Đại Việt sử ký toàn thư/Tập II/Cuốn thứ tư/Đời thuộc về Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương



CUỐN THỨ TƯ

ĐỜI THUỘC VỀ NGÔ, TẤN, TỐNG, TỀ, LƯƠNG

Đinh-Vịnăm thứ 5 hiệu Kiến-Hưng triều Hán và năm thứ 6 hiệu Hoàng-Vũ nước Ngô (227) — Chúa nước Ngô nghe tin Sĩ-Vương mất. cho là đất Giao-châu xa cách, bèn chia ra: Từ Hợp-Phố sang Bắc thuộc về Quảng-Châu, thì Lã-Đại làm Thứ-sử; từ Hợp-Phố sang Nam thuộc về Giao-Châu, thì Đái-Lương làm Thứ-sử. Lại sai Trần-Thời thay Vương làm Thái-Thú. Đại ở lại Nam-Hải. Lương cùng Thời cùng đi sang. Khi tới Hợp-Phố thì con Vương là Huy đã tự đặt mình làm Thái-Thú, và đem tông-binh ra chống nhau với họ. — Cuối đời Hán các tông thất (người trong họ nhà vua) đánh giết lẫn nhau. Các người miền Nam đem các người trong họ, họp nhau lại làm lính để tự giữ mình, cho nên gọi là tông-binh (lính họ) — Lương liền ở lại Hợp-Phố. Thuộc lại của Vương là Hoàn-Lân khấu đầu can Huy, xin đón Lương. Huy giận, dùng roi sắt đánh chết Lân.

Sử-thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:

Từ xưa những kẻ giết gián-thần (kẻ bề tôi can ngăn) chưa ai là không mất ngôi: Chúa Trần giết Tiết-Dã; chúa Tề giết Cô-Huyên... Việc nước Trần, nước Tề đáng để làm gương. Đem những chuyện ấy để răn đời, vậy mà còn kẻ giết gián-thần như Sĩ-Huy! Nối ngôi chưa kịp quay gót đã mất ngôi, mất mạng rồi! Đáng lắm!

Anh Lân là Trị, con Lân là Phát, hợp các tông-binh lại đánh Huy. Huy đóng cửa thành tự giữ mình. Bọn Trị đánh vài tháng không hạ nổi. Bèn cùng nhau giảng-hòa, đôi bên đều bãi việc chiến-tranh. Nhưng Lã-Đại, vâng chiếu của chúa Ngô sai giết Huy, từ Quảng Châu đem quân ngày đêm đi gấp vào Hợp-Phố; cùng với Lương cùng tiến sang. Dụ người con của Sĩ-vương[1] tên là Khuông, làm chức Trung-lang-tướng, sai nói với Huy nên ra chịu tội: Tuy mất chức Thái-Thú, nhưng đoan rằng không lo gì chuyện khác. Đại đến, theo sau Khuông. Anh Huy là Chi, em là Cán, Tung, cả bọn sáu người, trầy vai áo, để hở thịt, ra đón Đại. Đại mặc trá hình tới quận.[2] Sáng hôm sau, trăng màn-trướng, mời anh, em Huy lần lượt vào. Khách khứa ngồi đầy... Đại đứng dậy, vác cờ tiết, đọc chiếu, kể tội-lỗi của Huy. Rồi các lính hầu trói dặt cánh khuỷu anh, em Huy, đem ra chém tất cả! Đưa đầu về Vũ-Xương.

Sử-thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:

Sĩ-Huy khi cha chết, không xin mệnh-lệnh, tự nhận lấy chức. Lại cất quân chống với Triều-đình. Kể lý, cố-nhiên đáng đánh. Như Lã-Đại dụ cho hắn hàng mà giết hắn thì không phải! Ôi! chữ « tín » là của báu một nước...

Huy hàng rồi, trói đưa về Vũ-Xương, để cho sống, chết tùy lượng bề trên; oai-tín phục lòng kẻ dưới; thế chẳng cũng là hay sao? Tôn-Thịnh nói: « Dụ kẻ xa, trị kẻ gần không gì hay bằng tín. Lã-Đại[3] giết kẻ hàng để tâng công, người quân-tử chê hắn. Và do chuyện ấy biết họ Lã sẽ không người nối dõi! » Quả có thế!

Nhất, Vỉ (em Sĩ-Nhiếp) và Khuông ra thú sau, chúa Ngô tha tội cho. Cùng với người con tin của Vương là Ngẫm đều bị cách chức về làm thường-dân. Vài năm sau, Nhất, Vỉ phạm tội bị giết. Riêng Khuông ốm chết trước. Kịp khi Ngẫm mất, đại-tướng của Huy là Cam-Lễ, cùng với Hoàn-Trị, đem lại và dân cùng đánh Đại.

Đại đánh phá được chúng. Thế rồi bỏ Quảng-Châu, lại để là Giao châu như cũ. Đại tiến đánh Cửu-chân, chém và bắt lấy vạn mà kể.[4]

Tân-Hợi — năm thứ 9 hiệu K. H. bên Hán, và thứ 10 hiệu H. V. bên Ngô (231) — dân Mán ở Ngũ-Khê thuộc Vũ-Lăng bên Ngô làm loạn.[5]. Chúa Ngô, vì miền Nam đã yên vững, vời Thứ-sử là Lã-Đại về. Thái-Thú Hợp-Phố là Tiết-Tổng[6] dâng sớ nói rằng:

« Xưa kia vua Thuấn sang tuần-thú miền Nam, mất ở Thương-Ngô. Tần đặt Quế-Lâm, Nam-Hải, Tượng-quận.

Vậy thì bốn nước ấy nội-thuộc đã lâu. Triệu-Đà nổi lên ở Phiên-Ngu, vỗ-yên các chúa Bách-Việt tức là ở miền Châu-Nhai.[7] Vua Hiếu Vũ giết Lã-Gia; mở chín quận; đặt chức Thứ-sử Giao-Chỉ; dời các kẻ có tội ở Trung Quốc sang ở lẫn với dân bản-thổ; cho chúng học-qua chữ nghĩa, hiểu qua lễ-giáo.[8] Kịp khi Tích-Quang coi Giao Chỉ, Nhâm Diêm coi Cửu-Chân, dựng ra nhà trường, đem lễ nghĩa mà dạy. Từ đó trở xuống, hơn bốn trăm năm, dân chừng như đã có nền-nếp. Nhưng đất rộng, người đông, núi rừng hiểm trở, nên dễ có cơ làm loạn![9] Cứ điều tôi được trông thấy: Hoàng-Cái, quê Nam-Hải, làm Thái-thú Nhật-Nam. Khi xuống xe, vì lễ đón-tiếp không đủ, đánh chết viên Chủ-Bạ. Do thế mà bị dân đánh đuổi! Thái-thú Cửu-Chân là Thiềm-Manh,[10] vì bố vợ là Chu-Kinh đến chơi, cho mời cả các Trưởng-Lại. Khi rượu say, cử nhạc. Công-Tào là Phan-Hâm đứng dậy múa, kéo cả Kinh dậy. Kinh không dậy. Hâm muốn cố ép. Manh giận, giết Hâm.[11] Em Hâm đem quân đánh Manh[12]. Thái-thú Giao-Chỉ trước là Sĩ-Nhiếp phái quân sang đánh không nổi. Rồi đó Thứ-sử là Chu-Phù[13] phần nhiều dùng người làng là bọn Ngu-Bao, Lưu-Ngạn, chia làm các Trưởng-lại, bóc lột trăm họ[14]: một con hoàng-ngư (cá bò?), thu một hộc lúa tám (?). Trăm họ ta-oán làm loạn đánh ra cả các châu quận. Phù chạy vào biển.[15] Bộ-Chất lần lượt đánh giết, mối dường mới được đâu ra đấy. Sau đó Lã-Đại dẹp loạn Sĩ-Huy; đổi đặt các trưởng lại; làm tỏ rõ quyền nhà vua: Muôn dậm đều sợ oai; lớn, nhỏ đều theo phép. Cứ đó mà xem, thì việc coi đất biên-cương, trị dân mọi-rợ, thực là cốt ở người. Các chức bá-mục, nên chọn các kẻ dòng trong, Bên ngoài hoang phục, họa, phúc càng là quan hệ. Nay Giao-châu tuy rằng tạm yên, Cao-Lương[16] vẫn còn đám giặc cũ. Trong bốn quận Thương-Ngô, Uất-Lâm, Châu-Nhai,[17] Nam-Hải, những kẻ họp tập nhau làm trộm, cướp cũng chưa yên hẳn. Nếu Đại không sang Nam nữa, thì viên Thứ-sử mới nên kén kẻ thông thạo, có phương lược, có mưu-kế, để vỗ-trị đất này[18] họa là có hàn-vá được! Nếu chỉ là kẻ trung-bình, biết giữ phép thường thôi, không tài quyền biến lạ lùng gì cả, thì việc các quận sẽ ngày một rắc-rối thêm!...

