ chức phi chính phủ độc lập và giới báo chí tự do.

Tuy nhiên, ngay cả ở các quốc gia có những yếu tố này thì vi phạm nhân quyền đôi khi vẫn xảy ra. Các cuộc bầu cử dân chủ có thể bị thất bại bởi những điều bất thường. Đó có thể là sự lạm dụng quyền lực và xử oan sai. Những quốc gia có các thiết chế quản lý dân chủ yếu kém và nền kinh tế khó khăn còn lâu mới có thể đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tham nhũng có thể làm suy giảm lòng tin của công chúng. Ở một số quốc gia, một phần dân chúng từ lâu bị đẩy ra ngoài lề và chưa được tham gia đầy đủ vào đời sống quốc gia họ. Bất ổn do xung đột nội bộ hoặc xung đột xuyên biên giới có thể cản trở sự tôn trọng và tiến bộ về nhân quyền. Tuy nhiên, khi đã đạt được những yếu tố về bầu cử, thể chế và xã hội này thì triển vọng sẽ khả quan hơn khi các vấn đề được giải quyết, sai lầm được sửa chữa và tình hình được cải thiện.

Tựu trung lại, ba xu hướng này cho thấy nền ngoại giao mạnh mẽ của Hoa Kỳ cần phải tiếp tục hành động và lên án các vụ vi phạm nhân quyền, đồng thời chúng ta xem xét thận trọng tình hình của chính chúng ta. Những xu hướng này khẳng định hơn nữa nhu cầu phối hợp ngoại giao với các chiến lược sáng tạo, giúp xây dựng các hệ thống chính trị mạnh và hỗ trợ xã hội dân sự.

Dưới đây, độc giả sẽ theo dõi phần tổng quan nhấn mạnh các xu hướng chính tại mỗi khu vực địa lý. Phần trình bày tổng quan mỗi khu vực sẽ kèm theo phân tích một số nước (xếp theo trình tự chữ cái) được chọn vì có những diễn biến nổi bật theo hướng tích cực, tiêu cực hoặc cả hai - được trình bày theo trình tự thời gian trong năm 2008. Để xem thông tin chi tiết và toàn diện hơn, độc giả nên đọc phần báo cáo riêng tình hình từng nước.

Tổng quan các khu vực

Châu Phi

Một số quốc gia châu Phi là nhân tố ổn định trong khu vực, đồng thời là những ví dụ điển hình về hòa bình và ổn định nhờ tôn trọng pháp quyền. Tuy nhiên, trong năm qua, tình hình dân chủ, nhân quyền ở khu vực tiếp tục gặp những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là một số quốc gia trong tình trạng xung đột và những quốc gia khác mà ở đó văn hóa pháp quyền còn quá mong manh hoặc không tồn tại.

Ở nhiều quốc gia, các lực lượng an ninh chính phủ tiếp tục vi phạm các quyền của người dân nhưng không hề bị truy cứu. Ở một số quốc gia, việc lực lượng an ninh đánh đập có hệ thống người bị giam giữ và tù nhân vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, điều kiện ở các trại giam và nhà tù rất tồi tàn và đe dọa mạng sống con người. Nhiều người bị giam giữ rất lâu trước khi xét xử, hàng tháng, thậm chí hàng năm trước khi bị đưa ra xét xử.

Với những quốc gia ngập chìm trong xung đột, chấm dứt bạo lực vẫn là vấn đề cơ bản để cải thiện tình hình nhân quyền. Các phe phái tham chiến không thực hiện được các hiệp định chính trị nhằm mang lại hòa bình và ổn định. Xung đột bạo lực tiếp tục hoặc mới nổ ra ở Cộng hòa Dân chủ Công-gô, Sô-ma-li và Xu-đăng, dẫn đến tình trạng giết hại tùy tiện, cưỡng hiếp và đẩy người dân vào tình trạng vô gia cư. Chính phủ Xu-đăng tiếp tục hợp tác với các nhóm bán quân sự đánh bom và phá hủy các làng mạc, sát hại hoặc khiến cho hàng trăm nghìn dân thường vô tội bị biến thành người vô gia cư.

Nhiều quốc gia châu Phi vẫn có các chế độ cai trị độc tài. Chẳng hạn như ở Zim-ba-bu-ê, Chính quyền Mugabe phát hiện ra một chiến dịch khủng bố dẫn đến cảnh giết hại, mất tích và đánh đập hàng trăm thành viên và những người ủng hộ đảng đối lập sau các cuộc bầu cử bất bình đẳng và không tự do ngày 29/3. Sự đàn áp, hạn chế và quản lý yếu kém của chính phủ khiến hàng chục nghìn người rơi vào tình cảnh vô gia cư, làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực, gây ra dịch tả khiến đến cuối năm đã có 1.500 người chết. Các cuộc bầu cử tổng thống bị hoãn lại trước đó ở Bờ Biển Ngà tiếp tục bị trì hoãn. Một cuộc đảo chính đã lật đổ chính phủ được bầu lên dân chủ ở Mauritania. Sau cái chết của Lansana Conte, Tổng thống lâu năm của Ghi-nê, quân đội đã nắm quyền trong một cuộc đảo chính và bãi bỏ hiến pháp.

Tuy nhiên, cũng có một số điểm sáng. Ăng-gô-la tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên kể từ năm 1992 và ở Gha-na và Zăm-bi-a cũng đã diễn ra các cuộc bầu cử dân chủ, hòa bình, có trật tự. Tuân thủ pháp quyền và trình tự thủ tục xét xử đúng đắn đã được thực hiện ở Ni-giê-ri-a khi các ứng cử viên đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống 2007 tôn trọng phán quyết của Tòa án Tối cao Ni-giê-ri-a về việc bầu Umaru Musa Yar'Adua làm Tổng thống. Tòa Hình sự Quốc tế của Liên Hợp Quốc ở Ru-an-đa đã kết án một cựu đại tá quân đội Ru-an-đa mức án tù chung thân vì tổ chức quân đội giết hại 800.000 người Tutsi và bênh vực người Hutus trong cuộc diệt chủng tại Ru-an-đa năm 1994.

Tình hình ở một số quốc gia điển hình

Trong năm, tình hình nhân quyền ở Cộng hòa Dân chủ Công-gô (DRC) tồi tệ hơn, hủy hoại nghiêm trọng tiến bộ của quốc gia này kể từ các cuộc bầu cử năm 2006. Bất chấp việc ký thỏa thuận hòa bình Gôma hồi tháng 1 và sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, xung đột tiếp tục diễn ra ở miền Bắc và Nam Kivu suốt cả năm. Các lực lượng an ninh và tất cả các nhóm vũ trang tiếp tục hành động mà không hề bị truy cứu trách nhiệm, liên tục tiến hành các vụ vi phạm nghiêm trọng như giết hại bừa bãi, mất tích, bắt giam tùy tiện, đánh đập, cưỡng hiếp, cướp bóc và sử dụng lính trẻ con. Cuộc xung đột này tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất ở châu Phi, khiến mỗi tháng có tới 45.000 người Công-gô bị chết, tổng số hơn 1 triệu người vô gia cư trong nước, các nhóm vũ trang tiến hành hàng chục cuộc tấn công vào các nhân viên cứu trợ nhân đạo. Tình trạng bạo lực tình dục tiếp diễn tràn lan, tính đến tháng 6 riêng ở Bắc Kivu đã có hơn 2.200 vụ cưỡng hiếp. Trong năm, các lực lượng an ninh sách nhiễu, đánh đập, trả thù và bắt các nhà hoạt động nhân quyền ở địa phương và các phóng viên, khiến quyền tự do báo chí bị suy giảm nghiêm trọng.

Thành tích nhân quyền của Eritrea tồi tệ hơn. Chính phủ tiếp tục có những vụ vi phạm nghiêm trọng, trong đó lực lượng an ninh gây ra các vụ giết hại không bị xét xử nhưng không hề bị truy cứu. Đảng Mặt trận Nhân dân vì Dân chủ và Công lý (PFDJ) là đảng chính trị hợp pháp duy nhất và không có cuộc bầu cử toàn quốc nào diễn ra kể từ khi Ertriea giành được độc lập năm 1993. Hiến pháp, được phê chuẩn năm 1997, nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Báo chí độc lập bị cấm và hầu hết các phóng viên độc lập bị giam giữ hoặc đã chạy trốn ra nước ngoài. Việc Chính phủ tập trung thanh niên để thực hiện nghĩa vụ quân sự gia tăng năm 2008. Có những báo cáo đáng tin cậy cho biết những người trốn nghĩa vụ quân sự bị đánh đập trong khi giam giữ; các lực lượng an ninh bắn tất cả những ai cố gắng vượt biên sang Ethiopia. Quyền tự do tôn giáo, vốn bị hạn chế khắt khe, càng ngặt nghèo hơn nữa. Vào cuối năm, hơn 3.000 tín đồ công giáo thuộc các nhóm không đăng ký đã bị bỏ tù, hơn 35 chức sắc và các mục sư giáo hội Tin Lành, một số trong đó bị giam giữ hơn ba năm mà không hề bị cáo buộc hay xét xử. Ít nhân có ba tù nhân tôn giáo đã chết trong khi bị giam cầm, do bị đánh đập và không được chữa trị.

Tình trạng bạo lực sau các cuộc bầu cử địa phương, bầu cử quốc hội và tổng thống ở Kenya tháng 12/2007 đã chấm dứt hồi tháng 2 khi tiến trình hòa giải quốc tế đã đem lại một thỏa thuận hình thành chính phủ liên minh theo đó Tổng thống Mwai Kibaki tiếp tục tại vị và ứng cử viên đối lập Raila Odinga được bổ nhiệm giữ chức thủ tướng - một vị trí mới được lập ra. Hòa giải chính trị đã tạo ra một khuôn khổ cải tổ để điều tra và giải quyết những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực, khiến khoảng 15.000 người bị giết hại và hơn 500.000 người khác rơi vào tình cảnh vô gia cư. Tuy nhiên, tiến bộ cải cách còn chậm chạp và nỗ lực giải quyết các hậu quả kinh tế, xã hội vẫn chưa hoàn thành. Riêng việc triển khai lực lượng an ninh tới Mount Elgon để trấn áp nhóm phiến quân đã gây ra các vụ vi phạm nhân quyền do các lực lượng an ninh tiến hành.

Thành tích nhân quyền của Mauritania rất tồi tệ, công dân không có quyền được thay đổi chính phủ, tình trạng bắt bớ tùy tiện, tổng thống và thủ tướng bị giam cầm sau cuộc đảo chính ngày 6/8. Tổng thống đã được thả hồi tháng 12. Tuy nhiên, quân đội dưới danh nghĩa Hội đồng Nhà nước Tối cao, tiếp tục nắm quyền. Cuối năm, Tướng Mohamed Aziz giữ chức vụ người đứng đầu nhà nước. Thành viên của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Phi, đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính này. Trước cuộc đảo chính ngày 6/8, Chính phủ được bầu lên một cách dân chủ lúc đó đã ủng hộ luật chống nô lệ mới và cho phép thảo luận công khai những vấn đề trước đây được coi là cấm kỵ, chẳng hạn như tình trạng chia rẽ sắc tộc và bất bình đẳng xã hội. Chính phủ cũng ủng hộ những nỗ lực hòa giải dân tộc liên quan đến vụ trục xuất những người Mauritani gốc Phi giai đoạn 1989-1991 thông qua chương trình hồi hương, phối hợp với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người Tị nạn (UNHCR).

Tại Nigeria, tòa án tiếp tục phân xử kết quả bầu cử trong các cuộc bầu cử tổng thống, thống đốc và bầu cử quốc hội năm 2007 vốn có nhiều sai sót nghiêm trọng. Ngày 12/12, Tòa án Tối cao bác đơn phúc thẩm của hai ứng cử viên tổng thống đối lập, giữ nguyên kết quả bầu cử dành cho Tổng thống Yar'Adua. Hai ứng cử viên đối lập đã tôn trọng phán quyết của Tòa. Trong năm, các tòa án bầu cử hủy 9 cuộc bầu thượng nghị sĩ và 11 cuộc bầu thống đốc. Bạo lực tiếp tục xảy ra ở vùng đồng bằng Niger sản xuất dầu, với hơn 400 người (người Nigeria bản xứ và người bị đi đày) đã bị bắt cóc trong khoảng 100 vụ xảy ra trong năm. Tháng 11, bạo lực sắc tộc-tôn giáo bùng phát ở Jos, khiến hàng trăm người chết và hàng vạn người bị mất nhà cửa. Tham nhũng tiếp tục tàn phá đất nước giàu tài nguyên này và nỗ lực của Ủy ban chống Tội phạm Kinh tế và Tài chính suy giảm, không có nhiều tiến bộ đạt được trong việc truy tố các quan chức liên bang, bang và địa phương bị cáo buộc tham nhũng.

Ở Sô-ma-li, giao tranh giữa Chính phủ Liên bang tạm quyền (TFG)/Lực lượng Quốc phòng Ê-ti-ô-pi và quân đội của họ, Hội đồng Quân đội Hồi giáo, các nhóm chống chính phủ và cực đoan, các tổ chức khủng bố và quân du kích đã dẫn đến tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan, trong đó có vụ giết hại hơn 1.000 dân thường, đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh vô gia cư, gây ra các vụ bắt cóc, mất tích và tấn công các phóng viên, các nhân viên cứu trợ, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các nhà hoạt động vì nhân quyền. Tiến trình chính trị nhằm thiết lập hòa bình và an ninh ở quốc gia này vẫn tiếp tục khi TFG và Liên minh vì Sự nghiệp Giải phóng Sô-ma-li đạt được Thỏa thuận Djibouti ngày 9/6 và bắt đầu thực hiện các điều khoản của đạo luật này. Tuy nhiên, việc thực hiện còn chậm chạp và bị cản trở bởi đấu tranh nội bộ.

Ở Xu-đăng, xung đột tại Đa-fua đã bước sang năm thứ 5. Dân thường tiếp tục chịu ảnh hưởng của nạn diệt chủng. Số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2008 cho thấy từ khi bắt đầu, cuộc xung đột kéo dài này đã khiến hơn 2,7 triệu người trở thành vô gia cư và 250.000 người khác chạy sang tị nạn tại nước Cộng hòa Chad. Các cuộc tấn công của chính phủ, quân đội liên minh với chính phủ và giữa các bộ lạc khiến nhiều dân thường bị giết hại. Quân chính phủ dội bom làng mạc, giết hại những người vô gia cư trong nước và phối hợp với quân đội để san phẳng làng mạc. Chính phủ ngăn cản các nỗ lực trợ giúp nhân đạo; phiến quân và những kẻ cướp bóc giết hại các nhân viên cứu trợ nhân đạo. Những kẻ tấn công không rõ danh tính đã giết các nhóm gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi và Liên Hợp Quốc, còn quân đội Chính phủ tấn công một sứ giả gìn giữ hòa bình. Ngày 10/5/2008, Phong trào vì Công lý và Bình đẳng, một nhóm phiến quân Đa-fua, đã tấn công Omdurman, gần Khartoum. Chính phủ đã tiến hành các vụ giam giữ vì động cơ chính trị và sắc tộc và gây ra các vụ mất tích tại Omdurman và Khartoum sau vụ tấn công. Chính phủ hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do báo chí, thông qua kiểm duyệt trực tiếp và tiến hành kiểm duyệt hàng ngày. Từ năm 2005, khi Hiệp định Hòa bình Toàn diện (CPA) giữa miền Nam và miền Bắc được ký kết, khoảng 2,1 triệu người vô gia cư và người tị nạn đã trở về miền Nam. Tuy nhiên, căng thẳng về việc thực hiện CPA vẫn còn, giao tranh giữa các lực lượng miền Bắc và miền Nam đã phá hủy phần lớn thị trấn Abyei, giết hại dân thường và đẩy hơn 50.000 người vào tình trạng vô gia cư.

Chính phủ bất hợp pháp tại Zim-ba-bu-ê vi phạm có hệ thống các quyền con người, các vụ vi phạm này gia tăng đáng kể, cùng với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang leo thang do tình trạng đàn áp, tham nhũng, các chính sách kinh tế và lương thực mang tính hủy hoại mà Chính quyền Mugabe kiên trì áp dụng, bất chấp những hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo. Xã hội dân sự và các tổ chức nhân đạo là mục tiêu theo dõi của Chính phủ và các nhóm du kích vì họ cố gắng bảo vệ các quyền công dân và trợ giúp nhân đạo. Lệnh cấm kéo dài gần ba tháng đối với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng như tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo. Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, Chính quyền Mugabe tiếp tục cản trở nỗ lực cứu trợ nhân đạo. Đến cuối năm, hàng triệu người Zim-ba-bu-ê không được đảm bảo về lương thực.

Chính quyền lũng đoạn tiến trình chính trị, kể cả các cuộc bầu cử tổng thống, bằng hành động trả thù, bạo lực, tham nhũng và bầu cử gian lận, phủ nhận quyền của công dân được thay đổi chính phủ. Các lực lượng an ninh và những người ủng hộ đảng cầm quyền giết hại, bắt cóc và đánh đập thành viên của đảng đối lập, lãnh đạo phong trào sinh viên, các nhà hoạt động xã hội và dân thường Zim-ba-bu-ê nhưng không hề bị truy cứu. Phong trào vì Thay đổi Dân chủ (MDC) đã giành đa số ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 29/3, tuy nhiên kết quả của cuộc chạy đua giành chức tổng thống không được công bố cho tới ngày 2/5, gây ra nghi ngờ về uy tín và sự độc lập của Ủy ban Bầu cử Zim-ba-bu-ê. Tình trạng bạo lực do chính phủ bảo trợ trong giai đoạn này dẫn đến bầu cử lại ngày 27/6 đã khiến 190 người chết, hàng trăm người bị thương và hàng chục nghìn người vô gia cư. Ủy ban Bầu cử tuyên bố Mugabe chiến thắng trong cuộc bầu cử lại sau khi ứng cử viên của MDC là Morgan Tsvangirai - người đã giành đa số phiếu phổ thông trong vòng đầu – rút lui do tình trạng bạo lực của chính quyền Mugabe nhằm vào MDC và những người ủng hộ phong trào này và nhận thức rằng không thể có một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Các cuộc đàm phán do Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) ủy nhiệm đã dẫn tới một hiệp định chia sẻ quyền lực ngày 15/9. Tuy nhiên, đến cuối năm do chính phủ không khoan nhượng, các điều khỏa của thỏa thuận này đã không được thực thi và quốc gia này vẫn trong tình trạng khủng hoảng.

Đông Á-Thái Bình Dương

Trong năm qua, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương rộng lớn chứng kiến cả tiến bộ lẫn sự thụt lùi về hình nhân quyền, đặc biệt là trách nhiệm đối với những vụ vi phạm từ trước, quyền tự do ngôn luận và báo chí, tiến bộ về dân chủ và tình trạng buôn người.

Các quốc gia trong khu vực tiếp tục chấp nhận những vụ vi phạm trước đó. Trong năm, Ủy ban song phương về Sự thật và Hữu nghị, được thành lập để đánh giá tội ác do người Inđônêxia và người Timo vi phạm trong giai đoạn trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Đông Timo năm 1999, đã đưa ra bản báo cáo cuối cùng. Tổng thống Inđônêxia thừa nhận những thông tin trong báo cáo quy trách nhiệm cho Lực lượng Vũ trang Inđônêxia. Bên cạnh đó, tháng 8, Tòa án Đặc biệt Căm-pu-chia xét xử bọn Khmer Đỏ đã soạn lại những nguyên tắc nội bộ để đẩy nhanh việc truy tố tội ác man rợ của chế độ Khmer Đỏ trong giai đoạn 1975-1979. Tuy nhiên, đến cuối năm các phiên tòa xét xử vẫn chưa diễn ra.

Một số quốc gia đã gia tăng đàn áp để đáp trả những nỗ lực của người dân nhằm đảm bảo sự tôn trọng các quyền con người. Việt Nam tăng cường hạn chế đối với quyền tự do báo chí và ngôn luận. Ở Trung Quốc, Chính quyền tăng cường đàn áp tôn giáo và văn hóa đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Tạng và Khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tăng cường giam giữ và gây khó khăn cho những người bất đồng và những người khiếu kiện.

Những kẻ cai trị khác không được bầu lên để nắm quyền thì cố tình che đậy sự bất hợp pháp bằng các hình thức dân chủ giả hiệu và lũng đoạn luật pháp để đạt mục đích của mình. Chính quyền My-an-ma đã tiến hành trưng cầu dân ý về bản hiến pháp trong đó đầy rẫy những điều bất thường và cả sự đe dọa ngay sau khi cơn bão Nargis hoành hành. Mặc dù hiến pháp đã có hiệu lực hồi tháng 5, theo các điều khoản trong hiến pháp, chính quyền quân sự sẽ tiếp tục “thực hiện quyền chủ quyền quốc gia” cho đến khi tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng được tổ chức năm 2010. Hiến pháp đảm bảo rằng quân đội sẽ tiếp tục nắm quyền chủ đạo trong đời sống chính trị bất chấp kết quả của tiến trình bầu cử. Vào cuối năm, chính quyền đã áp dụng các bản án nghiêm khắc đối với hơn 100 nhà hoạt động vì dân chủ đã tham gia cuộc biểu tình của các sư sãi năm 2007 và những cá nhân đã tham gia nỗ lực cứu trợ sau cơn bão Nagis. Nhiều người đã bị chuyển đến các nhà tù ở các vùng xa xôi hẻo lánh, bị cô lập với gia đình. Tại Fiji, Tòa án Tối cao ra phán quyết công nhận cuộc đảo chính 2006 tại Fiji, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ trước quyết định của chính phủ lâm thời không tổ chức bầu cử vào tháng 3/2009.

Buôn người là một vấn đề nữa mà tiến bộ đạt được ở mỗi nơi mỗi khác. Một số quốc gia đã ban hành đạo luật chống buôn người mới, ví dụ như Thái Lan và Căm-pu-chia và bắt đầu đã điều tra và truy tố một loạt tội danh buôn người, như buôn nam giới để bóc lột sức lao động. Tuy nhiên ở Malaysia, nhiều báo cáo của các tổ chức phi chính phủ và truyền thông cáo buộc các nhân viên hải quan Malaysia dính líu đến việc buôn người tị nạn My-an-ma dọc biên giới Thái Lan và Malaysia.

Tình hình ở một số quốc gia điển hình

Chính quyền quân sự My-an-ma tiếp tục có những biện pháp đàn áp, không cho người dân được quyền thay đổi chính phủ và gây ra các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Chính quyền đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến, giết hại tùy tiện, gây ra các vụ mất tích và đánh đập. Các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ bị sách nhiễu, giam giữ tùy tiện với số đông và bị kết án tới 65 năm tù. Chính quyền giam giữ những người bị bắt và tù nhân trong những điều kiện đe dọa tới mạng sống của họ. Chính quyền tiếp tục tấn công vào các khu vực dân tộc thiểu số.

Chính quyền liên tục vi phạm đời sống riêng tư của công dân và hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, tự do tôn giáo và tự do đi lại. Bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ và người dân tộc thiểu số và tình trạng buôn người tiếp tục diễn ra. Các quyền của người lao động bị hạn chế và tình trạng cưỡng bức lao động vẫn tiếp diễn. Chính phủ không có hành động nào để truy tố hoặc trừng phạt những người có trách nhiệm về các vụ vi phạm đó. Chính quyền không hề đếm xỉa đến vấn đề phúc lợi của người dân khi cố tình tiến hành trưng cầu dân ý dối trá ngay sau thảm họa của cơn bão đã làm hàng chục nghìn người chết, lại còn ngăn chặn và trì hoãn trợ giúp quốc tế mà lẽ ra đã có thể cứu sống nhiều người.

Thành tích nhân quyền của chính phủ Trung Quốc vẫn rất tồi tệ và xấu đi trong một số lĩnh vực. Chính phủ tiếp tục hạn chế các quyền riêng tư của người dân và kiểm soát chặt chẽ quyền tự do ngôn luận, báo chí (cả Internet), quyền tự do hội họp, đi lại và lập hội. Các nhà chức trách tiến hành nhiều vụ giết hại tùy tiện, đánh đập, ép cung phạm nhân và cưỡng bước lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc còn tăng cường bắt giam và gây khó khăn đối với các nhân vật bất đồng chính kiến, những người khiếu kiện, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, các luật sư bào chữa. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương tiếp tục phải đối mặt với tình trạng kiểm duyệt và hạn chế gắt gao.

Thành tích nhân quyền của Trung Quốc tồi tệ hơn trong một số lĩnh vực. Đàn áp mạnh mẽ về tôn giáo và văn hóa đối với các dân tộc thiểu số ở Khu tự trị của người dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và Tây Tạng. Các vụ vi phạm lên đến cao điểm trước những sự kiện lớn như Olympic và bạo loạn ở Tây Tạng. Cuối năm, Chính phủ gây khó dễ đối với những người ký vào Hiến chương 08 kêu gọi cải cách và tôn trọng các quyền con người phổ quát và bắt nhà văn Liu Xiaobo vì tham gia soạn thảo bản Hiến chương. Tháng 10, các quy định tạm thời liên quan đến Olympic đã được chính phủ thông qua thành các quy định chính thức, lâu dài, theo đó các phóng viên có nhiều quyền tự do hơn.

Chính phủ Malaysia nhìn chung tôn trọng các quyền của công dân. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực vẫn còn vấn đề, trong đó có việc cấm người dân được thay đổi chính phủ. Mặc dù phàn nàn rằng đảng cầm quyền đã khai thác quyền lực của các vị trí đang nắm, nhưng các đảng đối lập vẫn giành được kết quả đáng kể 82/222 ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 8/3, không cho liên minh cầm quyền có được 2/3 đa số cần thiết để sửa đổi Hiến pháp đang có hiệu lực. Chính phủ tiếp tục hạn chế các quyền tự do báo chí, hội họp, lập hội, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Chính phủ đã bắt các lãnh đạo đảng đối lập và các phóng viên. Những người viết nhật ký mạng cũng bị bắt vì những lý do chính trị. Vẫn xảy ra tình trạng người bị giam giữ tại các đồn cảnh sát bị chết và cảnh sát có những hành vi vi phạm đối với người bị giam giữ; các trại giam giữ người di cư quá tải, quan ngại về sự vô tư và độc lập của cơ quan tư pháp. Một số chủ lao động đã bóc lột những người lao động di cư và Ma-lai gốc Ấn bằng hình thức ép lao động, hoặc sử dụng lao động trẻ em tại các đồn điền.

Thành tích nhân quyền của Bắc Triều Tiên vẫn cực kỳ tồi tệ. Mặc dù chính quyền tiếp tục kiểm soát hầu hết mọi khía cạnh đời sống của công dân, tước bỏ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội và hội họp và hạn chế quyền tự do đi lại và các quyền của công nhân, vẫn có những báo cáo trong nước về tình trạng lạm dụng thường xuyên gia tăng. Tuy nhiên, rất khó để xác định chắc chắn những báo cáo này. Các báo cáo về những vụ giết hại tùy tiện, mất tích, giam giữ tùy tiện, trong đó có các tù nhân chính trị, tiếp tục làm bức tranh cuộc sống tại đất nước đóng cửa này trở nên xám xịt hơn. Được biết là một số người tị nạn bị buộc phải hồi hương đã bị trừng phạt nặng và có thể bị đánh đập. Cũng đã có những báo cáo về hình thức tử hình công khai.

