Bài văn tế cụ Thái Xuyên Trần Quý Cáp

Bài văn tế cụ Thái Xuyên Trần Quý Cáp
của Phan Bội Châu

Bài thơ tế Trần Quý Cáp.

Chúng ta có sinh ra làm người dân mất nước mới biết rằng:
Hiền nhân quân tử là phạm vào cấm vật của nhà cầm quyền,
Triết học chân lí là can vào tội điều của nhà pháp luật.
Nếu chúng ta không là dân vong quốc, làm gì mà biết được việc như thế!
5Đau đớn thay! Một người bạn tinh thần của chúng ta là ông Thái Xuyên:
Năm Mậu Thân đời Thành Thái bị chính phủ bảo hộ nước Pháp vô cớ khép cho ông cái án "Mạc tu hữu"[1] xử ông bằng luật trảm quyết!
Ngày rằm tháng Năm đem ông ra giết ở Diêm Khánh, lúc đó toàn quốc nhân sĩ ai cũng biết là oan.
Nhưng mà có oan gì đâu!
Hễ người đã làm dân vong quốc, đã nấp nép dưới chánh phủ cường quyền thời cái sự vô cớ đắc tử hình là tầm thường lắm.
10Ông Thái Xuyên!
Sinh bình thờ cha mẹ hết sức hiếu, ở với anh hết sức dễ, ở với làng nước, bạn bè hết sức trung tín.
Làm thầy dạy học trò thời hết nghĩa vụ làm thầy.
Đọc sách thánh hiền, một lời nói, một việc làm, tất hết sức theo khuôn nẩy mực.
Nhớ khi ông ra tới trường chém, dao đã kề cổ, còn thung dung xin với người giám trảm cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái, rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách!
15Chao ôi! Thảm thiết! Mà cũng tráng liệt thay!
Chúng ta đọc sách cũ Đông phương, thấy luật "yêu ngôn" của Tần Thủy Hoàng, luật "phúc phỉ" của Hán Võ Đế, thường nghĩ rằng: nghiêm hình oan ngục của đời quân chủ chuyên chế thiệt không ai độc hơn.
Ai dè làm dân bảo hộ của nước dân chủ tự do mà oan thảm lại ghê gớm hơn nữa!
Nếu một người đạo đức, phẩm hạnh, học vấn văn chương như ông Thái Xuyên ta, mà sinh ở đời Tần Thủy Hoàng, chắc còn làm được Phục Sinh, Thân Công,[2] ở đời Hán Võ Đế còn làm được Cấp Âm, Đổng Trọng Thư, có đâu đến nỗi làm một chí sĩ mất đầu, phải rơi máu dưới lưỡi dao vô đạo;
Ôi, Thái Xuyên!
20Ôi, Thái Xuyên!
Oan thảm cho ông! Đành oan thảm cho ông! Mà nhất là oan thảm cho đồng bào ta vậy.
Từ xưa tới nay, nhà chính trị thường nói rằng pháp luật là vì người có tội mới đặt ra.
Nhưng chẳng qua nhà cường quyền đụng nhà cường quyền thời mới nói thế; nếu dân nhược tiểu mà đụng nhà cường quyền thì chớ nhận như thế là lầm to vậy.
Nghĩ như ông Thái Xuyên mà bị kết án xử tử thời tội gì? Chỉ vì là trung hiếu thiên tính.
25Hay là tội ông giảng học mới? Thời học mới từ Âu châu truyền qua, cớ gì cấm người nước ta không được giảng?
Hay là tội ông giảng bài công lí? Thời công lí là một lẽ rất phổ thông, cớ gì cấm người nước ta không được kể?
Hoặc giả vì lúc đó dân Quảng Nam có việc xin xâu mà ông bị hiềm nghi phiến động hay sao?
Thời lại không phải, bởi vì lúc đó ông còn làm thầy dạy học ở Khánh Hòa, ông chưa về Quảng Nam bao giờ. Chắc cái việc xin xâu ông hoàn toàn không biết tới.
Thế mà đột nhiên đắc tử hình!
30Thế thời ông bị giết vì tội gì? Chỉ vì một tội: chính vì tội ông là người mất nước!
Pháp luật mà chi! Đạo lí mà chi! Chúng ta nhắc đến lịch sử ông Thái Xuyên, chúng ta khóc ông Thái Xuyên, càng khóc dự bị cho hai mươi lăm triệu đồng bào nữa vậy.
Hỡi ôi! Than ôi!
Gươm vô đạo chẳng từ ai, mạng thánh hiền mà đành như vậy!
Trời chí công sao nỡ thế!
35Gương nhật tinh há lẽ mờ chăng?
Suối đỏ kia ai thăm viếng! Huyết Trành Hằng biếc nhuộm non xanh!
Giống vàng chắc chưa diệt đâu! Hồn Tinh Vệ thế điền biển bạc!
Mấy lời bạn cũ,
Tấc dạ thần soi!

   




Chú thích

  1. Mạc tu hữu: chẳng cần phải có.
  2. Phục sinh, Thân Công: là hai người đã đọc thầm cho nhau viết lại những kinh truyện bị nhà Tần đốt.