Chúa Ngô nghe lời phong Đại làm Trấn-nam Tướng-quân, rồi tiến phong làm Phiên-Ngu-Hầu. — Có nơi chép: Phong làm Ngụy quận Lăng-lệ-công.[19]

Mậu-Thìn — Năm 11 hiệu Diên-Hy bên Hán, năm đầu hiệu Vĩnh-An[20] bên Ngô (248) — Dân Cửu-Chân lại đánh hãm các thành, các ấp. Các châu, quận đều nao-núng. Chúa Ngô lấy Lục-Dận[21]hoặc chép là Lục-Thương — Đốc-quân đô-úy ở Hành-dương, sang làm Thứ-sử, kiêm cả chức Hiệu-úy. Dận tới nơi, đem ấn, tín phủ-dụ, đến hàng hơn ba vạn nhà. Đất trong châu lại yên. Sau đó, người con gái ở quận Cửu-chân là Triệu-Ẩu họp quân đánh phá các quận, huyện. Dận phá tan được. — Ẩu vú dài ba thước vắt lai sau lưng! Thường cưỡi đầu voi để đánh nhau với giặc.

Giao-Chỉ-chí[22] chép: « Trong núi hạt Cửu-Chân, có người con gái là Triệu-Muội, vú dài ba thước; không lấy chồng; kết đảng cướp-phá các quận, huyện; thường mặc áo dát vàng, đi dép để đanh, giữ đầu voi đánh trận. Khi chết thành-thần. »

Quý vị, — năm đầu hiệu Viêm-Hưng bên Hán, năm thứ 6 hiệu Vĩnh-An bên Ngô (263) — mùa Xuân, tháng ba,. nguyên trước bên Ngô cho Tôn-Tư làm Thái-thú Giao Châu. Tư tham-lam, tàn-bạo, làm khổ trăm họ[23] Đến bấy giờ, chúa Ngô sai Đăng-Tuân đến quận. Tuân lại thiện-tiện bắt lấy ba chục con công đưa về Kiến-Nghiệp[24]. Dân sợ việc đi xa, bèn bàn nhau làm loạn. Mùa hè, tháng tư, quận lại là Lã-Hưng giết Tư cùng Tuân, và xin Vua Tấn (địch quốc của Ngô) bổ Thái-Thú cùng cho quân sang.— Sách Cương-Mục chép là « xin vua Ngụy bổ quan sang » Năm sau Ngụy nhường ngôi cho Tấn. Vậy Ngụy cũng là Tấn. — Cửu-Chân, Nhật-Nam đều hùa theo. Năm ấy nhà Hán mất.

Giáp thân, — năm đầu hiệu Hàm-Hy của chúa Ngụy là Tào-Hoán, và năm đầu hiệu Nguyên-Hưng của chúa Ngô là Tôn Hiệu,(264) — mùa thu, tháng bẩy, Ngô chia Giao-Châu ra, đặt Quảng Châu.[25] Khi ấy Ngô đã hàng với Tấn.[26] Tấn cho Lã-Hưng làm An-nam Tướng-quân, đô-đốc các việc quân của Giao-châu. Lại cho viên Nam-trung Giám-quân là Hoắc-Dặc, lĩnh vọng chức Thứ-sử Giao-châu, được quyền tùy tiện kén dùng các viên Trưởng-lại. Dặc dâng biểu, xin cho Xán-Cốc — có bản chép Phàn-Cốc, làm Thái-thú, đem các nha môn là bọn Đổng-Nguyên, Vương-Tố, kéo quân sang giúp Hưng. Chưa tới nơi thì Hưng đã bị Công-tào là Lý-Thống giết chết. Cốc chết theo. — có bản chép Cốc mắc bệnh mà chết.

Ất-Dậu — năm đầu hiệu Thái-Thủy của Tấn Vũ-đế Tư-Mã-Viêm, và năm đầu hiệu Cam-Lô bên Ngô(265) vua Tấn sai người ở Ba-Tây là Mã Dung sang thay Hưng. Dung ốm chết. Hoắc-Dặc lại sai[27] Dương-Tắc, quê ở Kiển Vi sang thay Dung mà nhận chức Thái-Thú.

Mậu-Tý, — năm thứ 4 hiệu Thái-Thủy bên Tấn, và năm thứ 3 hiệu Bảo-Đỉnh bên Ngô(268) — Ngô cho Lưu-Tuấn sang làm Thứ-sử. Tuấn cùng với Đại Đô-đốc là Tu-Tắc,[28] Tướng-quân là Cố-Dung, trước sau ba lần đánh Giao-châu. Dương-Tắc đều chống lại được. Uất-Lâm, Cửu-Chân đều theo về Tắc. Tắc sai Tướng-quân là Mao-Linh[29] và Đổng-Nguyên đánh Hợp-Phố: Giao-chiến ở Cổ thành. — tức thành Hợp-phố.— cả phá được quân Ngô, giết Lưu-Tuấn và Tu-Tắc. Quân tàn chạy về Hợp-phố. Tắc bèn dâng biểu xin cho Linh làm Thái-Thú Uất-Lâm, Nguyên làm Thái-Thú Cửu-Chân.

Kỷ-Sửu,— năm thứ 5 hiệu T.T. bên Tấn, và năm đầu hiệu Kiến-Hành bên Ngô, (269) — mùa Đông. tháng Mười[30], chúa Ngô sai Giám-quân là Ngu-Dỹ, Uy-Nam tướng-quân là Tiết-Vũ, Thái-Thú Thương-Ngô là Đào-Huỳnh quê Đan-Dương. đi theo đường Kinh-Châu: Giám-quân là Lý-Đỉnh, Đốc-quân là Từ-Tồn đi theo đường biển Kiến-An; đều hội cả ở Hợp-Phố để đánh Tắc.

Lý-Đỉnh có bản chép Lý-Húc.[31]

Tân Mão. — năm thứ 7 hiệu T.T bên Tấn, và thứ 3 hiệu K.H. bên Ngô (271)— mùa Hè, tháng tư, Ngu-Dỹ. Tiết-Vũ Đào Huỳnh[32] sang đánh Tắc. Giao chiến ở sông Phần, Huỳnh thua, lui giữ Hợp-Phố; mất hai viên tướng. Vũ giận bảo Huỳnh rằng: « Nhà ngươi tự dâng biểu xin đánh giặc, mà bỏ chết hai viên tướng, trách nhiệm ấy về ai? » Huỳnh nói: « Hạ-quan không được làm theo ý mình. Các quân không thuận nhau. Chỉ vì thế nên đến nỗi thua... » Vũ chưa nguôi giận, toan kéo quân về. Đêm ấy Huỳnh đem vài trăm quân đánh úp Đổng-Nguyên. Bắt được của báu, dùng thuyền chở về. Vũ bèn xin lỗi Huỳnh, cho Huỳnh coi việc Giao-Châu, làm Tiền-bộ Đô-đốc. Huỳnh lại theo đường biển, nhân lúc bất ý đến thẳng Châu. Nguyên chống lại. Các tướng toan giao chiến. Huỳnh ngờ trong chiếc cầu gẫy có quân phục, bèn sắp riêng quần cầm kích dài cho ở lại phía sau. Hai quân vừa giáp trận, Nguyên giả-vờ lui. Huỳnh đuổi theo, quả-nhiên quân phục đổ ra. Quân cầm kích dài đón đánh, cả phá quân của Nguyên và giết được Nguyên. Lại đem thuyền của báu bắt được hôm trước cùng vài nghìn tấm gấm bản-thổ, đưa cho tướng giặc ở Phù-Nghiêm là Lương-Tề[33]. Tề đem hơn vạn người giúp Huỳnh. Khi ấy Dương-Tắc cho tướng của mình là Vương-Tố thay Nguyên. Dũng-tướng của Nguyên là Giải-Hệ cùng Tố ở trong thành. Huỳnh sai em Hệ là Tượng viết thư cho Hệ. Lại sai Tượng cưỡi xe bốn bánh (?) đi chơi, có phường nhạc và lính hầu theo sau. Bọn Tố nói: « Kìa, Tượng nó còn như thế kia! Hệ tất là có chí muốn đi! » Bèn giết Hệ. Vũ và Huỳnh bèn hạ được Châu-thành[34]. Chúa Ngô nhân cho Huỳnh làm Thứ-sử[35]. Huỳnh là người có mưu-chước; hay chu-cấp những kẻ cùng-túng; rất được lòng người. Cho nên người ta đều vui lòng để cho dùng: Đến đâu đều có công đấy. Nguyên trước vua Tấn dùng Dương Tắc làm Thứ-sử Giao-Châu; Mao-Cảnh làm Thái-thú. Ấn, thao chưa tới nơi thì Tắc và Hiệu trước đã thua và chết. Bèn truy tặng cho Tắc, Cảnh và Tùng, Năng— chuyện Tùng, Năng không tra vào đâu được,[36]— đều được tước Quan-nội-hầu. Công-Tào quận Cửu-Chân là Lý-Tô giữ gìn trong quận theo về với Tấn. Huỳnh sai tướng đánh không được. Cậu Tộ là Lê Hoàn[37]có sách chép là Lê-Minh, đi theo quân, dỗ Tộ ra hàng. Tộ đáp rằng: « Cậu vẫn là tướng bên Ngô! Còn Tộ vẫn là tôi bên Tấn! Ta cứ trông vào sức mình mà thôi![38] Ít lâu mới hạ nổi.