Bất chấp tình hình chính trị rất rối ren, nhưng Thái Lan đã tránh được tình trạng gián đoạn vi hiến trong quản lý đất nước. Tuy nhiên, tiếp tục có những báo cáo cho biết cảnh sát có liên quan đến các vụ giết hại và mất tích phi pháp. Vẫn còn tình trạng cảnh sát có hành vi vi phạm đối với người bị giam giữ và các tù nhân và tình trạng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát. Các cuộc nổi dậy đòi ly khai ở miền nam đã dẫn đến nhiều vụ vi phạm nhân quyền, trong đó có nhiều vụ giết hại tùy tiện do những người nổi dậy là người Hồi giáo gốc Ma-lai, các tình nguyện viên là các tín đồ Phật giáo và các lực lượng an ninh chính phủ đã gây ra. Chính phủ vẫn duy trì một số hạn chế về quyền tự do ngôn luận và báo chí, cụ thể thông qua việc sử dụng các điều khoản làm tổn hại tới Quốc vương. Thành viên một số nhóm sắc tộc không có giấy tờ phù hợp tiếp tục bị hạn chế đi lại. Tuy nhiên, Đạo luật Quốc tịch 2008, có hiệu lực ngày 28/2, giúp tăng khả năng những người này được trở thành công dân chính thức.

Trên nhiều phương diện, Chính phủ Việt Nam tiếp tục hạn chế các quyền công dân. Công dân không thể thay đổi chính phủ, các phong trào chính trị đối lập bị cấm, Chính phủ tiếp tục đàn áp những người bất đồng. Các cá nhân bị giam giữ tùy tiện vì tiến hành các hoạt động chính trị và bị tước quyền được xét xử công bằng và đúng trình tự, thủ tục. Trong quá trình bị bắt, giam giữ và thẩm vấn, các nghi can cũng bị phi phạm các quyền. Tình trạng tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng trong lực lượng công an, tuy nhiên họ không hề bị truy cứu trách nhiệm. Chính phủ tiếp tục hạn chế các quyền cá nhân của công dân và quyền tự do bày tỏ. Trong năm, báo chí tiếp tục bị đàn áp, khiến một số biên tập viên cao cấp của các báo bị cách chức, hai phóng viên bị bắt. Những hành động này đã làm chững lại xu hướng điều tra mạnh mẽ hơn của báo chí trước đây. Những hạn chế về hội họp, đi lại và lập hội vẫn được duy trì. Các tổ chức nhân quyền độc lập bị cấm. Bạo lực, phân biệt đối xử với phụ nữ và buôn người vẫn là những vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ hạn chế các quyền của người lao động, bắt hoặc gây khó dễ đối với một số nhà hoạt động trong lĩnh vực lao động.

Châu Âu và Âu-Á

Những thách thức chủ yếu tại khu vực này vẫn là củng cố các nền dân chủ mới, ngăn chặn không cho chính phủ áp đặt các hạn chế và đàn áp các tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho nhân quyền và giải quyết tội kỳ thị và phỉ báng, đồng thời bảo vệ các quyền tự do cơ bản trong bối cảnh di cư, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và suy thoái kinh tế.

Ở một số quốc gia hậu Xô-viết, những tiến bộ giành được trước đó về nhân quyền và dân chủ vẫn được duy trì hoặc xu hướng độc tài vẫn tiếp tục. Một số cuộc bầu cử đã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn dân chủ do tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đưa ra và quyền tự do truyền thông vẫn bị vi phạm. Các phóng viên bị giết hại hoặc gây khó khăn. Luật thường hạn chế chứ không bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Trong cuộc xung đột hồi tháng 8, khởi nguồn từ Nam Ossestia – khu vực ly khai thuộc Gru-zi-a – có tin là các hoạt động quân sự của các lực lượng Nga và Gru-zi-a đã sử dụng vũ lực tùy tiện và gây ra tổn thất lớn cho dân thường, trong đó có nhiều phóng viên. Sau khi Nga tiến vào Nam Ossetia, đã có những cáo buộc rằng các lực lượng du kích Nam Ossetia đã tham gia vào các vụ hành quyết, đánh đập tấn công người thiểu số, thiêu rụi nhà cửa và ít nhất 150.000 người Gru-zi-a rơi vào tình cảnh vô gia cư do chiến sự.

Các lực lượng Nga và Nam Ossetia chiếm giữ các ngôi làng thuộc ngoại ô biên giới hành chính Nam Ossetia và Abkhazia, một khu vực ly khai khác ở Gru-zi-a. Mặc dù vào ngày 10/10 các lực lượng Nga đã rút hầu hết khỏi các vùng ngoài Abkhazia và Nam Ossetia, nhưng họ chặn không cho người Gru-zi-a và các tổ chức quốc tế vào hai khu vực này, khiến cư dân ở trong tình trạng nguy hiểm và khó kiểm soát được tình hình khu vực trong vấn đề nhân quyền và tuân thủ luật nhân đạo.

Ở nhiều quốc gia, các chính phủ ngăn cản quyền tự do báo chí. Ở Azerbaijan, ngày càng xảy ra nhiều vụ tấn công nhằm vào các phóng viên nhưng những kẻ tấn công không hề bị truy cứu, trong khi các phóng viên vẫn bị tù vì những cáo buộc hình sự có chủ tâm. Nga vẫn là một nơi nguy hiểm đối với các phóng viên. Trong năm, một vài người trong số này đã bị giết hại hoặc bị tấn công dã man. Tại Bê-la-rút, Tổng thống Lukashenka đã ký đạo luật truyền thông mới, hạn chế hơn nữa các quyền tự do báo chí, kể cả xuất bản trên Internet. Những diễn biến mới ở Gru-zi-a, trong đó có việc lực lượng đối lập mất quyền kiểm soát đối với Đài Truyền hình Imedi, từng là đài truyền hình quốc gia độc lập duy nhất còn lại, đã làm dấy lên những quan ngại đáng kể về sự đa dạng của các phương tiện truyền thông.

Ở một số quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và các đảng đối lập là mục tiêu đàn áp của chính phủ. Chính phủ Bosnia và Herzegovina đã buộc một tổ chức phi chính phủ quốc tế chống tham nhũng phải đóng cửa trong một vài ngày sau khi có thông báo cáo buộc quan chức chính phủ tham nhũng. Ở Nga, các nhà chức trách tăng cường sách nhiễu nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị và trong năm chính phủ đã sửa đổi luật về chủ nghĩa cực đoan, khiến chính phủ dễ dàng đưa ra những cáo buộc đối với một tổ chức. Văn bản luật cũ vốn đã làm dấy lên nhiều quan ngại về hạn chế đối với quyền tự do lập hội và chỉ trích chính phủ một cách hợp pháp. Tại Bê-la-rút, mặc dù việc trả tự do cho 9 tù nhân chính trị là động thái được hoan nghênh, những vẫn còn quan ngại về những hạn chế tùy tiện của chính phủ đối với quyền tự do hội họp và lập hội và thường xuyên gây khó dễ cho các nhà hoạt động độc lập. Ở Nga, cảnh sát đôi khi sử dụng vũ lực để ngăn cản các nhóm tham gia các cuộc biểu tình hòa bình, đặc biệt là các cuộc biểu tình của phe đối lập.

Trong khu vực có cả dấu hiệu tích cực lẫn tiêu cực về vấn đề quản lý dân chủ. Ở khía cạnh tích cực, Chính phủ được bầu lên dân chủ ở Kô-xô-vô đã tuyên bố độc lập ngày 17/2 và đã đưa ra bản hiến pháp và các bộ luật với các điểu khoản về nhân quyền mẫu mực. Tuy nhiên, các quốc gia khác không đạt được những kết quả khả quan như vậy. Cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 2 ở Ác-mê-ni-a sai sót nghiêm trọng và kéo theo những cuộc biểu tình hòa bình nhưng chính phủ cuối cùng cũng đã dập tắt bằng bạo lực. Ở Nga, cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 bộc lộ nhiều vấn đề cả trong chiến dịch tranh cử lẫn trong ngày bầu cử: truyền thông do chính phủ kiểm soát hoặc ủng hộ chính phủ thiên vị đảng cầm quyền và các ứng cử viên của đảng này, các nhà chức trách không cho các ứng cử viên đảng đối lập đăng ký, thiếu cơ hội bình đẳng khi tiến hành tranh cử và gian lận phiếu bầu. Các cuộc bầu cử Quốc hội ở Bê-la-rút không đáp ứng được những cam kết của OSCE về bầu cử dân chủ và tất cả 110 người thắng cử đều là những người ủng hộ chính phủ. Các cuộc bầu cử ở A-zéc-bai-zan cũng không đáp ứng những yêu cầu chủ yếu của OSCE.

Những lo ngại về nhân quyền không chỉ dừng lại ở phía Đông lục địa này. Một số nền dân chủ vững mạnh ở Tây và Trung Âu cũng phải vật lộn với nhiều khó khăn do dòng người di cư mới từ Trung Đông, châu Phi và những nơi khác đến khiến các nguồn lực kinh tế-xã hội bị căng trải và dẫn đến những hạn chế đối với người nhập cư và nhiều cáo buộc về việc đối xử không nhân đạo. Ở nhiều quốc gia, các trại tạm giam dành cho những người không có giấy tờ tùy thân rất sơ sài, các trại giam dành cho những người bị giam giữ khác còn tồi tệ hơn. Đại đa số các loại hình tội ác nghiêm trọng ở U-crai-na trong năm liên quan đến người châu Phi, Trung Đông và người châu Á. Ở Nga, các cuộc tấn công mang tính chất bài ngoại và mang tính chất sắc tộc vốn trầm trọng và gia tăng tiếp tục diễn ra. Có nhiều biểu hiện về chủ nghĩa chống người Do Thái ở nhiều quốc gia trong khu vực và các vụ tấn công bằng bạo lực đối với người Do Thái vẫn là một mối lo ngại. Ở một số quốc gia, cả Ý và Hung-ga-ri, thành viên cộng đồng người Rô-ma là đối tượng của tình trạng bạo lực xã hội, trong một số trường hợp còn xảy ra thường xuyên và gây chết người nghiêm trọng hơn những năm trước.

Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh tìm cách cấm ngôn luận có tính phỉ báng để bảo vệ người thiểu số trước tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực. Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhân quyền lo ngại rằng quy định này sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Tình hình ở một số quốc gia điển hình

Ở Ác-mê-ni-a có sự thụt lùi đáng kể về dân chủ như tình trạng bạo lực tồi tệ nhất sau bầu cử ở khu vực Cáp-ca-dơ trong những năm gần đây. Sau các cuộc biểu tình nhìn chung là hòa bình kéo dài vài tuần sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi hồi tháng 2, Chính phủ đã dùng vũ lực để giải tán những người biểu tình ngày 1-2 tháng 3, khiến đụng độ xảy ra và làm 10 người chết. Tình trạng bạo lực khiến Chính phủ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 20 ngày và cấm phương tiện truyền thông độc lập được đưa tin, trong thời gian đó chính phủ hạn chế nghiêm ngặt các quyền tự do dân sự. Khoảng thời gian còn lại trong năm, có những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tự do hội họp hòa bình và bày tỏ chính kiến mà không bị trả thù; một số người ủng hộ phe đối lập đã bị kết tội và lĩnh những mức án nặng vì những lý do có vẻ liên quan đến chính trị. Tin cho biết đến cuối năm, 59 người ủng hộ đảng đối lập vẫn bị tù vì những lý do có vẻ liên quan đến chính trị; không quan chức chính phủ nào bị truy tố vì liên quan đến các tội ác gây ra trong thời gian bầu cử. Bất chấp những thành công của một nhóm tìm kiếm sự thật có tính cân bằng về chính trị do chính phủ lập ra để điều tra các vụ việc xảy ra hồi tháng 3, môi trường dân chủ vẫn ảm đạm bởi tình trạng sách nhiễu, trả thù và giám sát thuế đối với giới truyền thông độc lập và các nhà hoạt động của xã hội dân sự.

Ở A-zéc-bai-zan, Ilham Aliyev đã được bầu lại làm tổng thống nhiệm kỳ hai hồi tháng 10 trong một tiến trình mà các nhà quan sát đánh giá là không đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về bầu cử dân chủ, bất chấp một số cải thiện của chính phủ trong vấn đề quản lý bầu cử. Những bất cập này gồm hạn chế nghiêm trọng việc tham gia chính trị và đối với truyền thông, gây áp lực và hạn chế các nhà quan sát và sai sót trong kiểm phiếu bầu cử và các tiến trình lên danh sách. Trong năm, hạn chế và áp lực đối với truyền thông trở nên tồi tệ hơn. Một tổ chức phi chính phủ giám sát truyền thông cho biết trong nửa đầu của năm 2008 có 22 hành động phỉ báng và tấn công phóng viên, tăng hơn so với 11 vụ trong cùng kỳ năm 2007 nhưng không ai bị truy cứu trách nhiệm. Một số phóng viên vẫn bị tù vì những cáo buộc mà nhiều người cho là vì động cơ chính trị. Ngày 30/12, Chính phủ thông báo là từ ngày 1/1/2009 sẽ không cho phép Đài châu Âu Tự do/Đài Tự do, Đài tiếng nói Hoa Kỳ và BBC được tiếp tục phát trên sóng đài truyền hình quốc gia và sóng FM. Nếu không có các phương tiện truyền thông quốc tế này, công chúng không còn được tiếp cận với tin tức trung thực từ bất cứ phương tiện truyền thông phát sóng rộng rãi nào.

Tại Bê-la-rút, thành tích nhân quyền của Chính phủ vẫn rất tồi tệ, các giới chức thường xuyên gây ra các vụ vi phạm nghiêm trọng. Bất chấp những đảm bảo trước đó của Chính phủ, các cuộc bầu cử quốc hội tổ chức hồi tháng 9 không tự do mà cũng chẳng công bằng. Các giới chức không chịu trách nhiệm vì những vụ mất tích có động cơ chính trị trước đó. Điều kiện nhà tù cực kỳ tồi tàn và có những báo cáo cho biết vi phạm đối với tù nhân và những người bị giam giữ vẫn diễn ra. Bộ máy tư pháp thiếu sự độc lập. Chính phủ hạn chế hơn nữa các quyền tự do dân sự, trong đó có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội và tự do tôn giáo. Các lực lượng an ninh quốc gia tùy tiện sử dụng vũ lực ùy để giải tán những người biểu tình hòa bình. Tham nhũng vẫn là một vấn nạn. Các tổ chức phi chính phủ và các đảng phái chính trị bị sách nhiễu, phạt, bị truy tố và đóng cửa hoạt động. Các chức sắc tôn giáo bị phạt hoặc trục xuất vì hành đạo và một số nhà thờ bị đóng cửa.

Ở Gru-zi-a, Tổng thống Mikheil Saakashvili đã tái đắc cử hồi tháng 1 trong một cuộc bầu cử mà các nhà quan sát quốc tế cho là phù hợp với các tiêu chuẩn bầu cử dân chủ của OSCE. Tuy nhiên, các quan sát viên quốc tế cũng chỉ ra những thách thức nghiêm trọng, đó là những cáo buộc về trả thù, gây áp lực và sai sót trong vấn đề kiểm phiếu. Những vấn đề này cũng xảy ra trong các cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 5. Có những cáo buộc về các vụ giam giữ vì động cơ chính trị. Tính đa dạng của truyền thông đã suy giảm khi các lực lượng đối lập mất quyền kiểm soát đối với đài truyền hình quốc gia độc lập duy nhất còn lại. Có tin là trong cuộc xung đột hồi tháng 8, các hoạt động quân sự của Gru-zi-a và Nga tùy tiện sử dụng vũ lực khiến nhiều dân thường bị giết hại, trong đó có cả một số phóng viên.

Thành tích nhân quyền trong nước của Liên bang Nga tiếp tục xu hướng tiêu cực với nhiều báo cáo về các vấn đề nhân quyền và các vụ vi phạm trong năm của chính phủ và trong xã hội. Có tin là trong cuộc xung đột hồi tháng 8, các hoạt động quân sự của Gru-zi-a và Nga tùy tiện sử dụng vũ lực khiến nhiều dân thường bị giết hại, trong đó có cả một số phóng viên. Thành tích nhân quyền của chính phủ vẫn rất nghèo nàn ở Bắc Cáp-ca-dơ, có tin là lực lượng an ninh liên quan đến các vụ giết hại, đánh đập, lạm dụng, bạo lực và đối xử tàn tệ, nhưng không bị truy cứu. Tại Chechnya, Ingushetia và Dagestan, các lực lượng an ninh bị cáo buộc trách nhiệm đối với các vụ giết hại bừa bãi và bắt cóc vì động cơ chính trị; trong năm thứ hai đã có sự gia tăng đáng kể số vụ giết hại cả dân thường và quan chức tại Ingushetia, thường do những kẻ không rõ danh tính tiến hành.

Các quyền tự do tiếp tục bị hạn chế, phản ánh sự thiếu trách nhiệm của Chính phủ đối với công dân. Áp lực của chính phủ làm suy giảm quyền tự do bày tỏ và sự độc lập của truyền thông và Nga vẫn là một môi trường nguy hiểm cho phóng viên tác nghiệp. 5 phóng viên đã bị giết hại, một là tại Ingushetia, do cảnh sát gây ra. Những vụ giết hại các phóng viên từ những năm trước vẫn chưa được giải quyết. Chính phủ hạn chế quyền tự do hội họp, cảnh sát đôi khi dùng bạo lực ngăn cản không cho các nhóm tham gia các cuộc biểu tình hòa bình. Sự thù hằn và sách nhiễu của các giới chức đối với một số tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những tổ chức giám sát nhân quyền và những tổ chức nhận tài trợ nước ngoài, phản ánh hạn chế tổng thể không gian dành cho xã hội dân sự. Với một hệ thống chính trị tập trung cao độ, quyền lực tập trung vào tổng thống và văn phòng thủ tướng, những vấn đề xảy ra trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia tháng 12/2007 đã lặp lại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3, không đáp ứng nhiều tiêu chuẩn quốc tế về bầu cử dân chủ.

Cận Đông và Bắc Phi

Trong năm qua, Trung Đông được đặc trưng bởi những thách thức nghiêm trọng đối với việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, mặc dù khu vực cũng đã có một số bước tiến đáng kể.

Một số chính phủ, bao gồm Ai Cập, I-ran, Li-bi, Xi-ri, tiếp tục bỏ tù các nhà hoạt động vì tín ngưỡng của họ. Ayman Nour, người về thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập năm 2005, vẫn bị tù ở Ai Cập trong suốt thời gian báo cáo này tường trình (mặc dù đã được thả ngày 18/2/2009). Chính phủ I-ran thường xuyên giam giữ và truy tố các nhà hoạt động ủng hộ nữ quyền và sinh viên, các nhà hoạt động công đoàn và những người bảo vệ nhân quyền. Các giới chức I-ran tiếp tục đàn áp các tổ chức xã hội nhân sự, đáng chú ý là việc đóng cửa Trung tâm Bảo vệ Quyền con người ngày 21/12 khi trung tâm này chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền. Chính phủ Li-bi hồi tháng 3 thông báo đã thả nhà hoạt động chính trị Fathi El-Jahmi, nhưng trong năm ông vẫn bị giam tại Trung tâm y tế Tripoli và thỉnh thoảng mới được về thăm gia đình. Tại Xi-ri, Chính phủ đã giam giữ một số thành viên cao cấp của cộng đồng nhân quyền, cụ thể là các cá nhân liên quan tới hội đồng quốc gia của tổ chức Tuyên Ngôn vì Sự thay đổi Dân chủ Quốc gia Damascus, một tổ chức lãnh đạo của các nhóm đối lập đòi cải tổ.

Cùng với việc được truy cập thông tin rộng rãi hơn thông qua Internet và truyền hình vệ tinh là những hạn chế lớn hơn đối với truyền thông, kể cả những người viết nhật ký mạng. Tại Ai Cập, cảnh sát bị cáo buộc đã giam giữ và đánh đập những người viết nhật ký mạng. Người viết nhật ký mạng nổi tiếng nhất I-ran, Hossein Derakhshan, bị bắt hồi cuối năm. Tunisia hạn chế quyền tự do truyền thông, các nhà chức trách bắt hoặc gây khó dễ đối với những người viết nhật ký mạng. Ở I-rắc, các phóng viên tiếp tục đấu tranh cho sự an toàn trong khi đưa tin về các vấn đề chính trị, nữ quyền và vấn đề đồng giới. Mặc dù số vụ giết hại phóng viên ở I-rắc trong năm qua có giảm, nhưng tỉ lệ bị giết hại vẫn còn cao.

Nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục hạn chế quyền tự do tôn giáo và bày tỏ. I-ran giam giữ 7 chức sắc của đạo Baha’i từ tháng 5 và Tổng thống I-ran tiếp tục không công nhận Israel. Ả-rập Xê-út nghiêm cấm theo các đạo khác ngoài Hồi giáo dòng Suni, các nhóm tôn giáo thiểu số bị phân biệt đối xử trong vấn đề học hành, việc làm và đại diện trong chính quyền. Ở Ai Cập, các tín đồ tôn giáo không được chính phủ công nhận chịu nhiều khó khăn ở góc độ cá nhân và tập thể. Ở các quốc gia khác, như Ba-ranh và An-giê-ri, đã ban hành luật phân biệt đối xử hoặc giống như Gioóc-đa-ni, tiếp tục các chính sách thiên vị đối với các tôn giáo đa số.

Tình trạng phân biệt đối xử về pháp luật và xã hội cũng như tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tiếp tục diễn ra trên toàn khu vực. Các nhà hoạt động vì nữ quyền ở I-ran bị sách nhiễu, vi phạm, bị bắt và bị kết tội “gây nguy hại đối với an ninh quốc gia” vì tham gia các cuộc biểu tình hòa bình và yêu cầu đối xử bình đẳng theo luật của I-ran thông qua chiến dịch 1 triệu chữ ký. Tuy nhiên, các nước khác trong khu vực đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể về nữ quyền và phụ nữ đã tích cực đóng vai trò lãnh đạo tại các chính quyền trung ương và địa phương. Tại Cô-oét, 27 phụ nữ đã chạy đua trong các cuộc bầu cử toàn quốc hồi tháng 5/2008, mặc dù không một ứng cử viên nào đắc cử. Cũng trong năm, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đã bổ nhiệm một nữ thẩm phán và hai nữ đại sứ.

Trong vài năm qua, một số quốc gia ở Trung Đông đã có những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết các vụ vi phạm lao động và tăng cường tiêu chuẩn lao động. Ô-man và Ba-ranh đã ban hành các đạo luật toàn diện chống buôn người, Gioóc-đa-ni đã mở rộng các điều khoản bảo vệ trong luật lao động đối với những người nước ngoài làm giúp việc trong các gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức nghiêm trọng về vấn đề bảo vệ người lao động nước ngoài và thực hiện các luật và quy định lao động hiện hành đối với mọi người lao động, đặc biệt là lao động trong ngành xây dựng và những người giúp việc trong gia đình.

Tình hình ở một số quốc gia điển hình

Tại Ai Cập, trong năm qua Chính phủ không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do tôn giáo. Cụ thể, các vụ bắt giam những người viết nhật ký mạng có vẻ như chủ yếu liên quan tới nỗ lực của họ nhằm tổ chức các cuộc biểu tình trên các blog của họ và tham gia vào các cuộc biểu tình trên đường phố và các hoạt động khác. Đạo luật về tình trạng khẩn cấp, ban hành năm 1967, vẫn có hiệu lực; các lực lượng an ninh tùy nghi sử dụng vũ lực, đánh đập, lạm dụng tù nhân và những người bị giam giữ, nhưng trong hầu hết các trường hợp họ đều không bị truy cứu.

Chính phủ I-ran tăng cường chiến dịch trả đũa có hệ thống đối với các nhà cải cách, các học giả, các phóng viên và những người bất đồng chính kiến bằng cách bắt giữ tùy tiện, đánh đập và xét xử bí mật, đôi khi kết thúc bằng những bản án tử hình. Những công dân có hai quốc tịch Iran và Mỹ và những người I-ran có tiếp xúc hoặc tới Mỹ, tiếp tục là đối tượng bị trả thù và sách nhiễu. Trước các cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 3, Hội đồng Guardian đã bác khoảng 1.700 ứng cử viên có tư tưởng cải cách, cho rằng họ không đủ tiêu chuẩn tham gia tranh cử.

Tình hình an ninh chung ở I-rắc về cơ bản đã cải thiện, đã có sự hòa giải và giảm căng thẳng ở một số tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực của các lực lượng nổi dậy và cực đoan chống lại dân thường làm suy yếu khả năng duy trì pháp quyền của chính phủ, gây ra nhiều vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và lan rộng. Tuy nhiên, cũng đã có một số diễn biến tích cực trong đó có việc thông qua Luật bầu cử cấp tỉnh ngày 24/9 kêu gọi tiến hành bầu cử ở 14 tỉnh có đa số người Ả-rập vào ngày 31/1/2009 và các cuộc bầu cử vào cuối năm ở ba tỉnh của người Cuốc và Tameem (Kirkuk). Việc thông qua đạo luật cho phép thành lập Cao ủy độc lập về Quyền con người theo quy định của Hiến pháp hôm 16/11 là một bước tiến nữa trong việc thể chế hóa việc bảo vệ các quyền này.

Tại Gioóc-đa-ni, các nhà hoạt động xã hội dân sự bày tỏ lo ngại về một luật mới về vấn đề lập hội, mặc dù chưa được thực hiện, nhưng luật này cho phép Chính phủ từ chối đăng ký của các tổ chức phi chính phủ vì bất cứ lý do gì; giải tán các hội và can thiệp vào việc quản lý, tổ chức thành viên và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ. Theo các tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương, tình hình ở các nhà tù tiếp tục quá tải, thiếu nhân viên, không đủ lương thực, thuốc men và hạn chế việc thăm nuôi. Mặc dù Luật Gioóc-đa-ni cấm đánh đập nhưng tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết đánh đập diễn ra phổ biến và thường xuyên. Công dân và các tổ chức phi chính phủ có báo cáo cho biết tù nhân chính trị, kể cả những người Hồi giáo bị kết tội chống lại an ninh quốc gia, bị vi phạm nhiều hơn so với các tù nhân khác, nhưng cảnh sát có hành vi vi phạm đối với tù nhân không hề bị truy cứu trách nhiệm. Phụ nữ nắm giữ rất ít vị trí lãnh đạo trong chính quyền, mặc dù vẫn nhiều hơn ở những nơi khác trong khu vực; bạo lực trong nước và những tội danh gọi là tội bôi nhọ danh dự vẫn tồn tại dai dẳng. Luật báo chí năm 2007 bỏ điều khoản bỏ tù đối với các phóng viên vì tội danh ý thức hệ. Tuy nhiên, việc giam giữ hạn chế và bỏ tù phóng viên vì bôi nhọ danh dự và vu khống tiếp tục được ghi nhận trong các điều khoản của bộ luật hình sự. Nhiều phóng viên cho biết sự đe dọa áp dụng các hình phạt nghiêm khắc dẫn đến tình trạng tự kiểm duyệt. Tháng 7, Luật Lao động đã được sửa đổi, với đối tượng điều chỉnh là những người lao động nông nghiệp và người giúp việc gia đình, giúp bảo vệ họ theo một số điều khoản trong luật.