Sử thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:

Những viên quan giữ đất, biết lấy lòng Lý-Tộ làm lòng, thì có thể gọi là trung-thành với công-việc của mình vậy.

Chúa Ngô cho Huỳnh làm Thứ-sử, kiêm chức Tiền-tướng-quân[39], cầm cờ tiết, đô-đốc các việc quân ở Giao-châu. Nguyên trước mấy hạt Vũ-Ninh[40] Cửu-Đức, Tân-Xương ở trong châu, đất-đai hiểm-trở, mường mán dữ tợn, qua mấy đời không chịu thần phục. Huỳnh đánh dẹp được cả, mở đặt thêm ba quận. Hợp với chín quận cũ[41], các thuộc quốc kể hơn ba mươi huyện Ngô triệu Huỳnh về làm Đô-đốc Vũ Xương. Cho Thái-thú Hợp-Phố là Tu-Nguyên[42] lên thay Huỳnh. Dân bản thổ xin lưu Huỳnh lại kể hàng nghìn. Vì thế lại cho giữ chức cũ. Kịp khi chúa Ngô đã hàng với Tấn [43] tự tay viết thư sai Mã-tức-Dung khuyên Huỳnh quy-thuận. Huỳnh sa nước mắt luôn mấy ngày, rồi sai sứ đưa ấn-bao về Lạc-Dương. Vua Tấn hạ chiếu cho giữ nguyên chức cũ; phong tước Uyển-lăng-hầu, và đổi sang làm Quán quân tướng quân[44]. Huỳnh ở châu ba mươi năm, ân, oai tỏ rõ, được dân khác tục quý mến. Kíp khi mất, cả châu kêu khóc như chết mất cha, mẹ. Vua Tấn cho Viên-ngoại-lang, Kiêm Tán-Kỵ-Thường-thị là Ngô-Ngạn thay làm Thứ-sử và Đô-đốc[45]. Khi Huỳnh mới mất, lính thú ở Cửu-Chân làm loạn, đánh đuổi Thái-thú. Tướng đứng đầu là Triệu-Chỉ đem quân vây quận, Ngạn đều dẹp tan cả. Ở chức hai mươi lăm năm: ân, oai rõ rệt; dân trong châu yên ổn.

Tư dâng biểu xin cho người thay. Vua Tấn bèn cho Viên-ngoại lang, kiêm Tán-Kỵ-Thường-thị là Cố-Bí sang thay. Bí là người hiền-lành, thuần-nhã: Cả châu yêu mến. Chưa bao lâu Bí mất.Người trong châu bức người con là Sâm phải nhận coi việc trong châu. Liền đó Sâm mất em là Thọ nhận coi việc trong châu. Người trong châu không nghe. Thọ cố nài xin, bèn nhận coi việc trong châu, rồi giết các Trưởng-lại là bọn Hồ-Triệu. Lại toan giết viên Đốc-quân ở dưới trướng là Lương-Thạc. Thạc chạy thoát được, nổi quân đánh bắt được Thọ. Người mẹ Thọ sai dùng thuốc độc giết Thọ. Thạc bèn cầm quyền chuyên chế. — Có sách chép: Cả người mẹ Thọ cũng bị giết bằng thuốc độc. — Thạc sợ dân tình không thuận, bèn cử con Huỳnh là Uy, hiện làm Thái-thú Thương-Ngô lên làm Thứ-sử. Uy ở chức rất được lòng trăm họ. Ba mươi năm mới mất. Em Uy là Thục. con là Tuy kế nhau làm Thứ-sử. Từ Cơ đến Tuy, gồm bốn đời đều làm Thứ-sử. Cơ là ông của Huỳnh[46].

Mậu dần, — năm đầu hiệu Đại-Hưng đời Nguyên-Đế Tư-Mã-Duệ bên Đông Tấn (318) — mùa Đông, tháng mười, vua Tấn hạ chiếu thêm cho thứ-sử Quảng châu là Đào-Khản chức Đô-Đốc các việc quân Giao-châu[47].

Nhâm ngọ — Năm đầu hiệu Vĩnh Xương bên Tấn (322) — Vương-Đôn bên Tấn cất Vương-Lạng làm Thứ-sử, sai đánh Lương-Thạc. Thạc đem quân vây Lạng ở Long Biên.

Quý-vị, — Năm đầu hiệu Vĩnh-Ninh đời Minh-đế Thiệu bên Tấn (323), — mùa xuân tháng hai, Đào Khản sai viện binh đến cứu Lạng. Chưa tới nơi thì Lương-Thạc đã hạ được thành Long Biên, cướp cờ tiết của Lạng, Lạng không cho. Thạc chặt đứt cánh tay trái của Lạng. Lạng nói: « Chết ta còn chẳng lánh, chặt cánh tay mà làm chi! » Qua một tuần thì Lạng mất. Thạc giữ châu, hung-bạo, mất lòng dân. Khản sai tham-quân là Cao-Bảo đánh giết được Thạc. Vua Tấn cất Khản làm thứ-sử Giao-châu, tiến hiệu là Chinh Nam Đại tướng quân, được mở phủ, nghi vệ ngang với Ba-Tòa. Chưa bao lâu, thị lang bộ Lại là Nguyễn phóng xin làm thứ sử. Vua Tấn ưng cho. Phóng đến Ninh-Phố, gặp Bảo làm cỗ mời, phục quân toan giết chết. Bảo biết chuyện, cất quân đánh Phóng — Phóng là cháu họ Nguyễn-Hàm. — Phóng chạy được thoát Đến châu một lát, mặc bệnh khát chết tươi!

Quý-Sửu,— năm thứ 9 hiệu Vĩnh-Hòa đời Mục-đế bên Tấn (353) —, mùa Xuân, tháng Ba, Nguyễn-Phu bên Tấn làm Thứ-sử Giao-Châu. Phu đánh Lâm-Ấp, phá hơn năm mươi lũy[48]. — Nguyên trước Tấn bình được Ngô rồi, định lấy quân của Giao-Châu. Thứ-sử Giao-Châu là Đào-Huỳnh dâng sớ tâu rằng: « Giao Châu ngoài cách với Lâm-Ấp chỉ có vài nghìn dậm. Tướng Mường là Phạm-Hùng đời đời làm giặc lẩn-lút; tự xưng vương; thường cướp phá trăm họ. Lại kết liên với Phù-Nam: giống nòi phức-tạp; bè-đảng dựa nhau; cậy hiểm-trở không chịu thần-phục. Khi xưa hồi thuộc Ngô, thường cướp bóc lương-dân, giết hại trưởng-lại. Tôi xưa được nước cũ cất dùng, đóng quân ở miền Nam đến hơn mười năm. Tuy cắt xén được các tay đầu-sỏ, nhưng núi sâu, hang hẻm, vẫn còn có kẻ lẩn-trốn. Số quân của tôi coi ban đầu là tám nghìn. Đất miền Nam ẩm-ướt, thường có hơi độc. Liền năm đánh dẹp, lại chết hụt dần đi. Hiện còn có hai nghìn bốn trăm người. Nay bốn biển hỗn-đồng, không đâu là không thần-phục, đáng lẽ nên cuốn áo giáp và tiêu hủy khí-giới. Nhưng ở đây thì không nên rút bớt số quân, để tỏ vẻ yếu-ớt. Chao ôi! Những sự-biến gió-bụi, thường xẩy ra trong lúc phi-thường... Tôi, thân tàn của một nước đã mất, bàn chưa chắc đã đáng nghe...» (Lời sớ này, theo K.Đ.V.S. trên đã có chép kỹ hơn). Tấn-Vũ-đế theo lời. Đến đây còn thấy rõ công-hiệu

Canh-Thìn, — năm thứ 5 hiệu Thái-Nguyên đời Hiếu-Vũ đế Xương-Minh bên Tấn (380)— mùa Đông, tháng mười, Thái-thú Cửu-Chân là Lý-Tốn giữ châu làm phản.

Tân-tỵ — năm thứ 6 hiệu T.N. bên Tấn(381) — Thái-thú Giao-châu tên là Đỗ-Viện chém Lý-Tốn, trong châu mới được yên. Viện được cất làm thứ sử Giao-châu[49].— Viện người hạt Chu-Diên nước ta. Giao-Chỉ-chí chép vào loại nhân-vật nước ta, đứng sau Sĩ-Vương. Hoặc có sách chép: Viện vốn quê ở Kinh-Triệu. Ông là nguyên làm Thái-Thú Hợp-Phố[50] Viện nhân thế ở lại Giao-chỉ ».

Kỷ-Hợi, — năm thứ 3 hiệu Long-An đời An-đế Đức Tông bên Tấn (399) — mùa xuân, tháng ba. vua Lâm-ấp là Phạm-Hồ-Đạt[51] đánh hãm Nhật-Nam, Cửu-Chân, rồi vào cướp Giao-châu. Đỗ-Viện đánh phá được.[52]

Tân-Hợi,— năm thứ 7 hiệu Nghĩa-Hy bên Tấn (441) — mùa hè, tháng tư, thái-thú Vĩnh-Gia là Lư-Tuần chạy sang ta[53]. Nguyên trước thứ-sử là Đỗ-Viện mất, Vua Tấn cho con Viện là Tuệ-Độ thay làm thứ-sử. Chiếu thư chưa tới nơi thì Tuần đánh phá Hợp-Phố, sang thẳng Giao-châu. Tuệ-Độ đem các quan văn vũ trong châu-phủ, chống lại, phá vỡ quân Tuần ở Thạch-Kỳ.[54] Quân còn lại của Tuần cũng còn đến hai nghìn. Dư đảng của Lý-tốn là bọn Lý-thoát, họp tập hơn năm nghìn quân mán-xá để ứng với Tuần. Năm Canh-tý cùng kéo đến bến Nam thành Long-Biên. Tuệ-Độ bỏ hết của trong nhà để thưởng cho quân sĩ[55]. Trong khi đánh lộn với Tuần, ném đuốc đuôi-trĩ để đốt các thuyền mảng. Lại đem quân bộ giáp bờ bắn sang. Thuyền mảng của Tuần đều cháy, bèn thua to! Tuần biết tất chết, cho vợ con uống thuốc độc trước, rồi gọi các nàng hầu, con hát mà hỏi rằng: « Ai là người có thể theo được ta? » Bọn chúng phần đông đáp: « Con sẻ, con chuột còn tham sống! Chết theo thực là chuyện khó! » Hoặc cũng có kẻ nói: « Quan còn phải chết, tôi nào muốn sống! » Tuần bèn giết hết thẩy những kẻ chối chết, rồi tự deo đầu xuống sông. Tuệ-Độ vớt xác lên, chém lấy đầu. Cả vợ con Tuần cùng bọn Thoát đều bị chém lấy đầu đóng hòm đưa về Kiến-khang.

Quý-Sửu,— Năm thứ 9 hiệu Ng. H. bên Tấn (413) — mùa Xuân tháng hai, vua Lâm Ấp là Phạm-Hồ-Đạt vào cướp Cửu-Chân. Tuệ-Độ đánh, chém được Đạt.[56]

Ất-Mão, — Năm 11 hiệu Ng. H. bên Tấn (415) — mùa Đông tháng mười-một, Lâm-Ấp vào cướp Giao-châu, bị các tướng trong châu đánh thua.

Canh-Thân, — năm thứ 2 hiệu Nguyên-Hy đời cung-đế Đức-Văn bên Tấn và năm đầu hiệu Vĩnh-Sơ đời Vũ-Đế Lưu-Dụ bên Tống (420). — mùa Thu, tháng Bẩy, Tuệ-Độ đánh Lâm-Ấp, cả phá được chúng, chém giết quá nửa. Lâm-Ấp, xin hàng[57], bằng lòng cho hàng. Trước, sau những kẻ bị chúng bắt cóc đều được tha về[58]. Tuệ-Độ ở trong châu, ăn cơm rau, mặc áo vải, sửa trường học, cấm các đền thờ nhảm. Năm đói, đem bổng riêng phát chẩn cho dân. Làm việc quan đến nơi đến chốn, y như trị nhà. Dân và lại đều sợ và mến. Cửa thành đêm bỏ ngỏ. Ngoài đường không ai nhặt của bỏ rơi Khi Tuệ-Độ mất, được truy-tặng là Tả-tướng-quân. Con là Hoằng-Văn được cất làm Thứ-sử. Năm ấy nhà Tấn mất.[59]

Đinh-mão, — năm thứ 17 hiệu Nguyên Gia đời Văn-Đế Nghĩa-Long bên Tống(427) — mùa Hè, tháng Tư, ngày Canh-Tuất, vua Tống vời Hoằng-Văn về làm Đình-Úy, và cho Vương-Huy-Chi làm Thứ-sử Khi ấy Hoằng-Văn có bệnh tự ngồi xe lên đường. Có kẻ khuyên hãy đợi khi bệnh khỏi. Hoằng Văn nói: « Nhà ta ba đời chống cờ tiết, thường muốn deo mình về Triều-đình, huống chi nay lại có chiếu vời về! » Bèn đi, về đến Quảng-châu thì mất.

Tân-Vỵ, — năm 8 hiệu Ng. Gia bên Tống (431) — vua Lâm Ấp là Phạm-Dương-Mại vào cướp Cửu-chân, quân trong châu đánh lui được chúng[60]

Nhâm Thân, — năm 9 hiệu Ng.Gia (432) — mùa Hè, tháng năm vua Lâm-Ấp là Phạm Dương-Mại sai sứ vào cống với vua Tống, xin được coi việc Giao-châu. Vua Tống hạ chiếu trả lời không cho, lấy cớ là vì đường xa[61].

Lê-văn-Hưu bàn rằng:

Bôn, Dục tên hai dũng-sĩ đời xưa) khi còn non nớt, thì không chống nổi hạng gù, què đương tuổi khỏe mạnh! Lâm-Ấp thừa cơ lúc nước Việt ta không vua, vào cướp Nhật-Nam, Cửu-Chân rồi xin được cả quyền cai-trị! Há rằng lúc ấy nước Việt ta không chống nổi nước Lâm-Ấp kia sao? Chỉ vì không có kẻ cầm đầu cho nên vậy! Thời không bĩ mãi, phải có lúc thái! Thế không khuất mãi, tất có lúc thân! Lý-Thái-Tông chém chúa nó là Sạ-Đẩu. Lý-Thánh-Tông bắt chúa nó là Chế-Củ. Rồi buộc dân nó năm vạn người tới nay phải làm tôi-tớ. Thế cũng đã đủ để rửa sạch cái thù cái nhục trong mấy năm rồi vậy.

Bính-Tý — Năm 13 hiệu Ng Gia bên Tống[62] — mùa Xuân, tháng Hai, vua Tống sai Thứ-sử Giao-châu là Đàn-Hòa-Chi đánh Lâm Ấp. Nguyên trước vua Lâm-Ấp là Phạm-Dương-Mại tuy sai sứ vào cống, nhưng vẫn cướp phá không ngừng. Cho nên vua Tống sai Hòa-Chi sang đánh. Khi ấy người ở Nam Dương là Tống-Xác vốn nhà nghiệp nho, riêng Xác là thích nghề võ Thường nói: « Ước gì được cưỡi ngọn gió dài để xông-pha muôn dậm sóng! » Kịp khi Hòa-Chi đánh Lâm-Ấp, Xác hăng-hái xin đi theo quân. Vua Tống cất Xác làm Chấn vũ tướng quân. Hòa-Chi sai Xác làm Tiền-phong. Dương-Mại nghe tin ra quân, dâng biểu xin nộp trả những dân bắt cóc ở Nhật-Nam, và một vạn cân vàng, mười vạn cân bạc. Vua Tống chiếu cho Hòa-Chi: « Nếu Dương-Mại quả có lòng thành, thì cũng ưng cho quy-thuận »[63] Hòa-Chi đến đồn Chu-Ngô, — huyện Chu-Ngô từ đời Hán, vẫn thuộc quận Nhật-Nam, khi ấy đặt đồn lính ở đấy — sai Hộ-Tào Tham-quân ở phủ là bọn Khương-Trọng-Cơ — phủ tức là phủ Thứ sử Giao châu, — sang bên Dương-Mại trước. Dương-Mại bắt giữ lại Hòa-Chi giận. tiến lên vây tướng Lâm-Ấp là Phạm-Phù-Long ở thành Khu-Túc. Dương-Mại sai tướng là Phạm Côn, Sa-Đạt sang cứu. Xác nấp quân còn đánh Côn và Đạt, cả phá được chúng. Tháng năm, bọn Hòa-Chi hạ thành Khu-Túc, chém Phù-Long thừa thắng kéo vào Tượng-Phố Dương-Mại nghiêng nước ra đánh, lấy áo giáp mặc cho voi, trước sau không chỗ nào hở.
Xác nói: « Ta nghe nước ngoài có giống sư-tử, trăm giống thú đều sợ oai ». Bèn chế hình nó để chống nhau với voi. Voi quả nhiện sợ mà chạy! Quân Lâm-Ấp thua to. Hòa-Chi bèn đánh đước Lâm-Ấp. Dương-Mại cùng con chỉ chạy thoát được thân. Những của báu lạ-lùng bắt được không thể đếm xiết[64]. Xác không lấy một vật gì cả.

Khi về nhà, chỉ xác xơ có mấy bộ áo cùng mấy cái lược!