Năm thứ tư liên tiếp, bạo lực trong nước và các cuộc chiến chính trị đã cản trở khả năng cải thiện tình hình nhân quyền của Li-băng. Ngày 7/5, những tay súng đối lập thuộc Đảng Hizballah, đảng đối lập với Đảng Shia và là một tổ chức khủng bố, đã kiểm soát sân bay quốc tế Beirut và một số khu vực thuộc phía tây Beirut. Ngày 21/5, sau khi 84 người bị chết và khoảng 200 người bị thương, các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận chấm dứt bạo lực và đối đầu chính trị kéo dài 18 tháng. Bất chấp việc đình chiến và việc quốc hội bầu Tổng thống Michel Sleiman hồi tháng 5, Hizballah vẫn có ảnh hưởng đáng kể ở nhiều vùng trên cả nước; Chính phủ không đạt được tiến bộ rõ rệt nào trong việc giải tán và giải giáp các nhóm vũ trang, trong đó có Hizballah.

Chính phủ Xi-ri tiếp tục vi phạm các quyền riêng tư của công dân và áp đặt những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội trong bầu không khí tham nhũng và vô trách nhiệm của chính phủ. Các lực lượng an ninh đã giải tán các cuộc hội họp của các tổ chức nhân quyền và bắt giam các nhà hoạt động, các nhà tổ chức và những người chỉ trích chính phủ khác mà không theo trình tự luật pháp đúng đắn. Trong năm, Chính phủ đã kết án tù đối với một số thành viên nổi bật của cộng đồng nhân quyền, đặc biệt là các cá nhân liên quan đến hội đồng quốc gia của Tổ chức Tuyên ngôn vì sự Thay đổi Dân chủ Quốc gia Damascus (DDDNC), một tổ chức lãnh đạo của các nhóm đối lập đòi cải cách.

Tại Tuy-ni-di, Chính phủ tiếp tục đàn áp mạnh mẽ, có hệ thống quyền tự do bày tỏ và lập hội. Chính phủ không khoan nhượng trước chỉ trích công khai của các nhà hoạt động đối lập và nhân quyền, trả thù, tiến hành điều tra hình sự và gây khó dễ đối với biên tập viên, phóng viên để hạn chế sự chỉ trích. Các giới chức kiểm duyệt gắt gao các ấn phẩm in và trực tuyến, thường xuyên sách nhiễu phóng viên. Các lực lượng an ninh đã giết hại một nhà biểu tình chính trị và những người giam giữ bị đánh đập, cưỡng hiếp, ép cung.

Nam và Trung Á

Năm 2008, Nam và Trung Á được đánh dấu bởi những cuộc tấn công đối với các quyền cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và lập hội.

Một số chính phủ trong khu vực tiếp tục sách nhiễu các phóng viên và các cơ quan truyền thông, một số quốc gia tiếp tục hạn chế quyền tự do tiếp cận thông tin trên Internet, đặc biệt ở Trung Á. Tại Kyrgyzstan, Chính phủ đã loại bỏ các chương trình của một đài truyền hình độc lập nổi tiếng khỏi hệ thống đài phát thành truyền hình của nhà nước. Một nhà cung cấp dịch vụ Internet do chính phủ kiểm soát tại Kazakhstan thỉnh thoảng chặn một số tin tức cụ thể và các trang web dành cho phe đối lập. Cả hai chính phủ này đều áp dụng những hình phạt nặng đối với tội phỉ báng dành cho các phóng viên và trong một số trường hợp, phóng viên phải rời bỏ các quốc gia này do lo sợ về sự an toàn của bản thân. Như trong những năm trước, phóng viên tác nghiệp tại Turkmenistan bị Chính phủ sách nhiễu, bắt bớ, giam giữ trong các trung tâm điều trị tâm lý. Tại Áp-ga-nít-xtan, Chính phủ đã kết tội một sinh viên báo chí vì tội phỉ báng và kết án tù chung thân do truyền bá một bài báo tải từ mạng Internet về nữ quyền ở các nước Hồi giáo. Tòa án phúc thẩm đã giảm mức án xuống còn 20 năm tù. Tại Pa-kít-xtan, các vụ bắt bớ phóng viên đã giảm sau cuộc bầu cử chính phủ mới. Tuy nhiên, những kẻ không rõ danh tính tiếp tục trả thù, bắt cóc và giết hại phóng viên, đặc biệt ở khu vực có xung đột nội bộ. Tại Sri-lan-ka, các quan chức quốc phòng và chính phủ thường có những phát biểu đe dọa các cơ quan truyền thông độc lập sau một số cuộc tấn công các thành viên của giới báo chí chưa được giải quyết.

Quyền tự do tôn giáo bị tấn công với việc quốc hội Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đưa ra các luật tăng cường hạn chế đối với quyền tự do tôn giáo, ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhóm tôn giáo thiểu số và bạo lực chống các nhóm thiểu số ở bang Orissa của Ấn Độ. Những hành động này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan tăng cường sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số. Turkmenistan hoan nghênh chuyến thăm của một phóng viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tự do tôn giáo, nhưng chính phủ vẫn kiểm soát và theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo.

Trong khu vực vẫn tồn tại những vấn đề nghiêm trọng về quyền lao động. Tình trạng lao động trẻ em vẫn xảy ra trong ngành nông nghiệp và chế tạo tại Áp-ga-nít-xtan, Pa-kít-xtan và Ấn Độ. Tại Kyrgyzstan và Tajikistan, lao động trẻ em phổ biến trong ngành sản xuất bông và các ngành khác, còn Uzbekistan tiếp tục buộc nhiều học sinh phải làm việc trên những cánh đồng trồng bông. Mặc dù Chính phủ Kazakhstan đang có những bước tiến để xóa bỏ nạn lao động trẻ em, những tình trạng này vẫn xảy ra trong ngành bông và sản xuất thuốc lá. Cưỡng ép lao động, đặc biệt trong các khu vực phi chính thức lớn và trong các nhóm thiểu số chịu thiệt thòi, tiếp tục xảy ra ở Nê-pan, Pa-kít-xtan và Ấn Độ. Các nhà tổ chức lao động ở Băng-la-đét cho biết cảnh sát có những hành vi trả thù và lạm dụng và tăng cường giám sát.

Mặc dù một số chính phủ trong khu vực hạn chế đối lập chính trị và cấm cạnh tranh bầu cử thực sự, nhưng ở Nam Á đã có những cải thiện về bầu cử và cạnh tranh chính trị. Tại Pa-kít-xtan, hai đảng chính trị đối lập chính là Đảng Nhân dân Pa-kít-xtan và Đảng Liên đoàn Nawaz Hồi giáo Pa-kít-xtan đều giành đa số trong cuộc bầu cử quốc hội rất cạnh tranh và hình thành chính phủ liên minh, chấm dứt 9 năm quân đội cầm quyền. Nhân dân Man-đi-vơ đã bầu một cựu tù nhân chính trị làm tổng thống trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, thay đổi một cách hòa bình nhà lãnh đạo châu Á tại vị lâu nhất. ủy ban Bầu cử Độc lập của Áp-ga-nít-xtan đã nỗ lực chuẩn bị cho vòng hai cuộc bầu cử của Áp-ga-nít-xtan kể từ khi Ta-li-ban sụp đổ. Các cuộc bầu cử ở Nê-pan đã cho ra đời cơ quan lập pháp nhiều đại diện nhất trong lịch sử quốc gia và quốc hội mới sau đó đã tuyên bố Nê-pan là nước cộng hòa dân chủ theo hình thức liên bang, giải tán một cách hòa bình nền quân chủ chuyên chế. Băng-la-đét đã tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội tự do và công bằng với một số điểm bất thường và đôi khi vẫn xảy ra tình trạng bạo lực. Các cuộc bầu cử và sau đó là cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình đã chấm dứt hai năm của chính phủ được quân đội bảo trợ. Tại Bu-tan, các cuộc bầu cử hạ viện đã chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp sang một nền quân chủ lập hiến và hạn chế, có sự giám sát và tham gia thực sự của người dân.

Tình hình một số quốc gia điển hình

Mặc dù tình hình nhân quyền ở Áp-ga-nít-xtan đã được cải thiện đáng kể từ khi Ta-li-ban sụp đổ năm 2001, tình hình nhân quyền của nước này vẫn tồi tệ do các tổ chức chính quyền trung ương yếu kém và tình trạng nổi dậy nghiêm trọng. Ta-li-ban, Al-Qa’ida và các nhóm cực đoan khác tiếp tục tấn công các quan chức chính phủ, các lực lượng an ninh, các tổ chức phi chính phủ và các nhân viên cứu trợ nhân đạo khác và dân thường không vũ trang. Tiếp tục có báo cáo về các vụ bắt bớ và giam giữ tùy tiện, giết hại không bị xét xử, đánh đập, điều kiện nhà tù thiếu thốn. Sự đàn áp của chính phủ và các nhóm vũ trang ngăn cản giới truyền thông hoạt động tự do.

Tại Băng-la-đét, tình trạng bạo lực đã giảm đáng kể. Chính phủ lâm thời đã tổ chức được các cuộc bầu cử thành công, tuy nhiên thành tích nhân quyền vẫn là một mối quan ngại lớn. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp do Chính phủ đưa ra hồi tháng 1/2007 và dỡ bỏ ngày 17/12 đã hạn chế nhiều quyền cơ bản, kể cả quyền tự do bày tỏ, tự do lập hội và quyền được bảo lãnh. Phong trào chống tham nhũng của chính phủ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng nhưng cũng dấy lên quan ngại về sự công bằng và bình đẳng theo luật. Mặc dù các vụ sát hại phi pháp đã giảm, nhưng các lực lượng an ninh tiếp tục có những vi phạm nghiêm trọng, trong đó tiến hành các vụ giết hại tùy tiện, chết trong khi bị giam giữ, bắt giam tùy tiện, sách nhiễu phóng viên. Một số thành viên lực lượng an ninh vi phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm và có những hành vi như đánh đập. Chính phủ không điều tra đến tận gốc các vụ giết hại không bị xét xử.

Tại Kazakhstan, lực lượng chính trị đối lập bị Chính phủ sách nhiễu bằng những cáo buộc hình sự mang động cơ chính trị và hạn chế quyền hội họp. Chính phủ tiếp tục sách nhiễu các phóng viên và các cơ quan truyền thông độc lập và có xu hướng ủng hộ phe đối lập. Vào cuốc năm, Chính phủ xem xét sửa đổi luật điều chỉnh các đảng chính trị, truyền thông và bầu cử. Một số đại diện của xã hội dân sự và các đảng chính trị đối lập chỉ trích tiến trình cho rằng thiếu sự minh bạch. Chính phủ cũng đang xem xét việc sửa đổi luật tôn giáo mà nếu được ban hành đạo luật này sẽ là bước thụt lùi nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo.

Mặc dù Kyrgyzstan có một xã hội dân sự mạnh và một giới truyền thông độc lập, nhưng trong năm qua Chính phủ tăng cường kiểm soát nhiều khía cạnh của đời sống dân sự. Các luật mới và các điều khoản sửa đổi đã áp đặt thêm hạn chế đối với quyền hội họp công cộng, tự do tôn giáo và truyền thông. Tháng 10, mạng lưới phát thanh truyền hình quốc gia đã không cho Đài Tự do/Đài châu Âu phát sóng, giảm sự tiếp cận của công chúng đối với nguồn thông tin độc lập này. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương đã chạy ra nước ngoài sau khi cho biết bà bị con trai tổng thống ép phải cho đăng ký một ứng cử viên đối lập trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương hồi tháng 10.

Nê-pan trở thành nước cộng hòa dân chủ theo hình thức liên bang ngay sau các cuộc bầu cử hồi tháng 4, cho ra đời một quốc hội có thành phần đại diện đa dạng nhất trong lịch sử đất nước. Mặc dù có các báo cáo về tình trạng bạo lực chính trị, trả thù và những điều bất thường trong quá trình bỏ phiếu, nhưng các quan sát viên cho biết các cuộc bầu cử đều phản ánh ý chí của người dân. Bạo lực, ép cung và trả thù xảy ra liên tục trong năm, miễn truy cứu đối với những kẻ vi phạm nhân quyền, đe dọa truyền thông, bắt bớ tùy tiện, giam giữ lâu dài trước khi xét xử là những vấn đề nghiêm trọng. Thành viên của nhóm Maoist, Liên đoàn thanh niên Cộng sản có liên hệ với nhóm Maoist và các nhóm nhỏ, thường là các nhóm sắc tộc có vũ trang, tiến hành nhiều vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, như sử dùng vũ lực tùy tiện, bất hợp pháp, đánh đập và bắt cóc. Một số nhóm vũ trang, chủ yếu ở khu vực Terai, đã tấn công dân thường, quan chức chính phủ, thành viên các nhóm sắc tộc cụ thể, đánh lẫn nhau hoặc tấn công các phần tử Maoist.

Pa-kít-xtan đã quay trở lại với chế độ dân chủ. Các đảng đối lập đã thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 2 và thành lập chính phủ liên minh. Liên minh chỉ tồn tại một khoảng thời gian trong năm nhưng chính phủ vẫn tiếp tục nắm quyền. Tháng 9, Asif Ali Zardari, chồng của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, kế nhiệm Pervez Musharraf làm tổng thống. Chính phủ mới đã bổ nhiệm trở lại 5 trong số 13 thẩm phán tòa án tối cao mà Musharraf đã cách chức trong tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 11/2007, trong khi 3 người khác nghỉ hưu hoặc từ chức. Tổng tư lệnh quân đội rút 3.000 sĩ quan quân đội khỏi các vị trí trong chính quyền dân sự mà họ đã nắm giữ trong nhiệm kỳ của Musharraf. Bất chấp những bước tiến tích cực này, tình hình nhân quyền vẫn tồi tệ. Các hoạt động quân sự ở vùng tây bắc của đất nước đã làm khiến 1.150 dân thường bị giết hại, các cuộc tấn công ở khu vực đó đã giết hại 825 dân thường nữa, xung đột giữa các giáo phái giết hại khoảng 1.125 người, các cuộc đánh bom cảm tử giết hại hơn 970 người. Đến cuối năm, chiến sự tiếp diễn với du kích quân khiến 200.000 người trở thành vô gia cư.

Tại Xri-lan-ka, sự tôn trọng nhân quyền của Chính phủ được bầu lên một cách dân chủ đã giảm khi xung đột vũ trang leo thang trong cuộc nội chiến kéo dài 25 năm ở nước này. Đến cuối năm, ít có tiến triển trong việc đưa các nhóm thiểu số tham gia vào nền chính trị và các nhóm này tiếp tục bị nhóm đa số vi phạm nhân quyền, như giết hại hoặc mất tích. Chính phủ trục xuất hầu hết các nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế khỏi khu vực xung đột phía bắc. Mặc dù chính phủ đã có những bước đi đầu tiên trong việc giải quyết vấn để sử dụng lính trẻ em của các nhóm du kích thân chính phủ, nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Chính phủ không điều tra và truy tố được bất cứ lực lựợng an ninh nào vi phạm nhân quyền và không thực thi các điều khoản hiến pháp về giám sát các cơ quan chính phủ. Xã hội dân sự bị trả thù, giới truyền thông độc lập và các phóng viên luôn trong tình trạng áp lực vì các phần tử thân chính phủ tấn công và đe dọa.

Mặc dù có những cải thiện khiêm tốn, nhưng Chính phủ Turkmenistan tiếp tục có những vi phạm nghiêm trọng và tình hình nhân quyền vẫn tồi tệ. Những tự do về chính trị và dân sự tiếp tục bị hạn chế nghiêm ngặt. Tháng 6, các giới chức đã bắt nhà hoạt động chính trị đồng thời là cựu tù nhân chính trị Gulgeldy Annaniyazov sau khi ông bị cáo buộc quay về nước bất hợp pháp và kết án ông trong một vụ xử kín với mức án 11 năm tù. Các cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 12 không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Chính phủ tiếp tục nỗ lực sửa đổi luật, kể cả hiến pháp, để phù hợp với các công ước quốc tế.

Chính phủ Uzbekistan đã có những bước tiến giải quyết các mối quan ngại về nhân quyền như quyền của bị cáo, nạn buôn người và lao động trẻ em trong ngành sản xuất bông. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục có những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và việc đánh đập xảy ra có hệ thống trong khi thực thi luật. Các giới chức buộc nhiều trẻ em phải hái bông, đôi khi cho các em sống trong những điều kiện hết sức tồi tàn. Các nhà hoạt động nhân quyền và các phóng viên chỉ trích chính phủ tiếp tục bị sách nhiễu, bị bắt giam tùy tiện, bị truy tố vì động cơ chính trị và bị đánh đập.

Tây Bán cầu

Các chính phủ trong khu vực tiếp tục giải quyết các vụ vi phạm nhân quyền trong quá khứ bằng việc đảm bảo công lý cho các nạn nhân và chấm dứt tình trạng miễn truy cứu trách nhiệm. Tại Cô-lôm-bi-a, một số sĩ quan chỉ huy đã bị điều tra vì các vụ vi phạm nhân quyền quan trọng. Văn phòng Trưởng Công tố đang điều tra 27 quan chức quân đội, trong đó có ba tướng lĩnh và bốn đại tá bị sa thải khỏi lực lượng vũ trang hồi cuối tháng 10 vì bị cáo buộc dính líu đến vụ giết hại 11 em nhỏ ở Soacha, gần Bogota. Một số cuộc điều tra cũng đang được tiến hành ở Chi-lê và Ác-hen-ti-na. Một số cáo trạng đã được đưa ra trong các vụ vi phạm từ những năm 1970 và 1980. Tại Pê-ru, nhà nước tiếp tục truy tố cựu Tổng thống Fujimori và các cựu quan chức chính phủ khác vì tham nhũng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Các nhóm giám định pháp y đã khai quật hài cốt và xác định xác của hàng trăm người bị mất tích hoặc bị giết hại và chôn tại các hang động bí mật trong những năm của thập kỷ 1980 và 1990. Ủy ban Chống miễn truy cứu của Liên Hợp Quốc tại Goa-tê-ma-la tiếp tục điều tra 15 vụ nhân quyền nổi bật liên quan đến giết hại phụ nữ, giết hại tài xế xe buýt, buôn người, tấn công và giết hại những người hoạt động công đoàn và những người bảo vệ nhân quyền.

Nhìn chung, các cơ quan bầu cử trên toàn Tây Bán cầu đều duy trì được sự độc lập và động lực mà họ có được trong những năm gần đây. Nhiều tiến trình bầu cử, chẳng hạn như bầu cử tổng thống ở Pa-ra-goay, bầu cử tổng thống sơ bộ ở Hôn-đu-rát và trưng cầu dân ý ở Bô-li-vi-a và Ê-cu-a-đo, được đánh giá là tự do và công bằng. Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ. Tại Ni-ca-ra-goa, tình trạng gian lận, trả thù và bạo lực diễn ra phổ biến trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh, thành. Tại Vê-nê-zu-ê-la, Chủ tịch ủy ban bầu cử tuyên bố gần 300 ứng cử viên thị trưởng và thống đốc bang (hầu hết là thuộc phe đối lập) không đủ điều kiện tranh cử vì vi phạm hành chính.

Trong một số trường hợp, các chính phủ dùng các tiến trình chính trị, chẳng hạn như trưng cầu dân ý về hiến pháp, để theo đuổi những chính sách đe dọa, làm suy yếu các quyền tự do dân chủ và các thể chế, giảm kiểm soát và cân bằng, hoặc củng cố quyền hành pháp. Ở Ê-cu-a-đo, Hiến pháp 2008 bao gồm những điều khoản yêu cầu truyền thông cung cấp cho Chính phủ thời lượng phát sóng tự do, làm dấy lên quan ngại về quyền tự do ngôn luận và báo chí sẽ bị ảnh hưởng. Tại Vê-nê-zu-ê-la, việc thông qua 26 đạo luật “cho phép”, một số trong đó phản ánh những khía cạnh của cuộc trưng cầu dân ý hiến pháp 2007 không thành công, đã đưa vào các điều khoản giảm thẩm quyền của các quan chức được bầu lên và tăng cường tập trung hóa quyền lực.

Cũng có những mối đe dọa đối với quyền tự do báo chí. Tại Vê-nê-zu-ê-la, các cơ quan báo chí và các phóng viên độc lập tiếp tục bị các quan chức cao cấp của chính phủ sách nhiễu, trả thù trên các phương tiện truyền thông của nhà nước. Đài truyền hình độc lập của Vê-nê-zu-ê-la, đài Globovision là đối tượng của cuộc tấn công bằng hơi cay của những người ủng hộ chính phủ. Chính phủ Nicaragoa dùng các biện pháp hành chính, tư pháp và tài chính để làm suy yếu việc thực thi quyền tự do ngôn luận. Mặc dù Chính phủ Bô-li-vi-a nhìn chung tôn trọng quyền tự do báo chí, nhưng chính phủ này vẫn duy trì mối quan hệ thù địch đối với báo giới. Một số tổ chức phi chính phủ cáo buộc rằng Tổng thống Morales và các quan chức chính phủ đã đưa ra những phát biểu miệt thị báo giới, phớt lờ tình trạng bạo lực đối với các phóng viên và các cơ quan truyền thông, chính trị hóa nội dung truyền thông nhà nước và ban hành các luật hạn chế truyền thông độc lập.

Cu-ba tiếp tục là nhà nước độc tài duy nhất ở Tây bán cầu sau cuộc chuyển giao quyền lực phi dân chủ từ Fidel Castro sang cho em trai là Raul Castro.

Tình hình ở một số quốc gia điển hình

Tại Bô-li-vi-a, Chính phủ nỗ lực đưa hiến pháp mới đầy tranh cãi ra trưng cầu dân ý trên toàn quốc, phe đối lập đòi quyền tự trị trong khu vực lớn hơn, những yêu cầu về tài trợ của Chính phủ dẫn đến hàng loạt cuộc đối đầu bạo lực và các vụ biểu tình quy mô lớn. Tình trạng bạo lực lên đến đỉnh điểm hồi tháng 9 ở bang Pando với 13 người chết và thống đốc bang bị bắt giam bất hợp pháp và kéo dài. Tháng 5 và 6, các bang miền đông tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị, Chính phủ liên bang không công nhận và cộng đồng quốc tế không giám sát. Cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc hồi tháng 8 giúp hầu hết các thống đốc và Tổng thống Evo Morales tiếp tục tại vị, củng cố Đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội của Tổng thống và nỗ lực của đảng này nhằm tiến hành bỏ phiếu thông qua hiến pháp mới.

Trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang kéo dài 44 năm với các tổ chức khủng bố, Chính phủ Cô-lôm-bi-a tiếp tục nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền, đặc biệt thực hiện Luật Công lý và Hòa bình, một tiến trình giúp xác minh khoảng 164 nghìn tội ác và tiến đến cải cách hệ thống tư pháp quân đội. Trong 10 tháng đầu năm, số vụ giết hại giảm 6%, bắt cóc giảm 14% so với năm 2007, trong khi đó các vụ điều tra về dính líu giữa các chính trị gia và các nhóm bán quân sự phát hiện 70 nghị sĩ và 15 thống đốc có liên quan, một số trong số này đã bị bỏ tù. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề xã hội và các vụ vi phạm nhân quyền của Chính phủ, trong đó có giết hại không bị xét xử, hợp tác quân đội với các nhóm vũ trang bất hợp pháp, sách nhiễu phóng viên và các nhóm nhân quyền. Các tổ chức khủng bố, đáng chú ý là Lực lượng Vũ trang Cách mạnh Cô-lôm-bi-a và Quân đội Giải phóng Quốc gia đã tiến hành nhiều vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, trong đó có giết hại vì mục đích chính trị, bắt cóc, ép dời bỏ nhà cửa hàng loạt, tuyển binh lính trẻ con và tấn công các nhà hoạt động nhân quyền, giáo viên và các nhà hoạt động công đoàn.

Tại Cu-ba, so với năm trước có sự gia tăng đàn áp quyền tự do ngôn luận và hội họp. Sách nhiễu gia tăng đối với những người bất đồng chính kiến, trong đó các quan chức an ninh hoặc các nhóm do chính phủ tổ chức đánh đập các nhà hoạt động. Chính phủ còn gia tăng sử dụng biện pháp giam giữ tạm thời và thả mà không có cáo buộc nào để đe dọa các nhà hoạt động và ngăn cản không cho họ tổ chức các hoạt động. Ít nhất có 219 tù nhân chính trị bị tù trong các điều kiện thiếu thốn và đe dọa mạng sống, bị đánh đập và không cho điều trị bệnh. Những người được thả trong năm là những người đã thụ án xong. Chính phủ tiếp tục hạn chế không cho công dân tiếp cận các nguồn thông tin độc lập, cụ thể là hạn chế truy cập Internet, bất chấp thực tế là lần đầu tiên họ đã cho phép công dân được sở hữu máy tính cá nhân.

Goa-tê-ma-la đã có nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền. ủy ban chống Miễn truy cứu của Liên Hợp Quốc ở Goa-tê-ma-la tiếp tục điều tra các vụ vi phạm nhân quyền nổi bật và mở rộng năng lực điều tra qua việc hình thành một đơn vị công tố viên mới. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực lan tràn và không bị truy cứu vẫn tiếp tục xảy ra. Thành viên lực lượng cảnh sát quốc gia gây ra các vụ giết hại không bị xét xử và trong nhiều trường hợp, các giới chức đã thuyên chuyển các sĩ quan cảnh sát hoặc sa thải họ chứ không điều tra và truy tố những người bị cáo buộc vi phạm. Hình thức bạo lực khác xuất phát từ các vụ của các băng nhóm, cưỡng hiếp, ép cung, tội phạm có tổ chức và buôn bán ma tuý. Những người hoạt động công đoàn bị đe dọa sử dụng bạo lực hoặc bị những kẻ tấn công không rõ danh tính giết hại. Tình trạng tham nhũng trong chính phủ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Các điều tra công khai cho thấy tình trạng thiếu lòng tin đối với hầu hết các cơ quan chính phủ.

Chính phủ của Đảng Sandinista ở Ni-ca-ra-goa gạt bỏ các quan sát viên quốc tế có uy tín khỏi các cuộc bầu cử cấp tỉnh, thành hồi tháng 11. Những cuộc bầu cử này có tình trạng gian lận phổ biến, nhiều điều bất thường và cả đe dọa trả thù. Quốc gia này tiếp tục không tôn trọng pháp quyền, để xảy ra tình trạng tham nhũng có hệ thống và cơ quan tư pháp và cả các cơ quan chính phủ khác đều bị chính trị hóa. Chính phủ và các chủ thể khác đe dọa trả thù và gây khó khăn cho các phóng viên và các nhóm xã hội dân sự không ủng hộ các chính sách của chính quyền.