Sử thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Những tài hữu dụng, dùng vào đâu cũng được cả, có cứ gì phải theo với thói thường! Có khác là bởi chỗ lập chí của con người mà thôi! Kẻ có chí về đạo-đức, công danh chẳng động nổi lòng họ. Kẻ có chí về công-danh, giầu sang chẳng động nổi lòng họ. Chí của Tống-Xác, có lẽ là chí về công danh chăng? Khi về nhà, của cải không lấy một món gì, đó là cái chứng-cớ giầu-sang không làm động nổi lòng. So với kẻ có chí về đạo-đức, cố-nhiên không-bằng. Nhưng trông lại phường để ý đến giầu sang, thì đã cao hơn nhiều lắm!

Đinh-Sửu — năm 14 hiệu Ng. Gia bên Tống (447) — mùa Đông, tháng mười, ngày Nhâm ngọ Đàn-Hòa-Chi bỏ quan về.

Mậu-thân, — năm thứ 4 hiệu Thái-Thủy đời Minh-đế Úc bên Tống (468) — mùa Xuân tháng Ba, thứ-sử là Lưu-mực ốm chết. Người trong châu là Lý-trường-Nhân giết những bộ-khúc ở Tầu sang của viên Châu-mục rồi chiếm lấy châu mà làm phản, tự xưng là thứ-sử.

Mùa thu, tháng tám, vua Tống cất viên tướng Nam-Khang là Lưu-Bột làm Thứ-Sử Giao-châu. Bột tới nơi, bị Trường-nhân chống lại, không bao lâu mà mất. Tháng mười một. Lý trường Nhân sai sứ xin hàng tự truất bỏ quyền cai trị trong châu. Vua Tống bằng lòng cho.

Kỷ-vị,— năm thứ 3 hiệu Thăng Minh đời Thuận Đế Chuẩn bên Tống; năm đầu hiệu Kiến Nguyên Cao-Đế Tiêu Đạo Thành bên Tề (479), —mùa xuân, tháng ba, ngày mồng một, nhật thực. — mùa thu, tháng bẩy, vua Tề cho Lý-thúc-Hiến làm thứ sử Giao-châu. Thúc Hiến là em họ Trưởng-Nhân. Nguyên trước Thứ-sử là Trưởng-nhân mất, Thúc-Hiến[65] thay quyền co việc trong châu. Vì hiệu lệnh chưa được ngươi theo, sai sứ xin vua Tống bổ thứ-sử sang. Vua Tống cất Thái-thú Nam-Hải là Thẩm. Hoán sang làm thứ-sử, và cho Thúc-Hiến làm Tư-mã quận Ninh-viễn, kiêm chức thái-thú hai quận Vũ-Bình, Tấn-Xương. Thúc-Hiến đã được sắc-mạnh triều-đình, lòng người phục theo, bèn cho quân thủ hiểm không cho Hoán sang. Hoán ở lại Uất-Lâm rồi mất. Liền cho Thúc-Hiến làm Thứ-sử, coi đất An-nam. Năm ấy nhà Tống mất.

Giáp-Tý, — năm thứ 2 hiệu Vĩnh Minh đời Vũ-Đế bên Tề (484) — Lý-Thúc-Hiến đã chịu sắc mạnh, nhưng cắt đứt lễ cống-hiến, vua Tề muốn cho sang đánh.

Ất-Sửu — năm thứ 3 hiệu Vĩnh-Minh bên Tề (485) — mùa xuân, tháng giêng, ngày Bính thìn, vua Tề cho Đại-Tư-Nông là Lưu Khải làm Thứ-sử, đem quân ở Nam-Khang, Lư Lăng, Thủy-Hưng sang đánh Lý-Thúc-Hiến. Thúc-Hiến sai sứ xin thôi việc cất quân dâng hai chục mũ đâu mâu đúc thuần bạo và trang hoàng bằng lông công. Vua Tề không ưng. Thúc-Hiến sợ bị Khải đánh úp, liền đi tắt lối Tương-Châu sang chầu vua Tề. Khải bèn vào trấn.[66]

Canh Ngọ — năm thứ 8 hiệu V. M. bên Tề (490) — mùa Đông, Tháng Mười, Thứ-sử là Phòng Pháp Thặng — thay Lưu Khải, — chỉ ham đọc sách, thường cáo ốm không coi việc. Do đó mà viên Trưởng lại là Phục Đăng Chi được thể chuyên quyền: thay đổi các tướng, lại, không cho Pháp Thặng biết. Viên Lục sự là Phòng quý Văn mách chuyện ấy, Pháp Thặng cả giận, giam Đăng Chi xuống ngục hơn mười ngày. Đăng Chi đút nhiều của cho em rể Pháp Thặng là Thôi Cảnh Thúc được tha ra. Bèn đem các bộ khúc đánh úp châu, bắt Pháp Thặng mà bảo rằng: « Quan lớn đã hay ốm, không nên khó nhọc quá! » Rồi giam vào nhà riêng. Pháp Thặng rỗi việc, lại đến nói với Đăng Chi xin đọc sách. Đăng Chi nói: « Quan lớn ở yên còn sợ sinh bệnh, xem sách thế nào được! » Bèn không cho. Và tâu Pháp Thặng lấm tật phát tác không coi nổi việc. Tháng mười một, ngày Ất Mão vua Tề cho Đăng Chi làm Thứ sử. Pháp Thặng về đến Ngũ Lĩnh thì mất.

Sử thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng;

Phòng Pháp Thặng thích đọc sách mà bỏ việc, đến nỗi trưởng lại nhân đó chuyên quyền, thay đổi tướng, lại, đó là cái lỗi mê sách! Đến khi giam xuống ngục mà trị tội nó, thì có thể bù lại lỗi rồi. Nhưng lại nghe lời thỉnh-thác mà bỏ đó không hỏi thì thật là lầm to! Thật đáng kiếp bị nó đánh úp lại! Được khỏi chết kể là may lắm! Cho nên, phàm việc sai mực trung dung, thì chưa từng có việc nào là không tai hại cả!...

Nhâm-ngọ,— năm đầu hiệu Thiên-Giám đời Vũ-đế Tiêu-Diễn bên Lương (502), —năm ấy nhà Tề mất.

Ất-Dậu,— năm thứ 4 hiệu Thiên-Giám bên Lương (505) mùa Xuân, tháng hai, Thứ sử Giao-Châu là Lý-Nguyên-Khải giữ châu làm phản. Trưởng-sử là Lý-Tắc đánh dẹp được.— Nguyên trước Nguyên-Khải thay Đặng-Chi làm Thứ-sử, cho rằng vua Lương được vua Tề nhường ngôi cho mà ân-oai chưa tới, bèn đem cả châu làm phản. Đến khi ấy. Tắc đem quân trong họ đánh và giết Nguyên-Khải.[67]

Bính-Thân,— năm thứ 15 hiệu Thiên-Giám bên Lương (516) mùa Đông, tháng mười một, vua Lương chiếu cho Lý-Tắc làm Thứ-sử, Tắc lại chém dư-đảng của Nguyên-Khải là Lý-Tông-Hiến, đưa đầu về Kiến Khang, trong châu mới yên.[68]

Trở lên thuộc về Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, bắt đầu từ Đinh-Vỵ, cuối cùng đến Canh-Thân,[69] cộng 314 năm.

Phụ chú

  1. K.Đ.V S. chép là: «Bính-tuất, năm 23 hiệu Nguyên-Gia bên Tống» (446)
  2. K. Đ. V. S. chép là: « Đại từ-tạ, bảo mặc lại áo tử-tế cùng tới dưới quận ».
  3. K. Đ. V. S. chép: « ... Lã-Đại coi Sĩ-Khuông là hạng thày, bạn, sai đưa lời thề làm tin. Anh, em Huy trầy vai hở thịt, thực lòng phó thác tính mệnh. Đại nhân đó giết họ, để cầu công, cầu lợi. Người quân-tử do chuyện đó mà biết Quyền (Tôn Quyền, vua nước Ngô) không biết mưu xa, mà họ Lã sẽ không người nối dõi. »
  4. K.Đ.V.S. chép thêm: « ... Đại lại sai các kẻ giúp việc, đem giáo-hóa của Trung-quốc tuyên-truyền xuống miền Nam cùng các nước ngoài cõi. Vua các nước Phù-Nam, Lâm-ấp, Đường Minh đều sai sứ vào cống Chúa Ngô là Quyền khen công của Đại... » (Đường-Minh tức Đạo-Minh, tên nước, ở bờ biển, phía trong vịnh biển lớn, cách Nhật-Nam 7.000 dậm về phía Bắc).
  5. Việc này, K.Đ.V.S. chép là xẩy ra năm thứ 3 hiệu Hoàng-Long.
  6. K.Đ.V.S chép là « Tiết-Kính-Văn, sợ kẻ thay Đại không được người khá... » và chua: « Tiết người ở Trác-Ấp thuộc Bái-Quận. Lúc nhỏ nương nhờ người trong họ, lánh loạn sang Giao-châu. theo học Lưu Hy. Sau khi Sĩ-Nhiếp hàng với Tôn-Quyền, triệu Kính-Văn làm Ngũ-quan-Trung-lang-tướng, rồi thăng Thái-Thú Hợp-phố. Lã-Đại cất quân đánh Giao-châu, Kính-văn cùng đi với Đại, vượt biển sang đánh miền Nam »
  7. Châu-Nhai, K.Đ.V.S. chép là Châu-Quan, và chua: « Quận Hợp-Phố đời Hán, Ngô đổi tên là Châu-quan ».
  8. K,Đ.V.S. chép: « ... Đặt ra Thứ sử, để trấn-thủ, coi giữ chúng. Dời người Trung quốc sang ở lộn vào đó. Cho học qua chữ, biết tạm tiếng nói. Sứ trạm qua lại, xem thấy lễ hóa... »
  9. K.Đ.V.S. chép thêm: « Vả lại ở ngoài chín châu, việc kén các Trưởng-lại, thường không được kỹ-càng ».
  10. Thiềm-Manh K.Đ.V.S. chép là « Đam-Manh ».
  11. K.Đ.V.S. chép là « đánh đòn Hâm ».
  12. K.Đ.V.S. chép: « ... Em Hâm là Miêu đem quân đánh vào Phủ. Manh đến nỗi chết.
  13. K.Đ.V.S. chép thêm: « quê ở Cối-Kê ».
  14. K.Đ.V.S. chép thêm: « Ép dân đóng nhiều thuế ».
  15. K. Đ. V. S. chép thêm: «... Long đong, cho đến chết! Kế đó được Trương-Tân người ở Nam-Dương oai-vũ không đủ, bị chúng bắt nạt! Rồi đến nỗi bị giết! Sau đến Lưu-Biểu sai Lại-Cung sang. Cung là bậc tiền-bối hiền-lành cẩn-thận. không hiểu việc đời! Lại sai Ngô-Cư làm Thái-thú Thương-Ngô. Cư là kẻ vũ-phu nóng nẩy, không được Cung mến-phục. Hai người thường oán-giận nhau. Cư liền đuổi Cung đi. Khi Bộ-Chất tới nơi, các tướng cũ của Tân là bọn Di-Liêu, Tiền-Bác còn nhiều. Chất lần lượt trừ, trị. Mối-dường tạm định, thì lại triệu về... »
  16. Cao Lương, tên huyện, thuộc quận Hợp-Phố (K.Đ.V.S.)
  17. K.Đ.V.S. chép thêm «... Cho có quyền ra oai, làm ơn; đặt vào chỗ sẵn hình, tiện thế; trách phải làm cho được việc...
  18. K.Đ.V.S. chép là: « .. thì lũ ác ngày càng nẩy nở và lâu dần sẽ sinh hại. Choi nên nước nhà yên, nguy, là cốt ở việc dùng người, không thể không xét được. »
  19. K.Đ V.S. chép thêm: « Rồi đó cho Đại làm Giao-Châu-Mục » và chua: «Lã Đại tự là Định-Công, quê ở Hải-Lăng, thuộc Quảng-Lăng. Bắt đầu bổ là Trưởng huyện Dư-Riêu. Kịp khi Cối-Kê có giặc nổi, Quyền cất Đại làm Đốc-quân Hiệu-Úy, đem quân đánh phá được được thăng Thái-thú Lư-Lăng. Khi ấy thay Bộ-Chất làm Thứ-sử Giao-Châu. »
  20. K. Đ. V. S. chép là « năm 11 hiệu Xích Ô ».
  21. « Lục-Dận người Ngô-quận, cháu-họ Lục-Tốn bên Ngô. Bắt đầu làm Tuyển-Tào-Lang; sau làm Đốc-quân đô-úy ở Hành-Dương. Đến khi giặc Mường ở Cửu-Chân đánh mất thành ấp. Giao Châu nao-núng, chúa Ngô bèn cho làm Thứ sử Giao-Châu » (K.Đ.V.S)
  22. K Đ V.S. chép là « Thái Bình Hoàn-Vũ Ký »— Lời phê của vua T. Đ: « Con gái nước Nam ta, có nhiều người hùng lạ: Triệu Ẩu cũng là vào hạng hai bà Trưng! Kìa « Thành phu-nhân, » « Quân Nương-Tử », chép trong sử Tầu, có chiếm cả lấy phần đẹp được sao? Chỉ có chuyện « vú dài ba thước » thì kể cũng quái-đản, đáng tức cười! » (K.Đ.V S cuốn III) — Đền bà Triệu hiện ở xã Phú-Điền, Huyện Mỹ-Hóa, tỉnh Thanh.
  23. K.Đ.V.S chép thêm: «... Có lần Tư bắt hơn nghìn thợ làm tay trong quận đưa về Kiến-nghiệp » (Kiến-Nghiệp, tức Nam-Kinh ngày nay, kinh-đô nước Ngô bấy giờ. Kim-Lăng, Thạch-đầu cũng là nơi ấy cả).
  24. K Đ.V.S. chép là « Mạt-Lăng ».
  25. K.Đ V.S. chép thêm: « Năm ấy Ngô cắt ra ba quận Nam-hải, Uất-Lâm, Thương-Ngô lập ra Quảng-châu, châu-trì đóng ở Phiên ngu; Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam Hợp-Phố làm Giao châu, châu-trì đóng ở Long-Biên. Giao, Quảng chia ra từ đấy ».
  26. Khi ấy Ngô chưa hàng với Tấn. Câu này chắc là lầm. Nên chép là « Lã-Hưng đã hàng với Tấn » thì đúng hơn.
  27. K.Đ.V.S. chép là: « ... Hoắc-Dặc dâng biểu xin cho Dương-Tắc sang thay ».
  28. K.Đ.V.S. chép là: « ... Cùng với Tiền bộ Đốc-quân là Tu-Tắc ».
  29. K.Đ.V.S. chép là: «... Tắc sai Tướng-quân là Mao-Đổng-Nguyên, Nha-môn là bọn Mạnh-Cán, Mạnh-Thông, Lý-Tùng, Vương-Tố Xán-Năng, từ Thục sang Giao Chỉ, phá được quân Ngô ở Cổ-Thành... »
  30. K.Đ.V.S. chép là « tháng mười một ».
  31. K.Đ.V.S. chép thêm: « Húc vì cớ đường biển không được thông-lợi, giết viên tướng hướng-đạo là Phùng-Phỉ rồi đem quân về. Chúa Ngô cho Húc là phạm tội giết bậy và thiện tiện lui quân, cùng với Từ-Tồn đều phải chết chém ».
  32. « Đào Huỳnh quê ở Mạt-Lăng thuộc Đan-Dương » (K.Đ.V.S.)
  33. K.Đ.V.S. chép là « Lương Kỳ ».
  34. K.Đ.V.S. chép thêm: « ... Huỳnh nghe tin Hệ bị giết, lập-tức đem quân đánh gấp, bèn phá được châu-trì, bắt được bọn Dương Tắc, Mao-Cảnh. Rồi đó Cảnh mưu đánh úp Huỳnh. Việc phát-giác, Huỳnh liền bắt giết đi. Còn bọn Tắc thì cầm tù đưa về bên Ngô. Tắc đến Hợp-Phố, ốm mà chết, chỉ có bọn Mạnh-Cán, Lý-Tùng, Xán-Năng là tới Kiến-Nghiệp. Cán trốn về Tấn, Tấn cho làm Thái-Thú Nhật-Nam. Tùng, Năng đều bị Ngô giết...
  35. K.Đ.V.S. chép thêm: « Thế là Ngô lại lấy được Giao-Chỉ, và chia đất ra đặt thêm quận Tân-Xương ». Và chua: « Theo Hồ-Tam-Tỉnh thì Tân-Xương tức Phong-châu; nay là đất tỉnh Sơn-Tây ».
  36. K.Đ.V.S. chép là: « Tấn tặng Tắc. chức Giao-châu Thứ-sử; con của Tùng, Năng tức Lý-Tùng, Xán-Năng. Nha-môn của Dương, Tắc.
  37. K.Đ.V.S. chép là « Lê-Hoảng ».
  38. K.Đ.V.S. chép thêm: « Thế rồi giữ thành không chịu hàng. »
  39. « . Và chức Giao-Châu Mục. » (K.Đ V.S.)
  40. Vũ-Ninh, K.Đ.V.S. chép là Vũ-Bình, và chua: «Vốn là đất huyện Phong-Khê, đến Ngô mới chia đặt làm quận, gồm 7 huyện. Tùy bỏ tên quận, đổi là huyện Long-Bình. Đường đổi là huyện Vũ-Bình, rồi lại đổi là Đằng-Châu. Đinh,Lê đổi là phủ Thái-Bình. Trần đổi là Khoái-Lộ. Lê đổi làm hai phủ Tiên-Hưng, Khoái-Châu. Nay là đất tỉnh Hưng-Yên. Cửu-Đức, xưa là đất của họ Việt-Thường. Ngô mới đặt làm quận, gồm 8 huyện. Tấn, Tống Tề để theo Lương bỏ quận đổi làm huyện, cho thuộc về Nhật-Nam. Đường đổi cho thuộc về Hoan-Châu. Nay là đất tỉnh Hà-Tĩnh.»
  41. K.Đ.V.S. chép là: «hợp với quận Cửu-Chân... »
  42. Tu-Nguyên K D.V S. chép là «Tu-Doãn»
  43. K.Đ.V.S. chép việc này là vào năm Canh-Tý, năm đầu hiệu Thái-Khang bên Tấn (280).
  44. K.Đ.V.S. chép thêm «Khi ấy Tấn đã bình được Ngô, bớt quân ở các châu, quận (sử cũ chép: «mộ quân của Giao-châu» là nhầm) Đào-Huỳnh dâng sớ nói rằng: «Giao-Châu khuất-nẻo riêng một miền, chen vào giữa núi và biển, ngoài cách với Lâm-Ấp ​chỉ có bẩy trăm dậm, (sử cũ chép « vài nghìn dậm» là lầm. Tướng Mường là Phạm-Hùng mấy đời làm giặc lẩn-lút, thường cướp phá trăm họ. Lại kết liên với Phù-Nam, hăng vào quấy rối: nào đánh phá quận-huyện; nào giết hại quan, dân... Tôi khi xưa được nước cũ kén dùng, đóng quân ở miền Nam có hơn mười năm. Tuy trước sau đánh dẹp, giết được bọn cừ-khôi; nhưng trong núi, thẳm, hang cùng, vẫn còn có những quân nấp-náu. Vả lại đám quân của tôi coi, vốn có hơn tám nghìn người. Đất miền Nam nóng ẩm, phần nhiều có khí-độc. Lại thêm liên năm đánh dẹp, chết mòn mãi đi, hiện nay còn có hai nghìn bốn trăm hai mươi người. Nay bốn biển hỗn-đồng, không đâu là không thần phục. Cố-nhiên nên cuốn giáp, bỏ gươm chăm về lễ, nghĩa. Nhưng người trong châu này, chán chuyện yên vui thích gây họa-loạn! Lại bờ biển phía nam Quảng-Châu vòng quanh hơn sáu nghìn dặm, không chịu tòng-phục đến hơn năm vạn nhà! Cùng với những bọn bất-kham ở Quế Lâm cũng đến vạn nhà nữa! Đến như bọn chịu gánh vác việc quan, chỉ có hơn năm nghìn nhà. Môi răng của hai châu, vững được chỉ trông nhờ quân lính. Lại Ninh Châu. Hưng Cổ, tiếp ​giữ thượng lưu, cách quận Giao-Chỉ nghìn sáu trăm dậm. Đường thủy, đường bộ đều thông. Giữ gìn lẫn cho nhau. Quân trong châu chưa nên rút bớt, để tỏ ra vẻ mảnh rẻ, trống-rỗng ... « Vua Tấn nghe lời Huỳnh.»
  45. K.Đ.V.S. chép là:« làm Giao-châu thứ-sử và Nam trung Đô-Đốc ».
  46. K Đ V S chép: « Cơ là cha Huỳnh ».
  47. Theo sử của Ngô-thời-Sĩ thì: «Khi ấy người Trường-Sa là Vương-Cơ, cùng với tướng giặc ở Thục là Đỗ Hoằng, tú-tài ở Giao-châu là Lưu-Trầm, cả bọn cùng làm phản. Khản sai viên Đốc-bạ đánh phá được chúng, chém Cơ, bắt sống Lưu-Trầm. Vì công ấy nên Khản được thêm chức này ».