Tại Vê-nê-zu-ê-la, cộng đồng các tổ chức phi chính phủ cho biết có sự suy giảm cả các quyền dân chủ và nhân quyền, với những hệ quả nghiêm trọng. Trong năm Quốc hội thông qua 26 bộ luật trong đó có các điều khoản hạn chế phạm vi thẩm quyền của các quan chức được bầu lên, tăng cường tập trung quyền lực. Chính phủ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và cáo buộc vi hiến khi tuyên bố 272 ứng cử viên trong các cuộc bầu cử thị trưởng và thống đốc bang là không đủ điều kiện tranh cử; đa số các ứng cử viên này là thuộc phe đối lập. Tổng thống Chavez tuyên bố ý định đưa ra trưng cầu dân ý một bản hiến pháp nữa vào ngày 15/2/2009 cho phép bỏ điều khoản quy định nhiệm kỳ đối với tổng thống và lần đầu tiên áp dụng đối với tất cả các quan chức được bầu lên. Có rất nhiều hạn chế đáng kể và nhiều mối đe dọa đối với quyền tự do bày tỏ, kể cả tự do truyền thông. Các quan chức chính phủ công khai miệt thị và đe dọa trả thù các cơ quan truyền thông độc lập và các phóng viên trên phương tiện truyền thông của nhà nước. Chính phủ kiện ra tòa một đài truyền hình Vê-nê-zu-ê-la độc lập, cáo buộc rằng mạng lưới truyền thông này muốn ám sát Tổng thống Chavez. Các cá nhân và các mạng lưới truyền thông cũng bị cáo buộc kích động bạo lực và gây bất ổn cho chính phủ sau khi họ đưa ra các phát biểu chỉ trích chính phủ hoặc kêu gọi hành động chống chính phủ. Các cơ quan và quan chức chính phủ và các cơ quan truyền thông liên quan đến chính phủ tăng cường chống người Do Thái thông qua các bình luận chống Do Thái có tác động lan tỏa trong toàn xã hội, dưới hình thức phát ngôn, vẽ tranh biếm họa, phá hoại các công trình nghệ thuật và tấn công các cơ sở Do Thái.

Kết luận

Ngày 10/12/2008 kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong nhiều thập kỷ kể từ ngày Tuyên ngôn ra đời, đã có những tiến bộ rõ rệt trên mọi lục địa vì quyền con người mà Tuyên ngôn đã ghi nhận. Nhưng cũng 60 năm sau, hàng trăm triệu người vẫn bị các chính phủ của họ tước bỏ các quyền tự do cơ bản.

Hoa Kỳ là một quốc gia được xây dựng dựa trên nhân quyền và pháp quyền. Khi đưa ra những báo cáo này, chúng ta muốn đó là một nguồn thông tin, hy vọng và giúp đỡ người dân ở mọi nơi đang bị đàn áp, bị bịt miệng và đẩy ra ngoài lề. Chúng ta cam kết hợp tác ở mọi cấp độ - quốc gia, khu vực và toàn cầu - để đảm bảo rằng các quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn Thế giới được bảo vệ và tôn trọng.

VIỆT NAM

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với dân số khoảng 86 triệu người, là một nhà nước độc tài do Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất được tổ chức hồi tháng 5/2007 không phải là cuộc bầu cử tự do và bình đẳng vì tất cả các ứng cử viên đều được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức của Đảng, lựa chọn. Mặt trận là cơ quan có trách nhiệm giám sát các tổ chức đoàn thể cả nước. Nhìn chung, chính quyền dân sự các cấp kiểm soát hữu hiệu các lực lượng an ninh.

Thành tích nhân quyền của Chính phủ vẫn không thoả đáng. Người dân không thể thay đổi Chính phủ. Các phong trào chính trị đối lập bị cấm. Chính phủ tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến, bắt giữ một số nhà hoạt động chính trị và khiến một số người bất đồng chính kiến phải chạy ra nước ngoài. Công an đôi khi còn ngược đãi nghi can trong các vụ bắt bớ, giam giữ và hỏi cung. Tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng trong lực lượng công an, và đôi khi công an hành động tùy tiện mà không bị trừng phạt. Điều kiện nhà tù thường là khắc nghiệt. Cá nhân bị giam giữ tùy tiện vì hoạt động chính trị, và bị tước quyền được xét xử công bằng và khẩn trương. Chính phủ tiếp tục hạn chế các quyền riêng tư của công dân và tăng cường kiểm soát báo chí và quyền tự do ngôn luận, hội họp, đi lại và lập hội. Chính phủ duy trì lệnh cấm hình thành các tổ chức nhân quyền độc lập. Bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn diễn ra. Tình trạng buôn người tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng. Một số nhóm dân tộc thiểu số bị phân biệt đối xử trong xã hội. Chính phủ hạn chế quyền của người lao động, bắt bớ hoặc gây khó khăn cho một số nhà hoạt động trong lĩnh vực lao động.

TÔN TRỌNG NHÂN QUYỀN

Phần 1: Tôn trọng phẩm giá con người, không bị:

a. Tước đi cuộc sống một cách tùy tiện và bất hợp pháp

Không có báo cáo nào cho thấy Chính phủ hoặc các cơ quan chính phủ gây ra bất kỳ vụ sát hại nào vì động cơ chính trị. Tuy nhiên, có một báo cáo xác nhận về một người bị chết trong trại giam của công an.

Ngày 1/5, Y Ben Hdok, một người Thượng ở Đắc-lắc đã chết trong khi đang bị giam giữ tại đồn công an tỉnh Buôn Ma Thuột. Công an đã bắt giam anh ngày 28/4 để hỏi cung vì nghi ngờ anh ta dính líu vào việc kích động biểu tình. Cán bộ khẳng định rằng nghi can đã treo cổ trong giờ giải lao sau khi thẩm vấn. Tuy nhiên, người nhà cho biết thi thể anh ta có những vết bầm tím. Không có cuộc điều tra nào được thực hiện và có tin là gia đình từ chối không cho khám nghiệm tử thi.

Cũng có các báo cáo cho biết một tù nhân người Thượng nữa cũng đã chết ngay sau khi được thả, nhưng không thể xác định nguyên nhân.

Không có tiến triển nào xung quanh việc điều tra cái chết của Y Ngo Adrong năm 2006.

b. Mất tích

Giáo hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam không đăng ký cho biết Thượng toạ Thích Trí Khải, người đã bị công an bắt tại chùa của ông ở Lâm Đồng hồi tháng 4, cho đến cuối năm vẫn mất tích.

Theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ và giới báo chí, nhà hoạt động chính trị Tim Sakhorn, bị kết án một năm tù giam hồi tháng 11/2007 vì “phá hoại đoàn kết dân tộc” và được thả hồi tháng 7, đang cư trú tại tỉnh An Giang dưới hình thức quản chế tại gia và luôn bị công an theo dõi. Lê Trí, một công dân Việt Nam và là một nhà hoạt động chính trị, mất tích tại Căm-pu-chia hồi tháng 5/2007, đến cuối năm vẫn mất tích.

c. Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, phi nhân tính hoặc xúc phạm

Luật pháp cấm xâm phạm thân thể; nhưng công an vẫn thường xuyên đánh đập nghi can khi họ bị bắt giam. Có những báo cáo về các vụ công an địa phương sách nhiễu ở các tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La và Thái Bình. Tin cho biết những người biểu tình đòi đất ở tỉnh An Giang bị các nhà chức trách địa phương gây khó dễ.

Có những báo cáo cho biết công an sách nhiễu và đánh đập những người thiểu số từ Căm-pu-chia trở về Tây Nguyên, mặc dù hầu hết báo cáo đều không nêu cụ thể vụ việc. Các nhà quan sát nhận thấy hầu hết các vụ việc đều liên quan đến đất đai, tiền nong hoặc tranh chấp nội bộ.

Trong suốt năm,, chính quyền buộc các nhà hoạt động phải vào các bệnh viện tâm thần điều trị như một thủ thuật nhằm dẹp yên tiếng nói bất đồng

Điều kiện sinh hoạt trong nhà tù và trại giam

Điều kiện nhà tù có thể khắc nghiệt, nhưng nhìn chung không đe dọa đến mạng sống của tù nhân. Dẫu vậy, tình trạng quá tải, khẩu phần ăn không đủ, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém vẫn là những vấn đề nghiêm trọng tại nhiều nhà tù. Tù nhân được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và được hưởng thêm các dịch vụ y tế ở các bệnh viện huyện và tỉnh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cán bộ ngăn cản người thân trong gia đình gửi thuốc men cho tù nhân. Tù nhân buộc phải lao động, nhưng không có tiền công. Đôi khi tù nhân bị chuyển tới phòng biệt giam. Ở đó họ không được đọc và viết trong khoảng thời gian kéo dài hàng tháng. Thân nhân khẳng định chắc chắn tù nhân được đối xử tốt hơn nếu đút lót cán bộ trại giam.

Thành viên gia đình của một số nhân vật bất đồng chính kiến cho biết điều kiện sinh hoạt tại nhà tù Xuân Lộc ở tỉnh Đồng Nai đã được cải thiện. Trong chuyến thăm tới nhà tù này hồi tháng 6, các nhà ngoại giao nước ngoài nhận thấy khu vực sinh hoạt tuy thiếu thốn nhưng sạch sẽ và điều kiện lao động nhìn chung chấp nhận được. Thân nhân của một nhà hoạt động bị gẫy tay trong một nhà tù tại tỉnh Kiên Giang xác nhận điều kiện chữa trị rất thiếu thốn, khiến ông này đôi khi không cử động được. Thân nhân của Cha Nguyễn Văn Lý cho biết ông vẫn chưa được có Kinh Thánh.

Chính phủ nhìn chung không cho phép Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế hoặc các tổ chức phi chính phủ đến thăm các nhà tù, và trong cả năm không có cuộc thăm viếng nào. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã cho phép các nhà ngoại giao nước ngoài và một phái đoàn tôn giáo thực hiện những chuyến thăm nhà tù trong chừng mực nhất định và gặp gỡ với các tù nhân. Yêu cầu được thăm tù nhân của các nhà quan sát ngoại giao khác hầu hết không được chấp thuận.

d. Bắt bớ và giam giữ tùy tiện

Luật hình sự cho phép Chính phủ giam giữ mà không cáo buộc theo các điều khoản “an ninh quốc gia” mơ hồ, quy định tại các điều 84, 88 và 258. Chính phủ cũng đã bắt giam một số cá nhân theo các điều khoản khác. Chính phủ tiến hành quản chế hành chính hay quản thúc tại gia đối với một số nhân vật bất đồng chính kiến trên cả nước.

Vai trò của công an và lực lượng an ninh

Đảm bảo an ninh trong nước là trách nhiệm chính của Bộ Công an; tuy nhiên, ở một số vùng hẻo lánh thì quân đội là cơ quan chủ yếu và thực thi chức năng đảm bảo an ninh công cộng, trong đó có duy trì trật tự công cộng trong trường hợp xảy ra bạo động dân sự. Bộ Công an kiểm soát lực lượng cảnh sát, cơ quan đặc nhiệm điều tra an ninh quốc gia, và các đơn vị an ninh nội vụ khác. Bộ này cũng quản lý hệ thống đăng ký hộ khẩu và công an khu vực nhằm giám sát dân cư. Mặc dù đã bớt can thiệp vào đời sống hàng ngày của công dân, hệ thống giám sát này vẫn được dùng để giám sát những người bị nghi là tham gia, hoặc chắc chắn sẽ tham gia các hoạt động chính trị không được phép. Vẫn có báo cáo đáng tin cậy về các vụ công an địa phương cho lực lượng dân quân sách nhiễu và đánh đập các nhà hoạt động chính trị và những người khác, kể cả những tín đồ tôn giáo, bị coi là những đối tượng “không được hoan nghênh: hay là “mối đe dọa” đối với an ninh công cộng.

Ở cấp tỉnh, quận/huyện và xã đều có lực lượng công an và họ chịu sự chỉ đạo của ủy ban nhân dân cấp tương ứng. Nói chung các lực lượng công an thực thi hiệu quả vai trò duy trì ổn định chính trị và trị an công cộng, nhưng năng lực điều tra của họ còn rất kém. Việc đào tạo công an và ngân sách còn thiếu.

Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng trong lực lượng công an ở tất cả các cấp. Tuy nhiên, công an thường hành động tùy tiện nhưng không bị trừng phạt. Cơ quan giám sát nội bộ công an có tồn tại nhưng bị chi phối bởi ảnh hưởng chính trị. Trong năm, Chính phủ đã hợp tác với một số chính phủ nước ngoài để xây dựng một chương trình huấn luyện công an và quản lý nhà tù ở cấp tỉnh, nhằm nâng cao chuyên môn cho các lực lượng an ninh.

Bắt và giam giữ

Bộ luật hình sự quy định trình tự giam giữ và đối xử với các cá nhân cho đến khi họ được đưa ra tòa xét xử. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Văn phòng công tố) ra lệnh bắt, thường là theo yêu cầu của bên công an. Tuy nhiên, công an có thể tiến hành bắt giữ mà không cần có lệnh căn cứ dựa trên khiếu nại của bất kỳ ai. Trong những trường hợp đó, Viện Kiểm sát ra lệnh bắt hồi tố. Trong vòng 9 ngày, Viện Kiểm sát phải ra quyết định khởi tố điều tra hình sự đối với người đang bị tạm giam; nếu không công an sẽ phải thả nghi can. Trên thực tế quy định 9 ngày này thường bị bỏ qua.

Quá trình điều tra có thể kéo dài từ ba tháng đối với những tội danh “ít nghiêm trọng” (những tội có án tù 3 năm) đến 16 tháng đối với những tội “đặc biệt nghiêm trọng” (những tội có thể dẫn đến án tù trên 15 năm hoặc tử hình) hoặc 20 tháng đối với những vụ liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, thời gian điều tra có thể bị kéo dài. Bộ luật hình sự cũng cho phép Viện Kiểm sát yêu cầu tạm giam thêm hai tháng sau khi điều tra để cân nhắc xem có nên truy tố người bị giam giữ hay trả vụ việc cho bên công an điều tra thêm. Đôi khi các nhân viên điều tra còn dùng biện pháp cách ly, kéo dài thời gian thẩm vấn, không cho ngủ để buộc người bị giam giữ phải nhận tội.

Theo quy định, người bị giam giữ được phép gặp luật sư kể từ khi bị giam giữ. Tuy nhiên, các nhà chức trách thường lợi dụng sự chậm trễ trong thủ tục hành chính để cản trở không cho người bị giam giữ được tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp lý. Trong các vụ liên quan tới an ninh quốc gia, các nhà chức trách thường trì hoãn việc gặp gỡ giữa luật sư bào chữa và thân chủ của họ cho đến khi quá trình điều tra kết thúc và nghi can đã chính thức bị kết tội. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm luật sư được đào tạo và các quyền của bị cáo không được bảo đảm nên hiếm khi người bị giam giữ được tiếp cận luật sư một cách nhanh chóng. Trên thực tế, chỉ những bị cáo phạm những tội có thể dẫn đến mức án tử hình mới được chỉ định luật sư bào chữa.

Theo quy định, luật sư bào chữa phải được thông báo và được phép tham dự các cuộc thẩm vấn thân chủ của họ. Tuy nhiên, trước hết bị cáo phải tự mình yêu cầu sự có mặt của luật sư, nhưng không rõ liệu các nhà chức trách có thường thông báo cho bị cáo về quyền lợi này của họ hay không. Luật sư cũng phải được tiếp cận hồ sơ vụ án và được phép sao chụp hồ sơ. Đôi lúc luật sư cũng được thực hiện đặc quyền này.

Nhìn chung, công an thường thông báo cho gia đình người bị giam giữ về nơi giam giữ họ; tuy nhiên, người nhà chỉ được phép thăm thân nếu được điều tra viên cho phép, chứ không phải tự động được phép. Trong thời gian điều tra, người bị giam giữ thường không được gặp gỡ thân nhân, đặc biệt đối với các vụ liên quan đến an ninh quốc gia. Trước khi tuyên án chính thức, những người bị tạm giam cũng có quyền thông báo cho người thân trong gia đình họ. Tuy nhiên, một số người bị tạm giam để điều tra về các vụ vi phạm an ninh quốc gia không được phép liên hệ với ai. Tính đến cuối năm, một số người bị bắt hồi đầu năm vẫn chưa được gặp gia đình hoặc luật sư và cũng chưa chính thức bị cáo buộc tội danh nào.

Không có hình thức bảo lãnh hay thả có điều kiện. Thời gian giam giữ chờ xử án sẽ được tính vào thời gian thi hành án được tuyên.

Tòa án có thể tuyên phạt quản chế hành chính tới 5 năm sau khi đã thụ án. Thêm vào đó, công an và các tổ chức đoàn thể có thể yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp huyện và tỉnh áp dụng một trong năm “biện pháp hành chính” mà không cần xét xử. Các biện pháp này bao gồm các hình phạt như giam giữ từ 6 đến 24 tháng trong các trại cải tạo thanh thiếu niên hay các trại giam người lớn và thường áp dụng đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần với mức độ vi phạm nhỏ như trộm cắp vặt hay “lăng mạ người khác”. Các chủ tịch ủy ban nhân dân cũng có thể áp dụng hình phạt “quản chế hành chính”, thường là hạn chế đi lại. Mặc dù vào tháng 3/2007 Chính phủ bãi bỏ Nghị định 31 về quản chế hành chính, thường áp dụng đối với những người bị coi là bất đồng chính kiến, nhưng các nhà chức trách tiếp tục phạt một số cá nhân theo các điều khoản về an ninh quốc gia rất mơ hồ được nêu trong Bộ luật Hình sự.

Các vụ giam giữ tùy tiện, đặc biệt đối với các nhà hoạt động chính trị, vẫn là một vấn đề. Chính phủ áp dụng các pháp lệnh, nghị định và sử dụng các biện pháp khác để giam giữ các nhà hoạt động bày tỏ hòa bình những quan điểm chính trị đối lập. Điều 88 cấm “phát tán tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước”. Những người bị cáo buộc vi phạm điều 88 thường sẽ bị kết án đến 5 năm tù. Mặc dù một số nhà hoạt động đã được giảm án sau khi kháng án, nhưng những người khác vẫn bị y án sau khi kháng án. Tháng 9/2008, một người viết blog đã bị kết tội trốn thuế và bị kết án 30 tháng tù giam sau khi viết về tình trạng tham nhũng và phản đối hành động của Trung Quốc đối với hai quần đảo đang tranh chấp là Hoàng Sa và Trường Sa.

Vào tháng 8 và 9/2008, Chính phủ đã bắt ít nhất 13 nhà hoạt động, hầu hết liên quan tới phong trào chính trị gọi là khối 8406, và tiến hành giam lỏng đối với một chục người khác. Ngày 7/11, người tham gia biểu tình đòi đất đồng thời là thành viên khối 8604 Lê Thị Kim Thu đã bị kết án 18 tháng tù vì “gây rối trật tự công cộng”. Tính đến cuối năm các nhà hoạt động còn lại vẫn chưa bị cáo buộc tội danh hoặc đưa ra xét xử.

Công an đã đột nhập vào nơi ở của các nhà hoạt động dân chủ có tiếng như Nguyễn Khắc Toàn và Đỗ Nam Hải và lấy đi máy tính cá nhân, điện thoại di động và những tài liệu khác.

Trong năm cũng có những báo cáo về việc các quan chức chính phủ ở Tây Nguyên và Tây Bắc bắt tạm giam những người dân tộc thiểu số vì đã liên lạc với cộng đồng người thiểu số ở nước ngoài.

Các vụ biểu tình hòa bình đòi đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khiến một số người tổ chức biểu tình bị tạm giam và bị an ninh theo dõi, mặc dù Chính phủ đã giải tán những cuộc biểu tình này mà không xảy ra bạo loạn. Các vụ biểu tình hòa bình trong năm phản đối những hành động của Trung Quốc đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp cũng làm một số nhà hoạt động bị tạm giam vì biểu tình mà chưa được phép. Tháng 9, các nhà chức trách đã bắt bốn nhà hoạt động và bắt tạm giam một số người khác để ngăn không cho xảy ra biểu tình và tụ họp công khai.

Trường hợp của năm nhà hoạt động chính trị - hai người Việt Nam và ba người nước ngoài - bị bắt hồi tháng 11/2007, thì hai trong số 3 người nước ngoài đã được thả hồi tháng 12/2007. Ngày 13/5, ba người còn lại đã bị xét xử và kết án với tội danh khủng bố nhưng được trừ thời gian tạm giam; do vậy một người Việt Nam đã được thả ngay, người nước ngoài thì bị trục xuất một vài ngày sau đó, người Việt Nam còn lại được thả hồi tháng 8.

Khoảng 30 nhà hoạt động đã bị bắt trong một chiến dịch đàn áp của Chính phủ năm 2006-2007 đã bị kết án. Những người khác vẫn đang bị điều tra và quản chế hành chính mà không chính thức bị cáo buộc tội danh nào.

Các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo bị giam giữ không chính thức theo những mức độ khác nhau tại nơi họ sinh sống.

Ân xá

Chính phủ không ban hành lệnh đặc xá nhân dịp Tết Nguyên đán hay Ngày Quốc khánh. Tuy nhiên, theo thẩm quyền, hội đồng xét giảm án tha tù ở các tỉnh thành vẫn tiến hành xét giảm án tha tù cho các tù nhân ở tại địa phương mình nhân dịp Quốc khánh và Tết Nguyên đán. Không một tù nhân nổi bật nào được thả nhân dịp này.

e. Không xét xử công khai và công bằng

Pháp luật quy định sự độc lập của các thẩm phán và các hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát các tòa án ở mọi cấp thông qua việc kiểm soát một cách hữu hiệu quá trình bổ nhiệm các chức danh tư pháp và các định chế khác.. Trong nhiều trường hợp, Đảng quyết định mức án. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các chánh án đều là đảng viên cộng sản và được bổ nhiệm ít nhất một phần là do sự tin cậy về mặt chính trị của họ. Vẫn như những năm trước đây, hệ thống tư pháp bị bóp méo nghiêm trọng do ảnh hưởng chính trị, nạn tham nhũng cục bộ và tình trạng hoạt động thiếu hiệu quả. Ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt thể hiện rõ trong các vụ án lớn và các trường hợp khác liên quan đến các cá nhân bị buộc tội thách thức hay gây phương hại cho Đảng hoặc nhà nước.

Hệ thống tư pháp bao gồm Tòa án Nhân dân Tối cao; các tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành và cấp quận/huyện; tòa án quân sự; tòa hành chính, kinh tế và lao động; và các tòa án khác do pháp luật quy định. Mỗi quận/huyện đều có một tòa án nhân dân với vai trò là các tòa xét xử sơ thẩm đối với hầu hết các vụ án trong nước, hình sự, dân sự. Mỗi tỉnh/thành lại cũng có một tòa án nhân dân, với vai trò là các tòa phúc thẩm xét xử các vụ án sơ thẩm từ cấp quận huyện đưa lên. Chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao là cơ quan tòa án cấp cao nhất xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm. Các tòa hành chính xét xử các khiếu nại của công dân liên quan đến tham nhũng và lạm dụng chức quyền của các cán bộ, quan chức. Ngoài ra còn có các ủy ban đặc biệt giúp giải quyết các tranh chấp tại địa phương.

Vẫn còn tình trạng thiếu các luật sư và thẩm phán được đào tạo. Lương thấp trong ngành tư pháp đã cản trở những nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống tư pháp với nguồn nhân lực được đào tạo. Một số ít các chánh án, thẩm phán được đào tạo chính quy nhưng thường chỉ học ở những quốc gia có truyền thống pháp luật cộng sản.

Vẫn chưa có một hội luật sư độc lập. Tháng 1, Thủ tướng đã thông qua đề xuất xây dựng hiệp hội luật sư toàn quốc, tuy nhiên đến cuối năm hiệp hội này vẫn chưa được ra đời.

Trong năm, Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nhằm khắc phục tình trạng thiếu chánh án, thẩm phán và các cán bộ tòa án khác được đào tạo bài bản.

Các tòa xét xử sơ thẩm ở cấp quận huyện và tỉnh/thành có các chánh án, thẩm phán và hội thẩm nhân dân, tuy nhiên các tòa phúc thẩm cấp tỉnh thành và Tòa án Nhân dân Tối cao lại chỉ có các thẩm phán. Hội đồng Nhân dân chỉ định các hội thẩm nhân dân từ một nhóm các ứng viên do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu. Yêu cầu đối với các hội thẩm nhân dân là phải có “tiêu chuẩn đạo đức cao” nhưng lại không yêu cầu đã được đào tạo trong ngành luật, do vậy vai trò của họ nhìn chung là hạn chế.

Tòa án quân sự mặc dù do Bộ Quốc phòng cấp ngân sách, nhưng vẫn hoạt động theo các nguyên tắc như các tòa án khác. Bộ Quốc phòng có đại diện trong các ban lựa chọn các chức danh tư pháp. Người đứng đầu hệ thống tòa án quân sự (Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) đồng thời là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Các chánh án, thẩm phán và hội thẩm viên của Tòa án quân sự là các cán bộ quân đội, do Bộ Quốc phòng và Tòa án Nhân dân Tối cao cùng lựa chọn nhưng chịu sự giám sát của Tòa án Nhân dân Tối cao. Pháp luật cho phép các tòa án quân sự toàn quyền xét xử mọi vụ án hình sự liên quan tới các đơn vị và cá nhân trong quân đội, kể cả các doanh nghiệp của quân đội. Quân đội có quyền chọn sử dụng các tòa hành chính, kinh tế và lao động để xét xử các vụ án dân sự.

Thủ tục xét xử

Hiến pháp quy định công dân vô tội cho tới khi nào các cơ quan xét xử chứng minh được là có tội; tuy nhiên nhiều luật sư phản ánh rằng nhìn chung các thẩm phán đều mặc định coi người bị đưa ra xét xử là có tội. Nhìn chung các vụ xét xử đều mở xét xử công khai nhưng những vụ án nhạy cảm thì thẩm phán xử kín hoặc hạn chế người tham dự. Không có ban hội thẩm. Bị đơn có quyền có mặt và có luật sư bào chữa tại phiên xét xử mặc dù không nhất thiết đó là luật sư họ lựa chọn. Nhìn chung trên thực tế quyền này được tôn trọng. Bị đơn nào không có tiền thuê luật sư riêng thì sẽ có một luật sư được chỉ định để bào chữa nhưng chỉ trong những vụ án bị cáo nhiều khả năng bị kết án chung thân hoặc tử hình. Bị đơn và luật sư bào chữa có quyền chất vấn các nhân chứng; tuy nhiên, có những vụ án cả bị đơn và luật sư bào chữa đều không được phép tiếp cận với các bằng chứng mà chính quyền có trước phiên xét xử, không được đối chất với các nhân chứng hoặc phản biện lại các cáo trạng. Nhìn chung, trước khi xét xử luật sư bào chữa ít có thời gian xem xét chứng cứ chống lại thân chủ của họ. Người bị kết án có quyền kháng cáo. Các tòa án quận/huyện và tỉnh/thành không công bố biên bản của các vụ án do mình xét xử. Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục cho xuất bản tài liệu của tất cả các vụ án mà Tòa án Nhân dân Tối cao đã xem xét.

Vẫn tiếp tục có những báo cáo đáng tin cậy cho biết các luật sư bào chữa chịu sức ép không bào chữa cho các khách hàng là các nhà hoạt động tôn giáo hoặc dân chủ bị đưa ra xét xử.