    « Đào-Khản. quê ở Ba-Dương. Vương-Cơ theo sử Tấn thì: Cơ quê ở Trường-Sa. Cha là Nghị làm thứ-sử Quảng-châu, rất được lòng ​dân. Sau người Quảng-châu đón Cơ làm thứ-sử. Gặp khi dư-đảng giặc Thục là Đỗ-Hoằng đút vàng cho Cơ, xin đánh quân giặc ở Quế-Lâm để lấy công chuộc tội. Cơ vì Hoằng bầy-tỏ với Triều-đình. Vương-Đôn cho Cơ là tay khó trị; lại vì có công thu hàng Đỗ-Hoằng, cũng muốn mượn Cơ đánh Lương-Thạc, bèn đổi Cơ sang làm thứ-sử Giao-châu. Thạc nghe tin, sai con sang đón Cơ ở Uất-Lâm. Cơ giận nó đến chậm, mắng rằng: « Đợi khi tới châu, sẽ cho bắt và tra tấn! » Con Thạc sai người đi gấp về báo tin với Thạc. Thạc nói: « Cậu Vương đã làm hỏng Quảng-châu, sao có thể lại đến đây phá hại Giao-châu! » Bèn cấm người trong châu không được đi đón. Viên Tư-mã ở phủ là Đỗ-Tá vì cớ Thạc không đón Cơ, đem quân đánh Thạc, bị Thạc đánh thua. Thạc sợ các Kiều dân theo Cơ, bèn giết hết những người giỏi trong bọn ấy, và tự nhận lấy chức thứ-sử Giao-châu. Cơ đã bị Thạc chống lại, bèn sang Uất-lâm. Khi ấy Đỗ-Hoằng cả phá được giặc ở Quế-lâm, trở về gặp Cơ ở giữa đường. Cơ khuyên Hoằng lấy Giao-châu. Hoằng vốn có ý ấy, bèn cầm lấy cờ tiết của Cơ mà rằng: « Ta nên cầm sỉ lượt nhau, chứ cầm một mình sao xong! » Cơ bèn cầm cờ tiết trao cho. Thế rồi Cơ cùng Hoằng ​và bọn Ôn-thiệu, Lưu-Trầm cùng làm phản. Liền đó Đào Khản đến Quảng châu, đánh giết Ôn-thiệu, Lưu-Trầm trước. Lại sai viên Đốc-hộ đánh Cơ. Cơ chạy chết. Khản cho quật mả lên, chém lấy đầu, » (K.Đ.V.S.)