Công tố viên đưa ra bản cáo trạng đối với người bị cáo buộc và giữ quyền công tố trong các phiên xét xử. Theo Bộ Luật tố tụng hình sự, sự thay đổi về thủ tục xét xử tại phòng xử án là nhằm chuyển từ chế độ “xét hỏi”, theo đó thẩm phán đưa ra câu hỏi chất vấn, sang chế độ “tranh tụng”, theo đó các công tố viên và luật sư bào chữa tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình. Sự thay đổi này là nhằm tăng cường khả năng bảo vệ bị cáo và ngăn ngừa việc các thẩm phán ép bị cáo nhận tội; tuy nhiên, tình hình triển khai hình thức tranh tụng ở mỗi địa phương mỗi khác.

Hồi tháng 5/2008, quan chức chính phủ đã cho hai nhà ngoại giao nước ngoài được tham dự phiên tòa xét xử ba nhà hoạt động của Đảng Việt Tân. Tháng 12/2008, bốn nhà ngoại giao nước ngoài được phép tham dự phiên tòa xét xử 8 bị cáo tại giáo xứ Thái Hà. Yêu cầu được tham dự các phiên tòa của các nhà ngoại giao khác không được chấp nhận.

Những người bị giam giữ và tù nhân chính trị

Không có ước tính đáng tin cậy về số tù nhân chính trị. Chính phủ tuyên bố không giam giữ tù nhân chính trị nào mà chỉ có những người vi phạm pháp luật. Tính đến cuối năm, Chính phủ đã bắt giữ ít nhất 35 người liên quan đến chính trị, trong khi đó một số nhà quan sát quốc tế cho rằng con số này đã lên tới cả trăm người.

Tháng 4/2008, làn sóng biểu tình mới ở Tây Nguyên đã dẫn đến hàng chục vụ bắt giam những cá nhân bị nghi liên quan tới việc tổ chức các vụ biểu tình. Các nhà quan sát địa phương cho biết các nhóm dân tộc thiểu số phản đối các chính sách sử dụng đất ở địa phương.đã gây ra các vụ biểu tình này.

Ngày 14/8/2008, chính quyền đã bắt nhà hoạt động đấu tranh đòi đất Lê Thị Kim Thu ở Hà Nội vì gây rối trật tự công cộng khi tổ chức biểu tình ở công viên đối diện Văn phòng Chính phủ. Ngày 7/11/2008, nhà hoạt động này bị kết án 18 tháng tù. Trong năm, các nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dất cho biết có ít nhất hàng chục người biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã bị cáo buộc tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Vào tháng 9 và tháng 10/2008, các nhà hoạt động Khối 8406 gồm Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc, Phạm Thanh Nghiên, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch, Nguyễn Kim Nhân, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Dương Văn Nam, và Lê Thanh Tùng đã bị bắt, được cho là vì cố gắng tổ chức các cuộc biểu tình công khai, rải truyền đơn ủng hộ dân chủ, phản đối việc chính quyền chiếm đất, phản đối những hành động của Trung Quốc, và giương biểu ngữ phê phán Chính phủ. Vào cuối năm, tất cả vẫn đang bị giam giữ chờ ngày chính thức bị truy tố và xét xử.

Ngày 8/12/2008, 8 cá nhân tham gia các buổi cầu nguyện tại giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội đã bị xét xử tại Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa và bị kết tội gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản công cộng. 7 trong số giáo dân này chịu án treo từ 12 đến 15 tháng; trong số này 4 người còn chịu hình thức quản chế hành chính từ 22 đến 24 tháng. Người thứ tám nhận hình phạt cảnh cáo. Không ai tiếp tục bị giam giữ sau đó.

Sau khi bị kết án năm 2007 vì vi phạm điều 88, một số nhân vật bất đồng chính kiến nổi bật vẫn bị tù, kể cả Cha Nguyễn Văn Lý và các luật sư hoạt động nhân quyền là Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Đài, Nhân và ba thành viên Đảng Dân chủ Nhân dân đã được giảm án sau khi phúc thẩm.

Tháng 1, nhà văn, nhà báo Trần Khải Thanh Thủy, bị bắt giam từ tháng 4/2007 vì vi phạm điều 88, đã bị xét xử và kết án với thời hạn bằng thời gian bị giam giữ, đã được thả để đi điều trị.

Nhà hoạt động vì dân chủ Nguyên Bá Đăng, bị bắt hồi tháng 5/2007, vì “tuyên truyền chống phá Nhà nước” được biết là vẫn bị giam giữ tại trại giam Kinh Chi, Thành phố Hải Dương.

Tháng 5, một trong bốn nhà hoạt động của Liên minh Nông dân và Lao động (UWFO) bị bắt và kết tội tháng 12/2007 đã được thả sau khi thụ án, ba người còn lại vẫn trong tù (Xem mục 6.a)

Tháng 1, sau 17 tháng bị giam, thành viên Khối 8604 Trương Quốc Huy đã bị xét xử và kết án 6 năm tù vì “tuyên truyền chống phá Nhà nước”.

Các nhà hoạt động Đảng Việt Tân Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thế Vũ và Nguyễn Quốc Hải, bị bắt năm 2006, đã bị xét xử và kết án hồi tháng 5 theo điều 84 vì tội khủng bố, nhưng đã được thả sau khi thụ án.

Các tổ chức phi chính phủ quốc tế ước tính hàng trăm người biểu tình dân tộc thiểu số liên quan đến các vụ biểu tình năm 2004 ở Tây Nguyên hiện vẫn bị tù.

Thủ tục xét xử dân sự và bồi thường

Chưa có cơ chế rõ ràng hoặc hiệu quả thực hiện kiện dân sự nhằm bồi thường hoặc giải quyết các trường hợp lạm dụng chức trách của các cơ quan công quyền. Các vụ kiện dân sự được phân xử tại tòa “hành chính”, tòa dân sự, tòa hình sự. Tất cả các tòa này đều có các trình tự thủ tục xét xử như các vụ án hình sự và được các thành viên của cùng một hội đồng thẩm phán và hội thẩm nhân dân phân xử. Cả 3 cấp xét xử này đều có tình trạng chung là tham nhũng, thiếu tính độc lập và thiếu kinh nghiệm.

Theo pháp luật quy định, một công dân muốn khiếu nại cán bộ công chức đã vi phạm nhân quyền trước hết phải được vị cán bộ bị cáo buộc đó đồng ý đưa sự việc ra tòa hành chính. Nếu vị cán bộ đó không đồng ý, công dân có thể gửi khiếu nại lên cấp trên của vị cán bộ này. Nếu cán bộ bị khiếu nại hoặc cấp trên đồng ý đưa sự việc ra tòa, thì tòa hành chính sẽ xử. Nếu tòa hành chính cho rằng sự việc có căn cứ để khởi kiện thì tòa sẽ chuyển vụ việc sang cho tòa dân sự để xét xử nếu liên quan đến thương tật với mức đòi bồi thường dưới 20% chi phí y tế, hoặc chuyển sang tòa hình sự để đòi bồi thường trên 20% chi phí đó. Trên thực tế, hệ thống cho phép và chuyển cấp xét xử phức tạp này dẫn đến tình trạng là công dân có rất ít cơ hội trông cậy hữu hiệu vào quá trình xét xử của tòa dân sự hoặc tòa hình sự để đòi bồi thường các vụ vi phạm nhân quyền. Rất ít chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm về hình thức xét xử này.

Bồi thường tài sản

Có nhiều báo cáo về nạn tham nhũng và thiếu minh bạch trong quá trình Chính phủ thu hồi đất và di dân để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo luật, công dân phải được bồi thường khi tái định cư, nhường đất cho các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, vẫn có khiếu nại, cả từ Quốc hội, về việc không đền bù một cách thích đáng hoặc chậm chễ đền bù. Sau các cuộc biểu tình đòi đất năm 2007, Chính phủ đã thành lập nhóm thanh tra một số tỉnh miền nam. Tuy nhiên, ít người khiếu nại cho biết yêu cầu của họ đã được giải quyết.

Tháng 1, các giáo dân Công giáo đã tiến hành các buổi lễ cầu nguyện quy mô lớn tại tòa khâm xứ cũ tại Hà Nội mà chính quyền đã tịch thu và là đối tượng của một cuộc tranh chấp vẫn đang diễn ra. Sau khi Chính phủ hứa giải quyết vấn đề này, giáo dân đã dừng các buổi lễ cầu nguyện. Ngày 19/9, quan chức thành phố thông báo họ sẽ xây một công viên công cộng trên mảnh đất đó, và tòa khâm sứ cũ trở thành một thư viện. Quan chức thành phố nhanh chóng san phẳng các công trình xây dựng khác trên mảnh đất đó. Hệ quả là các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra, với khoảng 15.000 giáo dân tham dự buổi lễ đặc biệt và buổi cầu nguyện do vị tổng giám mục tổ chức vào ngày 21/9.

Vào tháng 1, tháng 4, tháng 8 và tháng 9/2008, các giáo dân tiến hành các buổi lễ cầu nguyện quy mô lớn khác trên mảnh đất tranh chấp trước đây thuộc về giáo xứ Thái Hà tại Hà Nội. Tám cá nhân đã bị bắt hồi tháng 8, tháng 9/2008 và đã bị kết án hồi tháng 12/2008 vì phá hoại tài sản công cộng và gây rối trật tự công cộng liên quan đến việc họ tham gia các buổi lễ cầu nguyện tại Thái Hà. Các tổ chức tôn giáo khác cũng đã phản đối việc sử dụng các tài sản của giáo hội đã bị tịch thu cho mục đích của Chính phủ hoặc vì mục đích thương mại.

Một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc tiếp tục phàn nàn rằng họ chưa được nhận đền bù tài sản đối với diện tích đất bị thu hồi để phát triển vùng trồng cà phê và cao su quy mô lớn của nhà nước. Một số cư dân cho rằng sự phẫn nộ và bất bình của người dân tộc thiểu số đối với chính sách sử dụng đất của nhà nước là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình tháng 4 ở Tây Nguyên.

f. Can thiệp tùy tiện vào sự riêng tư cá nhân, gia đình, nhà ở hoặc thư tín

Pháp luật nghiêm cấm những hành vi này; tuy nhiên trên thực tế Chính phủ không tôn trọng những quy định cấm đó. Hệ thống đăng ký nhân khẩu và cảnh sát khu vực theo dõi mọi công dân mặc dù hệ thống này nhìn chung đã bớt can thiệp vào đời sống nhân dân. Các cơ quan chính quyền đặc biệt để mắt tới những người bị tình nghi liên quan đến các hoạt động tôn giáo hoặc chính trị không được phép.

Không được phép vào nhà dân bằng vũ lực nếu không có lệnh của viện kiểm sát; tuy nhiên, các lực lượng an ninh ít khi tuân theo các quy định này; thay vào đó họ xin phép vào nhà nhưng ngầm đe dọa nếu không hợp tác. Một số cá nhân từ chối hợp tác với “những yêu cầu” này. Ở các thành phố, công an thường bỏ đi khi gặp phải những trường hợp như vậy.

Các cơ quan chính phủ xem và kiểm duyệt thư của những đối tượng bị tình nghi, tịch thu các bưu kiện, thư từ; giám sát các cuộc đàm thoại qua điện thoại, thư điện tử và điện tín, fax. Chính phủ cắt dịch vụ điện thoại cố định và làm gián đoạn điện thoại di động, dịch vụ Internet của một số nhà hoạt động chính trị và thành viên gia đình họ.

Là Đảng viên vẫn là một yêu cầu tiên quyết để thăng tiến về nghề nghiệp trong mọi cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của Chính phủ và liên quan đến Chính phủ. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế đa dạng đã khiến cho việc trở thành đảng viên và là thành viên của các tổ chức quần chúng dưới sự quản lý của Đảng không còn quan trọng như trước đối với những người muốn thăng tiến về vị trí xã hội và tăng cường điều kiện tài chính.

Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, yêu cầu các gia đình chỉ sinh không quá hai con, nhưng chính sách này tập trung vào việc tuyên truyền, hô hào và giáo dục thay vì bắt buộc. Chính phủ có thể không đề bạt và tăng lương đối với các cán bộ nhà nước nếu họ sinh hơn hai con. Đã có một số trường hợp không được đề bạt hoặc phạt tiền mặc dù chính sách này dường như không được thực hiện một cách nhất quán. Những hình thức chế tài này ngày càng không hiệu quả do phần lớn dân số, đặc biệt là những người ở các khu vực đô thị, tiếp tục chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân.

Phần 2: Tôn trọng tự do công dân, bao gồm:

a. Tự do ngôn luận và tự do báo chí

Pháp luật quy định tự do báo chí và tự do ngôn luận; tuy nhiên Chính phủ tiếp tục hạn chế những quyền tự do này, đặc biệt về việc phát ngôn chỉ trích các lãnh đạo chính phủ, thúc đẩy dân chủ đa nguyên hay đa đảng, hoặc chất vấn các chính sách liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, tự do tôn giáo hay vấn đề tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Ranh giới giữa phát ngôn cá nhân và phát ngôn công khai vẫn còn khá tùy tiện.

Cả Hiến pháp và Bộ luật Hình sự đều có các điều khoản chung về an ninh quốc gia và chống nói xấu, phỉ báng mà Chính phủ sử dụng để hạn chế tự do ngôn luận và tự do báo chí. Bộ luật Hình sự quy định tội “phá hoại nền tảng của chủ nghĩa xã hội”, “gây chia rẽ giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo” và “tổ chức tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là những tội danh nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Bộ Luật hình sự cũng cấm “lợi dụng quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của nhà nước và các tổ chức xã hội”.

Nhiều lần các nhà hoạt động chính trị và người thân của các tù nhân bị cản trở không cho gặp gỡ với các nhà ngoại giao nước ngoài. Biện pháp ngăn chặn là dựng hàng rào hoặc cử bảo vệ bên ngoài nơi họ cư trú hoặc gọi lên đồn công an địa phương để thẩm vấn định kỳ hoặc không thường xuyên.

Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo kiểm soát tất cả các loại hình báo in, phát thanh truyền hình và truyền thông điện tử. Chính phủ giám sát thông qua Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền thông, và tăng cường kiểm soát thông qua các chỉ thị của Đảng và các quy định pháp luật về an ninh quốc gia có phạm vi điều chỉnh đủ rộng để đảm bảo việc tự kiểm duyệt một cách hiệu quả của các phương tiện truyền thông trong nước. Tháng 3, Chính phủ tiến hành một chiến dịch “chỉnh đốn”, dẫn đến việc kiểm toán nhiều cơ quan báo chí và hạn chế khả năng thực hiện các chương trình hướng tới cộng đồng, kể cả làm từ thiện và cấp học bổng. Những người trong ngành coi đây là nỗ lực của chính quyền nhằm hạn chế hơn nữa sự độc lập và ảnh hưởng của phương tiện truyền thông.

Bất chấp việc tiếp tục gia tăng về số lượng của các blog trên Internet, trong cả năm quyền tự do báo chí về cơ bản vẫn bị đàn áp, khiến một số biên tập viên cao cấp của một số tờ báo bị sa thải và hai phóng viên bị bắt. Những hành động này ảnh hưởng xấu đến chiều hướng được hình thành trước đó là báo chí có vai trò mạnh mẽ hơn trong việc tham gia điều tra các vụ việc.

Ngày 12/5/2008, công an đã bắt phóng viên Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ vì “lạm dụng quyền lực trong khi thi hành nhiệm vụ” liên quan đến các bài báo năm 2006 của họ về vụ án tham nhũng lớn tại Ban Quản lý Dự án PMU 18 thuộc Bộ Giao thông vận tải. Báo chí và công chúng lên án mạnh mẽ vụ bắt hai nhà báo này. Tuy nhiên, sau hai ngày đăng tải nhiều thông tin về vụ bắt hai nhà báo này, Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo báo chí dừng đưa tin về vụ việc. Báo in và phát thanh truyền hình đã tuân thủ quyết định này, tuy nhiên một số người viết blog tiếp tục chỉ trích những vụ bắt giữ này. Các cáo buộc đối với các phóng viên sau này được đổi thành “lạm dụng quyền tự do dân chủ” và vào ngày 15/10 hai phóng viên đã bị xét xử và kết án. Nguyễn Việt Chiến lĩnh án 2 năm tù, còn Nguyễn Văn Hải phạt hai năm cải tạo không giam giữ.

Vào tháng 7/2008, báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên mỗi báo đều thay một lãnh đạo. Các báo mô tả động thái này là bình thường, mặc dù các nguồn tin khẳng định rằng hai lãnh đạo này bị thay vì đã đưa tin bài về tham nhũng. Tháng 8, Chính phủ thu hồi thẻ nhà báo của bảy phóng viên đang làm việc cho các tờ báo do nhà nước kiểm soát vì tội “thiếu trách nhiệm” liên quan đến tin bài của họ về vụ PMU-18.

Ngày 19/9, công an tạm giữ và đánh đập một phóng viên nước ngoài là trưởng Văn phòng đại diện của hãng tin AP và tịch thu máy quay của phóng viên này 8 tuần liền sau khi ông cố gắng chụp ảnh một buổi lễ cầu nguyện tại tòa khâm xứ cũ.

Ngày 18/12, Chính phủ ra những quy định mới cấm các blogger đưa lên mạng các tài liệu mà Chính phủ cho là phá hoại an ninh quốc gia hoặc tiết lộ các bí mật của nhà nước, kích động bạo lực hoặc tội ác, hoặc chứa đựng những thông tin không chính xác làm tổn hại tới uy tín của các tổ chức và cá nhân. Những quy định mới này cũng yêu cầu các công ty Internet toàn cầu có chương trình blog đang hoạt động trên phạm vi cả nước cứ 6 tháng phải báo cáo Chính phủ và nếu được yêu cầu phải cung cấp thông tin về cá nhân người viết blog.

Trong năm, Chính phủ cũng tiếp tục hạn chế đăng tải các bài viết chỉ trích những hành động của Trung Quốc đối với các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và các kế hoạch quân sự với mục tiêu xâm lược Việt Nam. Tổng biên tập một tờ tin tức trực tuyến lớn bị phạt hồi tháng 12/2007 vì viết bài xã luận về Biển Đông gây nhiều tranh cãi mặc dù vẫn tại vị, cho dù đã có những cảnh báo về việc ông ta sẽ bị sa thải.

Pháp luật quy định các nhà báo phải đền bù thiệt hại cho các cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng uy tín do việc đưa tin của nhà báo gây ra, ngay cả khi việc đưa tin đó là đúng sự thật. Các nhà quan sát độc lập cho biết luật pháp hạn chế nghiêm ngặt việc đưa tin điều tra. Vẫn thấy có những tin bài về những chủ đề mà nhìn chung được coi là nhạy cảm chẳng hạn như việc truy tố các quan chức cao cấp của Đảng và Chính phủ với tội danh tham nhũng; thỉnh thoảng cũng vẫn có tin bài chỉ trích, phê phán các quan chức và các hiệp hội chính thức nào đó. Tuy nhiên, việc tự do chỉ trích Đảng Cộng sản và các lãnh đạo cao cấp vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt.

Các nhà báo nước ngoài phải được sự thông qua của Trung tâm Báo chí của Bộ Ngoại giao và phải đăng ký trụ sở làm việc ở Hà Nội, ngoại trừ trường hợp một phóng viên chuyên trách các vấn đề kinh tế sinh sống và có văn phòng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho dù vẫn chính thức đăng ký hoạt động tại Hà Nội. Ba đến sáu tháng một lần, các nhà báo nước ngoài được yêu cầu gia hạn thị thực, cho dù đây chỉ là một nội dung thường quy; chưa có báo cáo nào về yêu cầu xin gia hạn thị thực bị từ chối. Số lượng nhân viên báo chí nước ngoài được phép hoạt động bị hạn chế và những người địa phương là phóng viên cho các hãng thông tấn nước ngoài phải đăng ký với Bộ Ngoại giao.

Thủ tục thuê phóng viên và nhiếp ảnh gia địa phương vào làm việc cho văn phòng của các hãng thông tấn nước ngoài cũng như việc đăng ký hoạt động cho những người này còn nhiêu khê. Trên danh nghĩa Trung tâm báo chí của Bộ Ngoại giao thường giám sát hoạt động của các nhà báo và chỉ đồng ý cho phép tiến hành các cuộc phỏng vấn, ghi hình, chụp ảnh hoặc du lịch trên cơ sở từng yêu cầu cụ thể và với điều kiện các yêu cầu này phải được đệ trình lên trước 5 ngày. Theo luật, các nhà báo nước ngoài phải trả lời tất cả các câu hỏi của các cơ quan chính phủ thông qua Bộ Ngoại giao mặc dù trên thực tế, thủ tục này thường bị bỏ qua. Các nhà báo nước ngoài cho biết họ thường không thông báo cho chính quyền biết việc họ đi thực tế ngoài Hà Nội trừ khi chuyến đi có liên quan đến vấn đề mà chính quyền cho là nhạy cảm hoặc họ đi đến các khu vực nhạy cảm như Tây Nguyên.

Một số ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài của một số cuốn sách bị cấm được những người bán hàng rong và các cửa hàng dành cho khách du lịch bán rộng rãi. Các tờ tạp chí định kỳ bằng tiếng nước ngoài được bán rộng rãi tại các thành phố. Đôi khi chính quyền kiểm duyệt các bài viết.

Luật chỉ cho phép các quan chức cấp cao, người nước ngoài, các khách sạn cao cấp và giới báo chí tiếp cận truyền hình vệ tinh. Tuy nhiên trên thực tế, người dân trên cả nước có thể tiếp cận các kênh truyền hình nước ngoài thông qua thiết bị thu tín hiệu vệ tinh hoặc truyền hình cáp. Người dân thành thị đã có thể tiếp cận tự do và rộng rãi dịch vụ truyền hình cáp có nhiều kênh nước ngoài.

Tự do Internet

Chính quyền cho phép tiếp cận Internet thông qua một số ít các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và tất cả các nhà cung cấp dịch vụ này đều là các công ty cổ phần thuộc sở hữu nhà nước. Trong suốt năm qua, việc sử dụng Internet gia tăng rất nhanh. Theo Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền thông, 24% dân số có truy cập Internet. Blog cũng gia tăng rất nhanh. Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền thông ước tính có hơn 1 triệu blog trực tuyến. Ngoài ra, một số nhà báo thuộc các báo in và báo điện tử nổi tiếng cũng có blog riêng. Trong một số trường hợp blog của họ được cho là gây tranh cãi hơn nhiều so với các bài viết chính thống của họ. Trong một số trường hợp, chính quyền phạt tiền hay xử lý những cá nhân này vì nội dung trên blog của họ.

Chính quyền cấm truy cập Internet trực tiếp thông qua các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trong nước lưu trữ thông tin được truyền tải trên Internet trong vòng ít nhất là 15 ngày, đồng thời yêu cầu họ trợ giúp kỹ thuật và tạo điều kiện cho lực lượng công an kiểm soát các hoạt động trên Internet.

Chính quyền cũng yêu cầu các chủ thể như các quán cà phê Internet phải đăng ký thông tin về khách hàng của mình cũng như lưu trữ các trang web được khách hàng truy cập. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ quán cà phê Internet không tuân thủ quy định này và không lưu trữ những thông tin trên. Tương tự, cũng không rõ các nhà cung cấp dịch vụ Internet tuân thủ các quy định của Chính phủ như thế nào.

Mặc dù cơ hội để người dân được truy cập Internet đã tăng đến mức chưa từng có tiền lệ, chính quyền vẫn giám sát các hòm thư điện tử, tìm kiếm các từ nhạy cảm, quy định các nội dung Internet và chặn nhiều trang web mang nội dung tôn giáo hoặc chính trị mà chính quyền cho là “chống phá”. Chính quyền cho rằng việc kiểm duyệt Internet là hành động cần thiết để bảo vệ người dân khỏi nguồn thông tin đồi trụy và các nội dung “xấu” hoặc “phản xã hội” khác. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cho rằng nỗ lực hạn chế việc truy cập Internet trong giới học đường là nhằm mục đích tránh tình trạng các em học sinh bỏ học để chơi game.

Quan chức viện dẫn điều Điều 88 của Bộ luật Hình sự, cấm việc “phát tán các tài liệu chống phá nhà nước”, để cấm các cá nhân tải và phát tán các tài liệu mà chính phủ coi là “chống phá”.

Chính quyền tiếp tục bắt giam và bỏ tù những nhân vật bất đồng chính kiến sử dụng Internet để truyền bá các tư tưởng về nhân quyền và đa nguyên chính trị. Tháng 1, nhà văn và nhà báo Trần Khải Thanh Thủy đã bị bắt giữ vì vi phạm Điều 88. Bà bị xét xử và bị kết án bằng đúng thời gian đã bị giam giữ và được thả để đi điều trị. Tháng 4, một blogger đồng thời là chủ tịch câu lạc bộ các phóng viên tự do Nguyễn Hoàng Hải (còn được biết đến với biệt danh là Điếu Cày) đã bị bắt; ngày 10/9 ông và vợ ông bị xét xử và kết án tại Thành phố Hồ Chí Minh với tội danh trốn thuế. Hải bị kết án 30 tháng tù giam và bị phạt 210 triệu đồng (khoảng 12.730 đô-la). Vợ Hải cũng chịu mức phạt tương tự. Ngày 4/12, tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án phạt đối với vợ chồng Hải. Tòa phúc thẩm đã thông báo cho luật sư của Hải chỉ 9 ngày trước khi xét xử, chứ không phải 15 ngày như luật quy định.

Tháng 9, các giới chức địa phương Hà Nội đã đe dọa bắt các blogger hoặc những các nhân khác vì đã gửi thông tin ra nước ngoài liên quan đến vụ việc tranh chấp tài sản của Giáo hội Công giáo.

Chính quyền tiếp tục sử dụng bức tường lửa để chặn các trang web có nội dung văn hóa hoặc chính trị không phù hợp, bao gồm các trang của Giáo hội Công giáo, như Vietcatholic.net và các trang khác do các nhóm chính trị Việt kiều điều hành. Chính quyền có vẻ đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với việc truy cập trang web của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nhưng vẫn tiếp tục chặn sóng của Đài Châu Á Tự do (RFA). Tuy nhiên, báo chí địa phương thỉnh thoảng vẫn đăng tải các bài viết dựa trên thông tin của RFA.

Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền thông yêu cầu các chủ trang web trong nước, bao gồm các trang do các chủ thể nước ngoài điều hành, phải đăng ký tên miền của trang web với chính quyền và đệ trình nội dung dự kiến cũng như quy mô của trang web để chờ chính quyền thông qua, tuy nhiên, việc thực thi quy định này còn hạn chế.

Intellasia, một ấn phẩm trực tuyến về tin tức và đầu tư mà Chính phủ đã cho đóng cửa tháng 8/2007 vì “đăng tải nội dung sai lệch và phản động” vẫn tiếp tục hoạt động ở nước ngoài.

Tự do học thuật và các sự kiện văn hóa

Chính quyền khẳng định quyền hạn chế tự do học thuật và các nhà nghiên cứu thực địa nước ngoài đôi khi bị thẩm vấn và giám sát. Tuy nhiên, chính quyền cũng tiếp tục cho phép tiếp cận các nguồn thông tin mở hơn một số năm trước đây, bao gồm trong hệ thống đại học. Các cán bộ thư viện liên tục được tập huấn nghiệp vụ và tiêu chuẩn quốc tế; những hoạt động này đã có tác dụng thúc đẩy việc trao đổi thông tin kết nối hệ thống thư viện quốc tế rộng rãi hơn, cũng như thúc đẩy hoạt động nghiên cứu. Các chuyên gia học thuật nước ngoài hiện đang làm việc tạm thời tại các trường đại học trên cả nước được phép thảo luận rộng rãi các vấn đề không liên quan đến chính trị trên lớp học, nhưng cán bộ chính quyền vẫn thường xuyên giám sát các lớp học do người nước ngoài và người bản xứ giảng dạy. Các nhân viên an ninh thỉnh thoảng vẫn thẩm vấn những người tham dự các chương trình được tổ chức tại các cơ quan ngoại giao hoặc sử dụng các cơ sở nghiên cứu thuộc các cơ quan ngoại giao. Các ấn phẩm dùng trong nhà trường luôn thể hiện quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ.

Chính phủ nhìn chung vẫn kiểm soát các hoạt động triển lãm nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc và các hoạt động văn hóa khác; tuy nhiên, nhìn chung thì trong những năm qua chính quyền cũng đã cho phép nghệ sỹ được tự do nhiều hơn trong việc lựa chọn chủ đề cho các tác phẩm nghệ thuật của mình. Chính quyền cũng cho các trường đại học quyền tự do lớn hơn trong trao đổi quốc tế và thực hiện các chương trình hợp tác.

b. Tự do hội họp một cách ôn hòa và lập hội

Tự do hội họp

Quyền tự do hội họp bị pháp luật hạn chế, và Chính phủ hạn chế và kiểm soát mọi hình thức biểu tình hoặc tụ tập công cộng. Các cá nhân có nhu cầu tụ tập thành nhóm theo luật phải xin phép và chính quyền địa phương có toàn quyền cho phép hay từ chối cấp phép. Trên thực tế, chỉ các nhóm tụ tập công khai thảo luận các vấn đề nhạy cảm là phải xin phép, còn nhìn chung các hoạt động tụ tập không chính thức thông thường không bị chính quyền can thiệp. Nhìn chung, chính quyền không cho phép tổ chức các cuộc biểu tình bị cho là có mục đích chính trị. Chính phủ cũng hạn chế quyền tụ tập để cầu nguyện của các một số nhóm tôn giáo chưa đăng ký (Xem mục 2.c.).

Trước lễ rước đuốc Olympic hồi tháng 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số nhà hoạt động cho biết các nhà chức trách đã gọi họ lên thẩm vấn và cảnh báo họ không được tổ chức các cuộc biểu tình.

Những buổi tụ họp cầu nguyện quy mô lớn đã diễn ra hồi tháng giêng, tháng 4, tháng 8 và tháng 9/2008 tại khu đất tranh chấp của Giáo hội công giáo thuộc tòa khâm xứ cũ và tại giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội. Công an đã bắt tám người và sách nhiễu những người tham gia buổi cầu nguyện (xem phần 1.e.). Những cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn của người dân đòi bồi thường đất đai thường xuyên xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và đôi khi cũng diễn ra tại Hà Nội. Công an giám sát những cuộc biểu tình này nhưng nhìn chung không giải tán họ.

Tự do lập hội

Chính quyền hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do lập hội. Các đảng phái chính trị đối lập đều không được phép hoạt động hoặc dung thứ. Chính quyền nghiêm cấm việc thành lập hợp pháp các tổ chức tư nhân, độc lập và yêu cầu mọi người phải hoạt động trong các tổ chức quần chúng được thành lập và do Đảng kiểm soát, thường là dưới sự quản lý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, một số tổ chức bao gồm các nhóm tôn giáo không đăng ký vẫn hoạt động ngoài khuôn khổ này mà không bị chính quyền can thiệp nhiều.

Cán bộ tiếp tục thực hiện Pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở ban hành tháng 6/2007, cho phép người dân, với sự tham gia của đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương, tổ chức các cuộc họp để thảo luận và đưa ra giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề địa phương và đề cử lãnh đạo địa phương. Pháp lệnh này cũng yêu cầu chính quyền các xã công khai việc quyên góp và sử dụng quỹ phục vụ hoạt động phát triển kinh tế của địa phương.

Thành viên của Khối 8406, một nhóm các nhà hoạt động chính trị kêu gọi thành lập một nhà nước đa đảng tiếp tục bị sách nhiễu và bị tù. Những thành viên cao cấp của nhóm đã bị bắt giam trong một cuộc đàn áp đầu năm 2007. Tháng 9/2008, các nhà chức trách đã bắt thêm 6 thành viên của nhóm này vì chỉ trích phản ứng của Chính phủ đối với Trung Quốc và các chính sách kinh tế. Những thành viên khác phải đối mặt với những rắc rối vì các hoạt động chính trị ôn hòa. Khối 8406 tuyên bố có hơn 2.000 ủng hộ viên trong nước, mặc dù con số này chưa được xác minh. Ít nhất khoảng 16 thành viên của nhóm đã và đang bị giam giữ tính đến cuối năm 2008.

Tính đến cuối năm 2008, một số thành viên của một nhóm hoạt động khác, Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam và một nhóm có liên quan là Liên minh Nông dân và Lao động vẫn bị tù.

c. Tự do tôn giáo

Hiến pháp và các nghị định của Chính phủ quy định tự do thờ phụng, và những tiến triển trong những năm trước trên tất cả các lĩnh vực tự do tôn giáo được tiếp tục trong năm qua. Tuy nhiên, chính quyền vẫn kiên quyết hạn chế các hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo; dẫu vậy, nhìn chung thì việc áp dụng những biện pháp này đã được nới lỏng so với những năm trước. Việc tham gia các hoạt động tôn giáo tiếp tục gia tăng đáng kể.

Vẫn còn tồn tại các vấn đề trong việc thực thi Khuôn khổ Pháp lý về Tôn giáo. Những vấn đề này chủ yếu xảy ra ở các địa phương, nhưng đôi khi chính quyền trung ương cũng trì hoãn việc thực thi.

Các nhóm tôn giáo phải đối mặt với nhiều hạn chế nhất khi tham gia các hoạt động mà Chính phủ cho là hoạt động chính trị hoặc đe dọa đến vai trò cai trị của chính quyền. Chính phủ tiếp tục ngăn cản việc tham gia vào hoạt động của một phái của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Chính quyền cũng hạn chế hoạt động và việc đi lại của chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được công nhận, và khẳng định sẽ không công nhận tổ chức này với đội ngũ lãnh đạo hiện nay. Chính quyền vẫn lo ngại về việc một số nhóm thiểu số tích cực hoạt động ở Tây Nguyên đang điều hành “giáo hội Dega” tự phong; tổ chức này được cho là kết hợp hoạt động tôn giáo với hoạt động chính trị và kêu gọi các dân tộc thiểu số ly khai.

Chính quyền cũng duy trì vai trò chủ đạo trong việc giám sát các nhóm tôn giáo đã được công nhận. Theo luật, các nhóm tôn giáo phải đăng ký và được công nhận chính thức; các hoạt động và ban lãnh đạo của mỗi chi hội tôn giáo phải được cấp chính quyền phù hợp thông qua. Luật quy định chính quyền có nghĩa vụ tuân thủ khung thời gian và minh bạch nhưng quá trình cấp đăng ký và xét công nhận các tổ chức tôn giáo đôi khi còn chậm trễ và không minh bạch. Tuy nhiên, trong năm qua các chi hội tôn giáo mới cũng đã được đăng ký trên toàn quốc và một số hệ phái mới cũng đã được đăng ký ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, ở miền Bắc và Tây Bắc, chính quyền địa phương chưa xử lý rất nhiều đơn đăng ký từ năm 2006 trong tổng số hơn 1.000 đơn của các chi hội Tin Lành, phần lớn thuộc nhóm dân tộc thiểu số.

Một vài chính quyền địa phương tiếp tục đòi hỏi các tổ chức tôn giáo được công nhận phải cung cấp danh sách các thành viên thuộc các điểm nhóm và coi đây là điều kiện tiên quyết để đăng ký, mặc dù yêu cầu này không được cụ thể hóa trong Khuôn khổ Pháp lý về tôn giáo. Một số chi hội đã đăng ký ở miền Bắc và Tây Bắc phàn nàn rằng các quan chức sử dụng những danh sách này để ngăn cản các thành viên không có trong danh sách tham gia vào các buổi lễ hoặc tạo điều kiện để chính quyền hay các cá nhân thuộc chính quyền gây khó khăn cho các hoạt động của họ. Các hoạt động hàng năm của các chi hội cũng phải được đăng ký với chính quyền. Những hoạt động nào không có trong chương trình đã được chấp thuận của năm đó thì phải xin phép riêng.

Trong các năm qua, việc giám sát chính thức đối với các nhóm tôn giáo thay đổi tùy theo địa phương, thường là do chính quyền không nắm vững chính sách quốc gia hoặc do cách giải thích khác nhau về nội dung các chính sách này. Nhìn chung, nỗ lực của trung ương nhằm phối hợp thực hiện đúng khuôn khổ pháp lý về tôn giáo của Chính phủ giúp làm giảm tần suất và mức độ các vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và chưa được công nhận là bất hợp pháp và những nhóm này đôi khi vẫn bị gây khó dễ. Tại Hải Phòng và Tây Bắc, một số cuộc tụ họp của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký bị giải tán hoặc cản trở. Những người hành đạo đã cáo buộc các giới chức địa phương đôi khi dùng những đối tượng “côn đồ” được “hợp đồng” để sách nhiễu hoặc đánh đập họ. Ở tỉnh Trà Vinh, có những báo cáo cho biết công an liên tục gây khó dễ và đánh đập giáo dân thông qua lực lượngdân quân mặc thường phục tại một số nhà thờ tại gia, bao gồm Giáo hội Phúc âm toàn vẹn. Các nhà chức trách không có hình thức kỷ luật nào đối với những người đó. Tuy nhiên mức độ sách nhiễu so với các năm trước đã giảm và phần lớn các chi hội tôn giáo i và các đền/chùa chưa đăng ký đều được phép hoạt động mà không bị can thiệp.

Chính quyền tích cực ngăn cản các mối liên lạc giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vốn bị coi là một tổ chức bất hợp pháp, với lực lượng ủng hộ tổ chức này ở nước ngoài, tuy nhiên các hoạt động liên lạc vẫn diễn ra. Công an thường xuyên thẩm vấn một số cá nhân có quan điểm tôn giáo hoặc chính trị khác biệt, chẳng hạn như các nhà tu hành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các linh mục Công giáo. Công an tiếp tục hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà tu hành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Trong năm qua có ít cáo buộc đáng tin cậy về việc cưỡng ép bỏ đạo ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Tuy nhiên, các bài báo được báo chí địa phương đăng tải đã khuyến khích chính quyền địa phương và các dân tộc thiểu số ủng hộ thuyết duy linh và các tín ngưỡng truyền thống, từ bỏ đạo Tin Lành.

Đa số Phật tử hành đạo dưới sự lãnh đạo của Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức quản lý Phật giáo được chính thức công nhận, và nhìn chung được tự do thực thi tín ngưỡng của họ. Chính quyền vẫn tiếp tục gây khó khăn cho các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ngăn cản họ tiến hành các hoạt động từ thiện độc lập bên ngoài các cơ sở thờ tự của họ.

Các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn bị công an theo dõi chặt chẽ tại chùa của họ và cho biết họ được đi lại hạn chế trong nước. Thích Quảng Độ và Thích Khổng Thanh được dự lễ tang của Đại lão Hòa thượng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mặc dù một số nhà tu hành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở các tỉnh cho biết họ bị chính quyền địa phương cản trở không cho đi. Một nhà tu hành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã tới Thành phố Hồ Chí Minh và từ chức do liên tục bị các nhà chức trách theo dõi và sách nhiễu.

Giáo hội Công giáo cho biết chính quyền nhìn chung vẫn tiếp tục nới lỏng những hạn chế đối với việc bổ nhiệm các chức sắc mới. Không giống các năm trước, năm nay chính quyền không bác bỏ trường hợp bổ nhiệm giám mục nào. Giáo hội Công giáo đã bàn với Chính phủ về việc thành lập thêm một số chủng viện mới và mở rộng các chương trình hoạt động mục vụ. Giáo hội đã hướng tới việc thành lập nhóm công tác chung với Vatican để xây dựng các nguyên tắc và lộ trình cho việc tiến tới thiết lập quan hệ chính thức.

Một số giới chức Công giáo cho biết trong năm qua chính quyền tiếp tục nới lỏng kiểm soát đối với hoạt động tại một số giáo phận nhất định xung quanh Hà Nội. Tại nhiều nơi, quan chức địa phương cho phép Giáo hội mở các lớp họ về về tôn giáo (được tổ chức ngoài khung giờ học tại các trường chính thức) và thực hiện các hoạt động từ thiện. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tạo điều kiện cho các hoạt động từ thiện của Giáo hội trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS; tuy nhiên các hoạt động giáo dục cũng như việc cấp phép cho các tổ chức từ thiện Công giáo được hoạt động như các tổ chức phi chính phủ vẫn bị trì hoãn. Tháng 10, chính quyền cho phép Caritas mở lại văn phòng sau 32 năm vắng bóng.

Cán bộ địa phương ngầm cản trở giới tăng lữ đi lại trong nước, kể cả trong phạm vi tỉnh nhà, đặc biệt là tới các khu vực người dân tộc thiểu số. Các chuyến thăm chính thức của Tổng Giám mục Hà Nội tới các khu vực người dân tộc thiểu số ở miền bắc bị hạn chế, nhưng ông lại được phép tới đó với tư cách cá nhân.

Mặc dù có một số báo cáo về tình trạng phân biệt đối xử đối với các sinh viên là người Công giáo, các nhà chức trách phủ nhận việc Chính phủ có chính sách hạn chế giáo dục dựa trên cơ sở tín ngưỡng.

Ít nhất 10 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vẫn bị tù vì bị cáo buộc dính líu đến một vụ đụng độ với công an năm 2005. Các nhà tu hành và tín đồ Hòa Hảo ủng hộ Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo được Chính phủ công nhận thì được tự do hành đạo. Các nhà tu hành hoặc tín đồ thuộc nhóm bất đồng chính kiến hoặc không công nhận tính hợp pháp của Ban Trị sự này bị hạn chế hoạt động.

Các tổ chức tôn giáo không được phép mở các trường học một cách độc lập. Các nhà truyền giáo nước ngoài không được hoạt động tự do như các nhà truyền giáo trong nước mặc dù nhiều người trong số họ tiến hành các hoạt động nhân đạo hoặc các hoạt động vì phát triển được chính quyền chấp thuận và chỉ tiếp xúc với các chi hội tôn giáo đã đăng ký.

Chính phủ nhìn chung yêu cầu việc xuất bản các ấn phẩm tôn giáo phải thông qua một nhà xuất bản tôn giáo thuộc sở hữu nhà nước; tuy nhiên một số nhóm tôn giáo có thể sao chép tài liệu của riêng của họ hoặc nhập khẩu các tài liệu đó với sự đồng ý của chính quyền. Chính quyền cũng nới lỏng những hạn chế đối với việc in ấn hoặc nhập khẩu các ấn phẩm tôn giáo, kể cả các ấn phẩm bằng các thứ tiếng dân tộc. Cho đến cuối năm, Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn chưa cho phép xuất bản cuốn Kinh thánh bằng tiếng H’mông, trong khi đơn xin phép xuất bản đã gửi từ hơn hai năm trước, trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua.

d. Tự do đi lại, những người bị buộc phải rời khỏi nơi sinh sống ở trong nước, bảo vệ người tị nạn và người không có quốc tịch

Hiến pháp quy định quyền tự do đi lại trong nước, ra nước ngoài, di cư và hồi hương. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn áp đặt một số hạn chế về quyền tự do đi lại đối với một số cá nhân nhất định. Chính phủ nhìn chung hợp tác với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và các tổ chức nhân đạo khác trong việc hỗ trợ người tị nạn và người xin tị nạn.

Một số nhà bất đồng chính kiến, được ân xá song vẫn bị quản chế hành chính hoặc quản chế tại gia, phải tuân thủ những hạn chế về đi lại của chính quyền. Công an giám sát khi họ ra khỏi nhà. Ví dụ: nhân vật bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Khắc Toàn, được đặc xá năm 2006, hay luật sư Lê Quốc Quân và nhà báo Nguyễn Vũ Bình, đặc xá năm 2007, tiếp tục bị quản chế hành chính dưới hình thức hạn chế tự do đi lại. Mặc dù bị giam giữ tại nhà, nhưng thỉnh thoảng họ cũng được phép đi lại trong phạm vi Hà Nội, nhưng việc đi lại của họ và những cuộc thăm viếng của những nhà bất đồng chính kiến khác bị công an theo dõi chặt chẽ nếu. Ngày 1/9 khi cố gắng đến gặp một số nghị sĩ quốc hội nước ngoài, Quân đã bị giữ tại sân bay Nội Bài. Các nhà chức trách đã hủy hộ chiếu của Quân và thông báo ông không được ra nước ngoài. Sơn và Toàn cũng bị cấm ra nước ngoài. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Đan Quế và Đỗ Nam Hải vẫn bị quản chế tại gia. Ít nhất hai lần Hải bị ngăn không cho đến gặp các nhà ngoại giao nước ngoài.

Việc hạn chế đi lại của Chính phủ tới một số vùng vẫn còn hiệu lực. Theo đó, công dân và người nước ngoài phải có giấy phép mới được thăm các khu vực biên giới, các cơ sở quốc phòng, các khu công nghiệp liên quan đến quốc phòng, các “kho dự trữ quốc gia”, hay “các công trình đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa hay xã hội”.

Luật cư trú năm 2007 không được thực hiện trên quy mô rộng và tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị vẫn tiếp diễn.

Tự ý di cư khiến người dân gặp khó khăn trong việc xin giấy phép cư trú hợp pháp, xin học và các quyền lợi y tế. Người có hộ chiếu nước ngoài phải đăng ký với chính quyền sở tại khi ở nhà riêng, mặc dù chưa có trường hợp nào mà các nhà chức trách địa phương không cho phép du khách quốc tế đến ở với bạn bè và gia đình. Người dân cũng phải đăng ký với công an khu vực khi ở qua đêm tại bất cứ khu vực nào ngoài nhà mình. Có vẻ như Chính phủ thực thi những yêu cầu này chặt chẽ hơn ở một số huyện ở Tây Nguyên và Tây Bắc.

Chính phủ từ chối cấp hộ chiếu cho một số nhân vật bất đồng chính kiến nổi bật. Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cấp hộ chiếu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tộc thiểu số đi Mỹ hợp pháp theo diện đoàn tụ gia đình.

Cán bộ đôi khi trì hoãn việc cấp hộ chiếu cho công dân để đòi hối lộ. Những người chuẩn bị định cư ở nước khác ít khi gặp khó khăn khi xin cấp hộ chiếu.

Luật pháp không quy định về việc cưỡng ép lưu vong ở trong nước và nước ngoài và chính quyền không thực hiện việc này.

Chính phủ nói chung luôn cho phép những người đã di cư trở lại thăm quê hương. Tuy nhiên, Chính phủ từ chối cho phép một số nhà hoạt động nhất định sống ở nước ngoài được trở về nước. Các nhà hoạt động chính trị nổi bật là Việt kiều không được cấp visa nhập cảnh.

Theo luật, Chính phủ coi mọi người sinh ra trong nước là công dân, ngay cả khi người đó đã nhận quốc tịch khác, trừ phi họ đưa ra một văn bản chính thức tuyên bố từ bỏ quốc tịch và được Chủ tịch nước phê chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế Chính phủ thường xuyên đối xử với Việt kiều như công dân của nước đã chấp nhận họ. Những người định cư ở nước ngoài không được phép sử dụng hộ chiếu Việt Nam khi đã trở thành công dân nước khác. Chính phủ nhìn chung khuyến khích họ về thăm hay đầu tư nhưng đôi khi theo dõi họ rất sát sao. Trong năm, Chính phủ đã cho phép Việt kiều đi lại tự do, đưa ra chương trình thị thực nhập cảnh nhiều lần cho những người có “đủ tiêu chuẩn”. Tháng 11, Quốc hội thông qua luật cho phép công dân có thể có hai quốc tịch.

Chính phủ tiếp tục tôn trọng Biên bản Ghi nhớ ba bên đã ký với Chính phủ Căm-pu-chia với UNHCR nhằm tạo điều kiện cho tất cả những người Việt Nam thiểu số không đủ tiêu chuẩn đi nước thứ ba được hồi hương từ Căm-pu-chia.

Chính quyền địa phương theo dõi nhưng không cản trở các chuyến đi thu thập thông tin hay giám sát của UNHCR và đại diện các đoàn ngoại giao tới Tây Nguyên. UNHCR cho biết họ đã được gặp riêng những người trở về. Các nhà ngoại giao nước ngoài bị cán bộ cấp thấp hơn cản trở khi xin phép phỏng vấn những người trở về. Như những năm trước, thỉnh thoảng công an địa phương vẫn có mặt tại các buổi phỏng vấn những người trở về nhưng khi được yêu cầu thì họ sẽ đi. Chính quyền các địa phương nói chung vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ giúp những người dân tộc thiểu số trở về từ Căm-pu-chia hòa nhập cộng đồng.

UNHCR cho biết tình hình ở Tây Nguyên có vẻ là đang tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số hội nhập vào cộng đồng thay vì tạo ra người tị nạn mớivà mô tả bầu không khí ở đây là cởi mở khi được quan sát trong những chuyến thăm giám sát của họ. UNHCR cũng thông báo rằng điều kiện của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã được cải thiện kể từ sau các vụ đàn áp năm 2001 và 2004. UNHCR khẳng định không có bằng chứng xác thực về tình trạng "phân biệt đối xử" đối với những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Mặc dù số người dân tộc thiểu số vượt biên giới sang Căm-pu-chia rất cao vào thời điểm đầu năm, nhưng đến giữa năm về cơ bản đã dừng lại, có thể do hầu hết những người mới sang đều được UNHCR xác định là di cư vì mục đích kinh tế chứ không phải là người tị nạn.

Bảo vệ người tị nạn

Việt Nam chưa tham gia ký kết Công ước 1951 của Liên hiệp quốc về Quy chế người tị nạn và Nghị định thư bổ sung năm 1967, trong khi luật không quy định việc cho tị nạn hoặc quy chế người tị nạn. Chính phủ chưa có biện pháp bảo vệ người tị nạn và không ban hành quy chế người tị nạn hoặc xin tị nạn. Chính quyền không quy định chống việc trục xuất hoặc trao trả người tị nạn về nơi mà cuộc sống và quyền tự do của họ sẽ bị đe dọa, tuy nhiên trong năm không có một trường hợp nào như vậy xảy ra. Người không quốc tịch

Nhóm người không quốc tịch lớn nhất cả nước bao gồm khoảng 9.500 cư dân Căm-pu-chia xin tị nạn tại Việt Nam vào những năm 70 và bị Chính quyền Căm-pu-chia không cho trở lại nước này, vì cho rằng không có bằng chứng xác nhận những người này đã từng mang quốc tịch Căm-pu-chia. Hầu hết trong số họ là những người Việt hoặc người Hoa thiểu số. Nhóm này ban đầu được định cư tại các trại tị nạn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Năm 1994, khi các nguồn việc trợ nhân đạo cho các trại này chấm dứt, khoảng 7.000 người tị nạn đã bỏ trại đi tìm việc làm và cơ hội mưu sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận. 2.200 người khác tiếp tục định cư tại 4 ngôi làng trên vị trí cũ của trại tị nạn. Con cháu của nhiều người trong số họ được sinh ra tại Việt Nam nhưng tất cả đều không được hưởng đầy đủ quyền lợi như một công dân Việt Nam bình thường, bao gồm quyền sở hữu tài sản, quyền học hành và các dịch vụ y tế công cộng. Năm 2007, UNHCR cùng với Chính phủ Việt Nam và Căm-pu-chia đã xúc tiến một kế hoạch thống kê đầy đủ và tiến hành nhập tịch Việt Nam cho những người không có quốc tịch này. Tuy nhiên, trong năm việc thực hiện kế hoạch đã bị hoãn lại.

Với việc thông qua luật cho phép công dân có hai quốc tịch, Chính phủ cố gắng giải quyết những vấn đề trước kia của người không quốc tịch thông qua việc tước bỏ quốc tịch của chính công dân của mình, ví dụ như những phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Nhóm này bao gồm những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Trước đây những phụ nữ này phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam để xin nhập tịch của nước khác; nhưng trước khi có được quốc tịch của nước đó, họ ly dị chồng và trở về Việt Nam mà không mang quốc tịch nào hoặc không có các giấy tờ tùy thân. UNHCR cũng đã nỗ lực hợp tác với chính quyền và cộng đồng quốc tế để giải quyết những khía cạnh khác của vấn đề này.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề dịch vụ môi giới lấy chồng nước ngoài và tư vấn tiền hôn nhân, bao gồm hướng dẫn các quy định về di trú và nhập tịch. Bộ Ngoại giao đã cam kết sẽ hợp tác với các cơ quan di trú để phổ biến tốt hơn các phương pháp giúp những phụ nữ này có thể lấy lại được quốc tịch Việt Nam, các giấy tờ tùy thân và hưởng hỗ trợ cấp tái định cư. Tuy nhiên, do các thủ tục khá tốn kém và nhiêu khê nên những phụ nữ này thường vẫn lâm vào tình trạng không có quốc tịch. Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế cũng đã hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Phần 3: Tôn trọng các quyền chính trị: Quyền thay đổi chính phủ của người dân

Hiến pháp không cho phép người dân có quyền được thay đổi chính phủ của mình một cách ôn hòa và người dân cũng không được tự do chọn hay thay đổi luật pháp cũng như thay đổi quan chức.

Bầu cử và tham gia chính trị

Cuộc bầu cử gần đây nhất nhằm lựa chọn các đại biểu Quốc được tổ chức vào tháng 5/2007. Cuộc bầu cử không tự do mà cũng chẳng bình đẳng, bởi hầu hết các ứng cử viên đều do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn và giới thiệu. Mặc dù Đảng Cộng sản Việt nam công bố trước đó là sẽ có một số lượng ứng cử viên độc lập lớn hơn (những người không thuộc một tổ chức hoặc nhóm nào đó) tham gia tranh cử, nhưng tỷ lệ các ứng viên độc lập chỉ cao hơn số đã tham gia cuộc bầu cử năm 2002 chút ít. Đảng Cộng sản Việt Nam phê chuẩn 30 ứng viên tự ứng cử, những người không được sự ủng hộ chính thức của Chính phủ nhưng có được cơ hội tham gia tranh cử. Nhiều nguồn tin tin cậy cho biết các quan chức của Đảng đã gây sức ép buộc một số ứng viên tự rút lui hoặc làm cho họ không đủ tiêu chuẩn tham gia tranh cử.

Chính phủ cho biết hơn 99% trong tổng số 56 triệu cử tri đủ điều kiện đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này, một con số mà các quan sát viên quốc tế cho rằng là cao đến mức không thể. Cử tri được phép ủy nhiệm cho ai đó bỏ phiếu, trong khi đó chính quyền cơ sở có trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu và rằng tất cả các cử tri trong địa phận mình quản lý phải đi bỏ phiếu ở mức cao nhất. Thực tế này được cho là đã làm giảm đi tính minh bạch và công bằng của tiến trình bầu cử.