  48. K . Đ , V . S. chép tên vua Lâm-Ấp khi ấy là Phạm-Phật, và chua: « Lâm-Ấp xưa thuộc về đất nước họ Việt Thường Đến Tần là huyện Lâm-Ấp, thuộc Tượng quận. Hán đổi là huyện Tượng-Lâm, cho thuộc quận Nhật-Nam. Cuối đời Hán, con viên công-tào huyện ấy là Khu-Liên giết viên Huyện-lệnh, tự lập làm vua nước Lâm Ấp. Về sau tuyệt-tự, cháu ngoại là Phạm Hùng lên thay, và truyền ngôi cho con là Dật. Đầy tớ Dật là Phạm Văn, dậy Dật xây thành, đào hào, dựng cung-điện, chế tạo các khí-giới đánh trận Dật tin yêu nó. Khi Dật chết, Văn cướp ngôi. Văn chết, con là Phật nối. Phật chết, cháu là Hồ-Đạt lập. Đến cháu năm đời là Văn-Địch bị con vua nước Phù-Nam là Đương-Côn-Thằng (Thằng có bản chép là Thuần) giết chết. Đại-thần là Phạm-Chư-Nông dẹp loạn ấy, tự lập làm vua. Chư-Nông chết, con là Dương-Mại nối. Dương-Mại chết con là Đốt nối, lại lấy tên là Dương-Mại, thường sang lấn Nhật Nam. Vua Tống sai Đàn-Hòa-Chi sang đánh. Dương-Mại sợ, ​sai sứ vào chầu và nộp cống. Về sau không chịu thần-phục nữa. vua Tùy sai Lưu-Phương sang đánh Chúa nó là Phạm-Chí sai sứ sang tạ tội. Trong đời Trinh Quán nhà Đường, vua nó là Đầu-Lê chết, con là Trấn-Long bị thí. Người trong nước lập con cô Đầu Lê là Gia-cát-Địa làm vua, Đổi tên là nước Hoàn-Vương, thường sang quấy rối. Viên An-Nam đô-hộ là Trương-Chu đánh phá được Bèn bỏ Lâm-Ấp,dời nước sang Chiêm, gọi là nước Chiêm-thành. Từ khi các thánh triều ta (Nguyễn) mở nền, hỗn nhất bờ cõi, đo ấp Lạc bằng nền đất; bói sông Hà bằng rùa thiêng; nào ải Hải-Vân, nào đèo Hoành lĩnh nào biển Thuận-An, nào núi Thương-Sơn, đều là những khu sâu kín trong Kho-trời ... Rồi thì đóng đô ở đó, mà phận lộng-lẫy của thanh-danh, văn vật các đời trước không đời nào sánh tầy!. Hiện nay, ở Thừa thiên thì thành Phật-thệ, ở Bình-Định thì thành Đồ-bà, đều là những dấu cũ, đô xưa của ChiêmThành cả. »
  49. Sử Tống chép: «Nguyên Thái-thú Cửu Chân là Lý-Tốn có sức-khỏe và quyền-thế oai danh lừng-lẫy châu Giao! Nghe tin Thứ-sử là Đằng-Độn-Chi sắp tới, sai hai con chia nhau ngăn dứt các nơi hiểm-yếu của các đường thủy, lục. Viện thu quân lại chém ​được Tốn, trong châu mới được yên. Vua Tấn thăng Viện làm Long-Nhương Tướng-quân.»
  50. K.Đ.V.S. chép là Ninh-Phố.
  51. Hồ-Đạt có bản chép Tu-Đạt.
  52. Lương-sử chép: «Vua Lâm-Ấp là Phạm-Hồ-Đạt cướp Nhật-Nam, bắt Thái-thú là Cảnh-Nguyên; lại tiến sang cướp Cửu-Đức, bắt Thái-thú là Tào-Bích, Thái-thú Giao-chỉ là Đỗ-Viện sai Đốc-hộ là Đặng-Dật đánh phá được. Vua Tấn lập tức cho Viện làm Thứ-sử.»
  53. K.Đ.V S. chép thêm: «Nguyên trước Tuần theo Tôn-Ân làm giặc. Ân chết, Tuần hàng Tấn, được làm Thứ-sử Quảng-Châu. Đến khi ấy lại làm phản, bị tướng của Lưu Dụ là Lưu-Phiên đánh thua, bèn chạy sang Giao-Châu. » Nhưng không chép Tuần là Thái-thú Vĩnh-Gia.
  54. Tên trấn, ở Tây-Nam phủ-trì Giao-Châu. » (K.Đ.V.S.)
  55. K.Đ.V.S. chép thêm: «Em Tuệ-Độ là Tuệ-Kỳ, Thái-thú Giao-Chỉ, và Chương-Dân Thái-thú Cửu-Chân, đều đốc-thúc các quân thủy, bộ. Còn Tuệ-Độ thì tự lên chiếc thuyền cao đánh lộn với Tuần...» và chua: «Tuệ-Độ là con thứ năm của Viện».
  56. Lương-sử chép: «Vua Lâm-Ấp là Phạm ​Hồ-Đạt lại cướp Cửu-Chân, Tuệ-Độ đánh phá được, chém con nó là Giao-Long-Vương Nhân-Tri, cùng tướng nó là bọn Phạm-Kiện bắt sống con nó là bọn Na-Năng hơn trăm người».
  57. «... Và dâng nộp voi lớn, bạc, vàng cùng ngọc Cát-bối v. v...» (K.Đ.V.S.)
  58. «... Bèn sai Trưởng-sử là Giang-Du dâng biểu báo tin được trận với vua Tống. » K.Đ.V.S.)
  59. K.Đ V.S. chép thêm: «Hoằng-Văn cũng được lòng dân vì tính khoan-hòa, và được tập tước Long-Biên hầu.» và chua: «Hoằng-Văn là con cả Tuệ-Độ. Nguyên trước Tống Vũ-đế sang đánh miền Bắc. Tuệ-Độ tâu xin cho Hoằng-Văn làm Thái-Thú Cửu-Chân. Đến khi ấy lại kế làm Thứ-sử.»
  60. K.Đ.V.S. chép: « Lâm-Ấp vào cướp Cửu-chân. Thứ-sử Giao-châu là Nguyễn-Dy-Chi đánh không được, đem quân về ».— Sử-Ký của Ngô-Thời-Sỹ chép: « Khi ấy vua Lâm-Ấp là Phạm Dương-Mại sai hơn trăm thuyền lầu vào cướp Cửu-Chân, vào cửa biển Tứ-Hội. Thứ-sử Giao-châu là Nguyễn-Dy-Chi sai đội-chủ là Tưởng-Đạo-Sinh đem quân sang đón, đánh thành Khu-Túc không được, rồi kéo về. Nguyên từ khi Thứ-sử ​Đỗ-Viện mất, Lâm-Ấp không năm nào là không vào cướp các quận Cửu-Chân, Nhật-Nam, giết hại rất nhiều. Giao-Châu vì thế yếu dần. Sang đầu hiệu Nguyên-Gia Dương-Mại lấn cướp càng dữ Hoằng-Văn toan cất quân sang đánh. Nghe tin có người sang thay bèn thôi. Tới khi ấy chúng lại nghiêng nước vào cướp. Biên cương thành ra lắm chuyện ».

    (Thành Khu-Túc ở phía Bắc Chiêm-Thành. Sách Thủy-Kinh chú nói: « Sông Lô-Dong phát nguyên từ huyện Lô-Dong, quận Nhật Nam, phía Nam thành Khu-Túc, phía Đông rẫy núi cao; chẩy qua phía Bắc thành Khu-Túc. » Binh-khí và chiến-cụ của Lâm-Ấp ở cả trong thành ấy. Sau Đàn-Hòa-Chi từ đồn Chu-Ngô tiến lên vây Phạm-Phù-Long ở thành Khu-Túc, tức là đấy). (Lời chua ở K.Đ.V.S.)

  61. K.Đ.V S. chép thêm: « Năm ấy vua Tống cho Hữu-quân Tham-quân là Lý-Tú-Chi làm Thứ-sử châu Giao
  62. K.Đ.V S. chép là: «Bính-tuất, năm 23 hiệu Nguyên-Gia bên Tống» (446)
  63. K.Đ.V S. chép thêm: «Nhưng Dương ​Mại mê-hoặc về lời can gián của viên đại-thần là Đốc-Tăng-Đạt lại thôi»...
  64. K.Đ.V.S. chép thêm: «Lại tiêu hủy các người vàng, được vài chục vạn cân vàng và chua:

    « Hòa-Chi quê ở Kim-Hương thuộc Cao-Bằng. Sau năm thứ 3 hiệu Hiếu-Kiến, dời sang Thứ-sử Duyện-châu, bị mất quan về tội say rượu và ăn tiền. Khi ốm thấy ma mường ám ảnh rồi mất. Đồn Chu-Ngô ở phía Bắc Chiêm-Thành. Tượng-Phố tên huyện ở Tây Bắc Chiêm-Thành, vốn là huyện Tượng Lâm đời Hán, thuộc quận Nhật-Nam. Đời Tùy trong niên hiệu Đại-Nghiệp đổi cho thuộc về quận Lâm-Ấp. Người vàng; theo sự Tống thì tục Lâm-Ấp theo đạo « Ny-Càn », đúc những tượng người bằng vàng, bằng bạc lớn bằng mười chít ».

  65. K.Đ.V.S. chép thêm « ... lấy tư-cách tạm-lĩnh chức Thái Thú Vũ-bình... »
  66. Ngô-Thời-Sĩ bàn rằng: « Về việc này, vua Tề đã không biết dùng hình-phạt. Thúc Hiến là bà con của kẻ bạn-thần, cầu-cạnh chức Châu-mục. Uy-lệnh chưa được người theo thì xin Triều-đình bổ Thứ-sử sang. Đã được sắc-mạnh rồi, thì cự với viên Thứ-sử trước ở Uất-Lâm. Trong khi chống-cự ấy, vua Tề lại trao cho chức Thứ-sử thật!... Đã ban ​cho cờ tiết, lại bỏ đứt cống-hiến!... Kịp khi Lưu-Khải vâng mạnh tiến đánh, lại nghe cho tắt đường vào chầu, không thấy đem phép nước mà trừng-trị Về sau Đăng-Chi cũng thế. Thưởng phạt như thế, lấy gì để tỏ rõ thể nước, thu phục lòng người?

    K.Đ.V.S. chua: « Nam khang, Lư Lăng, tên hai quận, thuộc Giang-Châu, Thủy-Hưng cũng tên quận thuộc Tương-châu. Tương-châu xưa là Kinh châu, Tấn tách ra 8 quận đặt làm Tương-châu nay thuộc Hồ-Nam. » và chép thêm:

    « Mậu Thìn năm thứ 6 hiệu Thừa-Minh bên Tề (468) mùa Hè, tháng sáu, vua Tề cho thái-thú Thủy Hưng là Phòng-Pháp-Thặng làm Thứ-sử Giao-châu ».

  67. Lý-Nguyên-Khải K.Đ.V.S. chép là «Lý-Khải».
  68. K.Đ.V.S. chép thêm: «còn bao nhiêu dư-đảng, vua Lương đều xá cho hết.»—« Quý Mão, năm thứ 4 hiệu Phổ-Thông, bên Lương (523) vua Lương chia Giao-Châu ra, đặt thêm Ái-châu. »— Theo Sử-Ký của Ngô-Thời-Sỹ: «Từ sau đời Hán, lấy châu gồm quận. Sáu triều vẫn theo thế. Phàm gọi là Giao-châu, là nơi Thứ-sử đóng, coi bẩy viên Thái-thú các quận. Các Thái-thú các quận không được xưng Châu.»

    ​Và chua: «Ái-châu tức là đất quận Cửu-Chân.»

  69. Canh-Thân, theo K.Đ.V.S. thì là năm thứ 6 hiệu Đại-Đồng bên Lương. (540).