Trong các cuộc bầu cử năm 2007, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đều tái đắc cử. Các ứng viên thuộc Đảng Cộng sản chiếm 450 trong tổng số 493 ghế. Chỉ một trong số 30 ứng viên tự ứng cử trúng cử.

Quốc hội, mặc dù nằm dưới sự kiểm soát của Đảng (tất cả lãnh đạo cao cấp và hơn 90% thành đại biểu Quốc hội đều là Đảng viên), vẫn tiếp tục tự khẳng định là một cơ quan lập pháp. Quốc hội đã công khai chỉ trích các chính sách kinh tế-xã hội của Chính phủ, việc Chính phủ kiểm soát lạm phát, kế hoạch mở rộng Hà Nội. Các kỳ họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên cả nước. Một số đại biểu quốc hội cũng gián tiếp chỉ trích vị trí độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xã hội.

Mọi quyền lực chính trị thuộc về Đảng Cộng sản. Hiến pháp thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Các phong trào chính trị đối lập và các đảng phái chính trị khác là bất hợp pháp. Bộ Chính trị hoạt động với tư cách cơ quan hoạch định chính sách tối cao, mặc dù về mặt pháp lý, cơ quan này phải báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Chính phủ tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt việc tranh luận và chỉ trích công khai. Không ai được phép thách thức tính hợp pháp của nhà nước độc đảng; tuy nhiên, có nhiều trường hợp người dân, kể cả một số thành viên cao cấp của Đảng, viết thư chỉ trích Chính phủ và những bức thư này được lưu hành công khai. Chính phủ tiếp tục đàn áp các nhóm chính trị đối lập nhỏ thành lập năm 2006, và thành viên các nhóm này đã bị bắt giam hoặc bị xét xử tuỳ tiện.

Luật pháp tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số tham gia vào chính trị. Phụ nữ giữ 127 ghế tại Quốc hội, hay 26%, giảm nhẹ so với quốc hội kỳ trước.

Người dân tộc thiểu số giữ 87 ghế tại Quốc hội, tương đương 18%, cao hơn tỷ lệ dân của họ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ước tính khoảng 13%.

Chính phủ - Minh bạch và tham nhũng

Luật pháp quy định những hình phạt đối với tội tham nhũng; tuy nhiên, Chính phủ không phải lúc nào cũng thực thi luật pháp một cách hiệu quả, và các quan chức đôi khi dính vào các vụ tham nhũng song không bị trừng phạt. Tham nhũng tiếp tục là một vấn đề nổi cộm. Chính phủ bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng, bao gồm việc công bố ngân sách ở các cấp, sửa đổi nghị định về kê khai tài sản, đồng thời tiếp tục và cải cách các biện pháp thanh tra của Chính phủ. Đôi khi thông tin về các vụ quan chức chính phủ bị buộc tội tham nhũng cũng được công bố rộng rãi.

Luật phòng chống tham nhũng cho phép người dân công khai khiếu nại về hiệu quả hoạt động của Chính phủ, các thủ tục hành chính, tham nhũng và các chính sách kinh tế. Trong các cuộc đối thoại trực tuyến với các nhà lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, người dân đưa ra những câu hỏi sắc bén về nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục coi mọi sự chỉ trích chính trị công khai là một tội, nếu như sự chỉ trích đó không được các nhà chức trách kiểm soát. Những cố gắng nhằm tổ chức các cá nhân có khiếu nại nhằm kích động họ hành động bị coi là những hoạt động chính trị bị cấm và những người đứng ra tổ chức sẽ bị bắt. Một vài lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ đã tới nhiều địa phương để cố gắng giải quyết các khiếu kiện của người dân. Tham nhũng liên quan đến việc sử dụng đất đai được công bố rộng rãi trên báo chí, rõ ràng là một phần trong nỗ lực phối hợp chính thức nhằm gây áp lực lên các quan chức địa phương đề giảm tình trạng lạm dụng chức quyền.

Theo nghị định năm 2007, hàng năm cứ vào ngày 30/11 các quan chức chính phủ phải kê khai nhà cửa, đất đai, kim loại quý, “giấy tờ có giá trị”, tiền trong tài khoản tại ngân hàng trong nước và nước ngoài, và các khoản thu nhập chịu thuế. Nghị định yêu cầu Chính phủ phải công khai kết quả kê khai tài sản chỉ khi cán bộ nhà nước bị phát hiện “giàu có bất thường” và cần phải tiến hành điều tra và thực hiện các thủ tục pháp lý. Ngoài các quan chức cấp cao của Đảng và Chính phủ, nghị định còn áp dụng đối với cả các công tố viên, thẩm phán, và những ai có cấp bậc từ phó bí thư tỉnh/thành ủy, phó chủ tịch tỉnh/thành, phó trưởng khoa của các bệnh viện công và phó chỉ huy tiểu đoàn trở lên. Do thiếu tính minh bạch nên không thể biết nghị định này được thực hiện rộng rãi đến mức nào.

Mặc dù trong năm 2007 việc xét xử và kết án các quan chức liên quan đến vụ PMU-18 được hoan nghênh là một bước tích cực, song việc truy tố và sa thải các nhà báo và biên tập viên, những người đã đưa tin bài về vụ việc này lại ảnh hưởng xấu đến việc báo chí điều tra tham nhũng.

Tháng 4, một lãnh đạo tỉnh ủy Cà Mau khẳng định ai đó đã cố gắng hối lộ ông 100 triệu đồng (khoảng 6.060 đô-la), để có một vị trí trong chính quyền. Nhưng do không tiết lộ danh tính người đó, vào tháng 9 ông đã bị cách chức bí thư tỉnh ủy.

Tháng 9, Bộ Công an bắt đầu điều tra một vụ việc trong đó một quan chức cao cấp ở Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây và dự án Môi trường nước ở Thành phố Hồ Chí Minh bị cáo buộc nhận hối lộ 90 triệu yên Nhật (820.000 đô-la) từ các quan chức của một công ty tư vấn nước ngoài. Tháng 11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ công tác đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ, người giữ chức Phó Giám đốc sở Giao thông công chính kiêm Giám đốc ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây và dự án Môi trường nước vì liên quan đến vụ nhận hối lộ.

Luật pháp không cho phép công chúng tiếp cận với thông tin chính phủ và Chính phủ không thường xuyên cho phép công dân của mình cũng như công dân ngoại quốc, trong đó có báo chí nước ngoài, được tiếp cận các loại thông tin đó. Theo Luật về Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Công báo công bố hầu hết các văn bản pháp luật trong ấn phẩm hàng ngày. Chính phủ và Quốc hội duy trì trang web của mình bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh. Bên cạnh đó, có thể truy cập các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao trên trang web của Tòa án Tối cao. Các văn kiện đảng như các sắc lệnh của Bộ Chính trị không được công bố trong công báo.

Phần 4: Quan điểm của Chính phủ về việc điều tra những cáo buộc vi phạm nhân quyền do các tổ chức quốc tế và phi chính phủ tiến hành

Chính phủ không cho phép các tổ chức nhân quyền tư nhân và địa phương hình thành và hoạt động. Chính phủ không khoan dung đối với bất cứ nỗ lực của tổ chức, cá nhân nào bình luận công khai về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và thường dùng rất nhiều biện pháp nhằm dập tắt những chỉ trích trong nước về chính sách nhân quyền, trong đó có việc theo dõi, hạn chế quyền tự do báo chí, hội họp, can thiệp vào các hình thức giao tiếp cá nhân và giam giữ.

Nhìn chung Chính phủ ngăn cản người dân tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền quốc tế, tuy nhiên một số nhà hoạt động vẫn làm như vậy. Chính phủ thường không cho cho các quan sát viên nhân quyền thuộc các tổ chức phi chính phủ quốc tế tới thăm; tuy nhiên lại cho phép đại diện báo chí, UNHCR, các chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phát triển và cứu trợ đi thăm Tây Nguyên. Chính phủ cũng chỉ trích hầu hết các phát biểu về nhân quyền và các vấn đề tôn giáo của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các chính phủ nước ngoài.

Chính phủ sẵn sàng thảo luận song phương về các vấn đề nhân quyền với các chính phủ nước ngoài và một số chính phủ nước ngoài tiếp tục các cuộc trao đổi chính thức với Chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền, thường là thông qua các cuộc đối thoại hàng năm về nhân quyền.

Phần 5: Tình trạng phân biệt đối xử, tội phạm xã hội và nạn buôn người

Luật pháp cấm phân biệt đối xử vì lý do giới tính, sắc tộc, tôn giáo và tầng lớp xã hội; tuy nhiên, việc thi hành những điều luật này còn chưa đồng bộ.

Phụ nữ

Luật pháp cấm sử dụng hay đe dọa dùng bạo lực, lợi dụng người không có khả năng tự vệ, hay dùng thủ đoạn để cưỡng bức quan hệ tình dục trái với ý muốn của người đó. Quy định đó có vẻ như hình sự hóa tội hiếp dâm, cưỡng dâm trong hôn nhân và trong một số trường hợp là quấy rối tình dục; tuy nhiên, không có trường hợp nào được biết là bị truy tố vì tội cưỡng dâm trong hôn nhân và quấy rối tình dục. Các trường hợp hiếp dâm khác đều bị khởi tố tuân theo đầy đủ các quy định của pháp luật. Không có số liệu đáng tin cậy về mức độ phạm tội này.

Luật pháp quy định rõ khung hình phạt từ cảnh cáo đến mức phạt cao nhất là hai năm tù đối với những ai “đối xử tàn nhẫn với người sống lệ thuộc vào họ”. Ngày 1/7/2007, Luật Phòng Chống Bạo lực Gia đình có hiệu lực. Luật này quy định cụ thế những hành vi bị coi là bạo lực gia đình, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chính phủ các cấp và các bộ, đồng thời, đưa ra những mức hình phạt cụ thể áp dụng đối với những người bạo hành gia đình. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và những người ủng hộ nạn nhân cho rằng nhiều điều khoản còn lỏng lẻo, mơ hồ. Mặc dù các cơ quan công an và tư pháp thường không được trang bị đầy đủ để xử lý các trường hợp bạo hành trong gia đình, nhưng Chính phủ với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã bắt đầu thực hiện các chương trình huấn luyện công an, luật sư, các cán bộ tư pháp theo luật 2007.

Các quan chức chính phủ ngày càng nhận thức rõ bạo hành gia đình là một mối quan ngại lớn trong xã hội và vấn đề này đã được bàn đến một cách công khai và cởi mở hơn trên các phương tiện truyền thông. Bạo hành gia đình đối với phụ nữ được coi là một hiện tượng phổ biển, mặc dù không có thống kê chính thức nào về mức độ bạo hành. Nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã hợp tác để giải quyết vấn đề này. Các đường dây nóng của các tổ chức phi chính phủ trong nước dành cho nạn nhân bạo hành gia đình đã được thiết lập và đang hoạt động ở các thành phố lớn. Trung tâm vì Phụ nữ và Phát triển được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng điều hành một đường dây nóng trên phạm vi cả nước, tuy nhiên đường dây nóng này chưa được biết đến rộng rãi ở khu vực nông thôn. Mặc dù khu vực nông thôn thường thiếu nguồn lực tài chính để xây dựng các trung tâm khai báo và thiết lập các đường dây nóng, nhưng Luật năm 2007 đã thiết lập “các khu cư trú đáng tin cậy” tạo điều kiện để phụ nữ đến ở tạm tại một gia đình khác trong khi chính quyền địa phương và lãnh đạo cộng đồng cố gắng kiểm soát người vi phạm và giải quyết những khiếu nại. Thống kê của Chính phủ cho thấy khoảng 1/2 số vụ li dị là do bạo hành gia đình. Tỷ lệ li dị tiếp tục tăng lên, song nhiều phụ nữ vẫn cam chịu cuộc sống hôn nhân bạo hành hơn là dám đương đầu với điều tiếng gia đình và xã hội cũng như sự bất ổn về kinh tế.

Chính phủ, với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, đã hỗ trợ tổ chức các cuộc hội thảo có mục tiêu giáo dục cả nam giới và nữ giới về bạo lực gia đình, đồng thời nhấn mạnh vấn đề này thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức của dân chúng. Các tổ chức phi chính phủ trong nước ngày càng quan tâm đến các vấn đề của phụ nữ, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và buôn bán phụ nữ và trẻ em. Một trung tâm quốc gia có sự hỗ trợ từ Chính phủ đã được thành lập để cung cấp dịch vụ cho các nạn nhân buôn người, bao gồm việc cung cấp chỗ ở tạm thời và đào tạo nghề. Hoạt động của trung tâm này được hỗ trợ kinh phí một phần từ các quỹ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Hoạt động mại dâm là bất hợp pháp, nhưng việc cưỡng chế còn chưa đồng bộ. Có nhiều ước tính rất khác nhau--Chính phủ cho biết có hơn 30.000 gái mại dâm, nhưng một vài tổ chức phi chính phủ ước tính con số lên tới khoảng 300.000 trên cả nước, kể cả gái mại dâm làm việc bán thời gian hoặc theo mùa vụ. Giống với những năm qua, có những phụ nữ cho biết họ bị ép buộc bán dâm - thường là nạn nhân do bị lừa gạt, tin vào những lời hứa hẹn giới thiệu một công việc làm có thu nhập cao. Nhiều phụ nữ bị ép phải làm gái mại dâm do quá nghèo khổ và do không có cơ hội việc làm khác. Vẫn có một vài báo cáo cho biết cha mẹ ép con gái phải làm gái mại dâm hoặc yêu cầu đóng góp nghĩa vụ tài chính quá lớn khiến con gái họ bị đẩy vào con đường làm gái mại dâm. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng như các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước đã có nhiều chương trình giáo dục và phục hồi nhân phẩm, chống các vụ lạm dụng này.

Mặc dù luật pháp cấm mọi hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, song phụ nữ vẫn đang phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử trong xã hội. Mặc dù phần lớn các luật và các quy định khác đều nhấn mạnh việc bảo vệ quyền phụ nữ trong hôn nhân, tại nơi làm việc, cũng như các quy định trong Bộ luật Lao động yêu cầu đối xử ưu tiên đối với phụ nữ, không phải lúc nào phụ nữ cũng nhận được sự đối xử công bằng.

Hành vi quấy rối tình dục được định nghĩa rất rõ ràng nhưng quy định về việc ngăn chặn hành vi này chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật. Các quy định về đạo đức đối với các viên chức và công chức không đề cập gì về vấn đề này mặc dù hiện tượng này vẫn tồn tại.

Trong các trường hợp quấy rối tình dục, nạn nhân có thể thông báo cho các tổ chức xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ để họ can thiệp kịp thời. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân có thể kiện ra tòa theo Điều 121 Bộ luật Hình sự, với tội danh “xúc phạm nhân phẩm người khác”. Điều 121 cũng quy định các hình phạt cụ thể đối với tội danh này, từ cảnh cáo, đến cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phải chịu án tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ kiện quấy rối tình dục chưa hề xảy ra và đa số các nạn nhân đều không muốn công khai tố cáo kẻ phạm tội.

Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ đang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quyền phụ nữ, trong đó có quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền bình đẳng trước pháp luật và quyền được bảo vệ trước những hành vi bạo hành trong hôn nhân. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam cũng đã triển khai các chương trình tín dụng vi mô và các chương trình khác để góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia đến 2010 về sự tiến bộ của phụ nữ. Những lĩnh vực chủ yếu trong chiến lược này là đưa phụ nữ nắm giữ những vị trí cao trong các bộ ngành và tại Quốc hội. Chiến lược cũng tập trung vào việc tăng tỉ lệ phụ nữ biết chữ, tiếp cận giáo dục và y tế.

Trẻ em

Các tổ chức quốc tế và các cơ quan chính phủ cho biết mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhưng trẻ em vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột về kinh tế.

Mặc dù giáo dục phổ cập có tính chất bắt buộc và miễn phí cho đến khi trẻ em 14 tuổi, song chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng thực hiện quy định này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi mà ngân sách của chính quyền địa phương và gia đình dành cho giáo dục thường rất hạn hẹp, và trẻ em góp phần đáng kể vào lực lượng lao động nông nghiệp.

Có dấu hiệu cho thấy xảy ra tình trạng lạm dụng trẻ em, tuy nhiên không có thông tin về mức độ các vụ lạm dụng đó.

Có hiện tượng mại dâm trẻ em, chủ yếu là các bé gái, và cả các bé trai, tại các thành phố lớn. Nhiều gái mại dâm ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa đến 18 tuổi. Nhiều thiếu niên bị đẩy vào con đường mại dâm vì lý do kinh tế. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có khoảng 23.000 trẻ em đường phố là đối tượng dễ bị lạm dụng và đôi khi bị công an lạm dụng hoặc sách nhiễu. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội điều hành hai trung tâm trợ giúp trẻ em cần được giúp đỡ. Các hội đoàn thanh niên cũng đã triển khai nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề này. Buôn người

Luật nghiêm cấm mọi hành vi buôn người, song nạn buôn người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em vì mục đích khai thác tình dục và buôn nam giới sang nước ngoài để bóc lột lao động, vẫn luôn là một vấn nạn đáng lo ngại. Chưa có con số thống kê đáng tin cậy về số nạn nhân của hành vi buôn người có mục đích liên quan đến tình dục; tuy nhiên, đã có bằng chứng cho thấy con số này đang tăng lên. Hồ sơ thụ lý các vụ án buôn người đang ngày một dày thêm, cũng như số lượng vụ khởi tố và xét xử các đường dây buôn người ngày càng lớn. Chính phủ ngày càng công khai hơn trong việc phát hiện và khởi tố các vụ buôn người, đồng thời, nhận thức của công chúng cũng đang ngày một tăng. Khi kinh tế tiếp tục phát triển, các tổ chức tội phạm trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực buôn người tìm cách tận dụng việc vươn ra các thị trường quốc tế, gia tăng sử dụng Internet, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo, để bóc lột những người có nguy cơ trở thành nạn nhân và phát triển mạng lưới buôn người.

Việt Nam đã đã trở thành nguồn quan trọng trong việc buôn người. Phụ nữ Việt Nam chủ yếu bị đưa sang Căm-pu-chia, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc để khai thác tình dục. Phụ nữ cũng bị đưa tới Hồng Kông, Macao, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Anh, Đông Âu và Mỹ. Cũng có báo cáo cho biết nhiều phụ nữ tới Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Hàn Quốc và Trung Quốc vì mục đích hôn nhân cũng đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Phụ nữ và trẻ em còn được buôn bán trong nước, thường là từ nông thôn ra thành thị. Nam giới thì bị bán giữa các vùng để làm các công việc nặng nhọc như xây dựng, công việc đồng áng, đánh cá và các công việc khác.

Có các báo cáo cho biết nhiều phụ nữ từ Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long bị ép phải hành nghề mại dâm sau khi kết hôn ở nước ngoài, chủ yếu là các nước châu Á. Cũng đã có nhiều vụ buôn bán phụ nữ đến Đặc khu hành chính Macao thuộc Trung Quốc với sự trợ giúp của các tổ chức ở Trung Quốc núp bóng văn phòng môi giới hôn nhân, các tổ chức môi giới lao động quốc tế và các công ty du lịch. Sau khi đến nơi, những phụ nữ này đều phải lao động như những nô lệ theo hợp đồng hoặc bị buộc làm gái bán dâm.

Trẻ em cũng bị buôn bán vì mục đích khai thác tình dục, cả trong nước lẫn nước ngoài. Một tổ chức phi chính phủ ước tính độ tuổi trung bình của các em gái là từ 15 đến 17 tuổi. Một số báo cáo khác cho biết các em gái bị bán sang Căm-pu-chia thậm chí còn ở độ tuổi nhỏ hơn thế nữa.

Chính quyền đã tiến hành bắt nhiều công dân và cán bộ chính quyền vì đã mồi chài các bậc cha mẹ để họ cho con đi làm con nuôi, làm hồ sơ giả để che dấu gốc gác của trẻ, và đưa những đứa trẻ này sang các tỉnh khác nơi các em được mời chào để cho đi làm con nuôi. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên đôi khi bị bắt cóc và bị bán cho những người muốn nhận con nuôi ở châu Âu, Bắc Mỹ hoặc Trung Quốc. Bộ Công an đã xác định vấn đề bắt cóc và buôn bán trẻ em làm con nuôi là một trong những mối quan ngại đang gia tăng và những vụ việc này được nêu bật trên các phương tiện truyền thông.

Đã có những trường hợp buôn người trưởng thành vì mục đích khai thác sức lao động được ghi nhận. Trong đó, có các trường hợp buôn bán nam giới tới Malaysia và Thái Lan để làm việc tại các công trường xây dựng và đưa ngư dân đến làm việc ở Đài Loan. Những hợp đồng tuyển dụng và xuất khẩu lao động thiếu trung thực, thậm chí có tính chất lừa đảo đang là một vấn đề nhức nhối, mặc dù Chính phủ đã bắt đầu triển khai các bước nhằm quản lý hoạt động xuất khẩu lao động. Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội cho biết nhiều lao động làm việc tại các công ty lao động quốc doanh được tuyển dụng và gửi đi lao động nước ngoài đã phải làm việc trong điều kiện tương tự như nô lệ cưỡng bức hay lao động ép buộc. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo về những vụ việc xảy ra trong ngành xây dựng của Malaysia và cả Thái Lan (xem phần 6.e.).

Phụ nữ nghèo và các bé gái vị thành niên, đặc biệt là ở nông thôn, thường là đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người. Nghiên cứu của Bộ Công an và UNICEF đã chỉ ra rằng nạn nhân buôn người có thể ở bất cứ khu vực nào trên cả nước, nhưng thường tập trung ở một số tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh biên giới phía Nam, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Thanh Hóa. Nhiều người đã bị chính gia đình mình bán đi để làm người giúp việc gia đình hoặc vì mục đích khai thác tình dục. Trong nhiều trường hợp, kẻ buôn người trả cho gia đình nạn nhân vài trăm đô-la để cho con gái của họ sang Căm-pu-chia “đi làm”. Nhiều nạn nhân phải chịu sức ép trách nhiệm đóng góp vào thu nhập gia đình; số khác thì bị lôi kéo bởi những lời hứa hẹn về những công việc có thu nhập cao từ những người quen biết. Những lời hứa hẹn đường mật, nợ nần, bị tịch thu giấy tờ và đe dọa trục xuất là những thủ đoạn thường được những kẻ buôn người, thành viên gia đình và chủ lao động sử dụng để đe dọa nạn nhân.

Những kẻ cơ hội, các mạng lưới không chính thức, và một số nhóm có tổ chức đã lôi kéo phụ nữ nghèo ở nông thôn bằng những lời hứa hẹn việc làm hoặc hôn nhân rồi ép họ hành nghề mại dâm. Họ hàng đôi khi cũng là một mắt xích trong đường dây buôn người. Chính phủ khẳng định các nhóm tội phạm có tổ chức tham gia vào quá trình tuyển mộ, trung chuyển và các hoạt động khác có liên quan đến việc buôn bán người.

Luật quy định hình phạt tù từ 2 tới 20 năm đối với tội danh buôn bán phụ nữ và từ 3 năm tới chung thân với tội danh buôn bán trẻ em. Chính phủ tiếp tục gia tăng nỗ lực truy tố những kẻ buôn người. Tại tỉnh Tây Ninh, công an đã phát hiện bốn đường dây buôn người, bắt 11 nghi can, cứu được 15 nạn nhân buôn người sau một loạt vụ tấn công thực hiện trong nửa đầu năm. Vào thời điểm cuối năm, 9 trong số 11 nghi can đã bị giam giữ chờ xét xử và hai người đã được thả do thiếu chứng cứ.

Một Ban chỉ đạo quốc gia do Bộ Công an đứng đầu đã điều phối các nỗ lực của Chính phủ trong việc phát hiện và khởi tố các vụ án buôn người, hỗ trợ ngăn chặn nạn buôn người và các hoạt động đào tạo. Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Cục Phòng chống tội phạm xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là những cơ quan chính phủ nắm vai trò chủ đạo trong cuộc chiến chống nạn buôn người, với sự phối hợp chặt chẽ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ban chỉ đạo này đã tiếp tục đào tạo cán bộ trung ương và địa phương để chống buôn người. Chính phủ đã cho ra một cuốn cẩm nang đào tạo toàn diện về ngăn chặn và dập tắt hoạt động buôn người, với sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong quá trình soạn thảo nội dung. Nội dung cuốn cẩm nang này bao gồm tổng quan về vấn đề buôn người, giới thiệu về các hình thức hỗ trợ nạn nhân, giải thích các văn bản pháp lý quốc tế và trong nước, luật pháp và chính sách về chống buôn người. Trong năm qua, công an đóng vai trò ngày càng chủ động và tích cực trong hoạt động điều tra, tiếp tục xây dựng một lực lượng tinh nhuệ chống buôn người. Chính phủ cho biết số vụ điều tra và truy tố không tăng do nhân dân cảnh giác hơn, còn tội phạm buôn người đã nhận thức rõ là Chính phủ quyết tâm bắt và truy tố tội phạm buôn bán người.

Chính phủ tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia 2004-2010 về đấu tranh chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, cũng như Luật Xuất khẩu Lao động mới và các chỉ thị về minh bạch trong tuyển dụng và ký kết hợp đồng lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ra thông tư quy định thủ tục tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân buôn người.

Các tổ chức quần chúng và các tổ chức phi chính phủ đã triển khai các chương trình giáo dục những người có nguy cơ trở thành nạn nhân về vấn đề buôn bán người và tái hòa nhập phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các vụ buôn người vào đời sống xã hội và cộng đồng. Trong năm, các chương trình này tiếp tục được xây dựng nhằm bảo vệ và hỗ trợ tái hòa nhập nạn nhân buôn người, thông qua hoạt động trợ giúp tâm lý và dạy nghề, đồng thời bổ sung nỗ lực ngăn ngừa trên phạm vi quốc gia và khu vực nhằm vào nhóm dân cư có nguy cơ cao. Các tổ chức chính thức, bao gồm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Vụ Gia đình, các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên, tiếp tục triển khai các chương trình ngăn chặn nạn buôn người, nâng cao nhận thức của cộng đồng và bảo vệ nạn nhân. Các cơ quan chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Di cư Quốc tế, Quỹ Châu Á, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương và các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác để cung cấp chỗ ở tạm thời, dịch vụ y tế, giáo dục, tín dụng, tư vấn và tái hòa nhập đối với những nạn nhân buôn người hồi hương. Các cơ quan an ninh có trách nhiệm kiểm soát biên giới được đào tạo kỹ thuật điều tra nhằm ngăn chặn buôn người.

Chính phủ đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm bổ sung và tăng cường hơn nữa các biện pháp và định chế thực thi pháp luật, đồng thời phối hợp với các chính phủ nước ngoài để ngăn chặn hoạt động buôn người. Chính phủ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các quốc gia khác trong khuôn khổ Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol), các đối tác châu Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Ngày 24/3, Chính phủ ký một biên bản ghi nhớ về chống buôn người với Thái Lan, gia tăng hợp tác quản lý an ninh biên giới, xác minh và truy tố các vụ buôn người.

Báo cáo Buôn người hàng năm của Bộ Ngoại giao có thể truy cập tại trang www.state.gov/g/tip.

Người khuyết tật

Luật yêu cầu nhà nước bảo vệ quyền lợi và khuyến khích tuyển dụng người khuyết tật. Việc cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật dù còn nhiều hạn chế song đã được cải thiện trong năm qua.

Bộ Giao thông Vận tải thực hiện bộ quy tắc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và đào tạo cán bộ chuyên trách các cơ quan vận tải và sinh viên cách thực hiện quy tắc này.

Việc xây dựng hoặc nâng cấp các tòa nhà công cộng hoặc các cơ quan chính phủ buộc phải có lối đi cho người khuyết tật. Bộ Xây dựng vẫn duy trì những đơn vị kiểm soát việc thi hành quy định này tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Ninh Bình để bảo đảm việc thi hành trên thực tế những quy định “không có rào cản đối với người khuyết tật” này.

Luật pháp cũng quy định rõ những hình thức đối xử ưu đãi đối với các doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật và cũng quy định rõ mức phạt đối với những doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu có ít nhất 2 đến 3% lực lượng lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, Chính phủ không thực hiện những quy định này một cách đồng bộ. Các doanh nghiệp có 51% lao động là người khuyết tật trở lên có thể đủ điều kiện để nhận các khoản trợ cấp đặc biệt của Chính phủ.

Chính phủ tôn trọng các quyền chính trị và dân sự của người khuyết tật. Theo Luật Bầu cử, các hòm phiếu có thể được mang tới nhà người khuyết tật không thể tự đi bỏ phiếu.

Chính phủ cũng hỗ trợ thành lập các tổ chức giúp đỡ người khuyết tật. Những tổ chức này được tham khảo ý kiến trong quá trình xây dựng hoặc đánh giá các chương trình quốc gia, ví dụ như các chương trình xóa đói giảm nghèo, các luật về đào tạo nghề và các chính sách giáo dục khác. Ủy ban Điều phối quốc gia về người khuyết tật và các bộ thành viên của ủy ban này đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài nước để bảo vệ, hỗ trợ, tiếp cận, giáo dục và việc làm cho người khuyết tật. Chính phủ cũng đã vận hành một mạng lưới nhỏ các trung tâm tái hòa nhập nhằm cung cấp liệu pháp tâm lý lâu dài. Nhiều tỉnh thành, các cơ quan chính phủ và các trường đại học cũng đã có các chương trình đặc biệt hỗ trợ người khuyết tật.

Dân tộc, chủng tộc, các dân tộc thiểu số

Mặc dù Chính phủ chính thức cấm tình trạng phân biệt đối xử đối với các dân tộc thiểu số, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại lâu nay. Bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận của đất nước, các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn chỉ được thụ hưởng rất ít những lợi ích của quá trình phát triển kinh tế.

Một số thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục chạy sang Căm-pu-chia và Thái Lan để tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn hoặc để tìm đường tắt để di cư sang các quốc gia khác. Các quan chức chính phủ giám sát chặt chẽ động thái của một số dân tộc thiểu số, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, do lo ngại là kiểu đạo Tin Lành mà những nhóm dân tộc này theo khuyến khích chủ trương ly khai.

Chính phủ tiếp tục áp dụng các biện pháp an ninh ở khu vực Tây Nguyên để đối phó với những lo ngại về khả năng xảy ra hoạt động li khai của các nhóm dân tộc thiểu số. Nhiều báo cáo cho biết công an đặc biệt theo dõi các cuộc điện thoại từ các cá nhân người dân tộc thiểu số gọi cho cộng đồng thiểu số ở nước ngoài. Một số ít báo cáo cho biết các nhóm dân tộc thiểu số tìm cách vượt biên sang Căm-pu-chia đã bị công an Việt Nam tuần tra ở cả hai bên đường biên giới bắt phải quay trở về, đôi khi còn bị đánh đập và giam giữ.

Chính phủ tiếp tục giải quyết nguyên nhân khiến người dân tộc thiểu số bất mãn thông qua những chương trình đặc biệt nhằm cải thiện các cơ sở giáo dục, y tế, nâng cấp đường xá và cấp điện cho các làng xã. Chính phủ cũng đã giao đất cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thông qua một chương trình đặc biệt, nhưng vẫn còn nhiều lời phàn nàn cho rằng việc triển khai thực hiện chương trình đặc biệt này còn chưa đồng bộ.

Chính phủ vẫn duy trì chương trình dạy tiếng dân tộc cho học sinh đến lớp 5. Chính phủ cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xây dựng chương trình giảng dạy bằng tiếng địa phương, nhưng dường như chương trình này được triển khai một cách toàn diện hơn tại khu vực Tây Nguyên so với khu vực miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Bắc. Chính phủ cũng đã xây dựng các trường chuyên biệt dành cho người dân tộc thiểu số tại nhiều tỉnh, thành, bao gồm các trường dân tộc nội trú ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được Chính phủ trợ cấp; học sinh dân tộc thiểu số được tham dự các lớp dự bị đại học, được hưởng học bổng cũng như các điều kiện xét tuyển ưu tiên vào bậc đại học. Chính phủ cũng trợ cấp cho các trường kỹ thuật và dạy nghề dành cho người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng phân biệt đối xử đối với người dân tộc thiểu số theo đạo Thiên Chúa, mặc dù pháp luật đã quy định giáo dục phổ cập dành cho mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường, không phân biệt tôn giáo và dân tộc.

Chính phủ phát các chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng dân tộc tại một số vùng. Chính phủ cũng chỉ thị cho cán bộ người Kinh phải học tiếng dân tộc tại nơi họ làm việc. Chính quyền các tỉnh tiếp tục đưa những sáng kiến về tăng việc làm, giảm khoảng cách thu nhập giữa người dân tộc và người Kinh, và hướng cán bộ phải tôn trọng và hưởng ứng truyền thống cũng như văn hóa của các dân tộc.

Chính phủ cũng dành ưu đãi cho các công ty trong nước và nước ngoài đầu tư vào các khu vực miền núi - nơi có nhiều người dân tộc sinh sống. Chính phủ đã triển khai các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ người nghèo tại những nơi có đông người dân tộc sinh sống và xây dựng các chương trình khuyến nông tại những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh.

Các biểu hiện phân biệt đối xử và lạm dụng xã hội khác

Một số người đã từng bị giam trong các trại cải tạo vì liên quan đến chính quyền trước 1975 tiếp tục cho biết có sự phân biệt chính thức trong xã hội khi họ và gia đình tìm mua nhà ở, học hành, tìm việc làm, mặc dù trên thực tế tình trạng phân biệt đối xử đã giảm đáng kể khi những quy định cấm trước kia được rỡ bỏ và tỉ lệ cựu chiến binh trong lực lượng lao động đã giảm đi.

Không có bằng chứng nào cho thấy có sự phân biệt đối xử chính thức đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, nhưng thái độ phân biệt đối xử trong xã hội vẫn xảy ra đối với những bệnh nhân này. Các báo cáo đáng tin cậy cho biết những người nhiễm HIV/AIDS thường bị mất việc làm hoặc phải chịu sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc hay khi tìm kiếm nhà ở. Tuy nhiên, số trường hợp này cũng đã giảm so với các năm trước. Trong một số ít trường hợp, con cái của những người nhiễm HIV/AIDS không được đi học, mặc dù điều này là trái với quy định của pháp luật. Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế, chính quyền trung ương và cấp tỉnh/thành đã từng bước thực hiện các chương trình điều trị, trợ giúp và trợ cấp cho những người nhiễm HIV/AIDS; làm giảm tình trạng phân biệt đối xử và định kiến xã hội. Tuy nhiên, những hoạt động này chưa được thực hiện đồng bộ. Các tổ chức tôn giáo làm từ thiện đôi khi cũng được Chính phủ cho phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Ở Việt Nam hiện vẫn đang tồn tại một cộng đồng những người đồng tính luyến ái nhưng ít được xã hội biết đến. Nhận thức của dân chúng về vấn đề này vẫn còn rất hạn chế và có ít bằng chứng cho thấy có sự phân biệt đối xử đối với những đối tượng này.

Phần 6. Quyền lợi của người lao động

a. Quyền lập hội

Người lao động có thể quyết định gia nhập hay không gia nhập các tổ chức công đoàn và cấp mà họ muốn tham gia (địa phương, tỉnh hoặc trung ương). Tuy nhiên, mỗi công đoàn đều là thành viên và do một tổ chức công đoàn duy nhất kiểm soát, đó là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - do Đảng Cộng sản kiểm soát - có chức năng thông qua và quản lý các tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động tại mỗi địa phương và trong từng ngành công nghiệp. Người lao động không được tự do tham gia hoặc thành lập các công đoàn độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến tháng 8, tổng số thành viên của tổ chức này là hơn 6,2 triệu người, ước tính chiếm khoảng 39% trong số gần 16 triệu người làm công ăn lương. Trong số này, 36,5% đang làm việc trong khu vực nhà nước, 33,1% đang làm việc trong các doanh nghiệp quốc doanh và 30,4% đang làm việc trong khu vực tư nhân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết số lượng thành viên của tổ chức này đại diện cho 95% lao động trong khu vực nhà nước và 90% lao động làm việc trong các doanh nghiệp quốc doanh. Gần 1,7 triệu công đoàn viên đang làm việc trong khu vực tư nhân, kể cả tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (hơn 700.000 người).

Các công đoàn viên phải đóng phí công đoàn là 1% lương, các chủ lao động phải đóng 2% lương. Mặc dù việc thu phí này là nhằm hỗ trợ người lao động và các hoạt động công đoàn, tuy nhiên việc sử dụng nguồn này không được minh bạch lắm. Đại đa số lực lượng lao động không tham gia công đoàn và không phải đóng phí, vì hầu hết 34 triệu trong số 45,3 triệu lao động sống ở nông thôn và tham gia các hoạt động nông nghiệp quy mô nhỏ hoặc làm việc trong các công ty nhỏ và các khu vực tư nhân phi chính thức.

Lãnh đạo Công đoàn có thể gây ảnh hưởng tới các quyết định quan trọng, ví dụ như việc sửa đổi luật lao động, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe và mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận rằng chính quyền không phải lúc nào cũng truy tố các vụ vi phạm pháp luật. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận thiếu sót trong hệ thống thanh tra lao động và cho rằng nguyên nhân chính là do không có đủ số lượng thanh tra lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ ra và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã thừa nhận rằng mức phạt thấp áp dụng đối với các công ty không thể là biện pháp chống vi phạm hiệu quả.

Trong vụ việc bốn thành viên của Liên minh Nông dân và Lao động bị kết án tháng 12/2007 theo điều 258 Bộ Luật hình sự quy định cấm “lạm dụng các quyền tự do dân chủ làm ảnh hưởng tới lợi ích của nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân", Doãn Huy Chương đã được thả ngày 13/5 sau khi thụ án; Nguyễn Tấn Hoành cũng được thả hồi tháng 5. Ngày 25/2 Nguyễn Thị Tuyết người bị kết án tù ba năm đã bị tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án. Có tin là Lê Văn Sỹ đã được thả hồi tháng 3/2007; nhưng đến cuối năm vẫn không có tin tức gì về tình hình của Nguyễn Toản và Lê Bá Triết.

Nguyễn Khắc Toàn, cựu nhà báo và người sáng lập Liên đoàn Lao động Quốc tế Việt Nam (ILUV) vẫn đang bị theo dõi chặt chẽ và quản thúc tại gia. Tháng 8, ông bị cấm không được ra nước ngoài để điều trị. Trong năm, một vài lần ông bị công an giam lỏng, máy tính cá nhân và các vật dụng khác bị thu giữ. Chính phủ tiếp tục coi ILUV là một tổ chức bất hợp pháp, đây là tổ chức do ông Toàn lập ra năm 2006 để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Bãi công là hành vi phi pháp nếu chúng không liên quan đến một tranh chấp lao động tập thể nào hoặc nếu nó có nguyên nhân là các vấn đề không thuộc phạm vi các mối quan hệ lao động. Trước khi một cuộc đình công hợp pháp được tiến hành, người lao động phải khiếu kiện thông qua tiến trình trong đó có sự tham gia của hội đồng hòa giải (hoặc người hòa giải lao động cấp quận/huyện nơi không có tổ chức công đoàn); nếu không đạt được giải pháp, đơn khiếu nại phải được gửi lên trọng tài tỉnh. Công đoàn (hoặc đại diện của người lao động tại nơi không có tổ chức công đoàn cơ sở) có quyền hoặc đưa quyết định của hội đồng trọng tài lao động tỉnh lên tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc tiếp tục đình công. Cá nhân người lao động có thể trực tiếp kiện ra tòa án nhân dân, song trong hầu hết trường hợp, họ chỉ có thể làm việc đó sau khi hòa giải thất bại. Luật sửa đổi cũng quy định công nhân đình công sẽ không được trả lương cho thời gian họ không làm việc.

Luật lao động cấm bãi công trong 54 lĩnh vực nghề nghiệp và kinh doanh vì mục đích công hoặc được Chính phủ coi là có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc phòng của đất nước. Một nghị định đã nêu cụ thể các loại hình doanh nghiệp này - những doanh nghiệp trong các ngành điện, bưu điện và viễn thông, đường sắt, đường thuỷ, hàng không, ngân hàng, các công trình công cộng, và ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt. Luật cũng giao cho thủ tướng quyền được đình chỉ bãi công trong trường hợp cuộc bãi công đó gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia và an ninh công cộng.

Ngày 30/1, Chính phủ ra nghị định về hình thức bãi công “tự phát”, tuyên bố những cá nhân nào tham gia các cuộc bãi công mà một tòa án nhân dân tuyên là bất hợp pháp, có bằng chứng cho thấy gây ra thiệt hại cho chủ lao động của họ, thì các cá nhân đó phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đã gây ra.

Thường thì các cuộc đình công không tuân thủ quy trình hòa giải và trọng tài và vì vậy bị coi là những cuộc đình công “tự phát”. Số cuộc đình công như vậy đã gia tăng đáng kể trong năm, hơn 90% trong số đó xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Mặc dù theo luật thì những cuộc đình công này là bất hợp pháp, nhưng Chính phủ tỏ ra khoan dung, không tiến hành các biện pháp chống lại những người tham gia đình công. Luật nghiêm cấm mọi hành vi trả thù những người đình công và không có trường hợp trả thù nào xảy ra trên thực tế. Trong một số trường hợp, Chính phủ đã có hình thức kỷ luật đối với những chủ lao động có hành vi phi pháp dẫn đến đình công, đặc biệt là các công ty nước ngoài.

b. Quyền tổ chức và đàm phán tập thể

Theo luật, Liên đoàn Lao động tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm tổ chức một công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp mới trong vòng 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp đó được thành lập và lãnh đạo doanh nghiệp được yêu cầu phải hợp tác với tổ chức công đoàn đó. Trên thực tế, chỉ 85% các doanh nghiệp nhà nước, 60% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 30% doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn cơ sở.

Luật lao động yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động tham gia công đoàn và cấm không để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử chống công đoàn giữa chủ lao động và nhân công muốn tham gia công đoàn, tuy nhiên thực hiện quy định này chưa đồng bộ.

Luật pháp quy định các công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền đàm phán tập thể nhân danh người lao động. Các tranh chấp lao động tập thể liên quan đến các quyền phải được giải quyết thông qua hội đồng hòa giải và nếu hội đồng không thể giải quyết, vụ việc sẽ được chuyển lên cho chủ tịch ủy ban nhân dân cấp quận/huyện giải quyết. Các điều khoản bổ sung trong luật lao động hồi tháng 6 đã chia các tranh chấp này thành hai loại: tranh chấp liên quan đến quyền của người lao động (tuân thủ pháp luật) và tranh chấp liên quan đến lợi ích của người lao động (những yêu cầu ngoài luật); hai loại tranh chấp này được giải quyết theo những trình tự thủ tục khác nhau. Luật quy định một quy trình hòa giải và trọng tài phải được thực hiện trước khi một cuộc đình công có thể được tổ chức một cách hợp pháp.

Trong bối cảnh pháp luật không cho phép thành lập các công đoàn độc lập, luật lao động sửa đổi năm 2007 quy định việc đàm phán giải quyết tranh chấp lao động có thể do “các chủ thể liên quan” giải quyết, có thể bao gồm các đại diện người lao động, trong trường hợp doanh nghiệp có tranh chấp không có tổ chức công đoàn. Mặc dù luật cho phép tiến hành “các hoạt động công đoàn”, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp chẳng hạn như đình công, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được yêu cầu phải thành lập một tổ chức công đoàn thành viên chính thức của mình trong vòng 6 tháng. Ít có bằng chứng cho thấy lãnh đạo hoặc các tổ chức hoạt động trong giai đoạn 6 tháng này sau đó lại tiếp tục hoạt động và được công nhận.

Không có điều luật đặc biệt hoặc trường hợp miễn trừ nào trong Bộ Luật Lao động được áp dụng riêng đối với các khu chế xuất hoặc khu công nghiệp. Không có bằng chứng cho thấy Chính phủ thi hành luật chặt chẽ hơn tại các khu chế xuất và khu công nghiệp so với những khu vực khác. Tuy nhiên, có những báo cáo đáng tin cậy cho biết chủ lao động tại các khu chế xuất và khu công nghiệp thường phớt lờ quyền lợi của người lao động và thường sử dụng hợp đồng ngắn hạn để tránh không thực hiện yêu cầu pháp lý về thành lập tổ chức công đoàn.

c. Nghiêm cấm sử dụng lao động bắt buộc và lao động cưỡng bức

Luật cấm mọi hình thức lao động bắt buộc và lao động cưỡng bức, trong đó có lao động trẻ em; tuy nhiên, có những báo cáo cho rằng tình trạng này vẫn xảy ra.

Tù nhân thường phải lao động không công hoặc với số tiền công rất ít ỏi. Họ tham gia sản xuất lương thực và các hàng hóa khác được sử dụng trực tiếp trong nhà tù hoặc được đem bán tại các chợ ở địa phương, tiền thu được được cho là dùng để mua những vật dụng phục vụ nhu cầu cá nhân của họ.

Trong khi lĩnh vực xuất khẩu lao động tăng trưởng nhanh chóng, các bài viết trên phương tiện thông tin đại chúng và các nhóm nhân quyền quốc tế đã cảnh báo Chính phủ về việc chỉ tập trung phát triển ngành này mà không có những biện pháp mạnh mẽ bảo vệ người lao động. Họ đưa ra con số ngày càng gia tăng những người lao động phải trả tới 165 triệu đồng (khoảng 10.000 đô-la) để có cơ hội lao động ở nước ngoài - mức phí mà hầu hết người lao động chỉ có thể bù đắp được sau một hoặc hai năm làm việc ở nước ngoài. Tiếp đó đã xuất hiện các báo cáo về tình trạng làm để trả nợ, buôn người vì mục đích tình dục, không có đủ các nguồn lực cần thiết để giúp đỡ cho người lao động đang trong cảnh khốn cùng, ám chỉ những sai phạm của các đơn vị môi giới lao động được Chính phủ cấp phép. Quyết định năm 2007 của Chính phủ quy định mức phí môi giới lao động và Luật Xuất khẩu lao động ban hành năm 2006, có hiệu lực vào tháng 7/2006, đã được soạn thảo với mục đích giảm bớt tình trạng này và giúp đỡ nạn nhân của các đường dây buôn người để bóc lột sức lao động. Chính phủ đã bắt đầu xử lý các công ty lừa đảo xuất khẩu lao động. Tháng 6, Chính phủ rút giấy phép của 16 công ty xuất khẩu lao động vì vi phạm luật.

d. Cấm lao động trẻ em và quy định độ tuổi tối thiểu khi tham gia lao động

Lao động trẻ em vẫn là một vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi mà 72% dân số Việt Nam đang sinh sống. Luật cấm hầu hết mọi hình thức lao động trẻ em song cho phép ngoại lệ đối với một vài loại hình công việc. Luật cũng quy định rõ độ tuổi tối thiểu để tham gia lực lượng lao động là 18 tuổi, nhưng các doanh nghiệp có thể thuê trẻ em từ 15 đến 18 tuổi nếu được phép của cha mẹ và của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Năm 2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết có gần 30% trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 17 đang tham gia vào các hoạt động kinh tế, thường là tại các nông trại gia đình hoặc các công ty gia đình không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật.

Theo luật, chủ lao động phải bảo đảm để người lao động dưới 18 tuổi không phải làm những công việc nguy hiểm hoặc những công việc có thể làm tổn hại đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Bộ Luật Lao động đã quy định cụ thể những công việc bị cấm. Luật cũng cho phép trẻ em từ 13 tuổi đăng ký theo học tại các trung tâm đào tạo nghề. Trẻ em có thể làm việc nhiều nhất 7 tiếng mỗi ngày và 42 tiếng mỗi tuần và phải được chăm sóc sức khỏe đặc biệt.

Ở nông thôn, trẻ em thường làm việc trong các trang trại gia đình và làm các công việc đồng áng khác hoặc làm việc nhà. Trong một số trường hợp, trẻ em bắt đầu làm việc từ khi mới 6 tuổi và bắt đầu phải đảm đương những công việc của người lớn từ khi lên 15. Đặc biệt vào vụ thu hoạch hoặc mùa gieo cấy, một số bậc cha mẹ còn không cho con cái đi học. Ở khu vực thành thị, trẻ em thường làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ của gia đình hoặc đánh giày hay bán báo hoặc bán vé số. Hiện tượng di cư từ nông thôn ra thành thị cũng làm cho vấn đề lao động trẻ em trở nên trầm trọng hơn vì người di cư bất hợp pháp không được quyền đăng ký hộ khẩu ở khu vực thành thị. Hệ quả là trẻ em không được học tại các trường công lập và gia đình họ có ít cơ hội tiếp cận tín dụng hơn. Các quan chức tuyên bố rằng trẻ em vị thành niên tại các trung tâm giáo dưỡng - thực ra là các trại cải tạo - hoặc tại các trung tâm quản giáo trẻ vị thành niên, thường tham gia lao động vì “mục đích giáo dục”.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thực thi các luật và chính sách về lao động trẻ em. Cán bộ chính quyền có thể phạt, trong trường hợp vi phạm luật hình sự, truy tố các chủ lao động vi phạm luật lao động trẻ em. Mặc dù Chính phủ không dành đủ nguồn lực để thực thi một cách có hiệu quả các điều luật quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ em, đặc biệt trẻ làm việc tại các mỏ hoặc làm người giúp việc trong gia đình, chính phủ đã phát hiện ra một số trường hợp bóc lột trẻ em, đưa trẻ em thoát khỏi tình trạng bị bóc lột và phạt các chủ lao động.

Hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế tập trung vào vấn đề lao động trẻ em. Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện các chương trình xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, tập trung chủ yếu vào những gia đình cần được giúp đỡ và trẻ em mồ côi.

e. Điều kiện làm việc có thể chấp nhận được

Luật pháp yêu cầu Chính phủ quy định mức lương tối thiểu, được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát và những biến động kinh tế khác. Mức lương tối thiểu của lao động không có tay nghề tại các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức quốc tế là 1 triệu đồng (61 đô-la) tại các huyện thành thị của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 900.000 đồng (khoảng 55 đô-la) tại các quận/huyện ngoại ô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và tại một số huyện và thị trấn công nghiệp; và 800.000 đồng (khoảng 48 đô-la) ở những khu vực còn lại. Chính phủ có thể tạm thời miễn cho một số liên doanh không phải tuân thủ quy định về mức lương tối thiểu trong những tháng hoạt động đầu tiên của doanh nghiệp hoặc nếu doanh nghiệp đó hoạt động tại khu vực xa xôi hẻo lánh, tuy nhiên, mức lương tháng tối thiểu trong những trường hợp này không được thấp hơn 800.000 đồng (khoảng 48 đô-la). Mức lương tháng tối thiểu chính thức cho lao động không có tay nghề trong khu vực nhà nước là 540.000 đồng (34 đô-la). Đối với các lao động đang làm việc cho các công ty nhà nước, tại các nông trường hoặc tại các hộ gia đình, mức lương tối thiểu chính thức là 620.000 đồng (38 đô-la) ở khu vực thành thị và 540.000 (34 đô-la) tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, mức lương này không đủ để người lao động và gia đình của họ duy trì được một cuộc sống tươm tất, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao trong năm qua.

Chính phủ quy định tuần làm việc 40 giờ đối với công chức chính phủ và lao động tại các doanh nghiệp trong khu vực nhà nước, và khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài có lao động là người địa phương giảm số giờ làm trong tuần xuống 40 giờ nhưng không đưa ra quy định bắt buộc.

Luật quy định ngày làm việc 8 giờ với 24 giờ nghỉ bắt buộc mỗi tuần. Làm thêm phải được trả tiền làm ngoài giờ ở mức bằng hoặc gấp rưỡi mức lương bình thường, gấp hai nếu làm trong ngày nghỉ và gấp ba nếu làm vào ngày lễ cũng như những ngày phép được trả lương. Luật pháp cũng giới hạn số giờ làm thêm tối đa là 4 giờ mỗi tuần và 200 giờ mỗi năm nhưng cũng cho phép một số trường hợp ngoại lệ với tối đa 300 giờ làm thêm mỗi năm và phải tuân thủ quy định của Chính phủ sau khi tham khảo ý kiến với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đại diện chủ lao động. Luật cũng quy định số ngày nghỉ phép hàng năm vẫn được hưởng nguyên lương áp dụng cho từng loại hình công việc. Tuy nhiên, không rõ Chính phủ có tổ chức thực hiện chặt chẽ những điều luật này không.

Theo luật, lao động nữ sắp kết hôn, có thai, trong kỳ nghỉ đẻ hoặc nuôi con dưới 1 tuổi không bị sa thải trừ khi doanh nghiệp đóng cửa. Lao động nữ có thai ít nhất 7 tháng hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi không bị buộc phải làm việc ngoài giờ, vào ban đêm hoặc tại những nơi cách xa nơi cư trú của họ. Cũng không rõ quy định này được thực hiện như thế nào.

Luật yêu cầu Chính phủ ban hành các quy định và điều luật bảo đảm an toàn cho người lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các ủy ban nhân dân ở địa phương và các tổ chức công đoàn cơ sở có trách nhiệm thi hành những quy định này. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định và điều luật này chưa đầy đủ do thiếu ngân sách và nhân sự đã qua đào tạo. Tai nạn lao động do điều kiện y tế và an toàn lao động tại nơi làm việc quá nghèo nàn cũng là một vấn đề bức xúc. Số lượng lớn nhất trong số các tai nạn nghề nghiệp xảy ra là do máy móc như máy cán hoặc máy ép.

Luật quy định người lao động có thể từ chối không làm việc trong những điều kiện nguy hiểm mà không sợ bị mất việc làm. Tuy nhiên, không rõ trên thực tế quy định này có được thực thi hay không. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định không có người lao động nào phàn nàn về việc chủ lao động đã không tuân thủ luật pháp.

Theo một điều tra do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện hồi tháng 7 về điều kiện lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tới 80% là không đáp ứng yêu cầu an toàn làm việc tối thiểu, 8% có điều kiện làm việc bị cho là quá nghèo nàn, và 90% sử dụng trang thiết bị quá cũ. Người lao động về cơ bản phải làm việc trong môi trường làm việc độc hại - 31% phải làm việc trong môi trường quá nóng, 24% làm việc trong điều kiện quá ồn ào, và 17% phải làm việc tại những nơi rất bụi bặm.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: